Làm giàu khác người: Heo “ngậm” 3 sổ đỏ chủ mới thành tỷ phú
Ở làng Tùng Chánh ( xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Sang (SN 1971) khá nổi tiếng bởi “độ liều” và câu chuyện kỳ tích mà họ đã cùng nhau làm nên để trở thành tỷ phú nuôi heo.
Để trở thành tỷ phú như hôm nay họ đã từng lâm cảnh nợ nần chồng chất, phải tính bán đất đai, vườn tược…để trả nợ. Hành trình của vợ chồng anh Sang quả là làm giàu khác người.
Thương vợ lặn lội gánh hàng rong
Tiếp chúng tôi bằng tách trà nóng, nông dân Nguyễn Ngọc Sang kể vắn tắt cuộc đời mình, vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó, năm 1991 anh lập gia đình, thời điểm ấy quà cưới của 2 vợ chồng gom góp chỉ đủ 1 chỉ vàng. Sau đám cưới, anh lấy số tiền này mua được một con nghé với mong muốn phát triển kinh tế gia đình nhưng chỉ vài ngày sau, con nghé bất ngờ đổ bệnh và chết.
Nông dân Nguyễn Ngọc Sang đang tắm cho đàn heo ở trang trại. Ảnh: Dũ Tuấn
Cuộc sống lâm cảnh “thiếu trước hụt sau”, vợ chồng anh Sang phải tạm xa nhau thời gian để kiếm tiền nuôi 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. Anh Sang cần mẫn làm thợ mộc, vợ anh phải lặn lội vào Nam để bán hàng rong trang trải cuộc sống. Anh Sang kể: “Sau nhiều đêm trằn trọc, nghĩ thương vợ nên tôi quyết định khuyên vợ về quê, có rau ăn rau, có muối ăn muối, dù khổ cực nhưng sớm tối gia đình có nhau. Thế là, vợ tôi gật đầu đồng ý”.
Năm 2000, dành dụm được số vốn ít ỏi, vợ chồng anh Sang mua được 3ha đất ở làng Tùng Chánh và bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp với 500 con gà. Nuôi lứa đầu tiên, anh vui mừng khi thu được 23 triệu đồng nên mạnh dạn đầu tư nuôi lứa tiếp theo với 3.000 con. Thế nhưng, lần này vợ chồng anh không gặp may, giá gà ở thị trường vào thời điểm đó quá rẻ khiến anh lỗ gấp 3 lần số tiền lãi ban đầu.
Anh Nguyễn Ngọc Sang bên một khu chuồng chăn nuôi heo của gia đình. Qua đợt dịch tả lợn châu Phi, giá heo hơi liên tục tăng giúp nghề nuôi heo của vợ chồng anh Sang thuận lợi.
Theo anh Sang, mặc dù thua lỗ nhưng vợ chồng anh vẫn không nản chí. Được Hội Nông dân huyện tập huấn về kỹ năng, Hội Nông dân xã Cát Hiệp hướng dẫn vay vốn ngân hàng, anh bắt tay vào việc trồng điều, nuôi gà, lợn.
“Sau nhiều năm chăn nuôi và thu hoạch điều thành công, năm 2013 vợ chồng tôi quyết đầu tư trang trại quy mô với số tiền gần 4 tỷ đồng. Đây là khoảng thời gian khiến tôi vất vả cực kỳ khi phải tìm kiếm thị trường, nguồn thức ăn, con giống… Chưa kịp đứng vững thì trang trại bất ngờ thua lỗ đến 3 tỷ đồng khi hàng trăm con lợn thịt phải bán tháo vì giá lợn giảm không phanh, chỉ còn 22.000 đồng/kg hơi” – anh Sang buồn bã nói.
Mang 3 sổ đỏ cầm cố
Video đang HOT
Sau trận thua lỗ tưởng chừng như không còn đường thoát thân, vợ chồng anh Sang quyết định mang 2 sổ đỏ của gia đình và mượn thêm 1 sổ đỏ của anh em họ hàng để cầm cố ngân hàng với mong muốn vực dậy trang trại đang nằm chờ chết.
Anh Sang nhớ lại: “Cầm 3 sổ đỏ đi cầm cố, chân tay tôi run cầm cập, nói không ra tiếng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng lần này phải thành công, nếu không thành công thì chắc phải bán đất, vườn tược mới mong trả hết số nợ đang gánh trên vai”.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên đàn heo, vợ chồng anh Sang luôn vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong và ngoài khu trang trại nuôi heo.
Giải tỏa được cơn khát vốn, gia đình anh Nguyễn Ngọc Sang chú tâm hơn vào việc chăn nuôi, anh đặt vấn đề phòng bệnh cho vật nuôi lên hàng đầu. Cửa ngõ ra vào trang trại được quản lý rất nghiêm ngặt, rất khó để người lạ tự ý vào mà chưa được sự đồng ý hoặc thực hiện nội quy bắt buộc được chủ trang trại đặt ra.
“Tôi ưu tiên hàng đầu việc chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Bởi thực tế, nếu như vật nuôi sinh trưởng tốt gặp thị trường giá rẻ thì cũng vớt vát được chút ít” – anh Sang nói. Sau nhiều năm gây dựng, năm 2018 với diện tích 3ha đất gia đình anh Sang trồng điều, nuôi 120 con lợn sinh sản, 500 con vịt lai Pháp và 3.000 con gà/lứa, 400 lợn thịt/lứa với 3 lứa/năm. Mỗi năm, tổng doanh thu của trang trại lên đến hơn 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lại lãi hơn 3 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng anh Sang không chỉ là nơi thăm quan, học hỏi của bà con nông dân mà còn là địa chỉ thực tập của sinh viên ngành nông nghiệp.
Hiện tại, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động có bằng cấp từ trung cấp, cao đẳng trở lên với lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng/người. Ngoài ra, gia đình anh Sang còn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các nông dân khác học hỏi, mỗi năm giúp 12 hộ dân thoát nghèo bền vững, giải quyết 7 lao động mùa vụ khi thu hoạch, chăm sóc điều.
“Có gần 10 sinh viên ở tận Quảng Nam, Huế… mỗi năm cũng lặn lội vào thực tập tại trang trại, gia đình tôi lo ăn ở cho các cháu yên tâm học tập. Dự định, sắp tới tôi sẽ mở rộng quy mô làm ăn lớn gấp 2 lần diện tích nuôi hiện tại, hy vọng hướng đi này sẽ thành công” – anh Sang cho biết.
Vào thực tập ở trang trại anh Nguyễn Ngọc Sang được gần 1 tháng, sinh viên năm cuối chuyên ngành chăn nuôi của Đại học Nông Lâm Huế Thân Bá Phước đã dần làm quen với công việc hàng ngày và học được nhiều câu chuyện bổ ích từ thực tế. “Vợ chồng chú Sang cũng rất tốt bụng, hỗ trợ chỗ ăn ở tại chỗ, em cảm giác ở đây rất thoải mái, giống như người trong nhà” – Bá Phước nói
Năm 2010, nông dân Nguyễn Ngọc Sang vinh dự nhận giấy khen của UBND huyện Phù Cát; năm 2017 nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài ra, anh Nguyễn Ngọc Sang từng nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; từ năm 2015-2018 là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Theo Danviet
Quỹ HTND: Động lực để nông dân liên kết sản xuất, làm giàu
Đó là ý kiến đánh giá chung của nhiều đại biểu tại hội nghị tập huấn và tọa đàm trao đổi về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Hội nghị do Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương thuộc Trung ương Hội NDVN tổ chức ngày 6/9, tại TP.Cần Thơ.
Dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đến từ Hội ND 21 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam và tỉnh Kon Tum.
Nguồn quỹ liên tục tăng trưởng
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND của cả nước đã đạt hơn 3.284 tỷ đồng, tăng hơn 2.737 tỷ đồng so với 31/12/2010.
Nông dân quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) trồng cam thoát nghèo từ nguồn vốn Quỹ HTND. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương cho biết: Thời gian qua, Quỹ HTND đã được các cấp Hội trong cả nước quyết tâm xây dựng, đẩy mạnh. Tại nhiều địa phương, các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền thực hiện tốt các nội dung Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011-2020", đã đưa nguồn vốn Quỹ HTND từ hơn 500 tỷ đồng (trước khi thực hiện đề án) đến nay đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2010.
"Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng vạn lượt hộ hội viên, nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Qua đó, thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, công tác hội và phong trào nông dân được đẩy mạnh, nâng cao năng lực, vai trò, vị trí Hội ND trong hệ thống chính trị và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới... Các tỉnh, thành làm tốt công tác vận động tăng trưởng vốn từ ngân sách là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam, Lai Châu...
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, hiện nay, phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân đã có bước chuyển mạnh, từ cho vay nhỏ lẻ theo hộ, quy mô nhỏ sang cho vay theo dự án. Việc làm này nhằm mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, cách làm này cũng giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Hiện nay, mức vay quỹ đã được nâng từ 50 triệu đồng/hộ lên đến 100 triệu đồng/hộ, đối với dự án có thể vay từ 300 triệu đến đối đa 2 tỷ đồng, thời gian vay tuỳ vào loại hình sản xuất, kinh doanh. Quá trình xét duyệt cho vay phải qua 6 bước, trong đó bước lựa chọn mô hình, dự án để cho vay được xem là quan trọng nhất.
Ưu tiên hỗ trợ các dự án, mô hình hợp tác
Bên cạnh những những đơn vị làm tốt công tác vận động phát triển, quản lý nguồn vốn Quỹ HTND có hiệu quả, theo Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương, vẫn còn một số đơn vị bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về công tác phát triển nguồn vốn, vận động tăng trưởng khá tích cực nhưng không đều giữa các địa phương trên cả nước và giữa các tỉnh, thành Hội trong từng vùng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng chủ yếu do ngân sách cấp, trong khi vận động ủng hộ, đóng góp vốn quỹ nguồn ngoài ngân sách rất tiềm năng nhưng kết quả còn khiêm tốn.
Về công tác cho vay, việc lựa chọn, xây dựng mô hình chưa thực sự điển hình, chưa đa dạng, còn dàn trải, chưa tạo được sự liên kết thực sự chặt chẽ giữa các hộ tham gia vay vốn nên một số nơi có xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Về công tác quản lý, một số nơi sổ sách theo dõi hoạt động quỹ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của Bộ Tài chính.
Về phương hướng phát triển trong giai đoạn 2018 - 2023, Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương xác định, nguồn vốn sẽ tăng trưởng bình quân từ 10%/năm trở lên. 100% cơ sở Hội có mô hình vay vốn Quỹ HTND. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý điều hành Quỹ HTND. Phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng làm tốt dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân.
Xây dựng phần mềm quản lý chung
"Quỹ HTND TP.HCM có 170 tỷ đồng, hỗ trợ cho nông dân phát triển các lĩnh vực như rau, cây kiểng, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi kiến nghị, thay vì cho vay hộ thì nên cho vay theo dạng cá nhân, nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý Quỹ HTND chung cả nước.
Ngoài ra, đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011- 2020" sắp hết hạn, cần có hướng dẫn để các địa phương có kế hoạch cho giai đoạn sau. Hiện nay, nông dân áp dụng mạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng gia sản xuất cần nhiều vốn nên tăng cường thêm nguồn vốn cho quỹ nông dân".
Ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM
Nâng mức vay đối với trang trại, HTX
"Tổng nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh Bình Dương là 140 tỷ đồng. Chúng tôi cho vay 338 dự án tương đương với 338 tổ hợp tác, những tổ hợp tác này phát triển rất thuận lợi. Đặc biệt, Hội ND tỉnh Bình Dương chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức vốn cho vay đối với các trang trại, hợp tác xã (có thể tính đến việc cho vay theo hình thức thế chấp). T.Ư Hội NDVN nên tổ chức cho nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài, kinh phí các địa phương tự lo".
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung-Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương
Bà con yên tâm tập trung sản xuất
"Các mô hình hỗ trợ vốn Quỹ HTND đều được thẩm định tốt. Sau đó, nhiều mô hình được nhân rộng, cụ thể từ 12 mô hình trước đây đã lên đến 113 mô hình với gần 25.000ha. Các mô hình phần lớn thực hiện theo chuỗi giá trị, bà con chỉ lo sản xuất. Quỹ HTND của thành phố không nhiều, chỉ ở mức 24 tỷ đồng, trong đó cấp T.Ư ủy thác là 5,7 tỷ đồng, nguồn vốn thành phố được 8 tỷ đồng, hàng năm, UBND thành phố bổ sung thêm 2 tỷ/năm, còn lại các quận, huyện quản lý khoảng 10 tỷ đồng.
Số hội viên vay vốn là trên 36.000 hộ, chiếm hơn 1/3 số hội viên hội ND, chưa phát sinh nợ quá hạn. Số vốn Quỹ HTND vẫn còn quá ít so với nhu cầu, chỉ ở dạng tiếp sức, chu kỳ vay còn ngắn, bà con khó khăn khi sử dụng vốn này. Vì vậy, cần nguồn vốn lớn hơn...".
Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ
Theo Danviet
An Giang: Tỷ phú nuôi 2.000 tấn cá tra/năm, giàu có để làm từ thiện Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Ngô Văn Đậu (tên thường gọi Tám Đậu, SN 1963, ngụ ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) còn giỏi trong việc làm từ thiện, giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Thu tiền tỷ từ con cá tra Sau nhiều lần hẹn, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN...