Làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?
Trẻ bị dị ứng thức ăn có thể xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn. Nếu không biết cách xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.
Khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với protein có trong thức ăn sẽ khiến cơ thể bị dị ứng. Tình trạng này có thể biểu hiện dưới nhiều triệu chứng và mức độ. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng dễ bị dị ứng hơn người lớn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm thế để xử lý khi trẻ bị dị ứng thức ăn.
1. Dị ứng thức ăn ở trẻ là gì?
Khi hệ thống miễn dịch của trẻ phản ứng với dị nguyên có trong thức ăn, cơ thể sẽ biểu hiện ra bên ngoài với các triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên vì cần có thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch nên ít khi trẻ bị dị ứng thức ăn ở lần đầu tiếp xúc.
Tình trạng này thường hay gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng (atopy). Nồng độ kháng thể IgE trong máu của những trẻ này cao hơn bình thường. Chúng thường xảy ra ở những trẻ có bố, mẹ hoặc anh chị có cơ địa dị ứng. Ngoài ra những trẻ mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa và mày đay hay hen phế quản cũng dễ bị dị ứng thức ăn hơn.
Trẻ em dễ bị dị ứng thức ăn hơn người lớn (Ảnh: Internet)
Những dị nguyên (allergen) có trong đồ ăn khi được hấp thụ vào máu sẽ gắn kết vào kháng thể IgE. Chúng kích thích tế bào bạch cầu và tế bào mast, từ đó giải phóng các chất như histamin, serotonin… gây các triệu chứng.
2. Biểu hiện của trẻ bị dị ứng thức ăn
Như đã nhắc đến ở trên, các triệu chứng dị ứng có thể xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn với nhiều biểu hiện ở nhiều cơ quan trên cơ thể như:
Video đang HOT
- Nổi ban trên da. Các nốt ban đỏ và ngứa ở khu vực trong và quanh miệng hoặc toàn thân.
- Phù nề ở môi, quanh mắt hoặc toàn mặt.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
- Ngứa mắt, ngứa mũi.
- Chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngạt mũi.
Phù nề ở mặt là một triệu chứng của dị ứng thức ăn ở trẻ (Ảnh: Internet)
- Một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như phù thanh môn, co thắt phế quản như khó thở, thở rít, tụt huyết áp. Các triệu chứng tiến triển nhanh và nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Ngoài ra, có một số triệu chứng muộn như viêm da cơ địa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc phân nhầy máu sẽ xuất hiện vài ngày sau khi ăn đồ ăn có chứa dị nguyên.
3. Làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?
Nếu trẻ chỉ bị dị ứng nhẹ, các bậc phụ huynh cần ngừng ngay thức ăn gây dị ứng. Bên cạnh đó cũng có thể dùng các loại thuốc kháng histamin để giảm bớt các phản ứng như giảm nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù nề,…
Nếu các phản ứng trở nên nghiêm trọng, hãy ngừng ngay thức ăn gây dị ứng và đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng epinephrine tiêm tĩnh mạch. Sau đó sử dụng một trong 2 phương pháp: liệu pháp miễn dịch đường uống và Anti – IgE.
Ngoài ra, nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để làm một số xét nghiệm nhằm xác định chính xác loại thức ăn mà trẻ dị ứng.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng khi bạn nghi ngờ con mình dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như làm test dị nguyên trên da của trẻ hoặc làm xét nghiệm máu để xác định một cách chắc chắn thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.
4. Phòng tránh dị ứng thức ăn cho trẻ
Để phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:
- Thực hiện các xét nghiệm tìm dị nguyên và loại bỏ thức ăn gây dị ứng ra khỏi thực đơn của trẻ.
- Có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia và bác sĩ khi thêm thực đơn mới cho trẻ để tránh các dị ứng chéo có thể xảy ra.
- Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và luôn giữ nhà cửa sạch sẽ.
- Nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò có thể thay thế bằng sữa đậu nành, các loại sữa có nguồn gốc ngũ cốc hoặc sữa công thức dành riêng cho trẻ bị dị ứng.
- Đọc kỹ càng thành phần trước khi cho trẻ sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm được chế biến sẵn.
[Thuốc&Dinh dưỡng] Coi chừng dị ứng thức ăn ở trẻ
Dị ứng thức ăn là một trong những yếu tố tăng nguy cơ hoặc khởi phát hen suyễn ở trẻ. Trẻ bị dị ứng trứng có nguy cơ mắc hen suyễn cao gấp 4,6 lần trẻ không bị dị ứng.
Bệnh dị ứng nói chung bao gồm rất nhiều loại như suyễn, chàm, viêm mũi dị ứng, mề đay, phản vệ, dị ứng thức ăn...
Ảnh minh họa.
Dị ứng là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với những chất lạ. Khi bị dị ứng thực phẩm, hệ miễn dịch nghĩ rằng một số thực phẩm nhất định đang cố làm hại bạn cho nên thiết lập một phản ứng dị ứng để chống lại chúng. Dị ứng thường có tiền sử gia đình. Bố mẹ bị dị ứng như hen suyễn hoặc có cơ địa dị ứng hay viêm da cơ địa (chàm), trẻ sinh ra thường có nguy cơ bị dị ứng thức ăn.
Dị ứng thực ăn phổ biến ở trẻ em hơn ở người lớn. Tuy nhiên, trẻ em đôi khi sẽ vượt qua dị ứng thức ăn, đặc biệt là dị ứng với sữa, trứng hoặc đậu nành. Nhưng nếu bạn bị dị ứng thức ăn khi trưởng thành, chúng có thể sẽ theo bạn suốt đời. Những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ lớn và người trưởng thành là hải sản, cá, lạc, hạt vỏ cứng...
Tỷ lệ dị ứng thức ăn theo y văn thế giới là 2 - 8%, còn ở Đông Nam Á, theo thống kê của Singapore, Nhật Bản, tỷ lệ này ở nhóm trẻ nhỏ thường là 8 - 12,6%.
Trong hầu hết các trường hợp dị ứng thức ăn, các triệu chứng dị ứng nhẹ như phát ban hoặc đau bụng; nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.
Triệu chứng dị ứng thức ăn có thể xảy ra rất nhanh, chỉ trong vòng vài phút đến 1 - 2 giờ sau khi ăn như nổi mề đay, ói, hồng ban quanh miệng, viêm mũi, ho khò khè, tiêu chảy cấp. Nhưng đôi khi, các triệu chứng này diễn ra sau 1 tuần với biểu hiện như tiêu chảy, táo bón, chàm mạn, suy dinh dưỡng, triệu chứng hô hấp mạn tính. Cha mẹ có thể nghĩ con bị dị ứng thức ăn khi trẻ bị các phản ứng dị ứng lặp đi lặp lại với một loại thức ăn và hoàn toàn không liên quan đến lượng thức ăn ăn vào.
Đặc biệt, theo khuyến cáo của các chuyên gia dị ứng, 10 - 20% trẻ bị hen suyễn có dị ứng thức ăn, nguy cơ đó càng tăng cao khi có tiền sử gia đình kèm theo.
Khi trẻ dị ứng đi khám, bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi về bệnh sử và bất kỳ dị ứng thức ăn nào từng xảy ra cho từng thành viên trong gia đình và ghi lại mọi thứ trẻ ăn và bất kỳ phản ứng nào nếu có. Bác sĩ sẽ xem xét các khả năng khác có thể nhầm lẫn với dị ứng thức ăn, chẳng hạn như không dung nạp thức ăn.
Khi đã được chẩn đoán dị ứng thức ăn, trẻ tiếp tục thực hiện chế độ ăn kiêng, ngưng sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng; đồng thời cẩn thận với các thực phẩm mới chưa rõ thành phần.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh
Nhức đầu không phải chuyện nhỏ Nhức đầu có thể là cơn thoáng qua do căng thẳng nhất thời, cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm Các bác sĩ (BS) cảnh báo nếu nhức đầu lâu dài mà cứ cố giải quyết tạm thời bằng thuốc giảm đau, không những bệnh không hết mà còn hại gan, thận. Người lớn, trẻ nhỏ đều bị...