Làm gì khi bị ngộ độc ốc biển?
Mới đây, 3 thanh niên ở Khánh Hòa có biểu hiện ngộ độc, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt sau khi ăn ốc biển tự bắt. Sau đó, một người tử vong, 2 người đang cấp cứu. Vậy cần làm gì khi bị ngộ độc ốc biển?
Theo các chuyên gia, ốc biển là động vật thân mềm, ốc biển có rất nhiều loài. Đa số được sử dụng làm thực phẩm, tuy nhiên một số loài có độc tố có khả năng gây ra tình trạng ngộ độc nặng, diễn biến nguy kịch và dẫn đến tử vong.
Độc tố của ốc biển thường chỉ có ở tuyến nước bọt. Có những loài ốc luôn chứa chất độc gây ngộ độc cho người ăn, nhưng có một số loài ốc biển bình thường không gây ngộ độc cho người ăn nhưng có thể “đột nhiên” trở nên độc do chúng ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể hoặc có khi không rõ nguyên nhân.
Độc tố của ốc biển thường có 2 loại chính là Saxitoxin và Tetrodotoxin. Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám… và có thể có trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua, rạn.
Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và có trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển…
Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), sau khi ăn phải thức ăn được chế biến từ ốc biển có chứa độc tố (Tetrodotoxin hay Saxitoxin), triệu chứng ngộ độc cấp tính xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ.
Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi; có thể biểu hiện hội chứng về tiêu hóa; biểu hiện hội chứng thần kinh (tê, rát bỏng lan dần đến chân tay, kèm đau đầu, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, liệt, chóng mặt, rối loạn ý thức, hôn mê…); hội chứng hô hấp (khó thở, hô hấp nhanh, nông và ngưng thở…). Bệnh nhân suy hô hấp cấp, trụy tim mạch và dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố tetrodotoxin và saxitoxin.
Biện pháp chữa trị y khoa hữu hiệu nhất là kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân (nôn càng nhiều càng tốt), súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo, cho thở bằng máy.
Để phòng ngừa ngộ độc ốc biển các chuyên gia khuyến cáo, mọi người dân cần tránh tò mò cầm nắm, đụng chạm vào và tuyệt đối không sử dụng các loại ốc biển nghi ngờ có độc như các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (ốc ma) để chế biến thành thức ăn.
Khi sử dụng ốc biển làm thức ăn, phải sơ chế thật kỹ: ngâm, thả vào nước muối nhạt, nước vôi nhạt hoặc giấm ăn để kích thích ốc đào thải hết cặn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Khi ăn phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, ăn mà không qua sơ chế kỹ.
Nếu sau khi ăn bất cứ loại ốc biển nào mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn…, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn
Bất chấp những lời cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ món tiết canh, nhiều người vẫn sử dụng và phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.
Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, chi phí điều trị tốn kém, do đó các bác sĩ một lần nữa khuyến cáo người dân, nên tuân thủ bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi để chủ động phòng bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện E. Ảnh: Tâm Thanh
Rối loạn ý thức, hôn mê sau khi ăn tiết canh
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiếp nhận, điều trị thành công cho một thanh niên (29 tuổi, ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhiễm trùng huyết do liên cầu khuẩn lợn với triệu chứng rất nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, rối loạn ý thức, hôn mê, kích thích vật vã, xuất hiện hội chứng nhiễm trùng không có dấu hiệu, liệt thần kinh khu trú.
Trước khi nhập viện 3 ngày, tại bữa tiệc liên hoan của công ty, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, tự điều trị ở nhà nhưng không đỡ. Thậm chí, bệnh nhân còn có một cơn co giật gây mất ý thức toàn thân trong vòng 4-5 phút. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở Bệnh viện E.
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) cho biết, hằng năm tại khoa vẫn xuất hiện rải rác bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn với biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên.
Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên (đặc biệt là ở mũi), ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Streptococcus suis hiện có 35 type huyết thanh, trong đó type I và II thường gây bệnh cho người. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do có sự xâm nhập liên tục vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của vi khuẩn.
Tương tự, nhìn vào những hậu quả và di chứng của các bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - nơi tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn mỗi năm, mới thấy tác hại khủng khiếp từ thói quen không ăn chín, uống sôi. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, hầu hết các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn đều có tiền sử trước đó là ăn tiết canh lợn, hoặc thịt lợn chưa được nấu chín, lợn bị bệnh và mổ thịt lợn bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn thường diễn biến rất nhanh và nặng, nhiều ca tới viện đã rơi vào tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng nặng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề. Với người bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần. Có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị 2 tháng, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng tùy thuộc di chứng.
Ăn chín, uống sôi vô cùng quan trọng
Đề cập đến sự nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn, bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện E) cho rằng, bệnh thường tiến triển nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nhiễm liên cầu lợn còn có thể gây ra các bệnh khác nhau, như: Viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp... Thậm chí, ngay cả đối với những trường hợp được điều trị kịp thời, với kỹ thuật cao nhưng người bệnh vẫn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Đỗ Quốc Phong lưu ý, các biểu hiện lâm sàng của bệnh khi bị nhiễm trùng huyết, như: Sốt cao liên tục, rét run từng cơn, người mệt nhiều, có thể đại tiện phân lỏng nhiều lần, đau đầu, nôn, ù tai, giảm thính lực hoặc điếc, rối loạn tri giác, trên da xuất hiện ban kiểu tinh hồng nhiệt, ban xuất huyết chấm hoặc mảng.
Ngoài ra, người bệnh có thể còn bị đau khớp, viêm khớp thanh dịch, hoặc mủ, tổn thương đặc biệt các khớp lớn. Trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, hoại tử đầu chi và rối loạn chức năng đông máu. Vì vậy, khi có dấu hiệu của nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh cần phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau. Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, như xuất huyết hoặc phù nề; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; không mua bán, vận chuyển, mổ thịt lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Mọi người nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
Thêm vào đó, giữ các vật dụng chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc chế biến thịt lợn. Dùng các dụng cụ riêng để chế biến thịt sống và chín... Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, mổ thịt lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Thanh niên 29 tuổi ở Hà Nội hôn mê vì ăn tiết canh lợn Sáng 31/8, Bệnh viện E cho biết tiếp nhận, điều trị thành công cho bệnh nhân trẻ (29 tuổi, ở Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiễm trùng huyết do liên cầu khuẩn lợn với triệu chứng rất nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, rối loạn ý thức, hôn mê, kích thích vật vã, xuất hiện hội chứng...