Làm gì để ngăn chặn những “cơ phó tử thần”?
Chiếc máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings có thể đã tránh khỏi thảm họa nếu áp dụng một công nghệ cũ được phát triển từ những năm 1980.
Ngày nay, các phi công vẫn thường đùa với nhau rằng: Trong tương lai, trong buồng lái máy bay dân dụng sẽ chỉ còn một phi công và một con chó. Nhiệm vụ của phi công là cho con chó ăn trong chặng bay dài, còn con chó ở đó để cắn viên phi công nếu anh ta chạm tay vào bất cứ nút điều khiển nào.
Trong thời điểm hiện tại, viễn cảnh về những chuyến bay hoàn toàn tự động không cần các thao tác của phi công không còn là điều gì quá xa lạ. Chúng ta đã có những chiếc máy bay không người lái chuyên lùng diệt khủng bố hoặc tuần tra biên giới, và chúng ta cũng đã có những công nghệ có thể ngăn chặn được những thảm kịch giống như vụ máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings đâm vào dãy Alps hồi tuần trước.
Chiếc máy bay A320 vỡ nát sau khi viên cơ phó Andreas Lubitz cố tình đâm vào núi tự sát
Mặc dù công nghệ tự động hóa hoàn toàn chưa được áp dụng đối với các máy bay dân dụng, song nếu như chiếc A320 xấu số trên được áp dụng một công nghệ cũ vốn dùng cho lĩnh vực quân sự, nó hoàn toàn có thể tránh khỏi được thảm họa khiến 150 người thiệt mạng.
Đó chính là Hệ thống Tránh Va chạm Mặt đất Tự động (Auto-GCAS) do hãng Lockheed Martin phối hợp với NASA và không quân Mỹ phát triển từ thập niên 1980 và hiện sắp được áp dụng phổ biến trên các chiến đấu cơ Mỹ.
Về cơ bản, đây là một phần mềm không quá phức tạp, và nó chỉ cần điều chỉnh một chút là có thể được tích hợp vào hệ thống máy tính cũng như thiết bị truyền tải dữ liệu tiên tiến trên máy bay chở khách để có thể đề phòng những vụ đâm máy bay vào núi tương tự.
Video đang HOT
Hệ thống GCAS có thể giúp máy bay thoát hiểm trong những tình huống khẩn cấp
Sau khi được cài đặt, hệ thống này sẽ giám sát độ cao, tốc độ của máy bay, và bất cứ khi nào nguy cơ máy bay đâm xuống đất xuất hiện, nó sẽ kích hoạt chế độ tự lái đưa máy bay về quỹ đạo an toàn. Sau một thời gian lắp đặt thử nghiệm, không quân Mỹ tuyên bố sẽ cài đặt đại trà hệ thống này cho toàn bộ các máy bay F-16, và sau đó là F-22, F-35.
Hệ thống Auto-GCAS được ghi nhận đã cứu một chiếc F-16 của Mỹ hoạt động ở Jordan vào tháng 11 năm ngoái, và không quân Mỹ dự đoán nó sẽ cứu được khoảng 14 máy bay, 10 phi công và hơn 500 triệu USD đối với loại chiến đấu cơ F-16 nói riêng.
Công nghệ này rất có tiềm năng được áp dụng phổ biến, khi không quân Mỹ cho rằng nó hoàn toàn có thể được tích hợp vào hệ thống trên máy bay dân sự, và NASA là tổ chức đang đi tiên phong trong việc khám phá công dụng của công nghệ này trong lĩnh vực dân sự.
Hệ thống GCAS sắp được lắp đặt trên toàn bộ chiến đấu cơ F-16 của Mỹ
Theo các chuyên gia hàng không, nhược điểm hiện nay của GCAS là nó có chức năng cho phép phi công vô hiệu hóa chức năng tự kích hoạt chế độ tự lái, thế nên nếu phi công cố tình đâm máy bay tự sát, công nghệ này cũng không thể cứu được mọi người trên máy bay.
Mặc dù vậy, các kỹ sư vẫn có cách để điều chỉnh để tránh kịch bản này, chẳng hạn như đòi hỏi cả hai phi công cùng thao tác mới có thể tắt được hệ thống, khiến những kẻ có ý định đâm máy bay tự sát phải nản lòng, bởi máy bay sẽ tự động vọt lên mỗi khi “đánh hơi” thấy nguy cơ đâm xuống đất.
Ngành hàng không thế giới đã chứng kiến nhiều bước ngoặt trong lịch sử 112 năm tồn tại, và hàng không vẫn là phương tiện đi lại an toàn nhất của con người trong thời điểm hiện nay, bất chấp những thảm kịch xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua.
Việc giảm thiểu các vụ tai nạn máy bay sẽ tiếp tục là thách thức cho ngành hàng không thế giới trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những thay đổi vượt bậc, và một ngày nào đó, trong buồng lái máy bay chở khách có thể sẽ không còn cả phi công lẫn con chó.
Theo Trí Dũng/The Wired
Dân Việt
"Đau đầu" sau thảm họa Germanwings
Một tuần sau khi chiếc Airbus A320 của Hãng hàng không Germanwings (Đức), với toàn bộ 150 hành khách và phi hành đoàn gặp nạn tại miền Nam nước Pháp, những tình tiết liên quan đến nguyên nhân của thảm họa đã được các nhà điều tra làm rõ và không khỏi làm cả thế giới bàng hoàng.
Nó chỉ ra cho các cơ quan an ninh hàng không một lỗ hổng lớn trong công tác bảo đảm an toàn bay. Tuy nhiên, lấp đầy lỗ hổng này là vấn đề không đơn giản.
Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã thực hiện quy trình nghiêm ngặt kiểm tra thể chất phi công ít nhất một lần mỗi năm. Quy trình có vẻ là một cuộc đánh giá toàn diện, tuy nhiên, lại không có bài kiểm tra nào về tâm lý. Phi công chỉ cần trả lời một số câu hỏi về sức khỏe tâm thần dựa trên đánh giá cá nhân. Tại hãng hàng không lớn nhất Châu Âu Lufthansa - công ty mẹ của Germanwings, phi công cũng không được đánh giá tâm lý. Đây chính là lý do vì sao cơ phó của chiếc máy bay định mệnh Andreas Lubitz có thể giấu bệnh trầm cảm trong thời gian dài.
Việc tìm kiếm thi thể nạn nhân và điều tra nguyên nhân tai nạn vẫn được triển khai tích cực tại khu vực máy bay rơi
Từ khi nhân loại bước sang thế kỷ XXI, ngành an ninh hàng không thế giới đã có rất nhiều thay đổi để đối phó với những nguy cơ tấn công gây hậu quả thảm khốc.
Sau thảm kịch hàng không tồi tệ nhất thế giới vào ngày 11-9-2001, khi những kẻ khủng bố chiếm quyền điều khiển máy bay lao vào tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới Mỹ (WTC) làm gần 3.000 người thiệt mạng, các hãng sản xuất máy bay đã có cuộc cải tổ lớn về cửa buồng lái.
Nếu như trước đây, cánh cửa có thể được mở rộng để tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với hành khách thì sau đó, nó được làm từ vật liệu chống đạn, có thể khóa từ bên trong để ngăn chặn đột nhập. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa này lại có tác dụng ngược trong trường hợp vụ Germanwings khi viên cơ phó Lubitz cố tình đóng cửa để thực hiện ý đồ tự sát bất chấp nỗ lực can thiệp trong vô vọng từ bên ngoài của cơ trưởng.
Hành động của Lubitz buộc các hãng hàng không trên thế giới lập tức phải hành động để bảo đảm an toàn chuyến bay ngay từ trong khoang lái. Trong vòng 1 tuần, hàng loạt cơ quan an ninh hàng không trên thế giới đã ra quy định mới nhằm ngăn chặn thảm họa mà Germanwings vừa hứng chịu.
Phản ứng sớm nhất thuộc về đại gia giá rẻ của Anh - EasyJet khi hãng này tuyên bố áp dụng quy định luôn phải có ít nhất hai người trong buồng lái. Còn ở Đức, Hiệp hội Hàng không BDL cũng có quyết định tương tự. Tại Châu Mỹ, Chính phủ Canada vừa gửi thông điệp khẩn cấp đến các hãng trong nước về quy định hai người trong khoang lái và yêu cầu triển khai ngay.
Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra tâm lý phi công cũng được siết chặt. Tuy nhiên, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thừa nhận các bài kiểm tra tâm lý phi công và các nhân viên phi hành đoàn rất khó phát hiện và ngăn chặn trường hợp phi công có vấn đề về tâm lý và tự sát bằng cách đâm máy bay xuống đất.
Trên thực tế, một số hãng hàng không Châu Á như Cathay Pacific, Japan Airlines, Qantas Airways và Singapore Airlines đều thực hiện những cuộc kiểm tra y tế rất nghiêm ngặt, bao gồm các bài kiểm tra tâm lý mỗi năm một lần đối với phi công. Họ cũng có thể sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý. Thế nhưng, theo các chuyên gia và phi công giàu kinh nghiệm, chừng đó chưa đủ để ngăn chặn những tấn thảm kịch như vụ máy bay Germanwings.
Một biện pháp khác đã được các hãng hàng không tính đến là xây dựng một hệ thống can thiệp, theo đó cho phép những người điều khiển dưới mặt đất có thể kiểm soát hành trình của máy bay. Ý tưởng này không phải bất khả thi với điều kiện kỹ thuật hiện nay, nhưng có thể sẽ làm tăng chi phí điều hành.
Ngoài ra, tính năng mới cũng sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro nếu các hacker xâm nhập được vào hệ thống máy tính của sân bay. Vì vậy, việc thực hiện biện pháp triệt để nhằm đối phó với động cơ khó lường từ những cái đầu không bình thường là không đơn giản, nhưng chắc chắn phải có sự cải cách về quy định an toàn bay để có thể phòng ngừa ở mức tối đa thảm kịch đáng tiếc như vụ rơi máy bay của Germanwings.
Theo Phương Quỳnh
Hà Nội mới
Xúc động tâm thư hành khách gửi các phi công Nữ hành khách Bethanie khiến nhiều người xúc động với bức tâm thư cảm ơn các phi công đã đưa cô về nhà an toàn trong bối cảnh những tai nạn máy bay thảm khốc liên tiếp xảy ra gần đây gây hoang mang cho hành khách máy bay trên khắp thế giới. Một phi công trong buồng lái máy bay. (Ảnh minh...