Làm gì để nâng giá trị sản phẩm, khả năng nhận diện của ngành gỗ Việt?
Sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu đi trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới và đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn hàng đầu trên thế giới.
Công nhân công ty Triệu Phú Lộc phun sơn cho lô ghế xuất khẩu vào thị trường châu Âu. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã lội ngược dòng ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới các ngành kinh tế.
Cơ hội nào cho ngành gỗ Việt Nam bứt phá, làm sao để nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm và khả năng nhận diện của ngành gỗ Việt?
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xoay quanh chủ đề trên.
- Từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành; trong đó ngành chế biến và xuất khẩu gỗ cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã ghi nhận sự bứt phá ấn tượng của ngành này. Xin ông chia sẻ rõ hơn về kết quả đạt được?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Năm ngoái, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đã vượt mốc 10 tỷ USD. Ngành công nghiệp gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ cũng đã lần đầu tiên được xếp trong nhóm 6 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trên 10 tỷ USD mỗi năm.
Ba tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn tiếp được đà tăng trưởng cũ nhưng mà sang đến quý 2 khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia đối tác thì ngành công nghiệp gỗ cũng như các ngành khác gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nước đều trì hoãn nhận hàng theo hợp đồng.
Nhưng rất may do trong nước khống chế đại dịch tốt nên từ quý 3 năm nay, Việt Nam đã phục hồi sản xuất, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và các lâm sản ngoài gỗ đạt giá trị trên 10,5 tỷ USD.
- Tiếp đà tăng trưởng như vậy, theo ông đâu là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Ngành gỗ Việt Nam đang có cơ hội để có thể tăng trưởng tốt trong những năm tới, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD.
Việt Nam vẫn còn có lợi thế về mặt nhân công, lao động cần cù, lương còn tương đối thấp, nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ rừng trồng trong nước và một đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu và góp phần cho đất nước phát triển.
Video đang HOT
[Ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững]
Thêm vào đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của các hiệp định: CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định thương mại tự do với một số nước đối tác quan trọng. Do vậy, ngành gỗ có một thị trường khá rộng mở và không bị ràng buộc bởi những hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, bao giờ cơ hội cũng đi liền với những thách thức. Dù vậy, tôi tin rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội để có thể biến ngành công nghiệp gỗ thực sự thành “một con gà biết đẻ trứng vàng.”
- Vậy trước những cơ hội mà ông vừa mới chia sẻ thì ông có đánh giá ra sao về năng lực chế biến, sản xuất của doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Khi nói đến năng lực, Việt Nam cần phải đề cập đến 3 yếu tố: về năng lực quản trị, cần có một đội ngũ doanh nhân có khát vọng vươn lên làm giàu; về năng lực công nghệ và thiết bị, tuy hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực công nghệ và thiết bị có hạn nhưng nhìn chung đã có sự thích ứng và chủ động nhập thiết bị công nghệ mới, từ đó cho phép sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, khi nói về năng lực cũng cần bàn đến đội ngũ công nhân lành nghề. Việt Nam sở hữu một đội ngũ công nhân khá đông đảo, lao động cần cù, nhưng chắc chắn sẽ cần phải đào tạo để nâng cao tay nghề, từ đó tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của toàn ngành.
- Trên thực tế, bên cạnh cơ hội rộng mở, đâu là khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện nay, thưa Ông?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu đi trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Việt Nam cũng đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong đó, hai thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là những rào cản về kỹ thuật và thương mại.
Về rào cản kỹ thuật, do gỗ là sản phẩm có nguyên liệu từ rừng. Mặc dù hầu hết là từ rừng trồng nhưng các quốc gia cũng đều đặt ra những yêu cầu rất khắt khe để đảm bảo toàn bộ gỗ đưa vào chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phải là gỗ từ nguồn cung ứng hợp pháp.
Thêm nữa, mặc dù đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhưng nhiều quốc gia thường dựng lên các hàng rào bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản xuất. Cho nên Việt Nam cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những động thái đó của các thị trường lớn.
- Trước những thách thức vừa nêu, theo ông giải pháp nào sẽ giúp nâng cao nhận khả năng nhận diện của sản phẩm Việt Nam hiện nay và mặt khác sẽ tránh khỏi tranh chấp thương mại trên thị trường gỗ thế giới?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Về mặt vĩ mô, theo tôi Chính phủ cần phải đàm phán với các quốc gia tiêu thụ nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng như các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên liệu gỗ vào Việt Nam để làm sao cả hai bên có thể minh bạch các khung thể chế pháp lý, giúp tránh được những rủi ro đưa gỗ bất hợp pháp vào chuỗi cung ứng.
Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm giải trình, cẩn trọng trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, đảm bảo làm sao để gỗ đưa vào sản xuất và chế biến, xuất khẩu phải đến từ nguồn cung ứng hợp pháp. Ngoài ra, mỗi một doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng nhiều càng gay gắt hơn.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Hiệp hội cũng cần phải làm tốt hơn chức năng tập hợp, liên kết tất cả các bên liên quan trong chuỗi chế biến và cung ứng sản phẩm, từ người nông dân trồng rừng cho đến những doanh nghiệp đầu cuối, làm sao để nâng sức cạnh tranh, nâng uy tín của thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới.
- Thị trường rộng mở, nhưng dường như tác động của COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu của khách hàng. Vậy ngành gỗ Việt Nam xác định những sản phẩm chiến lược trong thời gian tới là gì, thưa Ông?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Với đại dịch bùng phát trên toàn cầu, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành đều phải thích ứng với bối cảnh “bình thường mới” do đó ngành công nghiệp gỗ cũng giống nhiều ngành hàng khác, phải tăng cường thương mại điện tử và kết nối với khách hàng, đối tác thông qua giao dịch trực tuyến.
Ngành gỗ hiện nay tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chính: các loại sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất (chiếm đến 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ); các loại ván nhân tạo (kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều trên 1 tỷ USD); dăm gỗ (xuất khẩu thu về trên 1,7 tỷ USD); viên nén để làm năng lượng sinh khối.
Riêng về viên nén, đây là nhóm sản phẩm mới nổi lên và Việt Nam cũng đang có lợi thế cạnh tranh. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu được trên 3 triệu tấn và thu được trên 400 triệu USD. Điều đáng nói, nhóm sản phẩm này cho phép chúng ta tận dụng mùn cưa, dăm bào, các loại phế thải từ công đoạn chế biến gỗ khác nhau để chế biến và xuất khẩu.
Như vậy, Việt Nam vẫn phải phát triển đồng thời cả 4 nhóm hàng. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng trong thời gian tới nhất định phải tăng cường xuất khẩu nhóm sản phẩm mà có giá trị gia tăng cao nhất, đó là các loại bàn ghế, giường tủ…
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu không gian kiến trúc, không gian nội thất, nhận hợp đồng lớn để thiết kế và trang trí nội thất cho những tòa nhà, cung điện, khách sạn hạng sang… Thông qua đó, Việt Nam có thể nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp gỗ Việt.
- Để xuất khẩu gỗ bền vững, việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu và vùng trồng hiện nay ra sao thưa Ông?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Trong xuất khẩu sản phẩm gỗ, nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu từ rừng trồng trong nước rất quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay nông dân vẫn khai thác khi rừng còn rất non, tức là chỉ sau 4-5 năm. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có những chính sách giúp nông dân có thể kéo dài chu kỳ trồng rừng để có gỗ lớn nhưng đến nay, thực tế Việt Nam vẫn chưa làm được nhiều.
Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, một trong những công việc quan trọng của cả lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ là làm sao để có thể giúp nông dân tích hợp nhiều giải pháp, kéo dài chu kỳ kinh doanh, trồng rừng và sản xuất gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao hơn để có được các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!./.
ADB viện trợ 2,5 triệu USD khắc phục hậu quả thiên tai ở miền Trung
Khoản viện trợ khẩn cấp không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD được trích từ Quỹ Ứng phó thảm họa châu Á-Thái Bình Dương của ADB nhằm khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung.
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hồi tháng 10 vừa qua. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Chiều 24/11, được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Andrew Jeffries đã ký thỏa thuận viện trợ quốc tế khẩn cấp không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD từ ADB dành cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung.
Khoản viện trợ được trích từ Quỹ Ứng phó thảm họa châu Á-Thái Bình Dương của ADB nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảm ơn sự đồng hành hỗ trợ của ADB nói chung và ngài Andrew Jeffries nói riêng đối với công tác ứng phó, khắc phục, tái thiết sau thiên tai tại các tỉnh miền Trung.
Dựa trên kết quả đánh giá của đoàn công tác do Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Văn phòng Điều phối quốc gia của Liên hợp quốc kết hợp thực hiện cùng các đối tác khác tại các tỉnh miền Trung, ADB đồng ý cung cấp khoản viện trợ trị giá 2,5 triệu USD cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Việc khôi phục các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra thời gian qua đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành và những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ, ngập lụt cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ADB đang phối hợp xem xét đề xuất Chính phủ phê duyệt một khoản vay hỗ trợ khẩn cấp để sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên những công trình quan trọng, nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhấn mạnh để khoản vay hỗ trợ khẩn cấp được phê duyệt và nhanh chóng triển khai hiệu quả, cần có quy trình và thủ tục đặc biệt, trong đó Chính phủ Việt Nam giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, thực hiện và chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối và quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai.
Sau khi phê duyệt, khoản vay hỗ trợ khẩn cấp của ADB sẽ được sử dụng như một phần ngân sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.
ADB mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt khoản vay theo một quy trình rút gọn để có thể ký kết khoản vay hỗ trợ khẩn cấp vào tháng 3/2021./.
Cơ hội nào cho ngành chăn nuôi trong EVFTA? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược này đặt ra mục tiêu chung đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi...