Lạm dụng chỉ định Bí thư tại Đại hội ’sẽ có rất nhiều hệ quả’
Một cấp ủy, một Bí thư được bầu ra phải bảo đảm cho họ sự chính danh. Danh chính ngôn mới thuận.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có cán bộ chủ chốt tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc Bí thư, Phó bí thư. Đặc biệt, một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội, gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vậy việc chỉ định Bí thư tại Đại hội có gì bất thường và gây ra những hệ lụy gì? Đây là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: VTC News).
PV: Ông nhận xét gì về việc chỉ định Bí thư tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội như một số địa phương đã làm?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực rất đáng băn khoăn với cách làm như vậy. Đại hội được tổ chức không chỉ để thông qua chương trình mà còn để chọn người triển khai chương trình đó. Như vậy, người triển khai chương trình đó là người đại hội tin rằng có năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ mà đại hội đề ra. Nhưng người được chỉ định lại chẳng liên quan, để lại băn khoăn rất lớn, ảnh hưởng đến thành công của Đại hội, thêm nữa là chế độ trách nhiệm cũng không rõ ràng.
Tại sao một số đại hội lại phải chỉ định Bí thư trong khi việc thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội được dư luận đánh giá tích cực?
- Có lẽ phải có nghiên cứu để chỉ ra nguyên nhân cho khách quan. Nhưng theo suy đoán của tôi, có thể có một số nguyên nhân.
Thứ nhất là chuẩn bị nhân sự không được, cuối cùng khi phê duyệt chương trình, cho ý kiến vào chương trình đại hội về nội dung, nhân sự…, mới thấy là không có nhân sự.
Thứ hai, cũng có thể, cấp trên thấy rằng nhân sự như vậy thì không bầu được.
Thứ ba, cũng có việc dư luận bàn tán nhiều chạy chức chạy quyền, con ông cháu cha… Nếu qua đại hội bầu chưa chắc đã trúng.
Video đang HOT
Không cấm chỉ định nhân sự tại Đại hội, nhưng về lý lẽ là không ổn
V ậy đối chiếu với Điều lệ Đảng và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như quy chế bầu cử trong Đảng và pháp luật của Nhà nước, việc chỉ định Bí thư tại Đại hội có hợp lý không?
- Thực tế là không có một quy định nào cấm việc đó. Nhưng có vấn đề mà từ lý lẽ của nó đã thấy không ổn. Có lẽ ổn hơn, thực tiễn đề ra là có luân chuyển, chỉ định nhưng phải trước khi bầu cử. Chỉ định về cũng không phải là làm Bí thư ngay, mà về để tham gia Ban Chấp hành, rồi sau đó mới được bầu làm Bí thư.
Chỉ định ngay tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội không có quy định và tôi cho rằng không quy định là đúng, nên tránh là đúng, bởi nó ảnh hưởng tới rất nhiều mặt.
Theo Ban Tổ chức Trung ương, việc chỉ định Bí thư tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội như một số nơi đã thực hiện, có biểu hiện của việc lạm dụng. Theo ông, hệ quả của việc lạm dụng là gì?
- Hệ quả rất nhiều, trước hết về tổ chức Đảng ở đó, Ban lãnh đạo ở đó, hình thành nên cấp ủy, nếu còn có dư luận người đó chạy chức chạy quyền được phân công về, hay nhờ con ông cháu cha được đặc cách, tưởng tượng trong một thiết chế làm việc theo chế độ tập thể, anh phải làm việc trong thường vụ, như vậy anh làm việc có dễ dàng không?
Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cách vận hành hệ thống quản trị của địa phương, đặc biệt ở cơ quan có quyền quyết định cao nhất của địa phương. Như vậy không thể nói cách làm đó không có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của địa phương.
Cách làm như vậy có thể gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu chuyển người giỏi, có danh tiếng về chắc sẽ không có vấn đề gì, rồi người ta cũng sẽ tâm phục khẩu phục bằng thực tế. Nếu chọn người có trình độ hạn chế, đạo đức tư cách cũng chưa phải là tấm gương, thì rất dễ mất đoàn kết nội bộ, triển khai công việc sẽ khó.
Cách làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, như vậy sẽ rất khó khi triển khai các nghị quyết, bởi cuối cùng người dân là đối tượng thực hiện nghị quyết đó.
Tôi không rõ có trường hợp nào cần thiết đến mức phải chỉ định tại Đại hội, nhưng hạn chế được nó là rất quan trọng. Cuối cùng, một cấp ủy được bầu ra, Bí thư được bầu ra, phải bảo đảm cho người đó sự chính danh, danh chính ngôn mới thuận. Còn quan niệm anh là người của cấp trên cử về, người sáng lạn thì cũng đỡ, chứ người ta nghi ngờ thì rất khó.
Qua 5 bước để lựa chọn, nhân sự tương đối chắc chắn
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội chúng ta có một quá trình từ quy hoạch, đào tạo kết hợp luân chuyển, vì sao ở một số nơi vẫn lúng túng, bị động?
- Tôi nghĩ quy trình để tiến tới Đại hội có rất nhiều chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương… là một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Như vậy, anh triển khai các chỉ thị, nhiệm vụ có thể có vấn đề, hoặc không nghiêm túc và làm hình thức. Công tác quy hoạch cán bộ là cả một quá trình qua 5 bước, nếu làm đúng thì nhân sự phải tương đối chắc chắn. Do bất cứ nguyên nhân nào, thì các bước làm công tác tổ chức cán bộ đã không được tuân thủ. Một nguyên nhân khác, cũng là suy luận, người ta cố tìm cách này cách khác để cài nhân sự của mình, nhưng cài không nổi.
Chỉ định Bí thư tại Đại hội khiến nhiều cán bộ đảng viên lo ngại tình trạng chạy chức chạy quyền. Theo ông, những lo ngại đó có chính đáng hay không?
- Tôi nghĩ băn khoăn, lo ngại của họ là chính đáng. Tại sao đã có một quy trình chính danh mà không sử dụng. Đại hội đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cho 5 năm tới. Với kế hoạch đó, đại hội phải chọn được 1 người để thực thi được. Đó là lý do vì sao người đứng đầu gọi là Bí thư, chứ không gọi là bầu Chủ tịch Đảng. Đại hội đề ra thì đại hội phải chọn người thực hiện. Người ta băn khoăn bởi đây có thể là kẽ hở để chạy chức, chạy quyền và thêm nữa là ảnh hưởng đến tính dân chủ, sức chiến đấu và đoàn kết sau này của cấp ủy địa phương.
Để giải quyết được tình trạng này, theo tôi rất đơn giản, Ban Tổ chức Trung ương cần có quy định rõ, trường hợp nào có thể chỉ định, cũng không nên loại hoàn toàn vì thực tế rất phức tạp. Việc quy định rõ là rất quan trọng để sau này không bị lạm dụng, đồng thời cũng không quá cứng để không xử lý được tính huống thực tiễn. Đó là khâu cơ bản. Thêm nữa, những lý luận về việc nhân sự liên quan thế nào đến đại hội để bảo đảm tính chính danh của nhân sự, bảo đảm thành công của đại hội.
Xin cảm ơn ông.
Thanh Hóa: Một số kinh nghiệm rút ra từ đại hội cấp trên cơ sở
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 31 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, gồm 2 đảng bộ thành phố, 2 đảng bộ thị xã, 23 đảng bộ huyện và 4 đảng bộ khác.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 35-CT/TW và các văn bản của Trung ương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 - đại hội điểm đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Ảnh: Minh Hiếu
Căn cứ tình hình, đặc điểm cụ thể của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn 2 đơn vị cấp huyện để chỉ đạo và rút kinh nghiệm, đó là Đảng bộ TP. Thanh Hóa (đại diện cho vùng đồng bằng, đô thị, ven biển) và Đảng bộ huyện Quan Sơn (đại diện cho vùng miền núi). Ngay sau đại hội điểm cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm và ban hành Công văn số 1727-CV/TU ngày 26-6-2020 về một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Đến ngày 17-8-2020, toàn bộ 31 đảng bộ cấp trên cơ sở đã hoàn thành việc tổ chức đại hội. Nhìn chung, công tác tổ chức đại hội được thực hiện hết sức công phu, nghiêm túc, hoàn thành đầy đủ 4 nội dung của đại hội. Thời gian tiến hành đại hội đều diễn ra trọn vẹn 2 ngày (phiên trù bị 1/2 ngày và chính thức 1,5 ngày); ma-két, trang trí, khánh tiết, nghi lễ đúng quy định, trang trọng; công tác tuyên truyền được tiến hành nghiêm túc, được đông đảo nhân dân theo dõi quan tâm. An ninh, trật tự trước, trong và sau đại hội được bảo đảm.
Công tác bầu cử được thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng; bảo đảm tỷ lệ số dư so với số lượng ủy viên BCH, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định (từ 10% trở lên). Tỷ lệ cán bộ nữ 18,2%, cán bộ trẻ 16,2%, đều vượt quy định, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số 17,1% phù hợp tình hình thực tế, tỷ lệ đổi mới trong BCH so với đầu nhiệm kỳ đạt yêu cầu. Trong ban thường vụ cấp ủy đều có nữ.
Số lượng cấp ủy viên đảng bộ các huyện, thị, thành phố, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 giảm 132 đồng chí, bằng 10,9% so với số lượng tối đa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020.
Các đại hội đều bầu đủ số lượng cấp ủy khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên; việc kiểm phiếu công tâm, khách quan, không có sai sót (31/31 đảng bộ cấp huyện và tương đương đều được kiểm phiếu bằng máy). Tại các đại hội đã tiến hành bầu 26 đồng chí giữ chức danh bí thư, trong đó tái cử 19 đồng chí, mới có 7 đồng chí, nữ 2 đồng chí; các đồng chí đều trúng cử chức danh bí thư với tỷ lệ phiếu đạt từ 95% trở lên. Đối với chức danh phó bí thư có 55 đồng chí được bầu, trong đó tái cử 38 đồng chí, mới 17 đồng chí, nữ 5 đồng chí.
Việc xây dựng đề án nhân sự bám sát các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là khâu rà soát quy hoạch, đánh giá cán bộ, xem xét thẩm tra các điều kiện, tiêu chuẩn và thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với từng người, từng chức danh dự kiến phân công, không quá coi trọng cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng, tiêu chuẩn. Đặc biệt trong xây dựng đề án nhân sự đại hội đã thực hiện đúng quy trình và được bàn bạc kỹ và thống nhất cao mới tiến hành làm quy trình nhân sự.
Công tác xây dựng văn kiện đại hội được thực hiện nghiêm túc. Điểm mới, sáng tạo của Thanh Hóa trong nhiệm kỳ này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1504-CV/TU ngày 28-11-2019 lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của báo cáo chính trị đại hội từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, tạo sự thống nhất về các chỉ tiêu kế hoạch trong báo cáo chính trị của các cấp. UBND tỉnh đã định hướng mục tiêu phấn đấu và phương pháp tính các chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo chính trị đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025. Trong công tác xây dựng báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu xác định rõ chủ đề đại hội, nêu lên được ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phương hướng, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ mới, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá có tính khả thi cao. Việc chuẩn bị báo cáo chính trị đã tranh thủ được ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia, có ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, của đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách.
Sau đại hội điểm cấp cơ sở, cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời rút kinh nghiệm, có văn bản nhắc nhở về tiến độ đại hội, về chuẩn bị báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm, về nhân sự, trang trí, khánh tiết và tiến hành đại hội, tập trung chỉ đạo các đơn vị có vấn đề phức tạp. Các cấp ủy đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội.
Việc xây dựng các văn kiện đại hội, đặc biệt là dự thảo báo cáo chính trị, các cấp ủy trực thuộc đã bám sát các văn bản, đề cương hướng dẫn và căn cứ thực tiễn tình hình địa phương, dự báo những thời cơ, thuận lợi, thách thức để đánh giá sát đúng những thành tựu, kết quả đạt được, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, khâu đột phá trong 5 năm 2015-2020, những hạn chế, yếu kém, đúc rút những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới phù hợp.
Quá trình xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, các cấp ủy đã coi trọng việc lấy ý kiến nhiều lần của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân để báo cáo chính trị thực sự là sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân, sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, qua các hội nghị Ban Thường vụ duyệt nội dung đại hội các đảng bộ cấp huyện, với sự góp ý cụ thể của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, khâu đột phá và giải pháp cho nhiệm kỳ tới đã được điều chỉnh, bổ sung sát đúng hơn với tiềm năng, lợi thế, tình hình của từng đơn vị, địa phương. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đã được nâng cao hơn, nhiều chương trình trọng tâm, khâu đột phá được rút gọn hoặc thay đổi, vừa phù hợp với thực tiễn của các đơn vị, vừa bảo đảm sự thống nhất trong tổng thể chỉ tiêu kế hoạch trong báo cáo chính trị của các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Trong quá trình triển khai, tổ chức đại hội, các cấp ủy đã thực sự coi trọng công tác nhân sự, các văn kiện trình đại hội, đồng thời coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó là làm tốt công tác tư tưởng chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển theo tinh thần nghị quyết đại hội các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đại hội, đó là: Cấp ủy và người đứng đầu các đảng bộ phải thật sự đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy; cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo sát đúng, phân công trách nhiệm rõ ràng, dân chủ trong chuẩn bị và điều hành đại hội. Công tác chuẩn bị đại hội, nhất là công tác nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của đại hội; vì vậy, ban thường vụ cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tuân thủ nghiêm túc quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy vì lợi ích chung, không cá nhân, cục bộ, vụ lợi, bè phái... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện và tương đương phải sát sao, nắm chắc tình hình, giải quyết và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp ở cơ sở, nhất là công tác nhân sự, phải biết lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, việc bố trí, sắp xếp cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách đối với các đồng chí cấp ủy viên không tái cử trước đại hội bảo đảm quy định, tạo được sự thống nhất cao. Nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy được thẩm định, thẩm tra bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện. Công tác thẩm định hồ sơ nhân sự bảo đảm khách quan, công tâm, làm việc tập thể và thực hiện đúng quy định. Công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội tạo được khí thế thi đua sôi nổi và không khí phấn khởi trong nhân dân. Trách nhiệm của các tiểu ban chuẩn bị đại hội phải chủ động, nhất là tiểu ban nhân sự, đồng thời, vai trò lãnh đạo của thường vụ cấp ủy và người đứng đầu phải thật sự sâu sát, trách nhiệm, công tâm, khách quan, nắm vững quy trình, nguyên tắc, quy định, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy cấp trên.
Đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội: Tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động Đến nay dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cơ bản hoàn thiện. Trong đó, dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, dự thảo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã hoàn thiện lần 4... Qua đó, phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tạo sự thống...