Lạm dụng chất tẩy rửa phòng COVID-19 làm gia tăng ca ngộ độc
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhiều người đã lạm dụng chất tẩy để khử trùng nhà tránh COVID-19 nhưng lại vô tình tự đầu độc bản thân.
Nhiều người đã tẩy rửa bề mặt sản phẩm mua từ siêu thị để tránh lây lan virus Corona mới. Ảnh: Business Insider
Các trung tâm kiểm soát ngộ độc đã nhận được báo cáo tăng vọt trong tháng 1 năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ 2019, liên quan đến chất tẩy rửa, khử trùng. Tháng 1 cũng là thời điểm Mỹ ghi nhận ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên.
Từ tháng 1 đến tháng 3, có 45.550 trường hợp ngộ độc liên quan đến chất khử trùng tẩy rửa, thời điểm tăng mạnh nhất là đầu tháng 3.
Mặc dù không có dữ liệu cho thấy số ca ngộ độc này liên quan trực tiếp đến COVID-19 nhưng CDC đánh giá điều này có thể bắt nguồn từ việc thiếu hụt sản phẩm tẩy rửa khi dịch bệnh lây lan khắp nước Mỹ.
Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết một phụ nữ đã nhập viện sau khi rửa các sản phẩm mua từ siêu thị bằng dung dịch tẩy. Cô pha bồn rửa với 10% chất tẩy, nước nóng và dấm sau đó cho các sản phẩm mua từ siêu thị vào. Rồi cô bắt đầu thấy mùi lạ và khó thở. Tiếp đó, người phụ nữ phải nhập viện.
Nguyên nhân gây ngộ độc phổ biến thứ hai là dung dịch rửa tay. Một em bé đã nhập viện sau khi vô tình uống dung dịch rửa tay. Khi xe cứu thương đến, em bé đã không còn phản xạ và nôn ói rất nhiều. Lượng cồn trong máu của em bé tăng cao. Sau 48 giờ điều trị, bệnh nhi được xuất viện.
Video đang HOT
Bà Erica Hartmann tại Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết không nên sử dụng chất hóa học tẩy rửa mạnh mà nên thay thế bằng xà phòng và nước. Bà Hartmann nói rằng xà phòng có thể giúp “cuốn trôi” virus và vi khuẩn, bao gồm cả SARS-CoV-2.
Trong trường hợp sử dụng chất tẩy và khử trùng, nên dùng tại khu vực thông thoáng khí để tránh nguy cơ hít phải và ngộ độc.
Bà Hartmann còn nhấn mạnh cần theo sát hướng dẫn trên nhãn mác sản phẩm. Cần cất giữ sản phẩm tẩy rửa ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.
Hà Linh
5 điều không nên làm ngay khi hết cách ly xã hội
Đừng hi vọng cuộc sống trở lại bình thường ngay lập tức mà lên kế hoạch tụ tập, du lịch hay buông lỏng việc rửa tay, đeo khẩu trang.
Thời tiết ấm lên và lệnh giãn cách xã hội, phong tỏa sẽ được nới lỏng ở nhiều quốc gia. Hàng triệu người đang trong cảm giác bồn chồn, muốn cuộc sống trở lại bình thường, được ăn mừng, xả hơi... Số đông chắc hẳn đang tưởng tượng về những cái ôm, những bữa tiệc và mua sắm, du lịch.
Giá như đơn giản như thế, bởi dù thế giới đang nới lỏng giãn cách thì mức độ lây nhiễm, tử vong vì Covid-19 vẫn diễn ra. "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta đánh giá sai tình hình, để cảm tính lên trên thực tế và chúng ta sẽ phải bắt đầu lại", Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, nói trong cuộc họp báo ngày 11/4.
Một điều chắc chắn, nhịp sống của bạn sẽ không trở lại bình thường cùng một lúc. Ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương sẽ có những biện pháp khác nhau khi nới lỏng giãn cách, song chắc chắc có 5 điều dưới đây bạn không nên làm:
Đừng tổ chức tiệc hay tụ tập
Các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai vì có hiệu quả làm chậm sự lây lan của virus. Tổ chức một bữa tiệc tại nhà hoặc chen chúc ở quán xá, bar... tức là sẽ có đông người trong một không gian. Nếu chẳng may một ai đó đang ủ bệnh thì sẽ có cơ hội lây lan ra nhiều người. Nhiều ổ dịch đã bắt đầu từ chính những bữa tiệc như thế.
"Tôi chỉ nhắc nhở mọi người một lần nữa. Đây là loại virus rất dễ lây lan. Các cuộc tụ tập, thăm hỏi luôn là cơ hội để một người không có triệu chứng có thể vô tình phán tán virus", tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng nói trong cuộc họp ngày 15/4.
Người dân Vũ Hán hạnh phúc khi được gỡ phong tỏa sau 76 ngày. Ảnh: The Mercury News.
Không được buông lỏng việc rửa tay
Đại dịch ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu và đây là một trong các lý do cần sớm nới lỏng giãn cách để kích thích nền kinh tế. Điều này không có nghĩa đã sạch bong dịch.
Hi vọng thói quen rửa tay bạn hình thành được trong thời gian này sẽ tồn tại mãi mãi. Hãy duy trì việc rửa tay kỹ qua 6 bước, thường xuyên và sau mỗi lần tiếp xúc với các bề mặt công cộng. Thực hành vệ sinh tốt là cách hữu hiệu ngăn ngừa lây nhiễm virus.
Đừng ngay lập tức đến thăm người có nguy cơ cao
Không ít người trong chúng ta đang mong việc kiểm dịch kết thúc để được ra ngoài, gặp gỡ người thân, trao cho họ một cái ôm ấm áp. Nhưng đây có thể không phải là động thái tốt cho những người lớn tuổi, người ốm đau vì một khi bị nhiễm bệnh, họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn người khỏe mạnh.
Sẽ mất cả năm nữa vaccine mới được đưa vào thực tế. Trong thời gian này, không có nghĩa bạn không được gặp những người có nguy cơ cao, nhưng chí ít hãy lưu ý đến an toàn cho họ.
Đừng lên kế hoạch cho chuyến du lịch nước ngoài
Việc di chuyển quốc tế của người dân đã nhanh chóng góp phần biến corona thành đại dịch, thông qua lây truyền từ người này sang người khác. Đi du lịch trong thời điểm này, nếu chẳng may đến địa điểm bùng dịch, bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro bị cách ly ở một đất nước xa lạ, thậm chí bị nhiễm bệnh.
Vì lý do đó, dù cho xã hội có giãn cách, các hoạt động kinh tế trở lại, bạn hãy ưu tiên du lịch trong nước hơn là đi nước ngoài.
Đừng tháo khẩu trang
Châu Âu và Mỹ từng khuyến cáo khẩu trang chỉ nên dùng cho nhân viên y tế và người bệnh, nhưng đến nay họ đã suy nghĩ lại. Nhiều nơi khuyến cáo tất cả người dân phải đeo khẩu trang, để có thể bảo vệ bạn và bảo vệ người khác trong dịch corona.
Khi hết giãn cách xã hội, chắc chắn bạn vẫn nên đeo khẩu trang.
Bảo Nhiên
Chuyên gia, bác sĩ trực tuyến cung cấp thông tin về Covid-19 cho mọi người Hôm nay (21.4), Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) thông tin tổ chức chuỗi chương trình thông tin trực tuyến "Covid-19: Từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh". Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, giảng bài trực tuyến - Ảnh: BVCC Chương trình của bệnh...