Lâm Đồng: Tuyền Lâm di sản thiên nhiên độc đáo
Nằm về phía Bắc núi Phượng Hoàng, thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, cùng với thiền viện Trúc Lâm (Lâm Đồng) đã tạo nên quần thể danh thắng đẹp nổi tiếng – một trong những điểm đến hấp dẫn khi tới xứ sở ngàn hoa.
Nắng mai trên hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Võ Trang
Hồ Tuyền Lâm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chừng 6 km về phía Nam, bên phải đèo Prenn dọc theo Quốc lộ 20, hướng Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh. Hồ trước đây nguyên là dòng Suối Tía, thượng nguồn của sông Đạ Tam bắt nguồn từ ngọn Núi Voi hùng vĩ. Hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi một đập nước chắn ngang Suối Tía do Ty Thủy lợi Lâm Đồng được Bộ Thủy lợi đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 1987, nhằm phục vụ việc tưới tiêu cho những cánh đồng lúa và hoa màu ở vùng hạ lưu thuộc huyện Đức Trọng.
Cũng từ đây, dưới tác động của bàn tay con người, sự kết hợp hài hòa giữa dòng nước đầu nguồn và rừng cây đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác với vẻ đẹp hấp dẫn quyến rũ đến lạ kỳ. Chắc cũng chính vì lẽ đó mà hồ được đặt tên là “Tuyền Lâm”, một cái tên khá lãng mạn đúng với sự tác hợp này (“Tuyền” có nghĩa là “suối” và “Lâm” có nghĩa là “rừng”). Một hồ nước mênh mông, quanh năm trong xanh; lưu vực trên 32 km2, lòng hồ có nhiều ốc đảo, và nhiều nhánh ăn sâu vào đất liền, có chỗ sâu đến hơn 30 m, xung quanh được bao bọc bởi một vùng núi non hùng vĩ. Cảnh quan cũng thật đa dạng, nơi này là đồi thông, nơi kia là rừng già xanh thẳm với đỉnh cao chót vót; nơi đồi trọc thoai thoải với những trảng cỏ chạy dài buông nhẹ tới mép hồ. Tất cả cùng hòa quyện với mây trời soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo nên một khung cảnh huyền ảo làm cho ta có cảm giác lâng lâng, tâm hồn phiêu lãng như đang lạc vào chốn thiên thai trong cổ tích.
Không chỉ có môi trường cảnh quan thiên nhiên đa dạng mà nơi đây còn là chiến khu cách mạng của quân và dân Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Quả thật vậy, nhất là những lúc thả bộ thơ thẩn dưới tán thông xanh vi vút gió ngàn, hoặc ngồi ngắm cảnh sắc hồ thay đổi như bức tranh thủy mặc. Buổi sáng sương giăng phủ trắng mặt hồ, không gian thật tĩnh lặng với một bầu không khí trong lành thanh khiết. Buổi trưa, mặt hồ sáng bừng lấp lánh như thủy tinh với những làn sóng xô lăn tăn khi có cơn gió nhè nhẹ thổi đủ lay ngọn thông rì rào. Chiều đến, mặt hồ lại chuyển dần sang màu xanh biếc, gió se lạnh và khi bóng hoàng hôn buông xuống, khung cảnh nơi đây lại mờ ảo, huyền hoặc, hư hư, thực thực, lãng mạn vô cùng. Những đêm trăng sáng như dát bạc lên mặt nước và cảnh vật xung quanh, ngồi ven hồ vãn cảnh, câu cá hoặc tản bộ cùng người yêu thì không thú nào bằng.
Video đang HOT
Trên các đồi núi ở trong khu vực thắng cảnh hồ Tuyền Lâm và những vùng lân cận như Núi Voi, Hòn Bù hiện nay vẫn còn lưu giữ gần như đầy đủ các hầm hào nơi đóng quân của các đơn vị thuộc Khu ủy Khu 6 và Thị ủy Đà Lạt. Ở khu vực rừng già Gia Lâm dọc theo bờ suối Đầu Voi thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng còn là nơi phát hiện dấu tích về một di chỉ khảo cổ thời tiền sử từ thời kỳ đồ đá cũ cách đây tới 3-4 vạn năm. Khu vực này có nhiều hốc đá, tảng đá lớn với nhiều hình thù kỳ bí, kéo dài hàng trăm mét lên hướng thượng nguồn nơi tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng. “Ở đây có những bãi cuội chạy dọc theo triền suối hẳn đó là nguồn nguyên liệu phong phú để những người xưa chế tác công cụ. Ven suối có những ghềnh đá đồ sộ lẫn những ngách sâu, hốc lớn, cũng có thể là nơi cư trú tạm thời qua ngày của người xưa khi gặp mưa” (theo nhận định của các tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Khắc Sử và Võ Quý – Viện Khảo cổ học Việt Nam). Qua các đợt khảo sát của các nhà khảo cổ học, Bảo tàng Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt đã thu được nhiều di vật có dấu hiệu của thời kỳ đồ đá. Những di vật này hiện nay đang được lưu giữ để nghiên cứu xác định chính xác giá trị về lịch sử văn hóa.
Ở sâu trong khu vực trung tâm của khu căn cứ cách mạng (khu rừng già Gia Lâm), khu núi đá (Núi Voi) còn có những trảng rừng nguyên sinh, có suối nước trong, bãi đá cuội, thác nước với sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là thông đỏ và một số chim, thú, lan rừng,… Đặc biệt là đường lên núi có nhiều vách đá dựng rất hiểm trở len giữa tán cây rừng nguyên sinh, dây leo, với nhiều loài lan rừng, quang cảnh đẹp hoang dã và rất lãng mạn. Đỉnh Núi Voi cao 1.814.5 m so với mực nước biển, ở đây ta có thể quan sát được cả phía Đông TP Đà Lạt và một phần của huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Sinh sống quanh khu vực này còn có buôn làng bà con dân tộc K’Ho với những phong tục, lễ hội rất độc đáo.
Có thể nói, hiếm thấy một di sản văn hóa thiên nhiên hội đủ các giá trị sinh thái, môi trường, lịch sử văn hóa như Tuyền Lâm. Hồ Tuyền Lâm (bao gồm cả thiền viện Trúc Lâm) đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (thuộc loại Danh lam thắng cảnh) theo Quyết định số 1811 của Bộ Văn hóa ngày 30/8/1998. Từ khi được công nhận, chính quyền địa phương đã quan tâm bảo tồn, tôn tạo cảnh quan và định hướng quy hoạch phát triển du lịch. Đồng thời, cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đây đầu tư xây dựng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng các tiêu chí theo quy định khu du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan nghỉ dưỡng. Ngày 15/02/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 205 công nhận Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm là khu du lịch quốc gia đầu tiên của cả nước trong 47 khu du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, gần đây, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm vừa được vinh danh là “Khu du lịch tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương” vào ngày 03/8/2023 tại thủ đô New Delli, Ấn Độ trong chương trình diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ”. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là cơ hội để danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm – Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng nói chung và Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm nói riêng. Từ đây, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm sẽ được sánh ngang với các khu du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Á và trên thế giới, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu.
Được biết trong thời gian tới, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm sẽ được tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, xây dựng nâng tầm đáp ứng được tiêu chí khu du lịch quốc gia chất lượng cao; cùng với đó là mở rộng bổ sung quy hoạch khu vực Núi Voi vào quy hoạch chung nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm góp phần tạo ra chuỗi hoạt động du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Lễ hội thác Pongour (Lâm Đồng) - nét truyền thống độc đáo
Lễ hội thác Pongour là lễ hội thác nước duy nhất tại Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch) tại danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ thác Pongour, thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong ngày lễ hội
Thác Pongour nằm trên dòng chảy của sông Đa Nhim, còn có tên gọi khác là thác Thiên Thai hay thác Bảy Tầng, được bao quanh bởi rừng nguyên sinh rộng lớn với diện tích lên tới 2,5 ha, cùng thảm thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Thác Pongour có độ cao khoảng 40 m, rộng hơn 100 m, chảy thoai thoải qua 7 bậc đá tự nhiên. Mỗi bậc đá lại có hình dáng phẳng, nhô ra như bậc thang. Nước từ trên đầu nguồn thác chảy xuống qua các bậc, tung bọt trắng xóa, bồng bềnh như mái tóc của người con gái. Khu vực hạ lưu thác là một cái hồ rộng mênh mông được đá bao quanh, nước trong xanh, mát lạnh, vô cùng xinh đẹp.
Thác Pongour - Nam Thiên đệ nhất thác đẹp mơ màng thu hút rất đông khách vào ngày lễ hội
Nguồn gốc tên gọi thác Pongour là do vùng đất này có khoáng sản cao lanh (kaolin - một loại đất sét trắng), tiếng K'Ho là Pon-gou. Từ thời Pháp, thác Pongour được bình chọn là "Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương", và được Vua Bảo Đại khen ngợi là "Nam thiên đệ nhất thác". Năm 2000, thác Pongour được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia... Vào mùa mưa, Pongour là dòng thác hùng vĩ bậc nhất không chỉ ở Lâm Đồng mà là cả Tây Nguyên. Nhưng, từ khi dòng chảy thác Pongour được ngăn đập làm thủy điện Đại Ninh thì nước không còn mạnh như trước. Dù vậy, thác vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, nên thơ của núi rừng.
Thiếu nữ bên dòng thác
Thác Pongour gắn liền với truyền thuyết về nàng Kanai xinh đẹp, với mái tóc dài mượt như suối, là nữ tù trưởng cai quản vùng đất này. Nàng có biệt tài thuần phục thú dữ và sai khiến chúng phục vụ cho dân làng. Trong số những con thú dữ đó, có bốn con tê giác khổng lồ, luôn đi theo nghe lệnh nàng dời núi, ngăn suối, khai phát nương rẫy, và sẵn sàng chống lại những kẻ xâm lấn buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng dân tộc K'Ho lúc nào cũng được bình yên, sung túc...
Cấu tạo địa chất tạo nên sự độc đáo và hùng vĩ của thác Pongour
Vào đúng ngày rằm tháng Giêng năm ấy, nữ tù trưởng qua đời. Bốn con tê giác không màng ăn uống, cứ túc trực bên nàng cả ngày lẫn đêm cho đến chết. Một thời gian sau, suối tóc của Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, còn những phiến đá xanh rêu xếp thành tầng chính là hóa thạch của sừng tê giác tạo nên một ngọn thác đẹp tuyệt vời, gọi là thác Thiên Thai. Cũng từ truyền thuyết này mà người K'Ho lý giải tên Pongour còn có nghĩa là "bốn chiếc sừng tê giác".
Để tưởng nhớ về nàng Kanai, hằng năm, vào dịp rằm tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội tại thác Pongour với các trò chơi dân gian và hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội này cũng là dịp cho các đôi trai gái K'Ho bày tỏ tình cảm của mình với mong muốn, dưới sự chứng kiến của nàng Kanai và ngọn thác Pongour hùng vĩ, tình yêu của họ sẽ là mãi mãi..., tạo nên một phần quan trọng trong lễ hội thác Pongour là "lễ cầu duyên".
Tại Lễ cầu duyên, các đôi trai gái yêu nhau sẽ trải qua những nghi thức rất lãng mạn là xin nước "thiên duyên" dưới chân thác Pongour, trao bình nước "thiên duyên" cho nhau, cùng nhau hát lời nguyện từ cây tình yêu, thắp sáng hoa đăng trong đêm tình yêu bên dòng thác huyền thoại... Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, Lễ hội thác Pongour ngày càng trở nên nổi tiếng và hằng năm, thác Pongour đều thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Trong Lễ hội thác Pongour, đan xen với những vũ điệu cồng chiêng, các đôi trai gái cũng rủ nhau tham dự các trò chơi dân gian, như kéo co, đẩy gậy, ném còn, múa sạp...; thưởng thức ẩm thực của các dân tộc huyện Đức Trọng, Lâm Hà...
Hà Giang: Điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu châu Á Với chủ trương 'lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hóa', Hà Giang vươn lên trở thành một điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch châu Á. Năm 2023, Hà Giang được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" và năm 2024 tiếp tục được đề cử...