Lâm Đồng: Tiêm bổ sung vaccine bạch hầu – uốn ván tại 3 vùng có nguy cơ cao
Ngày 17/8, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng cho biết đã hoàn thành đợt tiêm chủng bổ sung vaccine uốn ván – bạch hầu tại 3 vùng có nguy cơ cao với kết quả đạt trên 87% số đối tượng cần tiêm.
Tổ chức tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho học sinh và giáo viên các trường ở xã Đạ R’sal có học sinh tiếp xúc gần ca bệnh. Ảnh: baolamdong
Theo kế hoạch, từ ngày 14-16/8/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Đam Rông và Bảo Lâm tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều (Td), nhằm tăng tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván tại các vùng nguy cơ cao.
Video đang HOT
Bác sĩ Nguyễn Quốc Minh cho biết: Đợt tiêm bổ sung vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều lần này tập trung vào toàn bộ dân số dưới 60 tuổi thuộc 3 vùng nguy cơ cao là: xã Lộc Bảo (Bảo Lâm) và xã Đạ R’sal, Liêng S’rônh (Đam Rông). Đây là các xã tiếp giáp với các vùng đang xảy ra dịch bạch hầu thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nên nguy cơ dịch xâm nhập vào Lâm Đồng rất lớn. Trong tổng số 1.944 đối tượng trên 4 tuổi, lực lượng y tế địa phương đã tiêm vaccine phòng bệnh cho 1.688 người; trong 312 trẻ từ 2 tháng đến 48 tháng tuổi đã tiêm được cho 272 trẻ. Số còn lại chưa tiêm do có chỉ định hoãn tiêm theo quy định của Chương trình và do đi làm ăn xa không về nơi cư trú.
Để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều tại 3 điểm tiêm chủng này, lực lượng cán bộ y tế của CDC tỉnh và địa phương đã phải vượt qua nhiều chặng đường vất vả để vào các tiểu khu trong rừng sâu, tổ chức vận động người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đến điểm tiêm chủng, đảm bảo toàn bộ dân số trong vùng dưới 60 tuổi được bảo vệ bằng vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
Tại nhiều địa bàn, cán bộ y tế đã phải ở lại các thôn bản nhiều ngày, chờ người dân trên lán nương xuống tiêm chủng. Nhiều địa bàn không có đường giao thông, cán bộ y tế phải đi bộ hoặc khiêng vác xe máy qua sông suối, qua những quãng đường mòn bị mưa lũ, lầy lội, vừa phải bảo quản thùng vaccine không bị hư hỏng. Các địa bàn này đều là đồng bào dân tộc Mông, sống du canh du cư nên rất khó quản lý về nhân khẩu cũng như tình trạng y tế.
Trước đó ngày 3/8/2020, TTXVN đã đưa tin phát hiện trường hợp bệnh nhân bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bệnh nhân là nữ, 21 tuổi, dân tộc Mông, cư trú tại Tiểu khu 181, thôn 3, Liêng S’rônh (Đam Rông). Ngay sau khi phát hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã khoanh vùng, triển khai các biện pháp dập dịch, cách ly người bệnh và những người tiếp xúc gần với người bệnh để điều trị và lấy mẫu xét nghiệm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đến ngày 17/7, địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm trường hợp nào bị bệnh bạch hầu.
Phòng bệnh bạch hầu: Hiệu quả nhất là tiêm vắc xin
Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu (vắc xin Td) năm 2020 - 2021 cho trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 ở 35 tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung và chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện. Đợt này, trên toàn tỉnh có hơn 21.150 trẻ sẽ được tiêm bổ sung một mũi vắc xin Td. Thời gian triển khai tiêm dự kiến trong quý IV/2020 và đầu năm 2021. Nguồn vắc xin do Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp. Các đơn vị đang tổ chức tập huấn, điều tra đối tượng, truyền thông, in ấn biểu mẫu...
Tập huấn cho cán bộ y tế về phòng, chống bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Người bệnh và người lành mang vi khuẩn vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Đối vơi người bệnh, thời kỳ mắc và lây bệnh có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể kéo dài từ vài ngày đến 3 - 4 tuần. Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; tốc độ lây lan vi khuẩn bạch hầu rất nhanh, có thể xâm nhập qua da. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, người bệnh thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Theo đó, những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu gồm người không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc xin bạch hầu; bị các rối loạn miễn dịch (như nhiễm HIV/AIDS); sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp...
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh được điều trị khỏi bằng kháng sinh. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến, từ khi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin Td phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch. Cụ thể: Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ hai sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ ba sau mũi thứ hai 1 tháng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, trẻ phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Trắng đêm băng rừng chống dịch bạch hầu ở 'ngôi làng 4 không' Ngay sau khi được Viện Pasteur TP.HCM thông báo kết quả xét nghiệm PCR của bệnh nhân Giàng Thị H. dương tính với bạch hầu, lực lượng y tế của huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cấp tốc băng rừng đi chống dịch ở làng H'Mông 4 không: Không có điện, đường, trường, trạm. Đẩy xe máy trên đường sình lầy trơn trượt để...