Lâm Đồng: Quýt đang bán được giá, vì sao người dân thủ phủ quýt D’ran phải chặt bỏ cả cây?
Dù giá quýt các loại tại thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang có xu hướng tăng nhiều vào dịp cận Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 nhưng người dân tại đây vẫn đang đau đầu vì căn bệnh vàng lá, thối rễ.
Khác hẳn với cùng thời gian này 2 năm trước, phóng viên báo điện tử Dân Việt đến thủ phủ trồng quýt của thị trấn Dran là thôn Phú Thuận thì hiện người dân tại đây khá buồn với căn bệnh vàng lá, thối rễ trên cây quýt.
Những vườn quýt vàng rực vào cuối dịp năm trước đây thì nay đã bị cắt bỏ hay nhổ cả gốc. Hiện nay, giá quýt xô được thương lái thu mua khoảng 10.000 đồng/kg, cao hơn so với năm 2021.
Mặc dù những vườn quýt đang chín vàng rực, giá bán loại 1 lên đến 25.000 đồng/kg nhưng người dân thị trấn Dran vẫn đau đầu với căn bệnh vàng lá thối rễ hoành hành trên cây quýt. Ảnh: Văn Long.
Chạy xe gắn máy trên con đường mòn nhỏ lên ngọn đồi cao tại thôn Hầm 2, thị trấn Dran, chúng tôi có mặt tại vườn quýt đã hơn 20 năm của gia đình bà Lê Thị Ánh Minh (54 tuổi). Thời điểm này gia đình bà Minh đang cắt lựa quýt đường để bán cho thương lái với giá khoảng 25.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bà Minh cũng không dám để dành quýt đến sát Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 vì giá nhân công rất đắt, lên đến 500.000 đồng/ngày công. Chính vì vậy, thời điểm này bà Minh cùng con trai vẫn cắt quýt để bán cho thương lái.
Bà Lê Thị Ánh Minh cắt lựa những chùm quýt đẹp bán cho thương lái với giá 25.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Long.
Bà Minh cho biết: “Giờ dịch như thế này, ai mua bao nhiêu thì mình bán bấy nhiêu thôi, không dám để đến Tết. Rút kinh nghiệm những năm trước, một ngày tôi phải thuê từ 10-15 công hái quýt, thu hoạch xong cũng mất hàng chục triệu tiền công, xót lắm nhưng phải chịu. Vì vậy, giờ có bao nhiêu mình cứ cắt bấy nhiêu. Giờ này mấy năm trước là các thương lái đã đi các vườn để mua quýt rồi, nhưng năm nay thì ít lắm”.
“Năm ngoái, tôi phải đổ bỏ khoảng 8 tấn quýt vì dịch Covid-19. Thương lái đã vào tận vườn đặt mua quýt, hẹn cắt vào ngày 23 Tết. Thế mà đùng một cái, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thương lái không đến cắt quýt. Thế là tôi phải để đến qua Tết rồi cắt bỏ, không thu được đồng nào”, bà Minh buồn bã nói.
Video đang HOT
Vào năm 2021, gia đình bà Minh đã phải đổ bỏ khoảng 8 tấn quýt vì không bán được, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Văn Long.
Gia đình bà Minh hiện nay đang trồng 2ha quýt các loại như quýt đường, quýt tiều… Với diện tích trên, gia đình bà Minh trồng được khoảng gần 1.000 cây quýt, sản lượng mỗi năm khoảng 20 tấn. Tuy nhiên, thu nhập từ cây quýt cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường.
Trong khi đó, ông Đỗ Trọng (56 tuổi, Phú Thuận, thị trấn Dran) cũng cho hay, khoảng 2 năm nay, nhiều diện tích quýt của người dân địa phương đã bị bệnh vàng lá thối rễ khiến cây bị hỏng, không thể phục hồi phải cắt bỏ cây. Chính vì vậy, trong vùng diện tích trồng quýt đã giảm trong khoảng 2-3 năm nay.
Căn bệnh vàng lá, thối rễ trên cây quýt rất khó chữa, nên người dân địa phương chỉ có cách phòng bệnh. Ảnh: Văn Long.
Đối với loại bệnh vàng lá thối rễ này, ông Trọng cho biết chỉ có thể phòng trừ, nếu bị rồi thì bệnh rất dễ lây lan qua các cây khác, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, người trồng cần làm sao để đất thoáng khí, không bị úng nước, không lạm dụng phân hóa học thì dễ dàng phòng bệnh.
Bà Minh lại cho biết, nếu cây bị bệnh trên, người trồng quýt cần cố gắng cứu bộ rễ của cây, sau đó cắt bỏ phần ngọn của cây rồi ghép mầm khác vào. Cách làm này vừa rút ngắn được thời gian trồng cây mới mà lại không tốn công chăm sóc nhiều.
Anh Nguyễn Khắc Duy (30 tuổi, con trai bà Minh) bên những chùm quýt tiều đang được chăm sóc để chờ đến giáp Tết, bán cho thương lái với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Long.
Ngoài ra, trong vườn của bà Minh sử dụng những chiếc chai nhựa nhỏ treo trên cây. Bên ngoài những chiếc chai sẽ được xịt một loại keo dính, ruồi muỗi, bọ trĩ khi dính vào sẽ không thể thoát ra được.
Từ đó, cây quýt sẽ tránh được các loại sâu bệnh trên, giúp năng suất cây quýt được ổn định.
Những chiếc chai được dùng để bẫy côn trùng bên trong vườn quýt của gia đình anh Nguyễn Khắc Duy. Ảnh: Văn Long.
Người dân thị trấn Dran đang khá phấn khởi vì giá bán quýt có xu hướng tăng lên so với năm 2021. Ảnh: Văn Long.
Bà Minh là người trồng quýt tại thị trấn Dran đã hơn 20 năm nay nhưng cũng không tránh được quy luật của thị trường cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Văn Long.
Lâm Đồng: Thương lái đột nhiên mua lá măng cụt với giá cao, có gì bất thường trong chuyện này?
Một số người dân huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã thu gom lá măng cụt rồi bán cho thương lái với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Hiện tượng thương lái mua lá măng cụt bất thường này khiến ngành chức năng phải ra khuyến cáo "nóng".
Ngày 13/1, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến cáo người dân địa phương không được chặt cành tán cây măng cụt để bán lá cho thương lái.
Theo UBND huyện Cát Tiên, vừa qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng người dân gom, nhặt lá măng cụt (chủ yếu lá rụng) để bán cho thương lái với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Mặc dù chưa xảy ra tình trạng người dân hái lá măng cụt hoặc đốn cành để lấy lá bán, tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ này là khó tránh khỏi.
Một số người dân tại Cát Tiên đã thu gom lá măng cụt để bán cho thương lái với giá từ 20-25 ngàn đồng/kg. Ảnh: Thiên Trinh.
Chính vì vậy, huyện Cát Tiên yêu cầu các đơn vị liên quan như Phòng NNPTNT, Trung tâm Nông nghiệp, Hội Nông dân và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn quan tâm, khuyến cáo người dân.
Thời điểm này, cây măng cụt đang trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa, kết trái của niên vụ 2022, nên rất cần lá quang hợp, hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng để nuôi cây.
Đồng thời, trong quá trình phân hóa mầm hoa, nuôi hoa, quả, nếu chặt cành lá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ gây thiệt hại cho người dân.
Thời điểm này, lá măng cụt rất cần thiết cho cây phát triển, quang hợp, chuyển hóa dinh dưỡng để nuôi cây. Ảnh: Thiên Trinh.
Người dân chỉ nên thực hiện tỉa cành, tạo tán cho cây măng cụt khi kết thúc vụ thu hoạch năm 2022.
Đặc biệt, các hộ dân chỉ nên cắt những cành vô hiệu, không lạm dụng các cành hữu hiệu sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây măng cụt trong những năm tiếp theo.
Hiện nay, toàn huyện Cát Tiên có khoảng 80ha trồng cây măng cụt, tập trung nhiều nhất ở xã Đức Phổ. Ảnh: Cộng tác viên.
Đặc biệt, huyện Cát Tiên cũng chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các thương lái đến địa phương để thu mua lá măng cụt, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Đồng thời, theo dõi nắm bắt những bất cập phát sinh của việc thu mua lá măng cụt để có biện pháp xử lý kịp thời tránh gây hoang mang dư luận.
Hiện nay, toàn huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) có khoảng 80 ha cây măng cụt trồng xen với các loại cây trồng khác (tập trung nhiều nhất ở xã Đức Phổ hơn 50 ha).
Rộn ràng làng hoa cúc chậu ở thủ phủ rau Đơn Dương, Lâm Đồng Giữa thủ phủ rau huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, một làng hoa cúc chậu đang tất bật chuẩn bị cho niên vụ hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Bất chấp khó khăn của dịch COVID-19, hàng chục nghìn chậu hoa của người dân đã được bán hết dù phải còn hơn 1 tuần nữa mới đến cao điểm thị trường...