Lâm Đồng: Nguy cơ sạt lở tại khu vực đồi đất sát Trường Tiểu học Quang Trung
Ngày 27/8, lãnh đạo UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) cho biết, địa phương đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực đồi đất sát bên Trường Tiểu học Quang Trung (thị trấn Đạ Tẻh).
Tình trạng bùn đất chảy tràn xuống khuôn viên trường Tiểu học Quang Trung (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) thường xuyên xảy ra vào mùa mưa. Ảnh: TTXVN phát.
Theo UBND huyện, ngay sát phía sau khuôn viên Trường Tiểu học Quang Trung là đồi đất mái dốc đứng, có độ cao từ 40 – 70 mét so với mặt bằng xây dựng các phòng học. Trong mùa mưa năm 2024, một lượng bùn đất lớn thường xuyên chảy từ phía đồi đất xuống khuôn viên nhà trường. Sau một số trận mưa lớn thời gian qua, phía trên đồi đất đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đất cục bộ.
Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra toàn bộ khu vực đồi đất phía sau Trường Tiểu học Quang Trung. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nguy cơ sạt trượt, sạt lở đất ở khu vực này rất cao, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của giáo viên, học sinh và tài sản của nhà trường.
UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Trường Tiểu học Quang Trung khắc phục tạm thời các sự cố để chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025. Cơ quan chức năng đã tiến hành căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm; tăng cường tuyên truyền để người dân, giáo viên, học sinh tuyệt đối không đi vào khu vực có nguy cơ sạt lở đất; xây dựng phương án ứng phó, di dời người và tài sản đến nơi an toàn khi xảy ra tình huống sạt lở. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở đất tại Trường Tiểu học Quang Trung.
Video đang HOT
Tình trạng bùn đất chảy tràn xuống khuôn viên trường Tiểu học Quang Trung (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) thường xuyên xảy ra vào mùa mưa. Ảnh: TTXVN phát
Trường Tiểu học Quang Trung thuộc Tổ dân phố 3A (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) có khuôn viên khoảng 15.000m2, với 18 phòng học, 4 phòng bộ môn, khu hiệu bộ, nhà đa năng… Năm học 2024 – 2025, toàn trường có gần 600 học sinh các lớp. Trong mùa mưa năm 2023, tình trạng nước và bùn đất đã nhiều lần chảy thẳng xuống khuôn viên trường, tràn qua các lối đi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, học tập và giảng dạy của học sinh và giáo viên. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục tạm thời bằng cách đào rãnh thoát nước phía sau trường để dẫn vào hệ thống mương tiêu.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, tham mưu việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó sạt trượt tại Trường Tiểu học Quang Trung (thị trấn Đạ Tẻh).
UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND huyện Đạ Tẻh chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, học sinh, giáo viên và nhà trường.
Thanh Hóa: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển
Ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển ở khu vực các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa).
Đoạn bờ biển thuộc xã Hoằng Trường (dài khoảng 1,6 Km) bị xói lở, xâm thực làm thiệt hại tài sản của nhân dân và các doanh nghiệp đầu tư. Ảnh: TTXVN phát
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn giao cho UBND huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Huyện tổ chức cắm mốc quan trắc theo dõi và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, xâm thực. Đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra triều cường, nước biển dâng do bão, áp thấp nhiệt đới.
Địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai khu vực bờ biển ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm "4 tại chỗ"; nhất là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra. Huyện thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực (sử dụng rọ thép, đá hộc,... gia cố hộ chân khu vực sạt lở).
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Hoằng Hóa kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, xâm thực bờ biển và xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư, triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và ổn định lâu dài cho khu vực bờ biển bị sạt lở, xâm thực.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí vốn để xử lý chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực nêu trên đảm bảo ổn định lâu dài, theo đúng quy định của pháp luật.
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa và kết quả kiểm tra, chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, thời gian qua, khu vực bờ biển thuộc các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển. Đặc biệt, từ cuối tháng 7/2024 đến nay, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao và ảnh hưởng của mưa, lũ do hoàn lưu bão số 2 nên hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển xảy ra rất nhanh và nguy hiểm, diễn biến rất phức tạp.
Phạm vi bị sạt lở, xâm thực khoảng 25ha, trong đó điểm xâm thực vào bờ sâu nhất tại xã Hoằng Trường khoảng 30m, xã Hoằng Phụ khoảng 100m, làm mất đất sản xuất, kinh doanh của nhà nước và nhân dân.
Đáng lo ngại, hiện tượng sạt lở, xâm thực có nguy cơ ảnh hưởng đến 205 hộ/630 nhân khẩu cũng như công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ biển Hải Tiến, tuyến đường giao thông nội bộ ven bờ biển và nhiều công trình khác trong khu vực.
Dự báo, trong thời gian tới, hiện tượng sạt lở, xâm thực có khả năng còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Bình Thuận: Sạt lở đèo Tà Pứa gây ách tắc giao thông Đến khoảng 12 giờ ngày 8/8, sau khi Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận huy động phương tiện cơ giới đến dọn dẹp hiện trường sạt lở đèo Tà Pứa trên Tỉnh lộ 717 thuộc xã Mê Pu, huyện Đức Linh, các phương tiện đã được phép tạm thời di chuyển qua khu vực này. Sạt lở đèo Tà Pứa gây...