Lâm Đồng: Hiểm họa sạt lở bên đường Trường Sơn Đông
Trên tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đe doạ nhà dân và nhiều trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa mưa bão cuối năm.
Đất cát trôi xuống đường gây khó khăn cho việc lưu thông. Ảnh minh họa: baolamdong.vn
Những ngày đầu tháng 10, các trận mưa cao nguyên dai dẳng không dứt do chịu ảnh hưởng từ các cơn bão cuối năm. Trên tuyến đường Trường Sơn Đông, nối thành phố Đà Lạt với xã vùng sâu Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, một đoạn đường nhựa dài gần 200m đã bị bùn đất đỏ tràn xuống, che lấp hoàn toàn. Đây là vị trí thuộc thôn Lán Tranh (xã Đưng K’Nớ), một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường huyền thoại này.
Theo quan sát của phóng viên, vị trí sạt lở thuộc đất vườn trồng cà phê của người dân, kéo dài khoảng 150 m dọc theo tuyến đường Trường Sơn Đông. Vị trí sạt lở bắt đầu từ đỉnh đồi trồng cà phê, do thấm nước mưa, bùn đất đỏ sạt trượt chảy xuống phủ lấp nền đường, ngập cả bánh xe máy khi đi qua đây. Nguy hiểm hơn, bùn đất còn sạt lở đến sát vách sau của một số nhà dân bên đường, đe doạ tính mạng và tài sản của người dân.
Ông Thân Ngọc Kiên (54 tuổi, thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ) cho biết, gia đình ông phải xây kè đá, gia cố thêm các cột chống để ngăn chặn bùn đất sạt lở vào phía sân sau. Khu vườn cà phê bị sạt lở cũng của gia đình ông, rộng 1,8 ha nhưng hiện nay bị sạt lở, sụt lún gần 1,5 ha và không thể canh tác được. “Tình trạng xảy ra nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng hơn, chúng tôi chỉ còn cách khắc phục tạm thời, đêm nào trời mưa lớn thì hầu như không dám ngủ, thậm chí còn phải đi ở nhờ vì lo sợ bùn đất tràn vào nhà” – ông Kiên cho hay.
Tình trạng sạt lở đất đá từ triền đồi cũng đang đe doạ trực tiếp hàng loạt trụ sở làm việc của các cơ quan trên địa bàn xã Đưng K’Nớ. Cụ thể, tại trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ, một lượng lớn đất đá bị sạt trượt từ trên đỉnh đồi sát xuống khối nhà làm việc của các cán bộ, nhân viên uỷ ban và các cơ quan, đoàn thể. Điểm sạt lở này kéo dài khoảng 200m, độ cao trung bình từ mặt đất đến đỉnh đồi từ 3 – 5m. Đã nhiều lần một lượng lớn đất đỏ bị sạt, chảy xuống nền đường Trường Sơn Đông, thậm chí sạt đến tận chân tường của trụ sở UBND xã, rất nguy hiểm.
Video đang HOT
Theo ông Bon Niêng Ha Dong, Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, tình trạng đất đá sạt trượt trên xảy ra từ năm 2017, khi chính quyền địa phương xây dựng trụ sở tại đây để cán bộ, công chức làm việc. Qua mỗi mùa mưa hàng năm, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn phức tạp và chưa được xử lý triệt để.
Cách đó không xa, phía sau trụ sở Trạm Y tế và Công an xã Đưng K’Nớ cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở đất. Theo quan sát, điểm sạt lở kéo dài trên 100 m dọc theo mặt đường, đất đá từ đỉnh đồi tràn xuống sát bên trụ sở các khối nhà làm việc, kéo theo nhiều tảng đá lớn và cả những cây rừng đổ nghiêng ngả, chưa được dọn dẹp. Hầu như phía sau trụ sở các cơ quan này vẫn chưa có bờ kè, rào chắn hay biện pháp phòng ngừa sạt lở, rất nguy hiểm nếu tình trạng mưa lớn kéo dài nhiều ngày như hiện nay.
Liên quan đến hiện tượng sạt trượt đất dọc tuyến đường Trường Sơn Đông, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết, địa phương sẽ cử các cơ quan chuyên môn vào kiểm tra tình trạng sạt lở phía sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ và các cơ quan khác.
Qua đó, sớm có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản. Theo ông Hoài, đối với các điểm sạt lở đe doạ nhà dân dọc hai bên đường Trường Sơn Đông, đơn vị quản lý tuyến đường là Cục Quản lý đường bộ 4 đang có kế hoạch khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng công nhân của Cục Quản lý đường bộ 4 từ Bình Thuận lên, đang phải thực hiện cách ly phòng dịch COVID-19, do đó chưa thể đến thi công khắc phục tình trạng này.
Hiểm họa từ các cần trục tháp 'siêu lớn' giữa trung tâm Đà Lạt
Vụ sạt lở nghiêm trọng tại công trình xây dựng Trung tâm trưng bày (Showroom) ô tô Toyota Ngọc Anh Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) là lời cảnh báo khi đang vào cao điểm mùa mưa bão ở địa phương này.
Đặc biệt, hạng mục cần trục tháp "siêu lớn" phục vụ thi công công trình này đang được cơ quan chức năng đề nghị khẩn cấp kiểm tra lại mức độ an toàn.
Hạng mục cần trục tháp vẫn được sử dụng để di chuyển vật liệu, khắc phục sự cố sạt lở tại công trình showroom ô tô Toyota Ngọc Anh trong ngày 7/7.
Ngày 7/7, phóng viên TTXVN trở lại công trường xây dựng Showroom ô tô Toyota Ngọc Anh sau 3 ngày xảy ra sự cố sạt lở. Công trình hiện đã bị đình chỉ thi công. Mấy ngày qua, đơn vị thi công đang khẩn trương khắc phục, gia cố các vị trí sạt lở bờ ta luy và vỉa hè dọc theo đường 3/4 (phường 3, thành phố Đà Lạt). Đường ống cấp nước sinh hoạt bị vỡ sau vụ sạt lở được thay thế bằng đường ống dẫn khác để cung cấp nước tạm thời cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hạng mục cần trục tháp (hoặc cần cẩu tháp) phục vụ thi công của công trình này đang có nguy cơ mất an toàn. Theo quan sát, cần cẩu tháp này được đặt giữa mặt bằng rộng 10.000 m2 của công trình.
Nhìn bằng mắt thường có thể thấy phần đất xung quanh trụ móng của cần cẩu này hiện bị xói lở, xuất hiện những vết nứt kéo dài. Hiện khu vực này vẫn chưa được gia cố, chủ công trình chỉ dùng tấm bạt che đậy bề mặt để tránh nước mưa xói lên trực tiếp lên đế móng cần cẩu.
Ông Lê Thành Đô, nhà ở đường 3/4, gần công trình Showroom ô tô Toyota Ngọc Anh cho biết, sự cố sạt lở ngoài ý muốn. Nhưng người dân mong chủ đầu tư sớm khắc phục các vị trí sạt lở để không ảnh hưởng đến mặt đường của tuyến đường ngõ này. Phần chân đế của cần cẩu phải xử lý nhanh chứ người dân ở đây rất lo lắng, sợ mưa thêm vài ngày nữa, nền đất mềm ra lại đổ cái cần cẩu tháp này.
Liên quan đến hạng mục cần trục tháp của công trình xây dựng Showroom ô tô Toyota Ngọc Anh Lâm Đồng, ngày 5/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và thành phố Đà Lạt yêu cầu chủ dự án khẩn cấp đánh giá mức độ an toàn của cần trục tháp, có phương án tháo dỡ khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Đồng thời, lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu nạn cứu hộ tỉnh, hạng mục cần trục tháp của công trình đang trong tình trạng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ngay sát bên cạnh đế móng của tháp cẩu là vách mở móng thẳng đứng cao khoảng 10m; bờ đất thẳng đứng tại vị trí đế móng tháp đã xuất hiẹn những vết nứt kéo dài. Các hộ dân bên cạnh công trình phản ánh họ luôn cảm thấy lo sợ vì cẩu tháp có nguy cơ đổ sập vào nhà.
Hạng mục cần trục tháp tại công trình xây dựng ngay sát bên quảng trường Lâm Viên (thành phố Đà Lạt), nơi có rất nhiều người và phương tiện qua lại mỗi ngày.
Theo ghi nhận, ngoài cần cẩu của công trình Showroom ô tô Toyota Ngọc Anh, tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt còn có hai công trình xây dựng đang sử dụng cần trục tháp cao hàng chục mét để phục vụ thi công. Trong đó, cần trục tháp của công trình phục vụ cho một hãng ô tô nằm sát bên Quảng trường Lâm Viên, siêu thị BigC, nơi có nhiều phương tiện, người dân qua lại mỗi ngày.
Ngoài ra, tại khu vực bùng binh đầu đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo cũng có hai cần cẩu cỡ lớn phục vụ thi công một khách sạn cao tầng, xung quanh là các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn mỗi ngày. Đây có thể là những hiểm họa khôn lường khi Đà Lạt - Lâm Đồng đang bước vào cao điểm mùa mưa bão như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND Phường 3, dù hạng mục cẩu tháp của công trình Showroom ô tô Ngọc Anh đã có hồ sơ kiểm định nhưng sau khi xảy ra sự cố sạt lở vừa qua, địa phương đã có kiến nghị đến cơ quan chức năng đánh giá lại độ an toàn của cẩu tháp, tiến hành hạ thấp độ cao của cần cẩu để đảm bảo an toàn cho khu vực này.
"Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư bố trí lực lượng túc trực 24/24h để phân luồng giao thông tại đoạn đường trước công trình. Đồng thời cử cán bộ phường kiểm tra, giám sát công trình này để tránh những sự cố tiếp theo" - ông Hòa cho biết thêm.
Địa phương cách ly thế nào với hành khách đi máy bay? Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng cách ly tập trung hành khách đi từ sân bay Tân Sơn Nhất, các địa phương khác yêu cầu khách theo dõi tại nhà. Theo quy định của TP Hà Nội , hành khách đến từ TP HCM lưu trú tại thủ đô sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày tại khu cách...