Làm điều ác là bất hiếu
Phạm Minh Mẫn (giữa) sau phiên phúc thẩm
Bạo hành gia đình dẫn đến những vụ án bi thảm luôn gây bức xúc trong dư luận. Ngoài các biện pháp tích cực để ngăn chặn, điều quan trọng là dạy cho các bạn trẻ biết dùng tình yêu thương, sự kính trọng, lòng biết ơn cha mẹ để có cách xử sự đúng.
Tòa tuyên án. Bà nội của bị cáo sụp xuống lạy HĐXX. Mẹ, em gái, bà con và bạn bè của Phan Minh Mẫn (SN 1990, sinh viên một trường cao đẳng nghề), nước mắt chảy tràn trên gương mặt bừng sáng hy vọng. “Mẫn đã thoát án tử hình, được sống rồi” – ai đó reo khẽ.
Tôi cũng thấy nhẹ người, thoát khỏi cảm giác nghẹt thở khi nghe Mẫn bị tuyên án tử hình ở phiên tòa sơ thẩm. Dù sao, Mẫn vẫn còn quá trẻ và gia đình Mẫn chịu đau đớn, mất mát cũng quá đủ rồi. Nhưng sau giây phút ấy, lòng tôi lại thấy bất an…
Tội ác từ bạo hành gia đình
Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm cách đây hơn hai tháng, hoàn cảnh khổ đau của một gia đình có người cha nghiện rượu, bạo hành được tái hiện trước mắt người dự khán qua lời kể của những người trong cuộc khiến cho không khí phòng xử trở nên ngột ngạt. Ở đó, có người cha khi bình thường cũng biết lo cho gia đình, quan tâm đến nghề nghiệp, tương lai của con (dù có hơi cực đoan “nếu học cơ khí, cha cho tiền học, nếu học ngành khác thì thôi”). Nhưng khi rượu vào, ông biến thành hung thần, chửi mắng liên tu bất tận, sẵn sàng đánh đập vợ con, phá phách đồ đạc, thậm chí đuổi vợ con ra khỏi nhà giữa đêm khuya.
Video đang HOT
Ở đó, có người vợ suốt 20 năm dù bị chồng đối xử “không ra gì” vẫn ráng chịu đựng, không dám nghĩ đến chuyện ly hôn vì “không dứt tình được”, sợ ảnh hưởng cha mẹ hai bên, sợ con không có cha… Và ở đó, có hai đứa trẻ từ khi biết nhận thức đã cảm nhận được sự quá quắt của cha, nỗi đau khổ triền miên của mẹ nhưng chỉ biết nuốt vào trong sự bất mãn, đắng cay. Một cuộc sống gia đình ngột ngạt, lắm muộn phiền. Dẫu vậy, không ai nghĩ Mẫn dám làm chuyện tày đình đối với cha. Nỗi đau sau khi vụ án xảy ra vì thế càng tột cùng.
Suốt hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ngoài nước mắt không ngừng tuôn rơi của mẹ và em gái Mẫn, người ta còn chứng kiến nỗi đau như đứt từng khúc ruột của bà nội Mẫn. Phải “chấp nhận” kể tội, lên án một cách không công bằng với đứa con mình rứt ruột sinh ra để có thể giữ lấy mạng sống cho đứa cháu trai duy nhất của dòng họ – nghịch tử giết cha, quả thật đau lắm. “Tội lỗi đều do con tôi gây ra, nó sống quá tồi tệ… Cháu tôi bức xúc quá mà làm vậy… Xin tòa thương tình…”- bà nghẹn ngào.
Còn Mẫn, ít khi dám ngước mặt nhìn lên, trong suốt phiên xử chỉ cúi đầu, lễ phép và run rẩy thừa nhận tội ác của mình: “Nghĩ đến những lần cha say xỉn về nhà đánh đập mẹ con bị cáo, đập phá đồ đạc trong nhà; lúc ngủ cha cũng quơ tay quơ chân… bị cáo không kiềm chế được, chỉ muốn giải thoát cho mẹ… bị cáo không vì mục đích nào khác”.
Cả phòng xử lặng ngắt.
Đội ơn chín chữ cù lao
Trong phần nhận định của mình, vị công tố nói vụ án xảy ra có phần lỗi rất lớn của người cha và nguyên nhân gián tiếp của người mẹ khi chỉ biết chịu đựng mà không có biện pháp xử lý tích cực. Bạo hành gia đình kéo dài trong nhiều năm tháng khiến cho bị cáo bị ức chế, dồn nén tâm lý dẫn đến hành vi phạm tội. Hai luật sư bào chữa cho bị cáo cùng chung quan điểm này và rất may, HĐXX cũng xem xét thấu đáo nguyên nhân, động cơ phạm tội của bị cáo, cho Mẫn được cơ hội sống và chuộc lại lỗi lầm.
Tuy nhiên, tôi rất tâm đắc với vị nữ thẩm phán khi bà nói như một lời khuyên chân tình dành cho Mẫn: “Bạo hành gia đình dẫn đến bi kịch con giết cha, tòa cũng đã thấy nhiều. Nhưng lạnh lùng, tàn nhẫn giết trong lúc cha đang ngủ như thế thì chưa thấy bao giờ. Con người ta được sinh ra nhờ có cha và mẹ. Bị cáo thương mẹ cực khổ cả đời, sao lại nỡ đối xử với cha như vậy? Chỉ tính công sinh thành thôi thì việc bị cáo chọn giải pháp như thế có quá đáng không? Nếu không thể sống chung nhà với cha thì khuyên mẹ chia tay hoặc chọn giải pháp khác. Bị cáo chỉ im lặng để rồi làm một việc khủng khiếp, không thể dung thứ được. Cha bị cáo làm mẹ bị cáo đau khổ một, tội ác của bị cáo làm mẹ đau khổ gấp bội phần”.
Xuất phát từ nguyên nhân bạo hành gia đình dẫn đến những vụ án bi thảm luôn gây bức xúc trong dư luận. Vụ án của Mẫn cũng không ngoại lệ. Rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ dành cho Mẫn. Nhưng tôi lại nghĩ nếu chỉ dừng lại ở đó thôi chưa đủ. Ngoài việc xã hội và những người trong cuộc cần có những biện pháp tích cực hơn để ngăn chặn nạn bạo hành gia đình, điều quan trọng để không xảy ra những vụ án đau lòng chính là dạy cho các bạn trẻ tình yêu thương, sự kính trọng, lòng biết ơn đối với bậc sinh thành. “Đội ơn chín chữ cù lao, sinh thành kể mấy non cao cho vừa”. Cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, sinh thành, nuôi dưỡng, giới thiệu con vào đời này, đặc biệt tình thương con là thuộc tính, bản chất của cha mẹ. Vì thế, dẫu không phải lúc nào cha mẹ cũng hoàn toàn đúng, nhưng trong hoàn cảnh đó phải xử sự như thế nào để giải quyết được vấn đề mà không ảnh hưởng đến đạo làm con là điều cần cân nhắc, suy ngẫm. Không tự nhiên mà kinh Phật dạy rằng điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu; tội lỗi giết cha, giết mẹ được xếp vào 5 tội cực trọng gọi là ngũ nghịch tội.
Theo truyền thống người VN, đối với đấng sinh thành, trong chừng mực nào đó, có thể xem như trời đất, bất khả xâm phạm. Còn theo luật pháp, tội giết cha, giết mẹ được xem là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Quá lạnh lùng! Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 9-11-2009, Phan Minh Mẫn đi học về, thấy cha đang nằm ngủ dưới nền nhà. Nghĩ đến việc cha say rượu thường đánh đập, chửi mắng, Mẫn nảy sinh ý định giết cha. Sau khi mua ổ cắm, dây điện, phích cắm, Mẫn tuốt vỏ dây điện, xoắn dây đồng thành cục tròn, rồi cầm hai đầu dây điện chích vào vùng giữa nách phải của cha. Thấy ông co giật nằm ngửa, Mẫn tiếp tục dùng dây điện chích vào bụng và ngực cho đến chết. Xét hành vi giết cha quá lạnh lùng, độc ác, TAND TPHCM đã tuyên phạt Mẫn mức án tử hình. Bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại (mẹ và bà nội của Mẫn) làm đơn kháng cáo xin tha tội chết cho Mẫn.
Theo Người lao động
Nước mắt thiếu nữ giết cha
Bị cáo trước vành móng ngựa.
Những tháng ngày dài chứng kiến mẹ bị hành hung, rồi bản thân cũng chịu những trận đòn vô cớ từ người cha, uất ức dồn nén khiến cô gái 19 tuổi phạm một tội ác ghê sợ: Giết hại người đã sinh thành ra mình...
Tuổi thơ oan nghiệt
Ngày 22/9, phòng xử án của TAND tỉnh Hòa Bình chật cứng người. Không ít người dân sinh sống cách đó hàng chục kilômét cũng đến toà để xem mặt kẻ đã nhẫn tâm ra tay sát hại chính cha ruột của mình. Điều đáng sợ hơn kẻ thủ ác là một cô gái chưa đầy 20 tuổi.
Tội ác đã rõ, nhưng khi nghe bị cáo thuật lại nguồn cơn, nhiều người thấy tiếc, giá như cha của hung thủ không cư xử với vợ con như vậy, hẳn cô gái đang đứng trước vành móng ngựa đã không mắc vào vòng lao lý.
Chúng tôi xin phép ngược dòng thời gian để độc giả có thể hiểu rõ nguồn cơn mà Bùi Thị Giang (SN 1991, trú tại Kim Bôi, Hòa Bình) phạm vào tội ác. Đó là năm 1988, ông Bùi Văn Vinh và bà Bùi Thị Dinh (SN 1961) thành vợ thành chồng, dù không đăng ký kết hôn. Mọi chuyện bắt đầu khi bà Dinh sinh đứa con gái đầu lòng - Bùi Thị Giang.
Cho rằng bà Vinh không biết đẻ con trai, lại bị bạn bè kích bác không có con nối dõi, ông Vinh bỗng nhiên trở nên cục cằn, thô lỗ, suốt ngày rượu chè. Đến khi vợ sinh đứa con thứ hai (SN 1996), ông Vinh lại càng chán nản vì đó cũng là một bé gái (cháu được đặt tên là Bùi Thị Dự).
Kể từ đó, ông Vinh cứ khăng khăng cho rằng vợ mình không biết đẻ. Ông đặt ra "chỉ tiêu" là phải tìm cho mình một người đàn bà khác "biết đẻ" hơn. Cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ vốn dĩ căng thẳng, sau khi đứa con thứ hai chào đời lại càng căng thẳng hơn, hệt như sợi dây đàn đã kéo hết cỡ.
Trong lúc chưa tìm được ai "biết đẻ", ông Vinh lao vào rượu chè thâu đêm, suốt sáng. Mà khi đã có tý men trong người thì nhìn chuyện gì không ưng là thấy ngứa mắt. Cứ mỗi lần say rượu cộng thêm vài lời khích của đám bạn nhậu là ông Vinh lại về nhà đánh đập vợ con.
Có những lần ông Vinh đánh bà Dinh chết đi, sống lại. Thấy bà nằm bất tỉnh, ông Vinh mang nước mắm, rượu đổ vào người bà cho tỉnh lại để đánh tiếp. Thậm chí có lần ông Vinh dùng cả thớt đập vào đầu vợ rồi trói vào góc nhà.
Bị chồng đánh nhiều, cũng có lúc bà Dinh muốn bỏ đi, tự giải thoát cho mình. Nhưng nghĩ tới con nhỏ, bà lại cắn răng chịu đựng. Cuộc sống cứ thế trôi đi, những trận đòn vẫn tiếp diễn. Ông Vinh cứ hằng ngày uống rượu, uống vào là bực tức, bực tức là lôi vợ ra "tẩn".
Đánh vợ chưa đủ, ông Vinh quay ra đánh con, người bị đánh nhiều nhất là Giang. Ông Vinh hết dùng cây đánh rồi lại dùng súng để dọa đuổi Giang ra khỏi nhà. Có những đêm mưa tầm tã, hai mẹ con Giang đã ôm quần áo ra đi với tinh thần mỏi mệt cùng những vết thương rớm máu.
Sau đó lại về, lại tiếp tục chịu đòn. Cuối năm 2009, sau một trận đòn thừa sống thiếu chết của bố, Giang sợ hãi bỏ trốn và xuống Hà Nội làm thuê.
Án mạng ngày Tết
Đi làm được một thời gian, Giang nói mẹ xuống Hà Nội ở cùng với cô. Bà Dinh xuống được vài bữa nhưng sau sợ nhà cửa bừa bộn, không ai trông nom nên lại quay về. Tết năm 2010 đến gần, Giang định không về bởi sợ bị bố đánh, nhưng nghĩ tới mẹ, tới em cô lại gạt nỗi sợ sang một bên.
Tuy nhiên, lúc Giang lên xe về nhà ăn Tết thì cô em gái hối hả gọi điện bảo: Bố nói chị về sẽ bắn chết. Sợ bố làm thật nên Tết đó, Giang phải sang nhà người bác ruột trú ngụ.
Với những tình tiết từ cuộc sống của gia đình bị cáo, TAND tỉnh Hoà Bình nhận định bị cáo Bùi Thị Giang phạm tội "Giết người" trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và tuyên phạt Giang 2 năm tù giam cho tội ác của mình.
Khoảng 20h30 ngày 15/2/2010 (mùng 2 Tết âm lịch), Giang đang đi chơi ngoài đường thì có điện thoại của Bùi Duy Khuyên (chị con bác ruột) ở cùng xóm, bảo về nhà Khuyên có việc gấp. Khi Giang về tới nhà Khuyên thì thấy mẹ mình ở đó, trên mặt và người dính nhiều máu, đất.
Qua câu chuyện, Giang biết ông Vinh say rượu đã đánh đập bà Dinh thậm tệ. Ngoài đấm đá ông Vinh còn dùng dây buộc chân, treo ngược bà Dinh lên sà nhà, sau đó nói là đi tìm súng.
Lợi dụng lúc ông Vinh ra ngoài bà Dinh cố cởi trói và bỏ chạy. Nghe mẹ kể, uất ức trong lòng, Giang lao xuống bếp đi tìm dao.
Được mọi người ngăn lại, cô ngồi bệt xuống đất khóc tức tưởi. Được khoảng 30 phút, lấy cớ đau đầu, Giang bỏ ra ngoài. Cô tìm lên lán, nơi mà ông Vinh hay ở với ý định sẽ "dạy cho bố một bài học". Đến nơi Giang không dám vào mà ngồi rình ở gần đó.
Được một lúc, có tiếng chó sủa vang, ông Vinh đi ra soi đèn theo hướng chó sủa. Giang đứng đang sau bất thình lình dùng thanh củi đập vào đầu ông Vinh, khiến ông ngã lăn xuống dốc. Giang chạy theo tiếp tục dùng thanh củi đập vào đầu, vào người ông... Sau đó Giang bỏ về nhà người thân thay quần áo, rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau, Giang quay trở về nhà kể cho Dự nghe rồi bảo em gái qua lều xem bố thế nào. Khi Dự lên đến lều thì thấy ông Vinh đã chết. Cùng ngày hôm đó, Giang đã lên cơ quan công an tự thú...
Tại phiên tòa, Giang nhiều lần bật khóc khi nói về cuộc sống của mình trước đây. Tuy nhiên, cô cũng thốt lên những lời sám hối muộn mằn: "Nhớ lại những ngày mẹ con bị cáo bị bố hành hạ tới mức có những lúc tưởng chừng như mẹ đã chết, trời mưa phải ôm quần áo bỏ nhà đi, phải chui chỗ này, trốn chỗ khác, bị cáo thấy thương mẹ và giận bố lắm. Nhưng dù thế nào đi nữa thì bị cáo đã phạm phải tội lớn nhất đời người là bất hiếu và sẽ không bao giờ bị cáo tìm lại được cha mình nữa..."!!
Theo Gia đình
Kết cục bi thảm cho một con nghiện Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường. Sau khi lạng lách, đánh võng trên quốc lộ 1A, một con nghiện đã lao vào trước nhà người dân gục chết. Khoảng 16h ngày 2/9, người đi đường trên Quốc lộ 1A đoạn thuộc ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn được một phen hoảng loạn khi nam thanh niên điều...