‘Làm đẹp thống kê’ để tách H.Từ Liêm thành 2 quận: Bí thư huyện thừa nhận sai sót
Sau khi Thanh Niên đăng tải thông tin nghi vấn “ làm đẹp thống kê” để tách H.Từ Liêm (Hà Nội) thành 2 quận khiến dư luận xôn xao, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND TP.Hà Nội khu vực H.Từ Liêm sáng 19.12, ông Lê Văn Thư, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, thừa nhận nhiều số liệu trong các bản thảo, đề án và tờ trình trước nhân dân và HĐND chưa chuẩn.
Cách chấm điểm cơ sở hạ tầng trong đề án tách H.Từ Liêm thành 2 quận được cho là không minh bạch – Ảnh: Lê Quân
“Sai sót trong quá trình làm thống kê”
Tuy nhiên, ông Thư cho rằng đây là “sai sót trong quá trình làm thống kê, xây dựng đề án, còn về cơ bản, H.Từ Liêm đủ tiêu chuẩn tách thành 2 quận mới”. “Quá trình xây dựng đề án từ năm 2006 đã trải qua 5 lần sửa đổi, tiếp thu ý kiến. Qua mỗi lần sửa đổi, bổ sung như vậy nên nhầm lẫn về con số là chuyện bình thường”, ông Thư nói.
Sau khi kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, PV Thanh Niên đã cùng Bí thư Huyện ủy Từ Liêm về tận phòng làm việc của ông nhằm làm rõ thêm một số chỉ tiêu được cho là không đạt về dân số đối với Q.Nam Từ Liêm và không đạt về cơ sở hạ tầng của Q.Bắc Từ Liêm… Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi PV đặt ra, ông Thư đều tìm cách né tránh, lấy lý do không nắm được cụ thể. Sau đó, ông Thư viện cớ đi viếng đám tang gấp, rồi giao ông Bạch Đăng Tân, Chánh văn phòng HĐND huyện, tiếp PV. Ông Tân tiếp tục “đá” qua cho ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chánh văn phòng UBND H.Từ Liêm. Cuối cùng, ông Tuyên đề nghị PV làm công văn gửi văn thư rồi mới bố trí lịch tiếp.
Trình đề án kiểu “úp sọt”
Video đang HOT
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu duy nhất của HĐND H.Từ Liêm không ủng hộ H.Từ Liêm thành 2 quận, cho biết sau hai ngày gửi kiến nghị lên Chính phủ và nhiều bộ ngành về những sai phạm, bất cập về đề án tách H.Từ Liêm, ông vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
Theo ông Kiên, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm không thể đổ tại nhầm lẫn, mà nhiều số liệu, thông tin trong đề án, bản tóm tắt đề án cho nhân dân xem, tờ trình HĐND xem và thông qua chưa chuẩn là có “vấn đề”, cần xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật của đề án. “Ngay chuyện phát tài liệu cho đại biểu HĐND H.Từ Liêm thông qua cũng có vấn đề, theo kiểu úp sọt. Đề án dày 78 trang A4 với nhiều số liệu, biểu đồ được chuyển cho đại biểu xem qua 5 phút trước khi vào họp để thảo luận rồi quyết ngay trong buổi sáng thì khó có thể coi là chuẩn bị chu đáo được. Theo tôi, phải có thời gian đủ dài để nghiên cứu mới có thể xem xét thông qua”, ông Kiên nói.
Ở một khía cạnh khác, ông Kiên cho rằng nếu xem xét kỹ rất dễ thấy đề án tách H.Từ Liêm làm 2 quận đi theo hướng nâng H.Từ Liêm thành… 1 quận. Bởi nếu tách làm 2 quận, tức là phải có sự so sánh các số liệu về dân cư, công trình hạ tầng của từng đơn vị quận mới dự kiến thành lập, nhưng ở đây đều không có và nếu thực hiện so sánh 2 quận mới dự kiến là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm sẽ thấy ngay những tiêu chuẩn chưa đáp ứng được. “Cụ thể, theo Nghị định 62/2011 của Chính phủ thì mật độ dân số tối thiểu để thành quận phải là 7.000 người/km2. Dù không đáp ứng được tiêu chuẩn này nhưng trong đề án vẫn ghi là 7.000 người/km2″, ông Kiên vạch rõ.
Cũng theo ông Kiên, để ép mật độ dân số các phường mới lập đạt quy định của Chính phủ, đề án của UBND H.Từ Liêm còn tự tạo cách tính mật độ dân số riêng, trong đó, trừ đi các diện tích mặt nước, diện tích quy hoạch công viên, đất không thể cư trú, xây dựng miễn sao có thể vượt 7.000 người/km2.
Ông Kiên cũng chỉ ra thực trạng cơ sở hạ tầng hiện nay của H.Từ Liêm là các công trình lớn, hiện đại phần lớn nằm ở vị trí thuộc Q.Nam Từ Liêm (nếu tách) nên quận này sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn Thông tư 34/2009 của Bộ Xây dựng đề ra. Q.Bắc Từ Liêm còn nhiều tiêu chuẩn chưa đạt nhưng trong đề án không hiểu vì sao không chỉ rõ. Đáng ngờ hơn, theo Thông tư 34 của Bộ Xây dựng thì các tiêu chí phải được tính bằng điểm, tổng phải được từ 70 – 100 điểm mới đạt tiêu chuẩn. “Nhưng đề án không tuân thủ chấm theo điểm mà chấm theo hình thức “đạt”. Hiện nhiều xã của H.Từ Liêm còn chưa đạt chuẩn nông thôn mới, khi tách ra thành 2 quận rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn”, ông Kiên nói.
Ngoài ra, ông Kiên cũng chỉ ra một vấn đề rất quan trọng khác là chi phí để tách H.Từ Liêm thành 2 quận, chi phí xây dựng thêm bao nhiêu trụ sở mới cũng không thấy đề cập trong đề án. Vấn đề nhân sự khi tách huyện cũng chỉ được đề cập qua loa…
Theo TNO
Bí thư Từ Liêm: 'Sai lệch số liệu là đương nhiên'
Theo Bí thư huyện Từ Liêm Lê Văn Thư, đề án điều chỉnh địa giới hành chính từ năm 2006 đã 5 lần thay đổi, nên có sai lệch là "đương nhiên, bình thường".
Sáng 19/12, trao đổi với cử tri về những sai sót trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính, Bí thư huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết, quá trình xây dựng đề án này bắt đầu từ năm 2006 đã qua 5 lần chỉnh sửa, thay đổi. Do vậy, có thông tin sai lệch trong các tài liệu là "đương nhiên, bình thường", lãnh đạo huyện không có gì băn khoăn.
Ví dụ, huyện Từ Liêm có hơn 100 nhà văn hóa song người soạn thảo đưa vào đề án chỉ 16 nhà văn hóa nên lại phải sửa. Theo ông Thư, đề án trình Chính phủ mới là bản chính thức và đã được thành phố thông qua.
Bí thư Từ Liêm Lê Văn Thư. Ảnh: tuliem.gov
Trước ý kiến của đại biểu HĐND huyện Nguyễn Hữu Kiên về việc thành lập 2 quận mới sẽ tăng thêm chi phí khoảng 563 tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ, ông Lê Văn Thư thừa nhận con số rất lớn. Tuy nhiên, đó là toàn bộ chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm cả năm. Trong đó, 300 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, trả lương cho hơn 5.000 giáo viên, 100 tỷ đồng cho chính sách xã hội, người có công, 100 tỷ đồng cho hỗ trợ các chính sách nông nghiệp, giao thông nông thôn, ngập lụt, rác thải...
"563 tỷ là không tốn kém, nếu có thêm số đó phục vụ nhân dân thì càng khuyến khích. Ngoài ra, chúng tôi đã dự toán chi đầu tư hạ tầng sẽ ít nhất là gấp đôi", Bí thư Từ Liêm Lê Văn Thư nói.
Giải thích việc tăng số lượng công chức khi lập quận mới, ông Thư cho hay, quy định bình quân cả nước là 29 công chức/1.000 người dân, huyện Từ Liêm hiện nay là 40-50 công chức/1.000 dân, khi tách đôi sẽ thiếu. Như UBND huyện hiện có 151 cán bộ, ít hơn số cán bộ huyện Thanh Trì song đảm nhiệm số dân đông hơn. Số lượng công chức ở cấp xã cũng ít nên từ Bí thư đến cán bộ đều phải kiêm nhiệm nhiều việc. Do đó, việc tăng cán bộ là đương nhiên để phục vụ tốt hơn cho người dân.
Lãnh đạo huyện Từ Liêm cũng cam kết với cử tri rằng các đơn vị hành chính của quận mới sẽ cố gắng phục vụ tốt để nhân dân yên tâm; các chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân sau khi thành lập quận sẽ được đảm bảo như giao đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đất dịch vụ hay các chính sách người có công...
"Việc học tập của học sinh, văn hóa, tín ngưỡng sẽ được đảm bảo, bà con sẽ không phải lo con học trái tuyến", ông Lê Văn Thư khẳng định.
Bí thư Từ Liêm cũng cho biết, toàn bộ hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm đã hoàn thành và được 100% thành viên hội đồng thẩm định của Chính phủ bỏ phiếu tán thành, Chính phủ sẽ xem xét để có quyết định cuối cùng.
Mới đây, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên đã kiến nghị tới Chính phủ việc UBND huyện Từ Liêm làm sai số liệu trong đề án điều chỉnh địa giới để thành lập 2 quận mới. Theo ông Kiên, nếu tách làm 2 quận thì các số liệu, dân cư, công trình hạ tầng của từng đơn vị quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm không đáp ứng. Ngoài ra, quyết toán năm 2012 cho chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm là hơn 563 tỷ đồng. Nếu có thêm 1 quận thì hàng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra chí ít là 563 tỷ nữa, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ và các chi phí đổi giấy tờ khác.
Theo VNE
Hai quận mới sẽ có tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm Theo bí thư huyện Từ Liêm, trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính của huyện này đã xác định tên 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Trụ sở UBND huyện Từ Liêm. Bí thư huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư vừa có thư gửi nhân dân, cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ các lực lượng...