Làm chuồng sàn nuôi con chỉ đòi ăn cỏ dại, khoái nhai rau tầm bóp, anh nông dân Hải Phòng kiếm được mớ tiền
Anh Lê Văn Thận, thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đang thành công với mô hình nuôi dê trên chuồng sàn cho ăn rau xanh, cỏ dại, đặc biệt dê thích ăn rau tầm bóp.
Mô hình nuôi dê của anh Thận mở ra hướng làm ăn mới để nhiều nông dân học tập làm theo.
Nuôi đủ thứ con, trồng đủ thứ cây trước khi tìm ra con dê
Để phát triển kinh tế gia đình, những năm trước, anh Thận từng phải vật lộn với việc nuôi nhiều thứ con, trồng nhiều thứ cây .
Anh cứ loay hoay hết nuôi lợn sang nuôi gà, có lúc đã nuôi hàng trăm con chó. Tuy nhiên, những con vật này lãi không nhiều, tốn thức ăn. Những năm bệnh dịch bán chẳng được lãi, thậm chí còn bị thua lỗ triền miên.
Qua tìm hiểu các mô hình làm ăn kinh tế ở nhiều nơi, anh Thận biết đến mô hình nuôi dê trên sàn gỗ. Nếu nuôi theo mô hình này, con dê sẽ được vận động, ăn uống hoàn toàn trong chuồng, người nuôi không phải mất công đi chăn thả.
Trong lúc nuôi dê vẫn có nhiều thời gian để làm các công việc khác. Anh Thận quyết định chuyển hướng sang đầu tư vốn mua giống dê về nuôi.
Đầu năm 2019, anh bắt đầu triển khai mô hình nuôi dê trên sàn của mình. Anh Thận đã chủ động tìm đến những hộ nuôi dê thành công học hỏi kỹ thuật làm chuồng trại, cách chăm sóc chữa bệnh cho loài vật nuôi này.
Để không phải mất nhiều chi phí, anh Thận tận dụng luôn diện tích chuồng nuôi gà trước đó cải tạo thành chuồng để nuôi dê. Anh Thận mua 12 con dê sinh sản về nuôi thử. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, đàn dê không ngừng tăng số lượng qua mỗi lần sinh sản, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn.
Thức ăn dê có sẵn ngoài đồng, anh Thận chỉ việc cắt về cho dê ăn hàng ngày. Ảnh: Thu Thủy
Video đang HOT
Thấy việc chăn nuôi dê khá thuận lợi, lượng dê anh đang nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Anh Thận mua thêm 80 con dê thịt về nuôi vỗ béo. Sau hơn 3 tháng chăm sóc đàn dê thịt của anh tăng từ 40 cho đến 50 kg một con . Anh Thuận xuất chuồng lứa đầu tiên thu về 200 triệu đồng.
Nuôi dê, không tốn tiền mua thức ăn chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao
Theo anh Thận, nuôi dê không phải tốn kém nhiều tiền đầu tư mua thức ăn. Mùa nào thứ đó, anh không phải mất công đi đâu kiếm thức ăn cho đàn dê nuôi.
Tất cả xung quanh vườn nhà anh là bạt ngàn các loài thực vật mà con dê yêu thích như cây chuối, cây keo, tầm bóp, xuyến chi…
Từ những con dê ban đầu, mỗi năm anh Thận lại nhân giống thêm nhiều dê con để nuôi. Ảnh Thu Thủy
Những cây này không những là vị thuốc quý mà còn là nguồn thức ăn tuyệt vời của đàn dê. Ngoài ra, anh còn tận dụng được tất cả các loại rau xu hào, bắp cải, cà chua, cây ngô ở thời điểm không được giá và hàng xấu nông dân họ loại ra.
Sẵn thức ăn nên đàn dê của gia đình anh con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh hầu như không mắc bệnh trong quá trình chăn nuôi. Dê nuôi đến đâu bán hết tới đó, những ngày tết cuối năm anh còn không có đủ dê thịt để bán ra thị trường.
Đối với đàn dê sinh sản, thông thường dê mẹ mỗi lần đẻ từ 1-3 con, một năm đẻ 2 lứa. Trong quá trình nuôi anh Thận phải bám sát chu kỳ và lập sổ ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của đàn dê.
Con dê giống anh Thận nuôi khoảng 3 tháng, khi cân nặng khoảng 25kg là xuất chuồng. Giá bán dê giống từ 120 000 – 150 000 / kg.
Sở dĩ anh Thận thích kiểu nuôi dê làm chuồng để nuôi nhốt là vì người nuôi có thể kiểm soát việc ăn uống hàng ngày của đàn dê. Giống dê lại không ưa nước, nếu ăn uống thả bên ngoài gặp nước mưa đàn dê sẽ bị nhiễm bệnh về đường tiêu hóa. Việc nuôi dê trong chuồng còn giữ cho dê không ra ngoài phá phách rau màu của người dân.
Anh Thận khá hài lòng với công việc nuôi dê của mình hiện nay. Ảnh: Thu Thủy
Để dê có môi trường vận động tốt anh Thận thiết kế bằng ván gỗ cao ráo cách mặt đất 1,2 m, rộng từ 3 -5 m, nền chuổng lát bê tông nghiêng thoải chừng 80 cm. Các thanh gỗ lát sàn có khe hở để phân và nước tiểu lọt xuống rất thuận lợi cho việc vệ sinh chuồng nuôi. Riêng phân dê anh sử dụng bón cây trong vườn và bán cho các hộ trồng lan, cây cảnh quý đến mua.
Những con dê nái được anh Thận nhốt riêng để chăm sóc được tốt hơn. Ảnh Thu Thủy
Trao đổi cùng Dân Việt, ông Phạm Văn Với – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) cho biết, mô hình chăn nuôi của anh Thận là mô hình khá phù hợp với khu vực nông thôn hiện nay. Vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có không phải mua, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Tới đây, Hội Nông dân xã Tiên Thắng sẽ tổ chức cho các hội viên đến tham quan học tập thực tế mô hình của anh Thận. Từ đó có thể nhân rộng mô hình cho các hộ nông dân khác cùng phát triển.
Tận dụng lợi thế từ nguồn vay để thoát nghèo
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An, thông qua phương thức cho vay ủy thác, hiện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đang quản lý trên 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 43% dư nợ ủy thác của Chi nhánh ngân hàng.
Với bản tính chịu thương chịu khó, phụ nữ tỉnh Long An tận dụng tối đa lợi thế từ nguồn vay để vươn lên thoát nghèo hoặc làm giàu từ nguồn vốn vay.
Doanh nghiệp ký hợp đồng hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Long An. Ảnh minh họa: Thanh Bình/TTXVN
Vay vốn để phát triển kinh tế gia đình
Hộ chị Nguyễn Thị Bạch Phượng là một trong vài hộ còn làm nhiều bánh tráng nhất Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Chị nối nghề gia đình chồng từ gần 30 năm qua và duy trì đến nay. Hiện nhà chị có 2 lò tráng bánh lớn, mỗi ngày tráng 40 - 50 kg gạo, tạo việc làm thường xuyên cho 2 người.
Theo chị Phượng, trước đây làm quy mô ít nhưng từ khi được vay vốn ngân hàng chính sách, cơ sở bánh tráng được mở rộng và có vốn mua nhiều nguyên liệu, nguồn hàng ổn định hơn. Chị đã đầu tư xây thêm lò, mua liếp phơi bánh, mua gạo bằng tiền mặt. Hiện chị đang vay Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An 50 triệu đồng, đã trả được 16 triệu đồng. Chị mong muốn nếu được vay vốn nhiều hơn sẽ mua được nhiều gạo và tráng nhiều bánh dự trữ để ổn định nguồn hàng và chủ động được đầu ra.
"Hồi xưa mua gạo chịu không à, ở đây 10 lò mua gạo chịu 10 lò, nhờ vốn chính sách mua gạo bằng tiền mặt nên rẻ hơn 1 tấn được 2 triệu đồng. Nhờ vốn chính sách bà con mình mau phát triển, khá giả hơn hồi xưa" - chị Nguyễn Thị Bạch Phượng cho hay.
Không chỉ tạo việc làm cho mình mà các chị em khi đã có công việc ổn định lại giúp đỡ nhiều người khác có việc làm. Bà Lê Thị Kim Em, ở thành phố Tân An lúc trẻ đi làm công nhân công ty may, gần tới tuổi về hưu, sẵn có tay nghề, bà mở cơ sở may gia công túi xách tại nhà. Ban đầu có chiếc máy may nhỏ, bà nhận một ít hàng may gia công, sau nhận thấy nhu cầu đơn hàng nhiều, bà mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Long An thông qua ủy thác Hội phụ nữ. Lần lượt bà Em đã vay đáo hạn 3 lần: 30 triệu, 50 triệu và hiện là 80 triệu đồng. Nhờ vậy bà sắm được 2 chiếc máy may để may tại nhà, một chiếc máy lập trình và 2 máy may hỗ trợ 2 chị khó khăn không có máy nhận hàng gia công của bà mang về may tại nhà. Bà mong muốn lần tới được vay vốn Ngân hàng Chính sách để tiếp tục mua máy may hỗ trợ chị em khó khăn.
"Nếu mà có thêm vốn thì tập trung mua máy may cho nhiều người nhận hơn, vì đã có nhiều chị em hỏi mà không có máy. Cô tính mua thêm mấy máy để giải quyết công ăn việc làm cho chị em và mình có thêm thu nhập. Có khả năng nữa cô tính mua máy lập trình khoảng 60 - 70 triệu đồng giúp may ra sản lượng rất nhiều" - bà Lê Thị Kim Em chia sẻ.
Chị Trần Thị Ngọc Hận, Chủ tịch Hội phụ nữ phường 5, thành phố Tân An làm công tác phụ nữ từ năm 2007 tới nay. Khi đó chi hội đang quản lý nguồn vốn vay chính sách là 5 tỷ đồng, nhưng hiện nay đã quản lý trên 17 tỷ đồng với 342 hộ vay, chia làm 6 tổ. Mỗi tổ một chị quản lý 55-60 hộ. Chị Hận cho biết, nguồn vốn giúp chị em rất nhiều trong đầu tư chăn nuôi bò, nuôi heo nái, làm nghề bánh tráng... từ đó có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.
Hiện mức vay của chị em tại địa bàn từ 30 - 100 triệu đồng, việc vay vốn nhiều thuận lợi, không có gì khó khăn. Các chi tổ phụ nữ tận tình tư vấn, tuyên truyền, động viên chị em vay vốn thoát nghèo hoặc làm giàu. Đồng thời, nắm sát địa bàn, quản lý tốt nguồn vốn chị em đã vay nên thời gian hoạt động vừa qua các tổ vay vốn của chị em phường 5 không có nợ quá hạn, không có người bỏ địa phương sau khi vay vốn.
Vốn chính sách lãi suất thấp, dễ vay, dễ trả
Tổ vay vốn số 0151820 của phụ nữ xã Bình Tâm, thành phố Tân An có 60 thành viên, dư nợ khoảng 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ vay 20 đến 50 triệu đồng tùy chương trình, chị em vay chủ yếu làm nước sạch, xây nhà vệ sinh, chăn nuôi bò, trồng thanh long, buôn bán...
Mạng lưới tổ vay vốn xuống từng thôn ấp, các tổ trưởng tổ vay vốn làm cầu nối giúp chị em dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Hàng tháng họp tổ vào một ngày cố định, các thành viên cùng bình chọn và xét cho những chị em có nhu cầu vay. Những năm qua nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho chị em ổn định kinh tế gia đình.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Long An bà Đỗ Thị Kim Thắm cho biết: Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong công tác thoát nghèo của phụ nữ, đặc biệt chương trình giảm nghèo của phụ nữ đa phần nhờ nguồn vốn này. Nguồn vốn thiết thực và qua quá trình thực hiện thấy rất hiệu quả. Theo phản ánh từ cơ sở, nguồn vốn vay tạo điều kiện cho chị em sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, hình thức trả và cách thức vay rất thuận tiện. Nhiều chị thoát nghèo bền vững, có chị vay cho con học cao đẳng, đại học... ra trường có công ăn việc làm ổn định. Thông qua nguồn vốn ủy thác của ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thu hút thêm hội viên; đồng thời, hội viên thêm gắn bó tin tưởng vào hoạt động Hội, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đặc biệt khơi dậy tính chịu thương chịu khó, cần cù và tiết kiệm của chị em.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An, thông qua phương thức cho vay ủy thác, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh quản lý khá tốt nguồn vốn nhận ủy thác. Đến nay dư nợ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đang quản lý trên 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 43% dư nợ ủy thác của Ngân hàng, với trên 1.100 tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 49.000 hộ vay. "Với đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm của người phụ nữ, nên thông qua nguồn vốn vay, chị em có điều kiện phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, nhiều người đã làm chủ được kinh tế gia đình. Thực tế cho thấy, đa số các phương án do phụ nữ làm chủ đều đạt hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn. Hội Liên hiệp phụ nữ luôn là đơn vị dẫn đầu về quy mô nguồn vốn ủy thác cũng như chất lượng tín dụng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An cho biết.
Năm 2021 mặc dù có nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm, đặc biệt cùng chính quyền địa phương hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, có nhiều chính sách giúp người dân trên địa bàn khắc phục khó khăn sau dịch, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Dư nợ toàn chi nhánh hiện nay đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Người dân Long An tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách hết sức thuận lợi thông qua mạng lưới hơn 2.600 tổ tiết kiệm và vay vốn, bao phủ 100% các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đạt được thời gian qua khẳng định công tác phối kết hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và các tổ chức Hội đoàn thể nói chung, Hội Liên hiệp phụ nữ nói riêng rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Ninh Hòa: Lan tỏa phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi Thời gian qua, phong trào "Phụ nữ (PN) tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" ở thị xã Ninh Hòa đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên PN. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương PN điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc... Nỗ lực vươn lên...