Làm chùn bước Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách nào?
Nhật Bản vừa mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau lên tiếng thì mới mong Trung Quốc ngưng những hành động bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông.
Hàng nghìn người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 12/6
Sau khi Bắc Kinh thông báo sắp chấm dứt các dự án bồi đắp đảo tại Trường Sa của Việt Nam, hôm 17/6, cùng với những phản ứng gay gắt của Mỹ, chính quyền Tokyo đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ. Phát ngôn viên chính phủ Nhật, Yoshihide Suga nói với báo chí rằng Tokyo không công nhận cái mà Trung quốc đang làm với ý định hoàn tất một việc đã rồi trước mắt cộng đồng quốc tế. Ông nói thêm là Nhật bản rất quan ngại đến những hành động đơn phương của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trong khu vực biển Đông. Nhật cho rằng việc xây cất các hòn đảo đó không có nghĩa là Trung quốc được công nhận chủ quyền của mình ở đó.
Thực tế, thời gian gần đây nhiều nước đã lên án hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp tại Biền Đông và “quân sự hóa” các vị trí đảo họ chiếm giữ.
Mỹ tố cáo, trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng thêm các đảo họ chiếm đóng 800 hécta. Trong khi đó theo Manila, Bắc Kinh đã hoàn thành 75% công trình xây dựng một đường băng dài 3 km trên một hòn đảo đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Công trình này có thể được sử dụng làm căn cứ tiếp liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc.
Philippines khẳng định, bằng việc bồi đắp xây đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang xây dựng các “căn cứ quân sự”. Những cơ sở như vậy có thể gây cản trở lưu thông hàng hải cũng như hàng không trong vùng Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới.
Trước đó, 7 cường quốc công nghiệp thế giới vừa mạnh mẽ phản đối Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông nhân hội nghị thượng đỉnh của nhóm này tại Đức hồi đầu tháng 6. Như vậy là ngày càng có nhiều nước và tổ chức quốc tế không đồng tình với những hành động coi thường luật pháp quốc tế của chính quyền Bắc Kinh tại vùng biển đang tranh chấp.
Trong tuyên bố chung của Thượng đỉnh các nước G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý), lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ hoạt động cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi lại tự do trên biển. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Trung Quốc phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng việc đe dọa hay sử dụng vũ lực và ép buộc.
Phát biểu tại hội nghị G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, những hoạt động cải tạo của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Abe nói rằng, các lãnh đạo G7 “không được để yên cho những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng như vậy”.
Ngoài việc tận dụng các diễn đàn quốc tế để cảnh báo tình trạng Trung Quốc muốn phá vỡ hiện trạng trên các vùng biển khu vực, Nhật còn tăng cường hợp tác với các nước để duy trì hòa bình và ổn định. Đây cũng là cách mà cả các chuyên gia lẫn giới quân sự đều cho rằng là cách khả thi nhất để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp hiện nay.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Hải quân Mỹ, Dennis Blair nhận định phương án tối ưu để ứng phó với việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán ở Biển Đông, trong đó có hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn, là thông qua ngoại giao đa phương thay vì leo thang quân sự. Phát biểu bên lề một hội nghị năng lượng ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 30/5, vị Đô đốc đã nghỉ hưu của Mỹ khuyến nghị: “Các nước ở Biển Đông và các quốc gia khác có lợi ích ở khu vực này cần tập hợp nhau lại trên nền tảng đa phương và đoàn kết đối phó với Trung Quốc”.
Theo ông Blair, việc các bên liên quan ngồi lại và xác định luật chơi – bao gồm phân định quyền sở hữu các khu vực lãnh thổ – là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề. Ông nhấn mạnh: “Sở dĩ Trung Quốc thành công trong các hoạt động của họ là vì họ xử lý từng tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông trên cơ sở song phương”. Do đó, vị cựu quan chức Mỹ cho rằng các bên cần mời Trung Quốc tham gia các hình thức tiếp cận đa phương, và trong trường hợp Bắc Kinh từ chối thì vẫn nên xúc tiến đàm phán.
Video đang HOT
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, cũng cho rằng để chặn đứng các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ Mỹ mà cả các cường quốc khác tiếp giáp với Biển Đông cần vào cuộc. Một vấn đề đang được thảo luận là vì Mỹ không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển cho nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như Úc chẳng hạn, quốc gia đã ký Công ước này.
Ngoài ra, theo ông Thayer, phải có những hành động thách thức Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động Trung Quốc là cải tạo đất, bị kẹt chỗ đó. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi thủy triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ quyền vượt hơn những thứ đó nữa.
Kế hoạch về các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải do Mỹ nêu lên gần đây, dù chưa thông báo, là một cách để thách thức Trung Quốc bằng việc cho tàu bè qua lại các vùng biển để khẳng định quyền tự do hàng hải và thực hiện các chuyến bay ngang qua vùng biển mà Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nhận đó là không phận quân sự của mình. Trung Quốc hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ. Cho nên, một trong những cách phản ứng là phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại đó và tìm cách chấm dứt các cuộc tuần tra của họ. Tương tự như đối với vùng nhận dạng phòng không-ADIZ của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, phải điều máy bay B52 bay ngang qua đó để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng họ không thể thực thi vùng ADIZ ở Biển Đông.
Theo Nh.Thạch
PetroTimes
Đối thoại Shangri-La: Trung Quốc vẫn làm ngơ trước lo ngại của quốc tế
Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 khép lại với những bàn thảo sôi nổi về các thách thức toàn cầu, mà nổi bật là an ninh và ổn định trên Biển Đông. Bất chấp sự hối thúc của thế giới, Trung Quốc vẫn phớt lờ và khẳng định tiếp tục những hành động bị lên án.
Đối thoại Shangri-La tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng
Được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Đối thoại Shangri-La 2015 diễn ra từ ngày 29 đến 31/5 vừa qua là nơi quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao của 26 quốc gia, cùng các học giả, chuyên gia an ninh để trao đổi quan điểm về các vấn đề đang định hình môi trường an ninh và quân sự trong khu vực.
Hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông bị chỉ trích nhiều tại Đối thoại Shangri-La (Ảnh: EPA)
Đến nay, đây được xem như diễn đàn về an ninh và quốc phòng cấp cao nhất châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện đã tiếp đón tổng cộng 450 đại biểu, với số lượng bộ trưởng quốc phòng đông nhất từ trước đến nay, 18 bộ trưởng, trong đó có cả bộ trưởng quốc phòng các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Tseng Hui-Yi, một nhà nghiên cứu tại Viên Đông Á của Đại học quốc gia Singapore nhận định, trao đổi thông tin giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì an ninh trong khu vực. Và dù còn có những khác biệt, việc giữ các kênh đối thoại là cần thiết và Đối thoại Shangri-La chính là diễn đàn để giải tỏa áp lực.
"Cho dù các cuộc đối thoại có dữ dội đến đâu, ít nhất nó vẫn là một dạng của đối thoại", bà Hui-Yi trả lời hãng Tân Hoa Xã.
Nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, đến từ Trường quốc tế học S. Rajaratnam, thuộc đại học công nghệ Nanyang, Singapore thì tin rằng, sự tham dự của các bên có tranh chấp trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, sẽ giúp các nước hiểu rõ hơn về lập trường của nhau.
Trung Quốc vẫn làm ngơ trước lo ngại của thế giới
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông đã trở thành đề tài bao trùm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 14, mà những hành động xây đảo nhân tạo, đưa vũ khí tới khu vực tranh chấp của Trung Quốc chính là tâm điểm của các bàn thảo và chỉ trích.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố "đặc biệt lo ngại" về quy mô hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, mà ông khẳng định là rầm rộ hơn bất kỳ bên liên quan nào, và cảnh báo việc này sẽ làm gia tăng "nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột".
"Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu. Đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguyên nhân gây căng thẳng ở khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chất vấn đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay hành động này.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews cũng khẳng định: "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông", và tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay tuần tra khu vực này, bất chấp vụ việc một máy bay do thám của hải quân Mỹ bị hải quân Trung Quốc "xua đuổi" khi đang trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thì kêu gọi các bên có tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, "hành xử có trách nhiệm".
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thì bày tỏ lo ngại những bất đồng trên Biển Đông có thể "leo thang thành một cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là nhất trong lịch sử".
Vậy nhưng, trước những ý kiến quan ngại của các đoàn đại biểu dự hội nghị, Trung Quốc, nước có hành động gây qua ngại nhất, lại tỏ thái độ phớt lờ. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thậm chí khẳng định tình hình khu vực về cơ bản "ổn định và hòa bình", và bác yêu cầu ngừng hoạt động cải tạo trái phép các đảo, bãi đá ngầm mà nước này chiếm đóng.
Vị đại diện của Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố nước này có thể sẽ thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, nếu các nhu cầu về an ninh trên không hoặc trên biển tại khu vực đòi hỏi.
Theo bình luận của tờ Interpreter, trực thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Lowy, tại Sydney, Úc thông điệp của Bắc Kinh là rõ ràng: "Biển Đông là của chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm những gì mình muốn tại đó".
Né tránh câu hỏi và chỉ chăm chú... đọc
Khác với năm ngoái, ông Tôn cũng không đi thẳng vào phản biện những chỉ trích từ các bên trong bài phát biểu của mình, mà chỉ "dính chặt lấy văn bản chuẩn bị sẵn", với cam kết về những ý đồ hòa bình của Trung Quốc, nhấn mạnh thiện chí sẵn sàng đảm bảo an ninh, đồng thời quả quyết hành động của nước mình trên Biển Đông là "hợp pháp, hợp lý và đúng đắn".
Tuy nhiên, khi được một chuyên gia từ Viện Lowry đề nghị giải thích vì sao việc quân đội Trung Quốc yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực Trung Quốc miêu tả là "vùng cảnh báo quân sự", mà thực chất theo luật pháp quốc tế là không phận quốc tế, lại không bị xem là thách thức với tự do đi lại trên Biển Đông, ông Tôn lại hầu như né tránh và chỉ diễn giải về việc không có đủ thời gian để trả lời đầy đủ.
Theo tiến sỹ Merriden Varrall đến từ Viện Lowry, những bình luận của ông Tôn, và cả việc không trả lời các câu hỏi, không mấy đáng ngạc nhiên nhưng đáng thất vọng. Bởi Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để giải tỏa những mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về Biển Đông.
"Ông Tôn khiến Trung Quốc không có vẻ gì là một bên tự tin và tinh tế trong các vấn đề quốc tế, với sự quan tâm thực chất dành cho các vấn đề của khu vực", bà Varrall nhận định.
Và chuyên gia này cho rằng, điều này cũng dễ hiểu bởi mục đích số một của Trung Quốc tại diễn đàn này là khiến dư luận trong nước hiểu về sự kiện này. Và việc lặp lại các quy tắc và ví dụ về trách nhiệm toàn cầu của Trung Quốc tại diễn đàn này sẽ được dư luận trong nước đón nhận nồng nhiệt.
Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về Đông Á của chính phủ Mỹ, đồng thời là thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), tại Mỹ thì tin rằng, ông Tôn đã khiến Trung Quốc không đạt được mục tiêu tại Đối thoại Shangri-La, khi từ chối trả lời trực tiếp hơn một chục câu hỏi sau khi phát biểu. Thay vào đó ông chỉ cắm cúi vào tập tài liệu được chuẩn bị sẵn cho từng chủ đề, và đọc từ đó.
Ngay cả trước một câu hỏi đơn giản của phóng viên Bloomberg Josh Rogin rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với ai và có ai ngoài Trung Quốc đang chiến thắng trên Biển Đông, ông Tôn cũng từ chối trả lời.
Trong cuộc trao đổi kín vào bà Glaser sau đó, các thành viên của phái đoàn quân đội Trung Quốc mới giãi bày rằng, họ đã cố hối thúc vị trưởng đoàn trả lời trực tiếp và ngay lập tức các câu hỏi, nhưng ông Tôn "không thấy thoải mái khi làm vậy". Họ cũng giải thích rằng vị đô đốc rất ít kinh nghiệm tại các hội thảo quốc tế, và hy vọng nếu có dự Đối thoại Shangri-La năm tới, có thể sẽ bớt căng thẳng hơn.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo dantri
Vì sao IS san bằng di sản văn minh nhân loại ở Iraq? Cộng đồng quốc tế đã vô cùng phẫn nộ sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp đập phá bảo tàng, cướp bóc các cổ vật và san phẳng một số thành phố cổ đại hàng nghìn năm tuổi ở Iraq. Những hành vi đó bị LHQ coi là tội ác chiến tranh. Các phiến quân...