Làm cao tốc Bắc – Nam, không được lùi tiến độ
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định các dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây… phải hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 31-12-2022, không có trường hợp lùi thời gian.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại cuộc làm việc với đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội – Ảnh: ĐỨC TRONG
Sáng 2-8 tại Bình Thuận, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương liên quan và nhà thầu về tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.
Trước khi họp bàn lắng nghe các ý kiến, đoàn giám sát đã đi thực địa tại một số dự án đang thi công như Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết…
Nhà thầu tiếp tục “than” khó
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành. Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 22-7 đạt khoảng 26.000/57.000 tỉ đồng, tương đương 45,6%.
Về công tác giải ngân vốn ngân sách, lũy kế đến thời điểm này đạt khoảng 39.000/78.000 tỉ đồng, tương đương 50,37% giá trị phần vốn.
Nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Ảnh: VĂN BÌNH
Tại buổi làm việc, đại diện các nhà thầu cho rằng thời gian qua giá nhiên – vật liệu xây dựng biến động mạnh, gây khó khăn trong việc thi công. Chi phí thực tế thi công đội lên cao gấp nhiều lần so với chi phí trượt giá trong hợp đồng. Nếu kéo dài thêm sẽ có nguy cơ phá sản…
Các nhà thầu còn trình bày dự án thi công trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhiều tháng liền, nhiều công nhân – kỹ sư mắc bệnh, việc cung ứng nhân lực và nguồn vật liệu khó khăn do phong tỏa… đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Video đang HOT
Từ đó, các nhà thầu kiến nghị tính toán lại mốc thời gian hoàn thành dự án và giải quyết những khó khăn về chi phí thi công.
Chậm tiến độ còn do năng lực nhà thầu
Tại buổi họp, các thành viên trong đoàn giám sát và đại diện địa phương có dự án đi qua chia sẻ về những khó khăn hiện nay mà các nhà thầu gặp phải.
“Nguyên tắc hợp đồng là lời ăn lỗ chịu. Tuy nhiên, vừa qua có nhiều lý do bất khả kháng khiến các nhà thầu gặp khó khăn nên sẽ xem xét, đề xuất hỗ trợ” – một thành viên đoàn giám sát nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong đoàn giám sát, chủ đầu tư và lãnh đạo các địa phương còn chỉ ra một phần do các nhà thầu chưa thực sự tập trung cho dự án.
Nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Ảnh: VĂN BÌNH
Ông Dương Văn An – bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – cho rằng phải rút kinh nghiệm tại các dự án trong giai đoạn đầu này để chuẩn bị kỹ hơn cho các dự án tiếp theo.
“Trước khi lập dự án thì nhà thầu phải khảo sát chất lượng, số lượng và lên phương án kế hoạch cung cấp nguồn vật liệu cho thật kỹ, tránh bị động như vừa qua. Có nhiều nhà thầu thiếu năng lực trong việc lập hồ sơ khai thác mỏ, chậm phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện” – ông An nêu điển hình.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng chúng ta đang vừa làm vừa chuẩn bị nên thường xuyên bị động, phải thay đổi tư duy này, sẵn sàng thật kỹ trước khi khởi công.
Theo ông Thọ, các nhà thầu phải báo cáo chi tiết, rõ ràng hơn về trách nhiệm trong việc chậm trễ tiến độ.
Ông Thọ khẳng định các dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây… phải hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 31-12-2022, không có trường hợp lùi thời gian.
“Có thể hoàn thành thông xe kỹ thuật năm 2022, còn các chi tiết nhỏ hơn dời sang năm 2023. Các chủ đầu tư và nhà thầu phải suy nghĩ làm cho bằng được, mặc dù khó khăn. Bộ đang kiên quyết làm, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm, không có tình trạng để đơn vị thi công cầm chừng” – ông Thọ yêu cầu.
Ông Thọ cho rằng các nhà thầu phải báo cáo trung thực, khách quan về chuyện tăng giá để có những giải pháp hợp lý, không thể nói chung chung để “than” khổ.
“Mỗi loại vật liệu tăng theo từng thời điểm và từng giai đoạn thi công. Vừa qua, tôi truy một vài cái là chưa đúng lắm đâu. Các nhà thầu phải củng cố lại nhân lực lẫn mô hình để làm cho hiệu quả hơn” – ông Thọ nhắc nhở nhà thầu thi công.
Ông Vũ Hồng Thanh – chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: ĐỨC TRONG
Kết luận buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh – chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – cho biết sẽ phối hợp với bộ hoàn thiện báo cáo, gửi lên cơ quan thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn này. Ông Thanh cũng dẫn chứng một phần chậm tiến độ còn do năng lực nhà thầu.
“Qua chuyến khảo sát thực tế, có những đoạn chẳng thấy máy móc thi công. Quốc hội đã dành hết nguồn lực giải quyết nhanh nhất. Đây là dự án quan trọng của cả nước. Nhà thầu phải có trách nhiệm hơn” – ông Thanh nhấn mạnh.
Thu phí không dừng vì quyền lợi và trách nhiệm của người dân
Chiều 29/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm "Thu phí không dừng: Quyền lợi và trách nhiệm" với khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cùng đại diện một số đơn vị thu phí.
Tại đây những lo ngại về bất cập trong việc dán thẻ, công nghệ và ùn tắc tại khu vực thu phí... đã được các khách mời giải đáp.
Chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: "Có sự phân bố không đồng đều của việc dán thẻ thu phí tự động không dừng giữa các vùng miền trên cả nước. Mặc dù trên số liệu lượng phương tiện được dán đạt 75% nhưng chúng tôi có ghi nhận qua những ngày đầu triển khai dịch vụ thu phí không dừng ở 2 dự án phía Bắc và phía Nam. Đối với phía Bắc là dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình, ghi nhận được tỉ lệ khoảng 77%.
Còn tại dự án TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thì trong 2 ngày đầu, tỉ lệ chỉ rơi vào 31-37%, nhưng vấn đề này sẽ dần dần được khắc phục. Với sự tuyên truyền rộng rãi của phương tiện thông tin truyền thông và báo chí trong các ngày vừa qua, tỉ lệ này có tăng lên. Cho đến 18h ngày 28/7, tỉ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại TP Hồ Chí Minh đã tăng lên đến 59% và còn tiếp tục tăng nữa".
Bên cạnh các lợi ích thì còn hàng loạt tồn tại và thắc mắc xung quanh dịch vụ thu phí tự động không dừng. Cụ thể, nhiều tài xế băn khoăn, từ sau ngày 1/8, trên cao tốc không còn làn thu phí thủ công, nếu lái xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc thì có được hỗ trợ dán thẻ, nạp tiền tiếp tục lưu thông hay buộc phải quay xe đi sang quốc lộ?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Hồng Quang cho hay, theo quy trình vận hành, hợp tác giữa VEC với các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện vẫn đang tổ chức cung cấp dịch vụ dán thẻ tích hợp tài khoản tại tất cả các lối dẫn vào đường cao tốc. Như vậy, những phương tiện tham gia giao thông, trước khi vào đường cao tốc đều được hỗ trợ ngay trong giai đoạn này cũng như giai đoạn khai thác sau ngày 1/8, duy trì lực lượng đó 24/24h và 7/7 ngày.
Liên quan đến vấn đề xử phạt, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) giải đáp: Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) là lực lượng thực thi quy định pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CAND nói chung, trong đó có lực lượng CSGT là lấy người dân làm trung tâm. Trước mắt CSGT sẽ tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi của mình khi đi trên cao tốc với dịch vụ thu phí không dừng, đồng thời gắn với trách nhiệm của họ. "Chúng tôi chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.
Tại dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình, ghi nhận được tỉ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng cho đến thời điểm này là khoảng 77%.
Chuẩn bị nhiều phương án chống ùn tắc và sự cố
Nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc tại khu vực thu phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chia sẻ: "Quan điểm của Bộ là những gì tốt nhất cho người dân thì chúng ta làm. Tất cả những tình huống khi áp dụng thu phí không dừng, chúng tôi đã lường đến. Mục tiêu của ngành giao thông là tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích khi người dân sử dụng dịch vụ này và người dân ủng hộ, đồng hành để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này. Do chúng ta mới áp dụng hệ thống này nên trong quá trình sử dụng cũng sẽ có những vấn đề trục trặc xảy ra. Nếu phản ánh của người dân kịp thời thì Bộ GTVT sẽ tập trung xử lý. Đến thời điểm này, tuy các chủ phương tiện có thắc mắc, có phản ánh nhưng khi được giải thích, phối hợp thực hiện thì họ rất vui vẻ. Vì thế chúng tôi có niềm tin khi đã làm được những điều đem lại lợi ích cho người dân. Còn những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối, gây mất trật tự thì chúng tôi có chế tài để xử lý theo pháp luật", Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ.
Về các bất cập, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng thẳng thắn chia sẻ: "Quá trình thực hiện hình thức thu phí thủ công trên đầu phương tiện theo lượt bộc lộ một số vấn đề. Với chỉ đạo của Thủ tướng là sớm đưa công nghệ thu phí không dừng vào để triển khai đối với hệ thống đường cao tốc và hệ thống đường quốc lộ hiện hữu đang thực hiện các trạm thu phí, chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết để triển khai với các chủ đầu tư, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ để chúng ta có kế hoạch đáp ứng được tiến độ này.
Khi thực hiện thu phí không dừng, sẽ khắc phục được các tồn tại đối với thu phí một dừng hiện nay: Thứ nhất, thể hiện sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam là ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào tổ chức và quản lý, đưa hệ thống thông minh vào hoạt động, văn minh và tiện lợi. Thứ hai, đem lại sự thuận tiện cho người dân về thời gian, thuận tiện khi dừng đỗ các trạm, làm tốt vấn đề môi trường. Khi qua trạm thủ công, chúng ta mất vài ba phút dừng lại, trong điều kiện thời tiết bình thường không sao, nếu nắng mưa sẽ ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện. Chúng ta sử dụng hình thức mới, chỉ việc đi qua, không phải mở cửa xe, dừng xe, rất thuận lợi. Thứ ba, tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến. Thứ tư, khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng, chúng ta sẽ công khai, minh bạch doanh thu, các cơ quan giám sát lẫn nhau như nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, đây là giải pháp tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm thực hiện, rất công khai, minh bạch".
Tổ chức giao thông phù hợp tại các trạm thu phí
Cũng tại buổi toạ đàm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay, lực lượng CSGT đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho việc triển khai thu phí ETC trên toàn quốc từ ngày 1/8, đưa thu phí không dừng vào sử dụng. Cụ thể, Cục CSGT đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 19 và Chỉ thị 39 của Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Trong đó giao cho lực lượng CSGT thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác điều tra cơ bản trên từng tuyến, địa bàn, doanh nghiệp và lưu lượng phương tiện ở các trạm thu phí và dự kiến lắp đặt thu phí không dừng để qua đó có phương án cụ thể, sát với thực tiễn. Cục CSGT cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an các địa phương có phương án phân luồng từ xa. Khi ở trạm thu phí này có sự cố, thì đồng thời các địa phương khác đều phải có phương án giải toả thống nhất trên sự chỉ đạo tập trung của Cục CSGT. CSGT cũng đã xây dựng và triển khai thực tiễn những phương án khi xảy ra sự cố, tắc đường, cháy nổ...
Đồng thời, CSGT cũng tập trung kiến nghị vấn đề tổ chức giao thông ở các trạm thu phí như thế nào cho phù hợp nhất. Như ở tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, đầu vào tổ chức 4 làn, đầu ra 2 làn nên chưa phù hợp. CSGT kiến nghị các đơn vị quản lý của ngành giao thông vận tải cũng như đơn vị thu phí tổ chức sao cho hợp lý và thông thoáng nhất...
Cao tốc Bắc - Nam vẫn khó khăn về vật liệu đất đắp Thông tin về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành dự án đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá...