Làm cách nào để hàn gắn cuộc hôn nhân này?
Em tôi nói, biết cưới vợ mà khốn khổ như vậy, nó chẳng cưới làm gì…
Tôi ngó sững thằng em ruột và đứa em dâu. Không ngờ sự thể lại như thế. Hà, em út của tôi cưới vợ được gần 3 năm. Nhà Vân, vợ nó chỉ cách nhà tôi mấy bước chân. Hai đứa biết nhau từ nhỏ nhưng chỉ chính thức yêu nhau 3 tháng trước khi cưới. Khi chúng cưới nhau, ba tôi đã bị tai biến nằm một chỗ. Nhiều người can ngăn mẹ tôi: “Con Vân là con một, sung sướng từ bé. Cưới nó về, có khi phải làm dâu lại cho nó”. Mẹ tôi cũng e ngại nhưng thương con, đành chìu theo. Biết vậy nên em tôi an ủi: “Mẹ yên tâm, con biết dạy vợ con mà”.
Nhà có 4 anh em trai đều đã có gia đình. Giàu út ăn, khó út chịu. Vì vậy, sau khi Hà cưới vợ thì chúng tôi mua một căn nhà ở Gò Vấp, dọn ra ở riêng. Cứ đôi ba bữa, tôi lại ghé về thăm. Những lần đầu, thấy mẹ vừa tắm rửa cho ba, vừa cơm nước dọn dẹp, tôi ngạc nhiên: “ Sao con Vân không làm mà để mẹ làm?”. Mẹ tôi lắc đầu: “Nó mới về chưa quen. Thôi, để mẹ làm, cũng không có gì đâu”. Mãi cho đến khi dọn cơm lên thì mới thấy Vân về tới. Cô cười hồn nhiên: “Em về bên nhà mẹ em. Hôm nay mẹ nấu bún bò, em ăn no rồi”.
Những ngày sau, thấy Vân đã quen, tôi nhắc khéo em dâu: “Cái tay mẹ đau. Em coi phụ mẹ cơm nước, giặt giũ…”. Vân sụ mặt: “Em muốn làm mà mẹ có cho đâu? Em đụng vô cái nào, mẹ cũng bảo để đó cho mẹ…”.
Biết là giữa mẹ chồng, nàng dâu có điều không thuận, tôi nói riêng với mẹ: “Em nó mới về, mẹ đừng xét nét quá. Cứ để nó làm, hư thì sửa”. Nhưng mẹ tôi buồn rầu: “Nó nói vậy chớ không phải vậy đâu. Nhiều khi mẹ nhờ bắt nồi cơm, nó cũng quên kêu nó đi rót nước cho ba uống thuốc, nó vô phòng rồi ngủ luôn…”.
Được hơn 3 tháng thì Vân có thai. Cô đòi về nhà mẹ ruột ở. Tôi bảo Hà: “Hai nhà cạnh nhau, ở bên này hay bên kia cũng vậy thôi”. Ý tôi không muốn cho Vân đi nhưng em tôi lại hiểu ngược lại. Vậy là nó lẹ làng xách đồ đạc của vợ sang nhà cha mẹ vợ, quên cả hỏi ý kiến mẹ. Khi mẹ tôi biết được, hai mẹ con đã cãi nhau. Cuối cùng, nó phải đi đón vợ về.
Video đang HOT
Hôm đó, có Quyên, vợ tôi ở đấy. Nàng bảo Vân: “Em ráng một lúc nữa thôi. Anh chị đang tìm người giúp việc”. Vân đặt điều kiện: “Nhưng em giao trước, em không nấu cơm, không chăm sóc ba đâu đó. Em không quen…”. Vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau lắc đầu. Còn mẹ tôi thở dài, nói riêng với Quyên: “Mẹ chỉ mong nó được bằng nửa con là có phước lắm rồi”.
Quyên đã làm dâu mẹ tôi gần 10 năm. Nàng hiền lành, chịu khó. Hễ đi làm thì thôi, về tới nhà là xắn tay áo vô bếp cơm nước, dọn dẹp. Kể từ khi ba tôi bị tai biến, nàng lại trở thành người hộ lý tận tụy chăm sóc cho ông. Hỏi làm sao mẹ chồng không thương? Trong thâm tâm, bà vẫn muốn sống với vợ chồng tôi nhưng Hà là con út. Nó không giỏi giang như các anh, không có công ty, cửa hàng riêng mà chỉ là một nhân viên kế toán bình thường. Bà muốn nó ở chung để có thể nhín bớt phần mình cho con.
Thế mà giờ đây, mọi tính toán của bà đã đi sai quỹ đạo. Thằng út tuy không dám cãi lời mẹ nhưng cũng không dám làm trái ý vợ. Và bây giờ, sau 3 năm chung sống, vợ nó lại đòi ra riêng. Tôi rất giận nên tức tốc chạy về. Vợ chồng Hà không có ở nhà. Mẹ tôi đang cùng chị giúp việc lau rửa, cho ba tôi ăn qua đường ống sol. “Thằng út đâu mẹ?”. Mẹ tôi lắc đầu: “Hình như hai vợ chồng nó dắt con về bên ngoại”.
Lát sau vợ chồng Hà về tới. Trông thấy vẻ mặt hầm hầm của tôi, Vân có hơi giật mình nhưng rồi lại tươi cười: “Anh hai mới qua”. Tôi nói ngay: “Hai vợ chồng bây nghe anh hỏi, tại sao lại muốn ra riêng?”. Hà buồn rầu: “Em đâu có muốn nhưng vợ em không chịu. Em đã nói rồi mà Vân không nghe…”. Tôi dịu giọng: “Anh muốn hai đứa suy nghĩ kỹ lại đi. Không thể bỏ ba mẹ một mình trong khi ba đang đau bệnh như vậy…”. Vân mau mắn cắt lời: “Thì anh chị lại dọn về ở với ba mẹ như hồi trước. Dù sao thì chị hai với mẹ cũng hiểu biết tính ý nhau rồi, sẽ dễ sống hơn. Em chỉ muốn anh hai cho em một số vốn để em làm ăn…”.
Tôi bỗng thấy giận sôi lên: “Chúng mày thật vô liêm sĩ”. Tôi vừa dứt lời, mẹ tôi đã vén màn bước ra. Trên tay bà là một cái hộp tròn. Bà ngồi xuống bộ ván: “Để mẹ chia cho nó”. Mắt Vân sáng lên, cô nhìn chồng vẻ đắc ý. Trong khi đó, tôi thấy mặt Hà sa sầm. Nó bước đến cạnh mẹ: “Sao mẹ lại làm như vậy? Con không cần. Chuyện của tụi con, hãy để tụi con tính. Hôm nay sẵn có anh hai ở đây, để con nói luôn…”.
Dứt lời, nó đi về phòng riêng, lát sau quay ra với một tờ giấy. Nó đưa tờ giấy cho vợ: “Em đọc đi rồi ký vào. Anh không muốn kéo dài tình trạng này nữa, anh không muốn phải đứng giữa mẹ và em. Em ký đi rồi anh đưa em về bên kia”. Vân nhìn vào tờ giấy rồi nhìn chồng, há hốc không nói thành lời. Có lẽ em dâu tôi không ngờ, người chồng luôn bị nó chê là yếu đuối, nhu nhược lại dám đòi ly hôn. Bất ngờ Vân chồm lên, hai tay đập mạnh xuống bàn: “Anh dám hả?”.
Thấy tình hình căng thẳng, mẹ tôi định can ngăn nhưng thằng út đã dìu mẹ vào phòng: “Xin lỗi mẹ, nhưng chuyện của con, mẹ để con tính”. Tôi ngơ ngác, không tin thằng em mình có thể quyết liệt như vậy.
Hà bỗng như một người khác. Nó nhìn thẳng vợ, dằn từng tiếng: “Anh không còn sức để chịu đựng nữa. Trước đây, anh cứ hi vọng em sẽ sửa đổi. Anh đã cố nhường nhịn em để gia đình hòa thuận nhưng em không chịu hiểu, không xem gia đình anh là gia đình của em. Em hãy nói đi, gia đình anh có điều gì không phải với em? Hay chỉ là em cố tình gây khó? Anh đã nói với em không phải một lần… Nếu em không đồng ý ly hôn, anh cũng không ép. Nhưng anh sẽ không sống chung với em nữa”.
Vân sững sờ. Rồi cô gào khóc. Thằng út xách xe bỏ đi. Chỉ còn lại tôi với cô em dâu. Tôi lúng túng: “Thôi, em nín đi. Nó giận thì nói vậy thôi…”. Nhưng Vân mếu máo lắc đầu: “Em biết tính anh Hà, ảnh không nói thì thôi chớ nói là ảnh làm. Em phải làm sao bây giờ anh hai?”.
Tôi không biết nói sao nên cứ nấn ná chờ Hà về. Nhưng tôi chờ mãi mà vẫn chẳng thấy nó đâu. Gọi điện thoại thì nó không bắt máy. Vân vẫn sụt sịt: “Thôi, anh hai về đi, để em qua nhà ngoại đón thằng nhỏ”.
Tối đó Hà gọi điện thoại cho tôi: “Em xin lỗi anh hai nhưng thật sự em không thấy có gì vui vẻ trong cuộc hôn nhân này. Biết cưới vợ mà khốn khổ như vậy, em chẳng cưới làm gì”.
Trong câu chuyện này, bỗng dưng tôi trở thành chuyên gia hòa giải. Nhưng tôi không biết làm cách nào để hàn gắn cuộc hôn nhân này? Điều quan trọng hơn là tôi không biết, nếu hàn gắn được thì nó có bền chặt hay không?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi cũng có một "âm mưu" với chồng
Tôi cay đắng nuốt nỗi tủi hổ vào lòng tự nhủ chờ đứa trẻ ra đời rồi tôi sẽ tự nuôi con. Chỉ cần anh để con được khai sinh đàng hoàng mà thôi.
Tôi đọc bài của hai vợ chồng bạn mà nước mắt chảy như sự thể là của mình. Tôi và chồng tôi cũng có một tình trạng gần như của 2 bạn. Tôi nhận ra mình mang bầu không lâu sau khi tôi không còn lý do gì nữa để tiếp tục cuộc tình cay đắng của mình. Anh là người đã có vợ và hôn nhân đó cũng vì có một đứa trẻ sắp ra đời. Nhưng 2 cá tính trái ngược trông chờ ở nhau sự thay đổi khi "có gia đình" đã bất thành. Quá nhiều lần xé giấy kết hôn, nhiều lần viết đơn ly hôn. Rồi tôi xuất hiện.
Anh tiến đến tôi từ từ là một người đồng nghiệp, người bạn, người anh rồi người yêu. Tôi nhận ra tình cảm cả 2 cùng cố cưỡng nhưng... tôi không biết nói thế nào. Sự ghen tuông điên cuồng của người vợ trước của anh lại ép chúng tôi lại gần nhau hơn. Anh lo bao bọc tôi, còn tôi nép vào anh để sợ hãi và chúng tôi tranh đấu, sợ hãi lẫn nhau.
Tôi thì bẽ bàng, ê chề, tan tác vì thế giới eo xèo quanh tôi, vì chính tôi tự quay cuồng tìm lối thoát thực sự cho cuộc đời mình. Còn anh, phải công nhận rằng đứa trẻ thực sự dày vò tâm can anh, khiến anh trở thành một "kẻ điên". Và không ai ngoài tôi, người kề cận anh hứng lấy những cơn điên loạn tự tranh đấu ấy. Nhưng rồi cái gì cần xảy ra đã xảy ra. Anh li hôn với vợ cũ của anh. Và sau đó không lâu cũng là lời chấm hết hoang tàn giữa tôi và anh.
Tôi biết mình mang bầu và tôi quyết giữ cho đứa con được ra đời. Tôi cầu xin gia đình anh, gia đình tôi và cả cầu xin anh nữa. Anh vẫn mang theo cơn điên đó thậm chí vào những giây phút quan trọng như lúc làm đăng ký kết hôn, lúc chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi cay đắng nuốt nỗi tủi hổ vào lòng. Tự nhủ chờ đứa trẻ ra đời rồi tôi sẽ tự nuôi con. Chỉ cần anh để con được khai sinh đàng hoàng mà thôi.
Về ở bên nhau, tôi lại càng nín nhịn, vậy mà những lần xung đột, anh cho phép mình lồng lộn lên chửi bới vung tay vung chân như thể quên trong tôi đang có một thai nhi chỉ 1, 2 tháng nữa là ra đời. Anh vẫn chưa đi làm, từ lâu lắm rồi, anh chỉ thỉnh thoảng lướt qua lớp dạy thêm gọi là. Rồi thì còn nghỉ Tết, nghỉ hè, coi như thu nhập chỉ trông chờ vào lương của tôi.
Tôi nhờ anh vai trò là người cầm tiền, tôi chỉ cần hàng ngày anh đưa cho tôi tiền đi chợ (chúng tôi ở cùng bố mẹ và em chồng tôi). Tôi thiết nghĩ, anh còn khoản bất khả kháng mỗi tháng phải đưa cho mẹ đứa trẻ (vợ cũ của anh) để nuôi con. Vì thế lẽ nào để anh phải ái ngại hỏi tôi đưa tiền nên thôi thì tôi đưa anh cầm và anh chủ động trích ra cho tế nhị.
Phải nói rằng, không ai bắt tôi phải chi tiêu eo hẹp. Nhưng vì tự eo hẹp chi tiêu mà nhiều khi nghén ngẩm thèm ăn tôi cũng không dám ăn. Cần mua thuốc sắt, canxi, tôi tự AQ rằng, chế độ ăn đầy đủ là được (mặc dù tự cơ thể tôi đã thiếu trầm trọng canxi dẫn đến đau vai, gáy, ngón tay ngay từ trước khi mang bầu). Giai đoan mang bầu, tôi bắt con buồn, bắt con khóc cùng tôi nhiều quá thay vì tươi vui, thay vì những lời hát yêu đời.
Bé sinh ra trộm vía đủ tháng ngày nên đảm bảo cân nặng trung bình, tuy nhiên do bị thiếu canxi dẫn đến rất nhiều vấn đề và vì thế mà bé khá khó tính, khó nuôi. Đó là lỗi ở tôi, khi chọn cho mình một người chồng chưa bình thường. Nhưng điều tôi buồn tê tái khiến giờ đây tôi cũng có một "âm mưu" là chờ tôi đi làm ổn định trở lại, hoặc chờ con tôi 3 tuổi vững thêm chút nữa, tôi sẽ ký sẵn tờ đơn ly hôn rồi đưa anh.
Lý do lại là việc anh quát tháo (chửi), đánh đập (ném, quăng) đứa con đỏ hỏn chưa đầy 1 tuổi của tôi không ít lần với câu lý giải hết sức ngây ngô rằng: nó còn nhỏ, nói với nó nó cũng không hiểu. Trời ạ, trẻ nhỏ không hiểu nhưng nó cảm nhận được thế nào là yêu thương mà! Chính anh từng có lần nói với tôi câu đó. Hơn nữa, trẻ càng nhỏ thì càng mỏng manh.
Mẹ chồng tôi còn từng nói: "Cẩn thận kẻo đẻ còn lành, nuôi con què". Tôi không nhớ hoàn cảnh bà nói, nhưng chắc chắn, những điều bà tận mắt chứng kiến lúc ấy chỉ là rất nhỏ so với những gì diễn ra ở nhà mẹ đẻ tôi.
Lại thêm vào là những lần cãi nhau mà anh kết luận là "vì tiền", là "không được như cái T", là "cái T nó nói đúng về mày" (T là vợ cũ của anh). Tôi không hiểu tôi vì tiền đến độ nào mà lại yêu dai dẳng rồi liều thân lấy một người đàn ông không những hoàn toàn trắng tay mà còn bệnh tật về tâm hồn. Anh bảo anh vẫn chưa "khỏi" chuyện trước. Anh buồn lo vô cùng vì người mẹ đó (vợ cũ) hoàn toàn không làm anh yên tâm để nuôi, chăm và dạy con.
Tôi thương nên đồng hành tằn tiện sống, tằn tiện nuôi con. Nhưng mỗi dịp rằm trung thu, tôi mua quà tặng con của bạn anh, và tặng con chồng, tôi có mua thêm cho con chúng tôi một món quà thì bị anh quy kết đủ kiểu (rất rắc rối và mâu thuẫn). Rồi tôi thấy cảnh cứ tiêu một chút gì đó lại hỏi xin chồng tiền. Rồi từ hồi sinh con tôi nghỉ làm luôn để ở nhà trông con, tôi liền bị anh đánh giá không ra gì.
Tôi thấy tôi bị xúc phạm vào sự tế nhị trong quyết định trước đây của mình, bị xúc phạm vào nhân phẩm của mình. Tôi tin không có nhiều người ở vai trò của tôi làm được những điều như tôi đã làm, vậy mà lại có sự so sánh khập khiễng cho hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau giữa tôi và người đàn bà trước đó của chồng. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi cố gắng nhẫn nhịn, mỉm cười bao nhiêu, chồng tôi lấn át, cáu kỉnh bấy nhiêu. Tôi đã từng tuyệt vọng và giờ đang chờ thời gian trôi qua...
Tôi đã và vẫn đang tranh đấu với chính mình về việc thế nào là mang lại hạnh phúc thực sự cho con của mình: ở cạnh ông bố như vậy, hay cuộc sống bớt bị tổn thương, bớt những ảnh hưởng xấu từ bố nhưng chỉ có mình tôi?
Nói thật là tôi cũng chỉ dám viết ở mục comment, vì như vậy sẽ ít có cơ hội để chồng tôi nhận ra "âm mưu" của tôi. Dù gì cũng rất chúc mừng 2 vợ chồng bạn vì đã không muộn nhận ra hạnh phúc thực sự của mình. Hãy làm lại từ đầu với tất cả tình yêu thương 2 bạn đang và sẽ còn có thêm với nhau, với con.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi phải làm cách nào để "kéo" chồng ra khỏi "tình cũ"? Chúng tôi yêu nhau vào năm cuối đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi theo anh về quê lập tổ ấm. Khi con gái tôi được 2 tuổi, những người hàng xóm bắt đầu xì xầm rằng anh có một người phụ nữ khác. Tôi không tin mà chỉ tự an ủi rằng, anh đẹp trai, tài giỏi thế (là trưởng phòng công...