Lâm Bưu phút cuối đời và “con số 13 định mệnh
Một điều ngồ ngộ là chỉ trong chưa đầy 6 tháng cuối đời, Lâm Bưu gắn liền với một loạt “con số 13″ trong các hoạt động của mình.
Trong cuộc điện đàm cuối cùng và chớp nhoáng với Thủ tướng Chu Ân Lai lúc gần mười hai giờ khuya 12/9/1971, bà Diệp Quần nói bà sẽ cùng nguyên soái Lâm Bưu rời khỏi Bắc Đới Hà vào sáng hoặc chiều hôm sau vì thời tiết ở đó “bắt đầu lạnh rồi”…
Hai vợ chồng Diệp Quần và Lâm Bưu chết thảm trên đường chạy trốn.
Bà nói sẽ bay đến thành phố cảng Đại Liên nằm trên tuyến đường biển xinh đẹp ở phía Nam bán đảo Liêu Đông. Thành phố này nổi danh từ lâu bởi nguồn dự trữ kim cương lớn nhất nước, với bãi tắm Dục Trường hình vòng cung, nước xanh phẳng lặng. Độc đáo ở đó có “vương quốc rắn” không có người ở (đảo Tiểu Long Sơn), với ít nhất 14.000 con rắn cực độc phủ đầy trên các cành cây, bò khắp bờ suối, hốc hang – được xếp hạng “khu bảo tồn thiên nhiên” trọng điểm của Trung Quốc. Một số cảnh vệ cùng nhân viên phục vụ trong nhà cũng hay tin họ Lâm sắp đi Đại Liên. Nên khi tham mưu cảnh vệ Lý Văn Phổ ngồi bên tài xế trên chiếc xe Hồng Kỳ đang phóng hết tốc lực một cách bất thường, đinh ninh chuyến này mọi người sẽ đến Đại Liên, chợt nghe Lâm Bưu hỏi Lâm Lập Quả: “Đến Irkutsk còn bao xa?” Lý Văn Phổ liền lớn tiếng hét dừng xe. Lái xe phanh lại theo thói quen. Lý nhảy xuống, hỏi: “Các người muốn đưa thủ trưởng Lâm đi đâu?” Lâm Lập Quả rút súng bắn luôn. Chiếc xe lại lao vút lên như điên, đến sân bay Sơn Hải Quan lúc 0 giờ 18 phút ngày 13/9/1971 – 14 phút sau, chiếc Trident 256 chở đoàn Lâm Bưu do Phan Cảnh Diễn điều khiển cất cánh bay về hướng Irkutsk, trong tình trạng không có lái phụ, hoa tiêu và nhân viên báo vụ” – theo Tân Tử Lăng.
Nhận báo cáo khẩn cấp từ sân bay Sơn Hải Quan, Thủ tướng Chu Ân Lai lệnh cho Sở chỉ huy Không quân dùng đài đối không liên lạc, yêu cầu Phan Cảnh Diễn hãy bay trở lại và thông báo Diễn có thể cho máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Bắc Kinh hoặc Tây Giao, nhưng không thấy Diễn đáp ứng. Bộ tư lệnh Không quân báo về Trung Nam Hải xin ý kiến để máy bay tiêm kích bay lên đuổi theo chặn đường Lâm Bưu. Nhưng Mao Trạch Đông bảo:
- “Lâm Bưu vẫn là Phó Chủ tịch đảng ta, trời mưa là việc của trời, con gái lớn lên thì đi lấy chồng, cứ để Lâm muốn bay đi đâu thì bay” – không cần đuổi bắt.
Video đang HOT
Mao Trạch Đông và Lâm Bưu.
Máy bay Lâm Bưu thoát về hướng Tây Bắc nhưng vẫn bị các trạm radar dưới đất theo dõi “ra khỏi biên giới quốc gia lúc 2 giờ sáng, bay vào địa phận nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ, trên màn hình radar của ta mất mục tiêu. Đây là thời gian chúng ta lo lắng nhất. Chiều hôm đó đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ báo tin về một chiếc máy bay hàng không dân dụng chở khách bị rơi tại khu vực miền Đông Mông Cổ, trên máy bay có 8 nam một nữ, tất cả đều thiệt mạng, máy bay mang số hiệu 256″ – theo Trần Trường Giang.
Sách báo Trung Quốc đến nay khi nhắc sự kiện ấy đều có những thông tin tương tự nhau, đại ý: “3 giờ sáng 13/9, chiếc máy bay Trident số hiệu 256 của Hàng không dân dụng Trung Quốc bị rơi tại tỉnh Chentij gần Underkhan Mông Cổ, cả 9 người trên máy bay đều chết. Sau qua giám định được biết 9 người trên gồm: Lâm Bưu, Diệp Quần, Lâm Lập Quả, Lưu Bái Phong, cùng phi công, lái xe và 3 kỹ sư cơ khí”.
Ở Bắc Kinh, gần sáng 13/9, đã có lệnh bắt giữ các thành viên trong tổ chức đối kháng của Lâm Bưu như: Hoàng Vĩnh Thắng (Tổng tham mưu trưởng Quân đội), Ngô Pháp Hiến (Tư lệnh Không quân), Lý Tác Bằng (Chính ủy Hải quân) giam lỏng tại Đại lễ đường – yêu cầu tất cả không ai được ra ngoài, không gọi điện thoại, chờ xử trí. Một số khác tìm cách trốn đi “Bộ Tư lệnh Không quân báo cáo: chiếc máy bay lên thẳng số 3685 bay khỏi sân bay Sa Hà, trên máy bay có Chu Vũ Trì (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Không quân), Vu Tân Dã, Lý Vĩ Tín, lái chính Trần Văn Tu, lái phụ Trần Sĩ Ấn. Trần Văn Tu không làm theo lệnh của các thành viên Hạm đội liên hợp, cho máy bay vòng lại, hạ cánh xuống một hẻm núi ở ngoại thành Bắc Kinh. Chu Vũ Trì nổ súng bắn chết Trần Văn Tu, Trần Sĩ Ấn nằm im vờ chết. Ba thành viên còn lại của Hạm đội liên hợp hẹn nhau cùng tự sát. Chu Vũ Trì và Vu Tân Dã chết ngay. Lý Vĩ Tín bắn chỉ thiên, bị bắt”.
Sáng sớm 13/9, Thủ tướng Chu Ân Lai thực hiện ủy thác của Mao Trạch Đông triệu tập Bộ chính trị thông báo việc Lâm Bưu chạy trốn và đích thân gọi điện tới lãnh đạo các đại quân khu, thành phố, khu tự trị, yêu cầu họ báo cáo tình hình, bố trí lực lượng đề phòng những biến cố đột phát. Chiều 14/9, Chu Ân Lai mặc áo trắng quần xám vào phòng 118 ở Đại lễ đường, trình Mao Trạch Đông báo cáo chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ về “kết thúc bi thảm của nhà họ Lâm”.
Một điều hơi lạ và ngồ ngộ là chỉ trong chưa đầy 6 tháng cuối đời (từ tháng 3 – 9/1971), Lâm Bưu gắn liền với một loạt “con số 13″ trong các hoạt động của mình:
- Kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông mang mật số : 571 (5 7 1 = 13).
- Máy bay chở Lâm Bưu và vợ con của ông về cõi chết mang số: 256 (2 5 6 = 13).
- Ngày máy bay rơi là ngày 13 (tháng 9.1971) – đối chiếu với âm lịch nhằm ngày của sao Nguy (trong Nhị thập bát tú): 24.7 (2 4 7 = 13) năm Tân Hợi…
Theo Một Thế Giới
Financial Times: Tập Cận Bình độc tài trong "chống tham nhũng"
Financial Times ngày 24/06/2014 đăng tải bài viết cho biết, sự độc tài ngày càng hiện rõ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng đã khiến người ta không khỏi quan ngại.
Bài viết của tác giả Jamil Anderlini cho biết, từ khi Mao Trạch Đông phát động Đại cách mạng văn hóa từ năm 1966-1976, các chuyên gia và các học giả đều quan ngại liệu cuộc cách mạng này có để lại ảnh hưởng lâu dài về sau này hay không.
Bài viết cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình những tuần gần đây ngàng càng độc tài.
Người ta cho rằng, hiện nay cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đang dần có dấu hiệu của một cuộc thanh trừng chính trị, mặc dù những ngôn từ như vậy vẫn nằm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh đối với truyền thông nước này.
Ai tham nhũng, ai không tham nhũng là do Tập Cận Bình và các tay chân thân tín của ông ta phán quyết
Bài viết lưu ý đến vụ việc anh trai của Lệnh Kế Hoạch -Trưởng Ban mặt trận thống nhất là Lệnh Chính Sách đã bị điều tra tham nhũng, đồng thời nhấn mạnh Lệnh Kế Hoạch từng là trợ lý cấp cao của Cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào.
Bài viết cho biết, việc bắt giữ ông Lệnh Chính Sách không phải là một quyết định ngẫu nhiên, mỗi người đều biết rõ mạng lưới quan hệ trong cơ cấu quyền lực.
Bài viết trích dẫn bài viết của Financial Times vào tháng 03/2014 cho biết, hai cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc là Giang Trach Dân và Hồ Cẩm Đào đều lên tiếng cảnh báo Tập Cận Bình không nên trượt quá xa trong chiến dịch chống tham nhũng của mình.
Một số cựu lãnh đạo đã nghỉ hưu và gia đình của họ đều đang quan ngại họ sẽ trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng này.
Rất nhiều ý kiến đánh giá rằng, chính sách chống tham nhũng hiện nay không minh bạch và có dấu hiệu độc tài vì "ai tham nhũng, ai không tham nhũng là do Tập Cận Bình và các tay chân thân tín của ông ta phán quyết".
Sau cùng bài viết cho rằng, các nhà quan sát ban đầu đều so sánh Tập Cận Bình với kiến trúc sư công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc trước kia là Đặng Tiểu Bình, nhưng bây giờ họ bắt đầu nhìn thấy hình tượng Mao Trạch Đông trong con người của ông Tập.
Mai Thanh (dịch theo BBC)
Theo NTD
Ai đặt máy nghe lén trong buồng ngủ Mao Trạch Đông'? Khi phát hiện buồng ngủ của mình trên toa xe lửa "tuần du" đến Hồ Nam bị đặt máy nghe lén hiện đại, Mao Trạch Đông không khỏi kinh ngạc, gọi ngay những người có trách nhiệm cao nhất về an ninh đang ở quanh mình và cả Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ từ Bắc Kinh bay đến giải trình... Mao Trạch...