Làm báo ‘lá cải’, mất nhiều hơn được
“Đã và đang xuất hiện một kiểu, thậm chí là xu hướng làm báo đáng lo ngại, cả về góc độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Ở ta và cả nước ngoài, người ta gọi là “trồng cải”, bán báo “lá cải”, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ nhân dịp 21/6.
Ở ta, báo có “sinh” nhưng hầu như không có “tử”
- Thưa ông, báo chí, nhất là báo in, đang lâm vào tình cảnh khó khăn là điều quá rõ, và điều cũng rõ nữa là, do hệ thống (và thị trường) báo chí của ta thực hiện việc quy hoạch và kế hoạch phát triển chưa tốt nên khi khó khăn, những yếu kém, bất cập cứ lộ ra. Ông có thể nói rõ về tình trạng này?
- Suy thoái kinh tế đang tác động vào mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí, đặc biệt với báo in. Để bám trụ hoặc vượt lên, mỗi ban biên tập, ban giám đốc báo, đài đều tìm cách đi riêng; cố gắng tạo dựng một khuôn mặt, giọng điệu, phong cách; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức; cung cấp (cũng có thể gọi là “bán”) cho công chúng, cho khách hàng cái mà họ cần, từ đó thu hút quảng cáo, tài trợ, hợp tác…
Hiện chúng ta có khoảng 17.000 nhà báo chuyên nghiệp.
Với số lượng trên 800 cơ quan báo chí, hơn 1.000 ấn phẩm, kênh sóng trong cả nước, cuộc cạnh tranh của làng báo chí Việt Nam trong bối cảnh khó khăn này càng gay gắt, mà nếu không có nguồn hỗ trợ hoặc Nhà nước hoặc doanh nghiệp và các lực lượng xã hội khác thì khó đứng vững và phát triển.
Ở các nước, tình hình báo chí có nhiều điểm khác với ta, sự cạnh tranh của họ cũng sinh tử hơn ta; hằng tuần, thậm chí hằng ngày, báo chí họ “có sinh có tử”. Kinh tế khó khăn, số báo, đài “khai tử” càng nhiều. Ở ta, báo có “sinh” nhưng hầu như không có “tử”, không có cơ quan chủ quản hay ban lãnh đạo báo, đài xin tự đình bản, xin chấm dứt hoạt động. Đã tăng về số lượng theo cách cơ học thì cũng dễ giảm về chất lượng theo cách tương tự. “Chiếc bánh” quảng cáo, tài trợ, về cơ bản không to thêm, do đó, càng đông thành viên, “nhà đông con”, càng túng thiếu, thậm chí đói.
Trước tình hình này, cơ quan quản lý báo chí thấy rằng phải làm tốt hơn, rà soát lại quy hoạch và kế hoạch phát triển báo chí. Rà soát, đánh giá thật nghiêm túc, khoa học, khách quan xem ngành nào, địa phương nào, được phép (nên) ra báo, đài, tạp chí.
Hiện nay, có ngành lẽ ra chỉ cần tờ tin thì lại ra tạp chí, có ngành chỉ cần ra tạp chí lại xin ra báo, rồi đáng lẽ chỉ cần ra tuần báo thì họ lại đề nghị được phát hành 3-5 số báo/tuần… Tình trạng chạy theo số lượng kéo theo sự giảm sút về chất lượng, mà nội dung không hay, không hấp dẫn thì giảm người đọc, người xem, người nghe, dẫn tới phát hành không nhiều, phủ sóng không rộng.
Viết về cái gì, viết như thế nào là cả một “đại vấn đề”
- Theo đánh giá của ông, đội ngũ nhà báo đã đáp ứng được đòi hỏi của công việc trong tình hình hiện nay?
- Hiện chúng ta có khoảng 17.000 nhà báo chuyên nghiệp. Số nhà báo sinh ra và hoạt động thời kháng chiến chống Pháp gần như đã khuất núi. Số nhà báo sinh ra và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ phần lớn đã nghỉ hưu. Bộ phận đông đảo nhất sinh ra, học hành, làm báo từ năm 1975-1976 đến nay. Bộ phận thứ ba vừa nêu được đào tạo khá chính quy, bài bản, nhưng suy cho cùng, họ chủ yếu học nghề báo, nắm khá vững kỹ năng làm báo, nhưng viết về cái gì, viết như thế nào là cả “đại vấn đề”.
Video đang HOT
Khảo sát kỹ hơn cho thấy: Khoảng 45% số phóng viên, biên tập viên tốt nghiệp các trường đại học về báo chí. Ngay tại các trường đại học có đào tạo ngành báo chí, sinh viên học lý thuyết là chủ yếu, ít có điều kiện thực hành. Vốn kiến thức, tri thức về nghề báo còn một khoảng cách khá xa so với thực tiễn đời sống báo chí. Điểm yếu kém rõ nhất của đội ngũ phóng viên, biên tập viên là nhận thức, tư duy chính trị của khá nhiều người còn đơn giản, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, ngại học chính trị, ít am tường về luật pháp; một số người coi nghề báo chỉ là nghề làm công ăn lương thuần tuý như các nghề khác.
Trong nghề báo, đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức rộng, sâu, hiểu biết, am tường về nhiều lĩnh vực, có tầm văn hóa, phông tri thức, có ý thức và sự nhạy cảm chính trị – vì làm báo là làm chính trị. Đồng thời, mỗi nhà báo phải có hiểu biết sâu, rộng về mảng đề tài chính được phân công theo dõi. Nếu chỉ có kỹ năng viết báo, làm báo mà không có kiến thức chuyên sâu những lĩnh vực vừa nêu thì khó có bài báo hoặc chương trình hay, sắc, chắc, thu hút bạn đọc; đó là chưa nói đến nguy cơ sai sót, hời hợt, phiến diện, kiểu “thầy bói xem voi”…
Làm báo “lá cải”, mất nhiều hơn được
- Thưa ông, trong bối cảnh suy thoái hiện nay, một số tòa soạn đang phải vất vả bươn chải để tồn tại, phát triển và điều này dẫn tới không ít tờ báo phải chạy theo thị hiếu tầm thường, bị thương mại hóa… ông đánh giá việc này thế nào?
- Đúng là đã và đang xuất hiện một kiểu, thậm chí là xu hướng, làm báo đáng lo ngại, cả về góc độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đó là việc chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân câu khách chỉ nhằm bán được báo (và bán kèm quảng cáo). Ở ta và cả nước ngoài, người ta gọi là “trồng cải”, bán báo “lá cải”. Tôi nghĩ những người làm báo tự trọng, những cơ quan báo chí tự trọng, nếu có mắc phải chuyện đó thì phải điều chỉnh ngay, không nên để kéo dài và nặng thêm như thế.
Người làm báo, các cơ quan báo chí, khi nói về nghề thường hay đề cập tới trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp… đấy là những từ có thể nói rất đẹp, rất cao cả, nhưng để đạt được những điều cao cả như thế thì trước hết phải có lòng tự trọng, tự tôn, phải tôn trọng thể diện của mình, tôn trọng thể diện tờ báo, tạo nên thương hiệu tờ báo của mình, không nên để tờ báo của mình là một thứ hàng hóa tầm thường chỉ để rao bán trên đường bằng chuyện cướp, giết, hiếp… để người ta mua báo. Tôi tin là, có bán được báo cho số người mua như thế thì khoản tiền cơ quan báo chí thu được có lẽ cũng không lớn. Nhưng cái mà tờ báo mất đi thì lớn. Mất trước mắt, mất lâu dài.
Cũng có người đặt câu hỏi “báo thị trường” có xấu không? Có thể không xấu vì vẫn có một bộ phận độc giả chấp nhận nó? Về vấn đề này, theo tôi, báo giới chúng ta nên có cách nhìn nhận bình tĩnh, nghiêm túc. Cơ quan báo chí tạo ra sản phẩm, sản phẩm này cũng có một số thuộc tính hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt, hàng hóa đặc thù. “Sản phẩm hàng hóa” đó là tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lý tưởng, thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật. Báo chí có nhiệm vụ và thiên chức là bảo vệ, đề cao chân, thiện, mỹ; đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, kể cả yếu tố ngoại lai kệch cỡm phi văn hóa.
Chỉ đạo báo chí phải có lý có tình, tránh áp đặt
- Ông có thể cho biết, những đường hướng quy hoạch ngành báo chí sắp tới?
- Về mặt phương châm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí cần kịp thời nhưng phải đảm bảo tính khoa học, tính thuyết phục, có lý có tình, tránh áp đặt, mệnh lệnh, phải đạt tới sự tuân thủ một cách tự giác, triệt để của các cơ quan báo chí và những người làm báo.
Về phương thức: Bên cạnh nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, Đảng cần tiếp tục xây dựng, bổ sung thêm các quy định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí xét thấy không cần thiết, nội dung trùng lặp, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc để sai phạm kéo dài. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí…
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo vietbao
Bác sĩ loay hoay "học" cảm ơn
Dù đã có nhiều quy định và tổ chức nhiều lớp tập huấn "dạy" quy tắc ứng xử với bệnh nhân nhưng chỉ mỗi việc đơn giản như lời "cảm ơn", "xin lỗi" vẫn còn nằm ngoài ý thức của không ít nhân viên y tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện các quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hàng trăm lãnh đạo và đội ngũ nhân viên y tế ở các bệnh viện (BV). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, những lớp tập huấn về giao tiếp ứng xử với bệnh nhân là việc nhiều cơ sở y tế vẫn làm. Tuy nhiên, "học bài cũng có thể quên nên lâu lâu nhắc lại là bình thường".
Bỏ tiền để được ban ơn!
Trên thực tế, ngành y tế đã có nhiều quy định về mối liên hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. "Quy định về y đức" mà Bộ Y tế ban hành năm 1996 đã có những hướng dẫn cụ thể: Không được phân biệt đối xử bệnh nhân; khi tiếp xúc với bệnh nhân và gia đình phải có thái độ niềm nở, tận tình...
Năm 2008, Bộ Y tế lại ban hành "Quy tắc ứng xử", nhấn mạnh nhân viên y tế phải có thái độ lịch sự, hòa nhã, động viên, an ủi, tôn trọng bệnh nhân và gia đình họ. Cán bộ, viên chức y tế bị cấm các hành vi tiêu cực và những biểu hiện ban ơn, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn cho bệnh nhân và gia đình họ...
Những vấn đề này cũng được đề cập trong Luật Khám bệnh - Chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ứng xử thiếu trách nhiệm khiến cái nhìn của người dân chưa yên tâm, tin tưởng vào bác sĩ (BS).
Bệnh nhân thường xuyên quá tải ở Bệnh viện Ung Bướu TP HCM - Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Bà Lê Hồng Minh - 52 tuổi, ở Hà Nội, điều trị ung thư tại BV K - cho biết bà từng đặt chân đến nhiều BV nhưng toàn thấy người ta cảm ơn BS chứ không có chuyện ngược lại. "Nhân viên y tế nói lời cảm ơn bệnh nhân là chuyện khó có thật. Thậm chí, nhiều BS còn hoạnh họe, quát mắng người đáng tuổi cha mẹ, ông bà mình. Vẫn BS ấy nhưng hết giờ ở BV công ra phòng khám tư thì thái độ khác nhau một trời một vực" - bà Minh phàn nàn.
Theo bà Minh, những người ở quê đến các BV lớn chữa bệnh thường ngơ ngác, cái gì cũng xa lạ nên hay bị chửi mắng, quát nạt, nhẹ hơn thì cũng chỉ được trả lời qua loa nhát gừng cho xong với vẻ mặt rất khó chịu. Ông Nguyễn Tiến Hùng - một bệnh nhân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - bức xúc: "Đi khám bệnh phải bỏ tiền ra mà cứ có cảm giác như mang ơn và được ban ơn".
Ông Phạm Đức Mục, nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng có một nghịch lý đang tồn tại ở hầu hết các cơ sở y tế là bệnh nhân bị đối xử không giống với một khách hàng, trong khi họ đem tiền đến cho BV, nuôi sống nhân viên y tế. "Nếu BS, điều dưỡng biết nói lời "cảm ơn" bệnh nhân thì mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc thân thiện hơn nhiều" - ông nhận xét.
"Cảm ơn" thôi, chưa đủ
Tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là cơ sở đầu tiên thực hiện "nói lời cảm ơn bệnh nhân". Đến nay, phong trào nói lời cảm ơn, thân thiện với người khám bệnh, người hiến máu đã được triển khai 1 tháng rưỡi. Tại dãy phòng khám của BV, liên tục có tiếng loa nhắc nhở, mời bệnh nhân vào, lúc nào cũng bắt đầu bằng từ "xin mời".
Anh Trần Văn Khánh - ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - cho biết đã 3 lần đưa người thân đến BV này khám bệnh. "Nhân viên y tế ở đây hướng dẫn khá nhiệt tình. Cách đây 1 tuần, khi đưa mẹ đến khám bệnh, lúc bà lấy máu, tôi giật mình khi nghe nhân viên y tế nhỏ nhẹ: "Bác làm ơn nắm chặt tay vào" và "Cảm ơn bác, xong rồi". Tôi thật sự bất ngờ và xúc động vì lâu nay đến BV chỉ mong không bị mắng mỏ, hoạnh họe" - anh tâm sự.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là nơi đã triển khai "nói lời cảm ơn bệnh nhân" hiệu quả - Ảnh: NGỌC DUNG
Theo TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, bệnh nhân chính là người trả lương cho cán bộ, nhân viên BV, vì thế mà toàn bộ BS cần phải thay đổi quan niệm "bệnh nhân đang nhờ vả mình". "BS ở đây không được biện bạch cho việc ít cười, ít nói cảm ơn là do áp lực công việc. Không chỉ cảm ơn như cái máy mà BS còn cần phải tỏ thái độ chân thành, xuất phát từ đáy lòng mình" - ông Trí nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo một số nhân viên y tế ở đây, hầu hết các BS, y tá đều tất bật, căng thẳng với công việc. Vì thế, để vui vẻ nói lời cảm ơn bệnh nhân 50-70 lần/ngày với vẻ mặt biểu cảm chân thành cũng không phải là dễ!
BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ - Bệnh viện K, cho rằng "xin lỗi" và "cảm ơn" không phải đơn thuần là lời nói mà thực ra là văn hóa giao tiếp của nhân viên y tế. "Tôi từng chứng kiến ở nước ngoài, khi nhân viên y tế tiêm, bệnh nhân nhăn nhó hoặc kêu đau, lập tức y tá xoa xít, động viên và sau đó cảm ơn sự hợp tác của bệnh nhân" - ông dẫn chứng.
Theo BS Bảo, cái khó ở BV công lập là tình trạng quá tải nặng nề, áp lực rất căng lên đội ngũ y - BS. Dù được đãi ngộ thỏa đáng nhưng vì sức ép công việc thì cũng không thể thực hiện được lời "cảm ơn, xin lỗi" thường xuyên. "Trong tình cảnh hiện nay, việc thay đổi là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, y đức xuất phát từ cái tâm, không phải đợi có phong trào, bằng các quy định thì mới có thái độ nhã nhặn, lịch sự, biết ơn người bệnh" - BS Bảo nhận định.
TS Bùi Diệu, Giám đốc BV K Trung ương, nhìn nhận: "Với BS, bệnh nhân không phải là khách hàng mà là người cần được chăm sóc đặc biệt. Đó là sự lắng nghe từ BS, sự thăm khám, tư vấn tận tình. Biết cảm ơn là điều quan trọng, sự cảm ơn cần được bày tỏ bằng hành vi, thái độ khi tiếp xúc với bệnh nhân" - ông nói.
Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, không chỉ ngành y tế mà bộ máy hành chính phục vụ công cũng phải biết nói lời "cảm ơn, xin lỗi". Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chất lượng phục vụ như thế nào. Nếu ngành y tế không nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh thì có "xin lỗi, cảm ơn" thường xuyên, bệnh nhân cũng khó thông cảm.
Thường xuyên bị quát mắng Ông Phạm Đức Mục cho biết một cuộc điều tra quy mô nhỏ mới đây cho thấy đến 80% bệnh nhân bị quát mắng, 12% có người nhà bị "chửi" khi vào BV khám - chữa bệnh. Không có nơi nào mà khách hàng lại bị mắng mỏ nhiều như dịch vụ khám - chữa bệnh. Theo ông Mục, một cuộc điều tra khác cũng cho thấy gần 80% người trả lời hay bị nhân viên y tế quát mắng, 70% BS chỉ "nói qua loa", thậm chí đến 16% BS "chẳng nói gì" khi bệnh nhân hỏi... TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng nếu chỉ cảm ơn vì "phong trào" thì rất phản cảm. Sự trân trọng bệnh nhân phải thể hiện qua cử chỉ, ánh mắt biểu cảm và xuất phát từ cái tâm. "Đến BV, bệnh nhân phải đưa phong bì mới được khám nhanh, khám cẩn thận, có tiền mới được nằm chỗ tốt... Nếu BS cứ cảm ơn mà bệnh nhân vẫn chỉ nhận lại sự ban ơn, thủ tục hành chính vẫn nhiêu khê thì rất khó thông cảm" - ông băn khoăn.
Chờ mỏi mòn, khám chóng vánh Nâng cao kỹ năng phục vụ bệnh nhân, trong đó có việc nói lời "cảm ơn, xin lỗi", là một trong những vấn đề mà nhiều BV hướng tới. Tuy nhiên, theo nhiều BS, còn lâu bệnh nhân mới hết phiền hà khi mà bài toán quá tải vẫn chưa có lời giải. Theo Sở Y tế TP HCM, bình quân hằng năm, ngành y tế thành phố khám hơn 30 triệu lượt người, điều trị nội trú hơn 1 triệu và điều trị ngoại trú hơn 4 triệu lượt, nhiều BV không thể đáp ứng nổi. Tình trạng quá tải tập trung chủ yếu ở các BV chuyên khoa tuyến cuối, như: Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi Đồng 1-2, Chợ Rẫy... Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TP HCM, lượng bệnh nhân gia tăng 5% -7%/năm đang là gánh nặng rất lớn cho BV. Dù rất cố gắng nhưng tổng thời gian từ lúc lấy số thứ tự đến khi khám xong của bệnh nhân phải mất 2 giờ. Trong đó, thời gian bệnh nhân gặp BS khám chỉ chưa đầy 5 phút. Tại BV Cấp cứu Trưng Vương, theo Giám đốc Lê Thanh Chiến, thời gian chờ lấy số thứ tự trung bình của một bệnh nhân là 50-75 phút, xét nghiệm hết 80-95 phút và di chuyển giữa các khoa, phòng mất 55 phút. Vì vậy, BS thăm khám cho bệnh nhân chỉ trong vòng 9-13 phút!...
Một số BV ở TP HCM đã và đang áp dụng nhiều giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh. Theo TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh nhân, BV vừa ứng dụng hệ thống lưu trữ hình ảnh và truyền dữ liệu - PACS vào hoạt động. BV Ung Bướu đã thực hiện khám thông tầm, tăng số bệnh nhân ngoại trú, giảm nội trú; triển khai khám theo lịch hẹn qua tổng đài 1080 và chăm sóc giảm nhẹ tại nhà... nên cũng giảm quá tải phần nào. Theo BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, BV này đang nghiên cứu áp dụng quy trình "rút gọn" với việc ứng dụng mã điện tử cho bệnh nhân, song song với đó là quản lý bệnh nhân bằng bệnh án điện tử và áp dụng toa thuốc điện tử giúp kết nối từ phòng khám đến quầy phát thuốc... Quy trình này nếu thành công sẽ giúp giảm thời gian bệnh nhân chờ khám - chữa bệnh.
Theo 24h
Cầu nghìn tỷ bị đe doạ: Kịch bản không lường Chuyên gia nghiên cứu xói cục bộ mố cầu mổ xẻ những hệ lụy từ việc khai thác cát bừa bãi tới các cây cầu nghìn tỷ bắc qua sông Hồng. Nạn cát tặc tại khúc sông chảy qua địa bàn phường Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) gây lo ngại cho hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây. Nhà...