Làm ăn liều: Hồ tiêu chết chuyển sang “yêu” cam, anh Tân “vớ bẫm”
Sau hơn 2 năm phát triển vườn cam sành trên diện tích hồ tiêu chết, gia đình anh Phan Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã thu bói trên 12 tấn cam, thu lời trên 200 triệu đồng.
Hiện nay, vườn cam của anh Phan Minh Tân đang mùa thu hoạch. Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết: Anh là người đầu tiên trên địa bàn xã Ia Le đưa giống cam sành miền Tây về trồng tại địa phương. Trước kia, khu đất này là vườn hồ tiêu. Vài năm trở lại đây, tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp, vườn hồ tiêu của gia đình bị chết dần, năng suất giảm. Năm 2015, anh mua thêm đất và dự định sẽ trồng lại hồ tiêu.
Vườn cam của gia đình anh Phan Minh Tân cho thu nhập cao. Ảnh: L.T
Tuy nhiên, trong chuyến thăm người quen ở tỉnh Bình Phước, thấy mô hình trồng cam sành miền Tây đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại có thể trồng trên đất cát pha, anh quyết định cải tạo vườn để trồng 2.700 gốc cam sành.
Dù đã được người quen hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây cam sành nhưng thời gian đầu, anh Tân cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc. Để cây cam phát triển tốt, anh thường xuyên lên mạng internet học hỏi thêm kỹ thuật.
Theo anh Tân, trồng cam ít tốn công và số vốn bỏ ra cũng ít hơn so với trồng hồ tiêu, cây cam sành lại có thể trồng được trên rất nhiều loại đất. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn nước tưới. Lúc cây cam còn nhỏ, gia đình anh đã sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm giữ độ ẩm cho cây.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam sành, anh Tân cho biết: “Trồng cam sành không khó nhưng phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân, xịt thuốc… làm sao để cam cho trái đều, quả không bị sâu bệnh. Để phòng sâu bệnh cho cây cam, ngoài việc xịt thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng theo định kỳ, nhà vườn cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá. Đặc biệt, từ khi cây ra hoa kết trái đến khi thu hoạch, nhà vườn cần bón đủ phân và đảm bảo nguồn nước tưới”.
Video đang HOT
Những chùm cam quả to, sai trĩu cành. Ảnh: I.T
Để hạn chế sâu bệnh, anh Tân còn tỉ mỉ bọc lưới xốp cho từng quả. Anh cho biết: “Bọc lưới xốp cho từng quả cam tốn công hơn nhưng vừa hạn chế được sâu bệnh, quả cam lại không bị rám nắng, giữ màu xanh đẹp, cho nhiều nước”.
Hiện nay, vườn cam của anh cho quả to và đẹp không thua kém cam sành trồng ở miền Tây.
“Tuy mới thu bói nhưng quả cam nặng khoảng 0,6 kg, ruột vàng, hương vị đậm đà. Là cam vườn, không có chất bảo quản nên tôi bán rất chạy, có ngày xuất bán 3-4 tạ. Từ đầu mùa tới giờ, gia đình tôi thu được 12 tấn với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, thu về 240 triệu đồng. Trong vườn hiện còn khoảng 6-7 tấn nữa. Đây mới là vụ 1, còn vụ 2 sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán”-anh Tân hồ hởi cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, cho biết: “Chúng tôi đang khuyến khích hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất hồ tiêu bị chết. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây cam cũng như các loại cây ăn quả để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”.
Theo Lê Trang (Báo Gia Lai)
Làm giàu ở nông thôn: Trưởng thôn mặt bấm ra sữa nuôi đàn chim to xác
Sinh năm 1994, anh Bùi Văn Vính đã là trưởng thôn (xóm) Lục 2, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Anh trẻ, anh nuôi 1 đàn đà điểu khổng lồ nên mọi người gọi anh là trưởng thôn mặt bấm ra sữa nuôi đàn chim to xác, chạy rõ nhanh mà không biết bay. Loài chim khổng lồ này dễ nuôi, năng suất cao khiến ông trưởng thôn Lục 2 mê mệt, đắm đuối..
Bùi Văn Vính là trưởng thôn trẻ nhất xã Yên Nghiệp. Khu vườn nhà Vính vốn trồng ngô, trồng mía nay bị biến thành sân chơi rộng rãi cho đám đà điểu-giống chim khổng lồ chỉ được cái chạy nhanh nhưng không biết bay. Từ ngày anh đưa loài chim to xác "nhất quả đất" này về xóm, bà con trong vùng Mường này kéo đến xem đông lắm. Những ngày đầu, anh bận tiếp khách từ sáng cho tới tối mit, thôi thì nước chè cứ gọi là uống no căng cả bụng. "Trước khi tôi đưa đà điểu về đây, bà con quê tôi chỉ nhìn thấy chúng trên ti vi. Giờ xóm mình có, ai cũng muốn được 1 lần tận mắt nhìn thấy cái giống gia cầm to xác này mặt mũi, chân cẳng ra làm sao..", anh Vính chia sẻ.
Vính chia sẻ hóm hỉnh: Khu chuồng nuôi đà điểu phải có sân chơi với kích thước 5 x 80 - 100 m. Đà điểu thích chạy nên sân chơi phải có diện tích rộng, dài, nền sân ngoài thảm cỏ phải có chỗ lót cát. Thói quen của đà điểu sống ở sa mạc luôn thường xuyên tắm cát để làm sạch cơ thể và loại bỏ các ký sinh trùng ngoài da. Đà điểu cũng rất thích tắm mưa nên không có đệm cát nước mưa sẽ làm sân lầy bùn và bộ lông đà điểu bẩn dễ gây bệnh tật.
Cách đây 4 tháng, 20 con đà điểu mà Vính bắt về nhỏ như con gà mái mẹ dân bản hay nuôi. Nay chúng đã to lớn, cao lộc ngộc. Chúng chạy huỳnh huỵnh ngoài sân. Con nào con nấy vươn cái cổ dài ngoằng lên đòi ăn. "Chúng chỉ ăn cỏ, rau, dưa và thêm ít lương thực mà lớn nhanh như thổi. Mỗi tháng 1 con tăng lên cả chục cân...", nhìn đám đà điểu chơi quanh sân, anh Vính không giấu nổi niềm vui.
Đà điểu tăng trưởng trọng lượng nhanh như thế này, Vính dự định cuối năm sẽ xuất được lứa đầu tiên. Với giá bán 100-120 nghìn đồng/1kg, cuối năm Vính sẽ thu được cả trăm triệu đồng.
Theo Vính, hệ thần kinh đà điểu rất nhạy cảm, dễ bị kích động khi có tiếng động lớn đột ngột hoặc người lạ mặt. Lúc đó cả bầy dồn tụ lại một chỗ ngóc đầu lên cao, quay lại bốn phía như đề phòng hiểm hoạ. Nếu có sự kinh động mạnh cả bầy chạy loạn xạ có thể dẫm đạp lên nhau, đâm vào bất cứ chướng ngại vật nào dễ gãy chân bị thương, rách da hoặc gãy cổ mà chết. Ảnh: Hoàng Anh.
Để đưa được đàn đà điểu về đất Mường, Vính cũng đã trải qua nhiều đắn đo. Sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê lập nghiệp. Anh còn vinh dự được bà con bầu làm trưởng thôn Lục 2. Nơi này đất đai rộng bát ngát, nhưng cuộc sống của bà con vẫn nghèo vẫn khó. Làm trưởng thôn, anh luôn nung nấu phải tìm lấy hướng đi để đánh thức vùng quê nghèo này.
Một lần về thăm anh bạn đồng ngũ ở Ba Vì (Hà Nội), Vính thấy mọi người nơi này nuôi đà điểu dễ hơn cả nuôi gà, lợn. Đám chim không lồ hiền lành, phàm ăn, tăng trưởng nhanh lại dễ bán khiến anh mê tít.
Nuôi đà điểu thương phẩm cho ăn nhiều tăng trưởng nhanh có thể bán thịt từ 10 tháng tuổi.Thức ăn xanh cho đà điểu lá bắp cải già, cỏ ghi nê, cỏ voi non, rau muống, rau lấp...Nếu sân chơi hoặc có bãi chăn rộng có thảm cỏ tự nhiên thì đà điểu tự vặt cỏ không nhất thiết phải bổ sung thức ăn xanh.
Về quê, anh đã mạnh dạn vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạc Sơn để mua giống đà điều về nuôi. Khi đó, nhiều người tỏ ra nghi ngờ, thậm chí bi quan thay cho Vính khi nhắc đến việc nuôi đà điểu. Vính vẫn quyết tâm làm cho kì được. Giờ đám đà điểu lớn nhanh như thổi, mọi người đã dần thay đổi cách nghĩ về công việc với của anh trưởng thôn 9X này.
Theo Vính, đà điểu vốn là giống chim hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Chúng được thuần hóa thành vật nuôi và phát triển nhanh chóng ở nhiều nơi bởi mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, thức ăn cho đà điểu tương đối đơn giản, chủ yếu là rau, cỏ, ngô, sắn... Những thứ này quanh nhà đều có. Theo Vính, đà điểu là con vật dọn cỏ dại tốt nhất. Chúng ăn không từ một loại cỏ nào...
Trứng đà điểu bán rất có giá.
Ngoài sản phẩm thịt đà điểu, anh Vính dự kiến sẽ bán thêm trứng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi con đà điểu cái đẻ từ 35 - 40 quả trứng/năm, quả bé nhất khoảng 0,8 kg, quả lớn 1,8 kg. Trên thị trường hiện nay, trứng đà điểu có giá 150.000 đồng/quả (trứng thịt) và 450.000 đồng/quả (có phôi) để ấp nở.
Theo Danviet
Ngoài cam Cao Phong, Hòa Bình sắp có thêm thương hiệu cam Lạc Thủy Ngoài thương hiệu cam Cao Phong đã và đang được xây dựng, cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang triển khai các bước nâng tầm sản phẩm cam của huyện Lạc Thủy. Được biết cam trồng trên đất Lạc Thủy ăn cũng rất thơm ngon. Trồng cam đã giúp người nông dân Hòa Bình đổi đời. Theo thống kê của huyện...