Lái xe nhận là em của phó chủ tịch, không chịu thổi nồng độ cồn
Sau nhiều lần được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng vẫn không chịu hợp tác, lái xe L.V.G liên tục trốn tránh và yêu cầu được gọi điện thoại nhằm kêu gọi sự hỗ trợ. Tuy nhiên, lực lượng Công an huyện Thường Tín kiên quyết xử lý “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”…
Vào hồi 21h45 ngày 18-2, tại Km 11 300 Tỉnh lộ 427, Tổ công tác thuộc Đội CSGT – Trật tự, CAH Thường Tín đã thực hiện lập chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác phát hiện một số trường hợp điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia.
Đa số các tài xế khi vi phạm đều chấp hành tốt hiệu lệnh của lực lượng chức năng nhưng có một trường hợp “cá biệt” có thái độ không hợp tác.
Điển hình là tài xế L.V.G, người điều khiển xe ô tô mang BKS: 30Y-2643 sau khi được các cán bộ CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn đã liên tục lẩn tránh, không hợp tác.
Trong khi làm việc với lực lượng CSGT, lái xe G khẳng định vừa uống rượu bia ở quê nhưng nhất quyết không hợp tác thổi máy đo nồng độ cồn. Để “câu giờ”, lái xe G liên tục gọi điện thoại cho người thân và giới thiệu có anh làm phó chủ tịch để tổ công tác cho qua lỗi vi phạm.
Tổ công tác kiên quyết lập biên bản, không có sự can thiệp nào trong xử lý vi phạm nồng độ cồn
Trước thái độ làm việc này, tổ công tác kiên quyết xử lý nghiêm. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe G đã vi phạm các lỗi: không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ, không xuất trình được đăng ký xe, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Video đang HOT
Trực tiếp cùng tổ công tác chốt trực, Thiếu tá Lê Xuân Thọ – Đội trưởng đội CSGT-TT, Công an huyện Thường Tín, yêu cầu lập biên bản, phối hợp công an xã và người dân chứng kiến để kiên quyết xử lý trường hợp này theo đúng quy định của pháp luật. Thấy vậy, lái xe G không ký vào biên bản xử phạt, cũng ngừng gọi “cứu trợ” và bỏ xe lại.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Trường hợp nào can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm, chúng tôi sẽ gửi trực tiếp công văn về đơn vị làm việc của người đó”, Thiếu tá Lê Xuân Thọ khẳng định.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều lái xe khi đã uống rượu, bia vẫn điều khiển xe và gặp Tổ công tác CSGT thổi nồng độ cồn thường không chấp hành bằng việc không thổi vào máy đo chuyên dụng mà không biết rằng hành vi này cũng bị xử phạt nặng. Nhiều trường hợp lái xe đã bỏ lại phương tiện và rời đi khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn. Vậy tài xế không thổi nồng độ cồn sẽ bị phạt thế nào?
Đối với xe ô tô
Căn cứ điểm b, khoản 10 và điểm h, khoản 12, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
Ngoài ra, tài xế xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đây là mức phạt cao nhất đối với lái xe ô tô vi phạm vượt quá nồng độ cồn.
Đối với xe máy
Theo quy định tại điểm g, khoản 8 và điểm g, khoản 10, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn với mức phạt hành chính từ 6 – 8 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8 của điều này, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Xưng là 'người vô danh', cù nhây với CSGT
Người đàn ông cho mình là người vô danh, người không tên khi các CSGT yêu cầu thông tin để lập biên bản do vi phạm nồng độ cồn.
Tối 30-1, Đội CSGT-TT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trên đường Bình Quới đoạn qua phường 28.
20 giờ 50, tổ công tác kiểm tra đối với ông BNĐ (SN 1979, quê Nam Định) đang điều khiển xe máy 54H2-52.. lưu thông hướng ra cầu Thanh Đa. Ông Đ. được xác định có nồng độ cồn là 0,063mg/lit khí thở. Sau đó, tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ xe máy của ông Đ.
CSGT ra hiệu kiểm tra nồng độ cồn với một người đi xe máy vào tối 30-1. Ảnh: NGUYỄN YÊN
21 giờ 15, tổ công tác ra hiệu dừng xe với chị NTMC (SN 1984, ngụ quận 1). Qua kiểm tra nồng độ cồn, chị C. có mức nồng độ là 0,246mg/lit khí thở. Chị C. cho biết, chị đang về nhà tại quận 1 sau khi đi đám tang một người bạn và có uống 2 lon bia.
Chị C. có mức vi phạm nồng độ cồn là 0,246mg/ L khí thở. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Lúc 21 giờ 41, một người đàn ông điều khiển xe máy biển số TP.HCM chạy hướng về cầu Thanh Đa trong tình trạng say xỉn, chệnh choạng. Mức vi phạm nồng độ cồn của ông này là 0,623mg/lit khí thở.
CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn với người đàn ông. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Tuy nhiên, sau khi có kết quả nồng độ cồn, người đàn ông này từ chối vào bàn làm việc để lập biên bản. Người này cũng từ chối cung cấp các giấy tờ tùy thân.
Khi các CSGT yêu cầu tên tuổi, ông này trả lời mình là "người vô danh", "người không tên".
Các CSGT đã liên tục khuyên nhũ, yêu cầu người đàn ông hợp tác nhưng ông này bỏ xe lại và rời đi.
Một lát sau, một phụ nữ tự xưng là vợ người đàn ông quay lại xin được chạy xe về giúp chồng nhưng bị các CSGT từ chối.
Người đàn ông làm việc với tổ công tác nhưng từ chối cung cấp tên. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Ở gần đó, người đàn ông liên tục cho rằng các CSGT đã làm sai, yêu cầu vợ mình đi về. Tuy nhiên, sau khi được CSGT và người thân khuyên, người đàn ông thay đổi thái độ và cung cấp thông tin, đồng thời ký vào biên bản.
Với vi phạm này, người đàn ông bị tước GPLX 24 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và bị xử phạt 7 triệu đồng.
Diễn biến mới nhất vụ vợ lăng mạ CSGT khi chồng vi phạm nồng độ cồn Bà Đ.H.N. - người lăng mạ CSGT tại chốt đo nồng độ cồn tối 20/12 đã được cơ quan công an mời lên làm việc. Người này cho biết, thời điểm đó đã sử dụng rượu bia và cãi nhau với chồng từ trước nên có hành động thiếu kiềm chế. Liên quan đến vụ người phụ nữ lăng mạ CSGT vì chồng...