Lại vỡ đê, dân An Giang “chết đứng” trên đồng
Khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 14-10, một đoạn đê dài hơn 30 m trên kênh 10 thuộc xã Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc (An Giang) đã bị nước lũ cuốn trôi. Hậu quả, toàn bộ 250 ha lúa vụ 3 khoảng 40 ngày tuổi của nông dân trước nguy cơ mất trắng vì nước lũ đã chụp đồng.
Đoạn đê dài hơn 30 mét ỡ Vĩnh Châu bị vỡ.
Theo nhiều người dân nơi đây cho biết, trong lúc đang làm nhiệm vụ gia cố đê bao thì bất ngờ mặt đê bị nước lũ phá hỏng, cuốn chiếc Kobe mất hút dưới dòng nước chảy xiết. Người lái xe đã may mắn nhảy ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.
Sau khi đê vỡ, nước lũ từ kênh 10 cuồn cuộn tràn vào nội đồng như thác đổ. Chỉ chưa đầy 5 giờ, toàn bộ đồng lúa ngập sâu trong nước, khiến hàng trăm hộ dân hụt hẫng, nhìn lúa của mình trôi theo dòng lũ.
Nhiều hộ dân phải di dời nhà khẩn cấp lên bờ kênh Tha La lánh nạn.
Sau sự cố này, tại các tiểu vùng lúa vụ 3 giáp ranh ở xã Vĩnh Châu, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Tế cũng đang thấp thỏm lo âu trước nguy cơ mất trắng cận kề, nếu đoạn đê mới vỡ không được kịp thời vá lại.
Theo nhiều nông dân, sở dĩ sự cố đáng tiếc này xảy ra là do có phần chủ quan hoặc làm không đúng cách việc gia cố đê bao.
Ông Mai Văn Điền, một nông dân vừa bị nước lũ “chụp” mất hơn 30 công lúa, tức giận nói: “Tại mấy ổng (lực lượng gia cố đê) làm quá ẩu. Cứ dùng Kobe múc đất sát chân đê hoài thì nước đạp mạnh làm sao đê chịu nổi, bể là chuyện đương nhiên. Từ giữa tháng 9 tới giờ, thấy con đập tràn Tha La đắp lại rồi, bà con ở đây ai nấy cũng mừng vì nghĩ là lúa được ăn chắc. Bây giờ thì coi như trắng tay rồi. Một hạt lúa để ăn còn không có chứ nói chi đến chuyện còn lúa giống để làm mùa sau”.
Còn ông Nguyễn Văn Chiến cũng không giấu nổi thất vọng, cho hay hơn 14 công lúa của gia đình ông đã sạ 45 ngày và đang làm đòng. Đang trong lúc cặm cụi bón phân cho lúa thì ông hay tin cách đó vài trăm mét con đê bị vỡ. “Lúc đó tui muốn chết đứng trên đồng luôn chứ biết làm gì bây giờ. Phải chi nước lũ đánh sập mặt đê phía kênh Tha La thường xuyên bị sóng đạp thì mình không tức, đằng này con kênh 10 chỉ là kênh phụ mà lại để cho bể”.
Video đang HOT
Ông Trần Văn Trơ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, cho biết sau khi nhận thông tin vỡ đê, chính quyền địa phương huy động hơn 1.000 lực lượng ứng cứu đê, bao gồm sự chi viện của các lực lượng quân sự, công an và cả người dân.
Theo Người Lao Động
Lũ bớt 'căng', đê vẫn sạt lở
Ngày 4/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dần đầu đoàn công tác Chính phủ đến tỉnh Đồng Tháp để kiểm tra tình hình phòng chống lũ.
PTT khảo sát tình hình lũ lụt
Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế ở khu vực ấp Tân Phú A, xã Tân Bình (huyện Thanh Bình), việc gia cố đê bao bảo vệ 2.000ha lúa vụ 3 tại 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 1 (H. Hồng Ngự) và cánh đồng lúa phường An Lạc (TX Hồng Ngự).
Phó Thủ tướng và đoàn đã đánh giá cao mọi nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác chống lũ, đồng thời cũng đã lưu ý chính quyền tỉnh Đồng Tháp đề cao cảnh giác tập trung chống lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp đã cho biết, ngày 4/10, mực nước lũ vùng đầu nguồn tiếp tục xuống từ 3 - 5cm mỗi ngày trong khi đó, khu vực Đồng Tháp Mười lại tăng từ 2 - 7cm/ngày.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực tập trung để gia cố đê bao bảo vệ 20.000ha lúa vụ 3.
Mực nước ở các đê bao này chỉ còn cách mặt đê từ 20 - 30cm trong đó có nhiều đoạn bị sạt mái do sóng đánh và nước rò rỉ qua thân đê.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tìm hiểu tình hình khắc phục sạt lở tại Đồng Tháp - (Ảnh Dongthap online)
Về đường sá và nhà ở, Đồng Tháp có 6.682km đường giao thông bị sạt lở, 30 cầu cống bị hư hại, 8.861 ngôi nhà bị ngập nước trong đó đã di dời được 1.306 hộ.
Về lúa và hoa màu,1.885ha lúa vụ 3 bị mất trắng, 934ha hoa màu bị thiệt hại, 3.475ha cây ăn trái bị ngập với 1.154ha hư hại 100%. Ngoài ra, 564ha nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị mất trắng.
Tình hình sạt lở đang tiếp tục xảy ra tại huyện Hồng Ngự khi tuyến đê bao tại xã Long Thuận bị sạt chiều dài 30m sâu vào bờ 10m.
Tuyến đường giao thông Cả Lách (xã Bình Thành huyện Thanh Bình) hiện trong tình trạng sạt toàn tuyến với chiều dài hơn 1km cách mặt đường nhựa từ 0,5 - 1,5m có nguy cơ cắt đứt giao thông. Bờ sông Tiền (xã Tân Bình) tiếp tục bị sạt lở mạnh.
Niềm vui... sống chung với lũ
Được triển khai từ năm 2002, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đang góp phần hình thành một mô hình nông thôn mới, mô hình dân cư ổn định, khang trang ngay trong vùng lũ.
Trở lại các cụm, tuyến dân cư vào mùa nước nổi năm nay, thấy cảnh nhà cửa lụp xụp, cuộc sống bấp bênh, việc học hành của trẻ em bị gián đoạn nay chỉ còn là quá khứ. Nhà ở khang trang, giao thông đi lại thông suốt... điều mà trước đây chỉ là ước mơ đối với người dân vùng lũ.
Tại cụm dân cư ấp 1 Kho Bể thuộc ấp 1, xã An Bình B, Thị xã Hồng Ngự, mặc dù mực nước năm nay đã bằng đỉnh lũ năm 2000 nhưng chiều cao của cụm dân cư vẫn còn cách mực nước khoảng 7 tấc.
Cách đây 10 năm, gia đình anh Trương Văn Mẫn (cụm dân cư Kho Bể, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự) do không có đất vợ chồng cùng 2 đứa con thơ phải sống bấp bênh trên chiếc ghe nhỏ, kế sinh nhai chỉ trông chờ vào việc làm thuê mướn, khi con nước tràn đồng cũng là lúc nguy hiểm chực chờ.
Cũng vì tất bật mưu sinh mà đứa con nhỏ của anh cũng đã bị nước lũ nhấn chìm, từ khi lên được cụm, tuyến dân cư sinh sống, gia đình anh như anh như đã đổi đời.
Mặc dù đỉnh lũ năm nay lên nhanh dâng cao, cao hơn đỉnh lũ 2000 nhưng thị xã Hồng Ngự không phải di dời dân do dân phần lớn đã ở cụm tuyến dân cư - Ảnh minh hoạ
Anh Trương Văn Mẫn nói: "Hồi đó ở dưới nghe nước lên vợ chồng ngủ không được, năm 2002 nhờ nhà nước giúp cho cái nền nhà ở tại khu dân cư tuyến dân cư Kho Bể nên sống rất khỏe, vợ con ổn định, con được đi học hành".
Được biết, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí cho hơn 37.000 hộ dân vào sống ổn định trong 204 cụm tuyến dân cư vượt lũ với tổng diện tích sử dụng 985 ha.
Các cụm tuyến dân cư cơ bản đều có cao trình hơn hẳn đỉnh lũ, điều kiện vật chất, tinh thần bảo đảm an toàn, thuận tiện cho sinh hoạt, học tập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ông Nguyễn Hùng Tráng - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Ngự cho hay: "Mặc dù đỉnh lũ năm nay lên nhanh dâng cao, cao hơn đỉnh lũ 2000 nhưng thị xã không phải di dời dân do dân phần lớn đã ở cụm tuyến dân cư. Chúng tôi đang đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét cho thực hiện tuyến dân cư kết hợp với đê bao".
Hiện nay, Đồng Tháp cũng đang khẩn trương triển khai, thực hiện hoàn thành các cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ giai đoạn II. Trong đó đã khởi công san lấp được 43/46 cụm, tuyến và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng 11 cụm, tuyến, đến nay có gần 1.200 hộ vào ở/ 5.572 hộ được xét duyệt.
Theo VietNamNet
Sống nhờ cơn lũ dữ ở đồng bằng Cửu Long Lũ miền Tây những ngày qua lên cao làm vỡ đê, ngập nhà, úng hoa màu nhưng cũng mang lại sản vật dồi dào. Đây là mùa người đồng bằng hái bông điên điển, bứt bông súng, thả lưới cá... kiếm tiền triệu mỗi ngày. Người dân ở xã Phú Lộc, huyện Tân Châu, An Giang, đặt dớn cá linh mỗi ngày mang...