Lãi vay qua mạng 720%/năm
Nhiều tổ chức, cá nhân cho vay trực tuyến với lãi suất hơn 400 – 720%/năm vẫn ngang nhiên tồn tại thời gian qua.
Vay trả lãi đến 2%/ngày
Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền nhanh” trên mạng, lập tức nhận được kết quả với 36 triệu trang web liên quan. Phong trào cho vay trực tuyến, vay online đang nở rộ với hàng loạt quảng cáo “hot” như giải ngân nhanh, giải ngân 30 phút trong ngày, không cần chứng minh tài sản, không cần giấy tờ…
Một số công ty thời gian gần đây tự giới thiệu là mô hình cho vay ngang hàng (P2P) như vaymuon.vn, Fiin.vn, Tima… công bố mức lãi suất (LS) 1,5%/tháng, tương ứng 18%/năm. Tuy nhiên, người vay phải trả thêm các loại phí khác nên tổng cộng phải trả từ 9 – 20%/tháng, tương đương 108 – 240%/năm. Cụ thể như qua thỏa thuận với người cho vay thông qua sàn Tima với gói vay 10 triệu đồng, khách hàng phải trả lãi 200.000 đồng/ngày trong 30 ngày, tương đương 20%/tháng.
Đối với một số trang web khác thì LS còn “khủng” hơn. Ví dụ trên trang moneybank.vn giới thiệu nếu khách hàng cần vay 10 triệu đồng trong 30 ngày thì tổng số tiền phải trả là 13,3 triệu đồng, tương ứng LS 1,1%/ngày hay trên 400%/năm. Hoặc qua trang doctordong.vn, LS giới thiệu chỉ để 10,95%/năm.
Nhưng trang web này lại nêu cụ thể nếu vay 10 triệu đồng trong 30 ngày thì tổng số tiền khách phải trả là 13.910.000 đồng, tương ứng 39,1%, tương đương 474,5%/năm.
Tương tự, tại trang cashwagon-cc.vn, khách muốn vay 10 triệu đồng thì sau 30 ngày sẽ trả tổng cộng 14,4 triệu đồng, LS khoảng 44%/tháng hay 528%/năm. Tương tự trên monily.vn, LS được giới thiệu là 1 – 1,2%/ngày, tương đương từ 30 – 36%/tháng. Nhưng cao nhất là nhiều cá nhân đã thông qua các mạng xã hội, quảng bá cho vay tiền nóng tư nhân lên đến mức lãi 2%/ngày. Ví dụ thông qua mạng xã hội Linkedin, nhiều cá nhân quảng bá
“Cho vay tiền nóng nhanh gấp lấy liền không cần giấy tờ”, LS được đưa ra tối thiểu là 1,2 – 2%/ngày áp dụng cho khoản vay 15 – 30 triệu đồng. Với mức LS 2%/ngày thì tương ứng khoảng 720%/năm.
Video đang HOT
Ai quản lý cho vay qua mạng?
Khá nhiều trang web cho vay qua mạng chỉ để một số điện thoại liên hệ cá nhân, nhưng cũng có nhiều trang là của các công ty tư vấn dịch vụ tài chính, công ty fintech. Riêng trang monily.vn tự giới thiệu là công ty fintech có địa chỉ tận Scotland nhưng không có số điện thoại, khách hàng chỉ có thể trao đổi qua mail chung info@monily.vn. Hoạt động của các dịch vụ cho vay trên mạng đang công khai và nở rộ tràn lan.
Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có tình trạng cho vay online theo hình thức tín dụng đen, nhưng lĩnh vực này lại không thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan này cũng sẽ rà soát tình trạng trên để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp quản lý chung, tránh tín dụng đen tràn lan.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định các công ty, DN hoạt động cho vay thì phải được sự cấp phép của Ngân hàng Nhà nước vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nếu các DN không có giấy phép hoạt động tín dụng thì việc thanh kiểm tra thuộc các cơ quan đã cấp phép hoạt động như Sở Kế hoạch – Đầu tư, cơ quan thuế… Nếu đơn vị vi phạm thì xử lý theo quy định. Còn đối với các cá nhân cho vay thì sẽ áp dụng theo luật Dân sự.
“Hoạt động tín dụng đen khó xử lý triệt để vì vẫn có nhiều người dân có nhu cầu vay tiền ít, không thể vay ngân hàng. Nhưng khi các dịch vụ trá hình này quảng bá rầm rộ công khai trên mạng thì vẫn cần các cơ quan liên quan cùng điều tra, ngăn chặn và xử lý răn đe. Không thể để hoạt động này nở rộ sẽ tác động xấu đến trật tự xã hội, thậm chí đến an toàn bản thân của nhiều người dân và gia đình”, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, khẳng định việc công khai cho vay với LS lên 500% hay 720%/năm chính là cho vay nặng lãi. Bởi theo quy định tại điều 468 bộ luật Dân sự năm 2015, LS cho vay sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Đồng thời điều 201 bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định, người nào cho vay với LS gấp 5 lần mức LS cao nhất quy định trong bộ luật Dân sự là có tội cho vay lãi nặng. Như vậy, chỉ cần các giao dịch cho vay tiền mà LS vượt mức 100%/năm đã bị xem là cho vay nặng lãi và cần phải bị xử lý theo quy định.
Các cơ quan quản lý Nhà nước không cần phải chờ đợi có đơn khiếu nại, tố cáo mới thực hiện xử lý. Có những việc cần thiết như tín dụng đen này hoạt động công khai thì phải tự điều tra, lập hồ sơ khởi tố theo quy định hiện hành. Cũng giống như thấy có tội phạm là phải bắt chứ không đợi người dân hô hoán mới vào cuộc.
Theo Thanh Niên
Ngân hàng Nhà nước nói gì về vay online lãi suất 700%?
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng có sự biến tướng tín dụng đen qua vay online. Cơ quan này đang tích cực rà soát để đề xuất Chính phủ biện pháp quản lý hiệu quả.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/10, Zing.vn đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hoạt động vay online, tín dụng đen qua Internet. Trả lời câu hỏi, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có tình trạng cho vay online, theo hình thức tín dụng đen.
Bà Hồng cho biết NHNN trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động ngân hàng đã liên tục rà soát bổ sung các quy định cho vay trong đó có văn bản quy định cho vay tiêu dùng theo thông tư 39. NHNN cũng có văn bản riêng với tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.
Nguy cơ tín dụng đen đang núp bóng cho vay online. Ảnh: Quang Thắng.
Hệ thống quy định này giúp người dân tiếp cận các kênh chính thức, không phải dùng tín dụng đen. Đồng thời, NHNN cũng tăng cường chỉ đạo mở rộng mạng lưới ngân hàng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, phát triển tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới ngân hàng chính sách xã hội, cung ứng tín dụng người dân nghèo.
Bà Hồng lưu ý Thống đốc NHNN luôn có chỉ đạo chấn chỉnh cho vay tiêu dùng, giải pháp này góp phần hạn chế được tín dụng đen.
"Theo quy định, NHNN quản lý các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy tín dụng đen không thuộc quản lý NHNN, Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát nắm bắt tình trạng tín dụng đen để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp quản lý chung hoạt động tín dụng tránh tín dụng đen tràn lan", bà Hồng nói.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, thực chất hoạt động vay online hay vay trực tuyến là cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P).
"Hình thức P2P này đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu khi hai người cho nhau vay trực tiếp, nhưng bây giờ là 2 người kết nối với nhau qua một sàn ảo, số hóa hoạt động tài chính đó lên", ông Hòe nói.
Một mô hình cho vay ngang hàng qua sàn giao dịch ảo đơn giản hóa.
Vị chuyên gia phân tích, hiện nay có 2 loại hình doanh nghiệp cung cấp sàn cho vay ngân hàng. Một là chỉ cung ứng sàn, phần mềm giao dịch, phần xếp hạng tín nhiệm của người vay và gửi tới bên cho vay. Nếu được kết nối, 2 bên sẽ thỏa thuận trực tiếp với nhau về lãi suất, còn công ty chỉ ở giữa và hưởng phí giao dịch, thường là 1,5%.
"Tuy nhiên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp lợi dụng cơ chế này rồi lách thêm nhiều loại phí dịch vụ từ đó đẩy chi phí khoản vay như báo chí nói lên tới 720%/năm. Còn xét về lãi suất, các bên sẽ thỏa thuận làm sao cho dưới 20%/năm để không vi phạm Bộ Luật dân sự năm 2015", ông Hòe cho hay.
Vị chuyên gia cũng khẳng định mức lãi suất của hoạt động vay trực tuyến là lãi suất phi kinh tế và trái với quy định của pháp luật. Đây chỉ là hình thức tài chính biến tướng và cho vay nặng lãi.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, hiện tại mô hình P2P trực tuyến này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và các công ty chỉ đang lách luật để làm dưới dạng trung gian thu phí. Còn câu chuyện cho vay là câu chuyện giao dịch dân sự giữa 2 bên vì vậy hành lang pháp lý chưa rõ có thể tạo ra kẽ hở cho các công ty lừa đảo.
Hiếu Công
Theo news.zing.vn
Quản lý chặt Nhắc lại để thấy, biến tướng của dịch vụ đòi nợ là rất kinh khủng. Cho vay tiêu dùng online, vay ngang hàng (người vay tiền và người cho vay sẽ kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính)... đang nở rộ khắp nơi, lãi suất khiến người ta kinh hoàng, lên tới 500 - 700%/năm nhưng...