Lãi suất tăng nhẹ theo yếu tố mùa vụ
Dù hàng loạt ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động VND, hoặc triển khai các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người gửi tiền, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất chỉ tăng có yếu tố mùa vụ, còn xu hướng chung dài hạn là sẽ giảm.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn dồi dào, hoạt động tín dụng được NHNN kiểm soát chặt
VietinBank vừa công bố tăng lãi suất huy động VND tại một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng được nâng từ 4,5%/năm lên 4,8%/năm; từ 2 tháng đến dưới 3 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 5,0%/năm; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 5,0%/năm lên 5,2%/năm; từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng từ 5,3%/năm lên 5,5%/năm; từ 9 tháng đến dưới 12 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm.
Trước đó, ngày 28/10/2015, Viet Capital Bank tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với mức cộng thêm 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi thông thường, lĩnh lãi cuối kỳ, loại tiền VND được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, với lãi suất mới là 5,4%/năm (lãi suất cũ là 5,2%/năm). Đây là đợt tăng mới nhất của ngân hàng này sau khi vừa tăng lãi suất 0,2%/năm cho tiền gửi VND các kỳ hạn dài trên 6 tháng từ ngày 21/10/2015.
DongA Bank, ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm VND ở nhiều kỳ hạn từ ngày 28/10 với mức cao nhất 7,2%/năm ở kỳ hạn 18 tháng. Ngoài ra, DongA Bank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 3 – 5 tháng lên 5,2%/năm; 6 – 8 tháng là 6%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng là 6,2%/năm; 12 tháng và 13 tháng lên lần lượt là 7,0%/năm, 7,1%/năm.
Nhiều ngân hàng TMCP khác mặc dù không tăng lãi suất nhưng đang triển khai các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiết kiệm VND. Chẳng hạn như Eximbank triển khai chương trình khuyến mại “Mùa lễ hội vàng cuối năm” với tổng giá trị giải thưởng và quà tặng lên tới trên 5 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân.
Với chương trình “Gửi tiền ngay – Quà liền tay”, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại VietinBank sẽ nhận ngay nhiều ưu đãi hấp dẫn như giữ nguyên lãi suất được hưởng, tặng ngay 50.000 đồng vào tài khoản thanh toán cá nhân, tặng phiếu mua hàng lên tới 500.000 đồng tại các hệ thống siêu thị, tặng bảo hiểm sức khỏe trị giá hơn 1 triệu đồng. Đặc biệt, chương trình khuyến mãi của Sacombank bắt đầu triển khai từ đầu tháng 11/2015 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 56 tỷ đồng.
Trao đổi với PV về xu hướng lãi suất trong, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, nhận định lãi suất huy động từ nay đến cuối năm là chưa thuyết phục. Theo ông Quang, tín dụng tháng 10 vẫn tăng, nhưng tăng nhưng đã có biểu hiện chậm hơn so với tháng 8 và 9. Hơn nữa, tín dụng dù tăng, nhưng không thể tăng nóng do NHNN kiểm soát rất chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng.
“Có thể một vài ngân hàng tại thời điểm hiện nay không dư dả hoặc nguồn vốn một số ngân hàng gần chạm các chỉ số an toàn nên có nhu cầu bổ sung thêm để nâng cao thanh khoản. Do đó, có biểu hiện tăng nhẹ lãi suất huy động trên thị trường những ngày qua”, ông Quang nói.
Video đang HOT
Thông tin về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội được NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, tổng nguồn vốn huy động đến 30/9/2015 của các TCTD trên địa bàn ước đạt 1.321.762 tỷ đồng, tăng 16,19% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với cuối năm 2014. Trong đó, so với cùng kỳ và cuối năm 2014, tiền gửi tiết kiệm tăng 18,34% và tăng 14,43% tiền gửi thanh toán tăng 14,46% và 8,95%.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 1.195.937 tỷ đồng, tăng 25,39% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,33% so với 31/12/2014. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 871.536 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,87% trên tổng dư nợ, tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 24,45%) và tăng 17,74% so với cuối năm 2014.
“Thanh khoản của các TCTD trên địa bàn dồi dào. Các TCTD đảm bảo dự trữ bắt buộc, luôn chú trọng trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống”, một lãnh đạo cao cấp NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội nói.
Trả lời câu hỏi của PV về việc lãi suất liệu có tăng những tháng cuối năm, ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho rằng, lãi suất sẽ giảm tiếp bởi lạm phát Việt Nam đang giảm nhiệt sẽ tiếp tục tạo dư địa cho NHNN cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Đồng quan điểm này, Báo cáo về kinh tế vĩ mô – triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 11/2015 của Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố nhận định, cho đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi đối với giá cả năng lượng toàn cầu sẽ cho phép NHNN giữ lãi suất ổn định. Nhìn trong dài hạn, HSBC cho rằng, một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, NHNN có thể tăng lãi suất thêm 0,5%/năm trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5%/năm hiện nay lên 5,5%/năm.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Đã đến lúc nên tính chuyện cho phá sản ngân hàng
Thời gian qua, Chính phủ không để ngân hàng phá sản nhằm đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo của tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vấn đề này cần được nghiêm túc xem xét.
Giải pháp mua ngân hàng 0 đồng với những ngân hàng yếu kém, âm vốn chủ phù hợp với mục tiêu giữ ổn định hệ thống trong giai đoạn vừa qua
Phá sản không phù hợp với giai đoạn vừa qua
Luật sư Đặng Dung, Công ty Luật Đặng Dung cho biết, Điều 98, Luật Phá sản năm 2014 có quy định, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì TCTD có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phá sản TCTD là một vấn đề có tác động mạnh đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với các TCTD, có thể dẫn đến đổ vỡ hệ thống các TCTD, ảnh hưởng đến sự điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nên cần rất thận trọng.
Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC cho rằng, giải pháp phá sản ngân hàng là khó khả thi trong thời điểm hiện nay vì tại thời điểm mở thủ tục phá sản, ngân hàng không đủ khả năng chi trả cho người gửi tiền ngay lập tức vì sự thiếu hụt và phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi được, có thể gây ra tình trạng người gửi rút tiền ồ ạt, dẫn đến nguy cơ với hệ thống tài chính quốc gia. Muốn tránh nguy cơ này, đòi hỏi Nhà nước phải cam kết và có đủ tiền để bảo đảm chi trả đầy đủ tiền gửi cho người dân.
Chính vì vậy, tại Quyết định số 255/2012 ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên quan điểm không phá sản các TCTD, trường hợp TCTD yếu kém không thể tự cơ cấu lại được thì việc NHNN mua lại, tiếp quản toàn bộ TCTD là cần thiết và giải pháp cuối cùng để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
"Việc NHNN quyết định mua lại bắt buộc các TCTD yếu kém có ý nghĩa tích cực và quan trọng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, giúp tránh được những tác động xấu đến sự ổn định hệ thống TCTD", luật sư Đặng Dung nêu quan điểm.
Theo bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hoạt động ngân hàng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thì chủ trương của Chính phủ (đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) về việc chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản là phù hợp.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, giải pháp NHNN mua lại bắt buộc TCTD chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó, nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.
Cho phá sản ngân hàng để người dân không nhắm mắt gửi tiền?
Bà Nga cho rằng, trong thời gian tới, để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người gửi tiền, tạo "thanh chắn" để họ thận trọng hơn. Hơn nữa, để các TCTD quá yếu kém phá sản sẽ công bằng hơn, vì như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ ngân hàng này (những người không phải là cổ đông hay người gửi tiền tại TCTD đó).
"Chúng tôi đề nghị NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt, nhất là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản theo thẩm quyền để có thể thực hiện được quy định phá sản đối với TCTD trong thời gian tới", bà Nga nhấn mạnh.
Chia sẻ với ĐTCK, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: "Thời gian tới, phải có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đó là cần cho phá sản ngân hàng, để người gửi tiền buộc phải lựa chọn, cân nhắc kỹ trước nguy cơ mất tiền, thay vì cứ gửi vào nơi có lãi suất cao nhất, bất kể rủi ro sẽ như thế nào".
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, phải tính đến việc cho ngân hàng phá sản thực sự và đừng lo ngại việc này sẽ làm đổ vỡ hệ thống. Trong nền kinh tế thị trường, việc phá sản là một hiện tượng bình thường, không phải là cái chết cuối cùng của một DN mà thực tế có thể giúp DN hồi sinh với diện mạo mới và có thể là ông chủ mới.
Ông Hiếu cho biết, thủ tục phá sản ngân hàng tại Mỹ sẽ là: FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation-Bảo hiểm tiền gửi Mỹ) tiếp quản một ngân hàng bị phá sản vào thứ Sáu, mở cửa lại vào thứ Hai vẫn với tên ngân hàng đó nhưng kèm theo bên dưới là dòng chữ "dưới sự kiểm soát của FDIC".
Trong thời gian điều hành, những món tiền được FDIC bảo hiểm (dưới 250.000 USD) sẽ được thanh toán rất nhanh trong vòng một tuần. Đối với những người có tiền gửi tiết kiệm trên 250.000 USD sẽ chờ để FDIC bán tài sản của ngân hàng, trả phần thuế nếu có cho Chính phủ, thanh toán tiền nợ của nhân viên, các đối tác cung cấp phương tiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng, rồi đến các khách hàng gửi tiền trên mức được bảo hiểm. Tiếp sau đó là, ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng, các đối tác cho vay khác và cuối cùng rồi mới đến các cổ đông.
"Việt Nam có thể cho phép ngân hàng phá sản với trình tự tương tự", TS. Hiếu khuyến nghị.
Nâng cao trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi
Rõ ràng, một trong những vấn đề cần đặt ra khi đề cập tới phá sản ngân hàng là vai trò, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Trong thực tiễn hoạt động tín dụng ngân hàng của nhiều quốc gia trên thế giới thì bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ chính là bảo vệ hệ thống thanh toán của một quốc gia trong trường hợp ngân hàng trung ương không chống đỡ nổi một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, còn đóng vai trò dàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/tái cấu trúc của các NHTM.
Nhìn về Việt Nam, theo bà Nga, quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, ngoài mục đích chính là "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền" thì cơ quan này còn có trách nhiệm "phát hiện và kiến nghị NHNN Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng", "tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi,... tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi", "góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng"...
"Nhưng đáng tiếc là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) chưa thực hiện được vai trò trong hệ thống tài chính là giám sát và đứng ra dàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/tái cấu trúc của các NHTM, mà mới chỉ thực hiện đối với các quỹ tín dụng nhân dân", bà Nga nhận định.
Ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc EY, lãnh đạo cao cấp Dịch vụ tài chính Ngân hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói: "Việt Nam chưa có hệ thống để bảo vệ người gửi tiền/lượng tiền được gửi một cách thỏa đáng".
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện tại nếu cho phá sản ngân hàng, DIV sẽ không đủ tiền trả cho các khách hàng mặc dù mức bảo hiểm cho mỗi khoản vay chỉ có 50 triệu đồng. Do vậy, trong thời gian tới, nếu chấp nhận để một ngân hàng phá sản, DIV cần phải nâng cao năng lực và đồng thời với đó là nâng hạng mức tiền bảo hiểm lên.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tuần qua, giá vàng trồi sụt do nhiều yếu tố tác động Do nhiều yếu tố tác động như lãi suất, chỉ số kinh tế, giá vàng tuần qua biến động liên tục, giảm phiên đầu tuần nhưng cuối tuần lại bật tăng. Trong phiên giao dịch đầu tuần (19/10), giá vàng SJC trong nước giảm nhanh về 33,98 triệu đồng/lượng cùng đà giảm của giá vàng thế giới còn 1.171 USD/ounce. Tại thời điểm...