Lại nói chuyện nợ xấu
Đến ngày 1/10 các tổ chức tín dụng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, trước thời hạn được yêu cầu. Cũng chẳng lạ khi những năm gần đây yêu cầu của NHNN là ‘quân lệnh’. Nhưng ẩn sau con số 3% này là gì thì khó ai biết được.
Những con số về xử lý nợ xấu của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) liên tục được cập nhật. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC là một trong những người rất chịu khó trả lời phỏng vấn báo chí một cách thẳng thắn.
Trước câu hỏi có phải các tổ chức tín dụng ồ ạt bán nợ xấu cho VAMC nhằm nhanh chóng giảm tỷ lệ này xuống hay không, ông khẳng định chắc nịch: không có chuyện này! Nhưng cách đây vài tháng, cũng ông Hùng cho biết cán bộ của VAMC đang phải làm việc ngày đêm để xử lý hồ sơ xin bán nợ xấu. Thậm chí các tổ chức tín dụng còn phải “xếp hàng” bán nợ xấu.
Đùn đẩy nhận “thành tích”
Cần nói rõ một điểm, theo ông Hùng, “thành tích” đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% là do các ngân hàng đã rất tích cực tự xử lý nợ xấu. Thực tế, tại địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết: NHNN đã giao cho các ngân hàng trên địa bàn phải xử lý 25.300 tỷ đồng, trong đó tự xử lý là 3.100 tỷ đồng, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 22.200 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua các ngân hàng đã tự xử lý được 5.731 tỷ đồng nợ xấu; bán nợ cho VAMC được 21.404 tỷ đồng. Con số thống kê từ NHNN chi nhánh TP. Hà Nội thì cho thấy, đến 31/8/2015, 13/14 hội sở chính của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố (trừ GPBank) đã xử lý được 32.336 tỷ đồng nợ xấu, trong đó số hồ sơ bán nợ đã gửi tới VAMC lên đến 24.292 tỷ đồng.
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu không phải là con số các tổ chức tín dụng muốn khoe, vì vậy “thành tích” đưa nợ xấu về dưới 3% họ cũng không muốn nhận cũng là điều dễ hiểu. Hiện tồn tại ba nguồn số liệu thống kê khác nhau: của tổ chức nước ngoài (thường rất cao); của chính các tổ chức tín dụng tự đưa ra (thường rất thấp); và của NHNN qua thanh tra, kiểm soát. Khoảng cách giữa các con số này, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN, đang dần co hẹp.
Nếu 3% được cho là một tỷ lệ nợ xấu an toàn thì sự chênh lệch giữa các con số thống kê, dù không nhiều nhưng rõ ràng đã làm mất đi ý nghĩa mức an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đơn cử, con số tỷ lệ nợ xấu dưới 3% của các ngân hàng trên địa TP.HCM là không tính 20.500 tỷ đồng nợ xấu của ba ngân hàng: OceanBank, CBBank và GPBank đang trình NHNN phương án xử lý.
Xử lý tận gốc, nhưng gốc ở đâu?
Có một thông tin rất đáng chú ý về xử lý nợ xấu, đó là VAMC đã đánh tiếng sẽ hợp tác với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để cùng xử nợ xấu, tiến đến hình thành thị trường mua bán nợ. Đến bao giờ kế hoạch này mới được thực hiện?C Có thể sang 2016, cũng có thể lâu hơn nữa.
Kết quả hoạt động của VAMC Từ khi bắt đầu hoạt động đến nay VAMC đã mua được 211.000 tỷ đồng nợ xấu. Số nợ được thu hồi kể từ đầu năm đến nay là 8.320 tỷ đồng. Thông tư 14 bắt đầu có hiệu lực từ 15/10/2015, nhưng VAMC sẽ bắt đầu thí điểm phương án mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường ngay trong năm nay, với mục tiêu ít nhất khoảng 500 – 700 tỷ đồng.
Video đang HOT
Nhưng thị trường là gì? Có thể hiểu nôm na là nơi có người mua, người bán và giá hàng hóa được quyết định bởi cung – cầu. Nếu vậy, hiện thị trường mua bán nợ đã có người mua, có người bán, nhưng người mua hiện vẫn đang độc quyền, còn giá thì không theo thị trường.
Hiện thị trường mua bán nợ đã có người mua, người bán, nhưng người mua hiện vẫn đang độc quyền, còn giá thì không theo thị trường
Theo Thông tư 14 của NHNN, phải từ 15/10 tới đây VAMC mới có thể mua nợ xấu theo thị giá, bằng trái phiếu do chính mình phát hành. Có nghĩa, khi bán nợ cho VAMC, các tổ chức tín dụng vẫn chỉ có thể nhận về giấy, chứ không phải tiền! Và cho dù VAMC được mua nợ xấu theo thị giá, nhưng lại không được kinh doanh theo cơ chế thị trường, tức là có lãi – lỗ, thì họ có nhiệt tình được mãi không? Bản thân VAMC chắc chắn rất muốn bán nợ xấu, giải quyết dứt điểm những khoản nợ càng để lâu càng mất giá. Chẳng hạn như: nợ xấu có thế chấp là máy móc, nhà xưởng; nợ của doanh nghiệp đã phá sản…Nhưng ngoài việc mang đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ và tiếp tục giảm lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn cho doanh nghiệp để mong có cơ hội biến nợ xấu thành nợ có thể thu hồi vốn…, thì hiện VAMC chưa thể bán đứt một khoản nợ xấu đã mua nào. Nợ xấu vẫn đang chỉ được gom lại – điều mà mọi người đều nhìn thấy từ năm 2013 – khi VAMC được thành lập.
Kinh doanh nào cũng có rủi ro, nhưng NHNN – cơ quan chủ quản của VAMC – lại không chấp nhận việc VAMC kinh doanh bị lỗ. Thế nên VAMC không thể mạnh tay đưa ra những quyết sách theo kịp với sự vận động của thị trường. Đó là một cái “gốc” của nợ xấu chưa xử lý được. Hợp tác với DATC – người có “tiền tươi, thóc thật” là bước đi khôn ngoan. Nhưng hiện DATC chưa lên tiếng trước lời ngỏ ý này của VAMC.
Thứ hai, việc phát sinh thêm những khoản nợ xấu mới là điều không tránh khỏi trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Họ vẫn chỉ có hai lựa chọn: tự xử lý hoặc bán cho VAMC. Nếu vẫn chỉ có VAMC mua thì khó có thể đảm bảo việc định giá khoản nợ xấu đó là công bằng. Vậy thà rằng ngân hàng cứ để nợ xấu “ẩn” rồi từ từ tính tiếp.
NHNN – người đề xuất thành lập VAMC – một công ty đặc biệt với cơ chế đặc thù, đã nhìn thấy những tồn tại này. Họ sẽ làm gì tiếp theo khi nợ xấu tạm thời được đưa về dưới 3%. Trước mắt chính là thúc đẩy hợp tác với Bộ Tài chính – cơ quan chủ quản của DATC – để xóa bỏ “độc quyền” mua nợ xấu ngân hàng của VAMC, từ đó mới dần hình thành thị trường mua bán nợ. Kế hoạch này xem ra còn phải chờ thêm nhiều tháng nữa, bởi sự kiện quan trọng nhất trong thời gian tới của hệ thống chính trị là Đại hội toàn quốc của Đảng đang tới gần.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Nhiều chính sách kinh tế sát sườn có hiệu lực từ 1/9
Mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng; Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm... là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 9.
Nới "room" cho nhà đầu tư ngoại
Nghị định 60/2015/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-TTg quy định, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng Việt Nam được thực hiện như sau: Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ thực hiện theo điều ước quốc tế.
Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp chưa có quy định mà hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá mức thấp nhất mà các ngành, nghề đó có quy định, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;
Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Theo Thông tư 09/2015/TT-NHNN, kể từ 1/9, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Tương tự, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng
Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/09/2015, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TPHCM... cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 01 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.
Bên cạnh đó, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao... được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá. Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác.
Ở mức thấp hơn, các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng đa phần gồm các cấp phó.
Hướng dẫn cách thức giao dịch điện tử về thuế
Thông tư 110 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, với các thủ tục như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế... sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2015.
Theo Thông tư, người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Ngoài ra, người nộp thuế phải đáp ứng các điều kiện sau: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay công nhận. Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế.
Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.
Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm
Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ 1/9/2015, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng từ Quỹ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận). Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
An Hạ (tổng hợp)
Theo giaoduc
Làm nông nghiệp kiểu "cầu may", nơm nớp lo ép giá Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội phiên họp sáng nay 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, được mùa mất giá, mất thị trường... Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào? Theo đánh giá của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), các...