Lại đồn đoán về tận thế năm 2015
Sau 3 năm yên tĩnh, những lời đồn đại về “tận thế” trở lại trong năm 2015, lần này tập trung vào những lời tiên tri của Nostradamus và lịch Maya.
Chân dung nhà tiên tri Nostradamus – Ảnh: Inquisitr
Những câu chuyện về tận thế trong năm 2015 đang bắt đầu vào cao trào, với nhiều tín đồ cuồng tín cho rằng thế giới sẽ bị diệt vong vào tháng 9 năm nay. Mới đây, trang Inquisitr đã liệt kê một loạt những cách thức tận thế nhuốm màu khoa học viễn tưởng có thể xảy ra trong năm 2015. Chẳng hạn như công nghệ vừa được sử dụng để khai sinh một dòng vi rút nhân tạo phục vụ cho mục đích y học lại bị thổi phồng thành công cụ để chế tạo vũ khí sinh học gọi là vi rút “xác sống”. Nghe qua chẳng khác nào tình tiết trong các loạt phim về thây ma biết đi vốn được dân Mỹ ưa chuộng như The Walking Dead.
Một trong những giả thuyết thú vị về đề tài này chính là không ít người cho rằng lịch Maya thực sự chấm dứt vào ngày 15.5.2015, và dự đoán trước đó về khả năng tận thế vào ngày 21.12.2012 chỉ là một sự “tính toán sai lầm”. Theo website In5D, một người có biệt danh Wakatel Utiw (tức sói lang thang) đã dẫn một số lời tiên đoán tận thế theo kiểu Maya (tức mơ hồ và khó hiểu) rằng “vào thời điểm của Baktun thứ 13 và 13 Ahau là thời điểm các tổ tiên của chúng ta sẽ trở lại và sự thông thái của con người quay về”. Và người này cam đoan năm 2015 là thời điểm lời tiên tri đã đề cập.
Trong khi đó, nhiều người cũng đã đề cập đến những lời tiên đoán của nhà tiên tri người Pháp Nostradamus vào thế kỷ 16, người được cho là đã tiên đoán đúng cách mạng Pháp; vụ ám sát Tổng thống Mỹ JFKennedy; sự kiện tòa tháp đôi ở New York sụp đổ trong vụ khủng bố 11.9.2001; sự xuất hiện của bom nguyên tử… Theo website predictionsofnostradamus.com, nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ, núi lửa Vesuvuius phun trào và người chết sẽ hồi sinh. Cũng không phải lời tiên đoán nào đều mang theo điềm xấu, khi những người diễn dịch ý của Nostradamus cho rằng những rào cản ngôn ngữ sẽ bị xóa bỏ vào năm nay. Liệu điều đó phải chăng đề cập đến thiết bị thông dịch mọi thứ tiếng do Microsoft chế tạo?
Tất nhiên, đâu phải lời tiên đoán nào cũng chính xác, vì nếu đúng thì trái đất đã nổ tung từ nhiều đời trước. Ngày 21.12.2012 là một trường hợp, gần hơn nữa là vào năm 2014, khi một lời tiên tri cổ xưa dự đoán rằng sự kiện Ragnarok (tạm dịch sự sụp đổ của các vị thần) diễn ra vào ngày 22.2.2014. Theo đó sói thần tên Fenrir lẽ ra phải tiêu diệt Odin, thần Skoll nuốt mặt trời và người anh em Hai nhai gọn mặt trăng…
Khi lời tiên đoán tận thế kiểu Maya rơi vào năm 2012, không ít người lo ngại Thế chiến thứ 3 sẽ nổ ra, thậm chí một số người còn chạy đến những nơi như làng Bugarach ở Pháp, làng Sirince ở Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị cho những ngày cuối cùng. Sau khi trải qua năm 2012 một cách bình thường như mọi năm khác, đến năm 2014 mọi người bắt đầu thoải mái đón “tận thế” kiểu ăn chơi, như xứ York tại Anh chào đón du khách tham gia tuần lễ Ragnarok. Có vẻ như những dịp dự đoán tận thế sau này trở thành cái cớ để nhiều người tiệc tùng thả cửa, với lập luận rằng cần phải “quậy tới bến” để chết cũng không hối tiếc.
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien
7 sự kiện quốc tế quan trọng đầu năm 2015
Ngay ngày đầu năm mới, hàng loạt sự kiện chính trị, kinh tế, an ninh quan trọng đã diễn ra khắp các châu lục, đánh dấu nhiều khởi đầu mới trong năm 2015.
Logo Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Reuters
Video đang HOT
1. Năm nước tiếp quản vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Năm nước gồm Angola, Malaysia, New Zealand, Venezuela và Tây Ban Nha ngày 1.1 đã chính thức tiếp quản vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thay cho 5 thành viên cũ là Argentina, Australia, Luxemburg, Hàn Quốc và Rwanda, theo Tân Hoa xã.
Cùng ngày, Đại diện thường trực của Chile tại Liên Hợp Quốc Octavio Errazuriz cũng bắt đầu thay Đại sứ Cộng hòa Chad đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Hội đồng bảo an trong tháng 1.
2. Malaysia chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch ASEAN
Quốc kỳ các nước ASEAN - Ảnh: Reuters
Malaysia đã chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch ASEAN từ Myanmar ngày 1.1. Việc hiện thực hóa Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2015, và xây dựng Tầm nhìn sau 2015 của Cộng đồng ASEAN sẽ là hai ưu tiên chính của Malaysia khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, theo Bernama.
Trưởng Ban Thư ký quốc gia ASEAN-Malaysia, ông Muhammad Shahrul Ikram Yaakob, cho biết đây là 2 trong 8 lĩnh vực ưu tiên mà Malaysia hy vọng sẽ đạt được trong nhiệm kỳ của mình.
Ông Muhammad Shahrul nói rằng, là Chủ tịch ASEAN năm 2015, Malaysia có trách nhiệm to lớn trong việc đảm bảo thực hiện các lĩnh vực khác trong kế hoạch hành động của cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, cũng như nỗ lực để hoàn thành Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), theo Bernama.
Trong nhiệm kỳ của mình, Malaysia cũng hướng tới việc bàn thảo xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 để định hướng cho Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng và lớn mạnh sau khi được chính thức thành lập.
Với việc tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 và 27 vào tháng 4 và tháng 11.2015.
3. Latvia tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU
Latvia tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU - Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 1.1, Latvia chính thức tiếp nhận từ Ý chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải từ bất ổn chính trị ở Hy Lạp đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, theo Tân Hoa xã.
Quốc gia vùng Baltic này sẽ lãnh đạo EU trong nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2015. Trong nhiệm kỳ của mình, Latvia dự định sẽ tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, trong đó sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị thượng đỉnh đối tác phương Đông của EU diễn ra ở thủ đô Riga vào tháng 55, nhằm định hình quan hệ giữa EU với các nước thuộc Liên Xô cũ như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Grudia, Moldova và Ukraine.
4. Afghanistan tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ NATO
Afghanistan tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ NATO - Ảnh: Reuters
Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan (ANSF) đã chính thức tiếp quản toàn bộ nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 1.1.2015, theo AP.
Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm sự kiện này rằng: "ANSF chịu trách nhiệm đảm nhận các sứ mệnh an ninh của toàn bộ đất nước kể từ ngày hôm nay. Đây là một ngày hạnh phúc và vui mừng. Tôi chúc mừng người dân Afghanistan nhân ngày trọng đại này".
5. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff - Ảnh: Reuters
Ngày 1.1, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 trong bối cảnh phải đương đầu một loạt thách thức về kinh tế và sự ủng hộ thấp từ phía quốc hội đối với liên minh cầm quyền của bà, theo AP.
Nhiều chuyên gia cho rằng chiến thắng sít sao của Tổng thống Rousseff trong cuộc bầu cử hồi tháng 10.2014 và sự suy yếu của liên minh cầm quyền sẽ gây thêm khó khăn cho bà trong việc giải quyết những thách thức trên.
Nhiều người nhận định, với sự khó khăn đó, trong nhiệm kỳ 2, bà Rousseff sẽ phải thay đổi cách quản lý cứng rắn của mình và tìm kiếm sự thỏa hiệp.
6. Lithuania chính thức gia nhập Khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Lithuania chính thức gia nhập Khu vực đồng tiền chung Châu Âu - Ảnh: Reuters
Lithuania ngày 1.1 đã chính thức trở thành thành viên thứ 19 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đây cũng là thành viên cuối cùng trong 3 nước khu vực Baltic gia nhập Eurozone, theo Reuters.
Nền kinh tế Lithuania từng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Nga, nhất là trong bối cảnh Nga đang khủng hoảng do các lệnh cấm vận trừng phạt của phương Tây thời gian qua, vì vậy đây được coi là một sự kiện quan trọng đối với quốc gia vùng Baltic này.
Lithuania hi vọng gia nhập Eurozone sẽ giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng và giảm được chi phí các khoản vay. Eurozone trước đó đã tiếp nhận hai nước láng giềng của Lithuania là Latvia vào năm 2014 và Estonia vào năm 2011.
7. Serbia tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên OSCE
Serbia tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - Ảnh: Reuters
Trong ngày 1.1, Serbia đã tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) từ Thụy Sĩ. Theo đó, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic sẽ đảm nhiệm chức vụ trên này thay cho Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter.
Theo ông Ivica Dacic, trong nhiệm kỳ Chủ tịch OSCE kéo dài một năm, Belgrade sẽ ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông cho rằng để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này rất cần sự sáng suốt và thận trọng.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Shinzo Abe hy vọng xây dựng một Nhật Bản mới năm 2015 "Tôi hy vọng năm nay sẽ là năm để Nhật Bản cho thế giới thấy định hình tương lai của một đất nước mà chúng ta muốn tạo ra, và một khởi đầu mạnh mẽ để xây dựng đất nước mới", Japan Times dẫn lời ông Abe ngày 1.1. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters Ngày 1.1, Thủ tướng Nhật...