Lại chuyện chênh lệch con số sau kiểm toán
Câu chuyện con số lợi nhuận chênh lệch lớn giữa báo cáo tài chính được kiểm toán và báo cáo tự lập không còn quá mới mẻ trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vì là chuyện “thường niên” nên có nhiều ý kiến cho rằng cần có một chế tài tương tự như khi vi phạm các nghĩa vụ công bố thông tin.
Hạn chót công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm đối với các doanh nghiệp niêm yết có niên độ kết thúc vào ngày 31/12/2019 đang đến gần. Đáng lưu ý là trong số những doanh nghiệp đã công bố BCTC kiểm toán vẫn có trường hợp tái diễn tình trạng tăng lỗ, giảm lãi sau kiểm toán.
Lợi nhuận vơi – đầy sau kiểm toán
Những chênh lệch do vô tình sẽ cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động tài chính, kế toán của doanh nghiệp và là điểm trừ rất lớn trong mắt nhà đầu tư. Trong khi đó, những sai sót xuất phát từ sự cố ý của doanh nghiệp còn có tác hại lớn hơn là làm mất đi niềm tin của nhà đầu tư, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thị trường chứng khoán.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) vừa công bố BCTC năm 2019 được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
Trươc đó, tại BCTC tự lập, công ty cho biết, năm 2019 nhờ sự trợ giúp của tỷ phú Trần Bá Dương, tình hình kinh doanh của HAGL đã được cải thiện với lợi nhuận sau thuế năm tăng vọt lên 253 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cổ đông HAGL nhận được “cú sốc” không hề nhỏ khi sau kiểm toán, từ khoản lãi 253 tỷ đồng, công ty bỗng dưng gánh khoản thua lỗ khổng lồ lên đến 2.025 tỷ đồng. Cùng với đó là hàng loạt vấn đề của công ty được Ernst & Young Việt Nam chỉ ra.
Thậm chí, Ernst & Young Việt Nam còn nhấn mạnh,HAGL có nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.016 tỷ đồng. Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Cũng gây sốc cho cổ đông như HAGL, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã: CII) đã “bốc hơi” 524 tỷ đồng so với con số trong BCTC doanh nghiệp tự lập.
Video đang HOT
Tại văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây, lãnh đạo CII cho biết bản thân công ty cũng rất bất ngờ về kết quả này. “Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán độc lập, đã có nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí”, báo cáo giải trình của CII cho biết.
Sự chênh lệch con số giữa BCTC trước và sau kiểm toán dường như đang trở thành vấn đề “thường niên”
Đặt lợi ích công chúng lên đầu
Bên cạnh những con số sụt giảm thì không ít doanh nghiệp lại được “cứu” nhờ kiểm toán, thậm chí còn tăng lãi đột biến. Có thể lấy ví dụ tại BCTC kiểm toán của CTCP Nafoods Group (mã: NAF), khoản lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã tăng gấp 2 lần so với BCTC tự lập, lên 24 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc BCTC trước và sau kiểm toán có sự chênh lệnh nhưng phần lớn là do các công ty phải điều chỉnh lại việc ghi nhận doanh thu trong năm, đồng thời điều chỉnh giá vốn hàng bán hoặc bất cứ loại chi phí nào đó.
Tuy nhiên, ở góc nhìn đầu tư chứng khoán thì BCTC là một trong những tài liệu quan trọng nhất để làm căn cứ đánh giá về bức tranh tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, xác định giá trị cổ phiếu trước khi ra quyết định của nhà đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp bị hạn chế.
Tại các công ty chứng khoán, số liệu từ các báo cáo này cũng là cơ sở quan trọng để rà soát, đánh giá rủi ro và quyết định có hay không việc cho vay ký quỹ, tỷ lệ cho vay ký quỹ (nếu có), cũng như làm căn cứ rà soát thay đổi với các tỷ lệ, danh mục cho vay.
Vì vậy, theo giới phân tích, những chênh lệch do vô tình sẽ cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động tài chính, kế toán của doanh nghiệp và là điểm trừ rất lớn trong mắt nhà đầu tư. Trong khi đó, những sai sót xuất phát từ sự cố ý của doanh nghiệp còn có tác hại lớn hơn là làm mất đi niềm tin của nhà đầu tư, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, quy định hiện hành mới chỉ có chế tài cho doanh nghiệp chậm trễ trong công việc công bố thông tin hoặc công bố thông tin sai lệch. Với trường hợp chênh lệch lớn về số liệu trước và sau kiểm toán, doanh nghiệp chỉ cần giải trình, trong khi thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp “giải trình cho có”.
Chính sự thoáng này của cơ quan quản lý đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn tái đi tái lại tình hình sai lệch số liệu giữa hai BCTC, mà Thuỷ sản Hùng Vương là một ví dụ rất điển hình cho trường hợp này.
Cụ thể, tại BCTC kiểm toán niên độ tài chính 2018-2019 của công ty đã ghi nhận hàng loạt chỉ tiêu chênh lệch từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng, trong đó con số lỗ tăng thêm tới 627 tỷ đồng lên 1.123 tỷ đồng. Diễn biến này cũng xảy ra tương tự với BCTC kiểm toán niên độ 2017-2018, 2016-2017.
Theo đó, việc có một chính sách chặt chẽ hơn trong kiểm soát nghĩa vụ công bố BCTC là rất cần thiết lúc này nhằm ngăn chặn hành vi gian lận và nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan chức năng.
Linh Đan
Sau kiểm toán, VEAM giảm lãi 33 tỷ, hàng loạt ý kiến ngoại trừ
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán với lãi ròng giảm 33 tỷ đồng, ngoài ra thì kiểm toán còn đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ...
Sau kiểm toán, doanh thu thuần năm 2019 của VEAM ghi nhận 4.488 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận tại mức 7.280 tỷ đồng, tương ứng giảm 33 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Bên cạnh đó, báo cáo của VEAM còn bị đơn vị kiểm toán đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ.
Cụ thể, cuối năm 2019, VEAM chưa đánh giá được khả năng thu hồi đối với khoản thu về hỗ trợ vốn và phải thu về lãi hỗ trợ vốn tương ương với số tiền lần lượt hơn 94 tỷ đồng và 35 tỷ đồng; thực hiện ghi nhận lãi phát sinh từ hỗ trợ gần 663 tỷ đồng; và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của một số hàng tồn kho với số tiền gần 250 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về loạt vấn đề trên do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi nợ, cũng như việc tiếp tục ghi nhận lãi phát sinh hay đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho một cách hợp lý và thủ tục thay thế xác định dự phòng giảm giá hàng tồn kho có thích hợp hay không.
Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi, điều chỉnh dự phòng giảm giá hàng tồn kho hay các khoản mục có liên quan trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 hay không.
Thêm vào đó, theo như thuyết minh, kiểm toán viên tiền nhiệm năm 2018 đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thu nhập được đầy đủ các bằng chứng về việc VEAM đã trích lập chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền hơn 207 tỷ đồng.
Do số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho đầu năm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Công ty nên đơn vị kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng có thể có đến chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2019.
Báo cáo tài chính của VEAM nhận nhiều ý kiến ngoại trừ.
Trong báo cáo tự lập của Công ty, chi phí trả trước dài hạn của VEAM bao gồm chi phí trả trước dài hạn của CTCP Vật tư và Thiết bị toàn bộ - Công ty con của VEAM với số tiền gần 257 tỷ đồng phản ánh chi phí khấu hao, chi phí lãi vay và một số chi phí khác được vốn hóa của nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước.
Đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoài trừ do không thể thu thập được bằng chứng để xác định vốn hóa các khoản chi phí phải trả nói trên.
Ngoài ra, theo như thuyết minh, VEAM ghi nhận doanh thu bán 450 xe Mighty 2017 với số tiền gần 262 tỷ đồng, giá vốn và chi phí bán hàng gần 230 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng toàn bộ xe được bàn giao năm 2019.
Việc ghi nhận doanh thu này là chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán và đã được kế toán tiền nhiệm đưa ra ý kiến ngoại trừ trong năm trước. Như vậy, nếu doanh thu trên được ghi nhận đúng kỳ thì lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm 2019 sẽ tăng thêm gần 24 tỷ đồng.
Hơn nữa, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh về vấn đề tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức biên bản quyết toán cổ phần hoá của Công ty mẹ - Tổng Công ty tại thời điểm Công ty mẹ - Tổng Công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Anh Nhi
Than Hà Lầm: Lãi ròng lao dốc, cổ phiếu ế ẩm Doanh thu đi ngang, lãi ròng giảm 62%, cùng khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ chỉ hơn 293 tỷ đồng khiến nhiều cổ đông Than Hà Lầm không khỏi lo lắng. Công ty cổ phần Than Hà Lầm (Hà Lầm - Vinacomin, mã HLC), công ty con của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV),...