Lai Châu: “Thả” 1 tỷ đồng xuống hồ thủy điện, kéo lên toàn cá ngon
Được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều gia đình hội viên, nông dân ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư làm lồng thả cá, nuôi bò sinh sản…
Từ 1 tỷ đồng tới 45 lồng cá
Vượt gần 20km đường đèo dốc từ trung tâm huyện Nậm Nhùn, chúng tôi theo chân lãnh đạo Hội Nông dân (ND) huyện, đến thăm mô hình nuôi cá lồng ở cụm bản Pa Mô (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).
Cụm bản Pa Mô ngay cạnh lưu vực hồ thủy điện Lai Châu – nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng.
Nhiều hộ gia đình hội viên, nông dân ở xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đã có thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu. Ảnh: Văn Chiến
Video đang HOT
Ông Mào Văn Chỉnh – Chủ tịch Hội ND xã Mường Mô, phấn khởi cho biết: Những lồng nuôi cá đặc sản trên mặt hồ thủy điện Lai Châu chính là sản phẩm được tạo ra từ nguồn vốn Quỹ HTND của Hội ND tỉnh. Tháng 5/2017, dự án nuôi cá lồng ở xã Mường Mô được triển khai thực hiện với 15 nhóm hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia. Mỗi nhóm có từ 2 – 3 hội viên, nông dân tham gia. Dưới sự hướng dẫn lập dự án của Hội ND cấp trên, đại diện các nhóm hộ nuôi cá lồng dưới lòng hồ thủy điện đã đứng ra vay tổng số 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND.
“Ngay sau khi được giải ngân, các hội viên, nông dân tham gia dự án đã tiến hành làm lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu, sau đó mua cá giống về thả và chăm sóc. Từ 30 lồng cá ban đầu, đến nay các hội viên, nông dân đã phát triển lên 45 lồng. Bình quân mỗi lồng cho thu gần 50 triệu đồng/năm tùy vào từng loại cá nuôi” – ông Chỉnh nói.
Cần kết nối hỗ trợ tiêu thụ cá ngon
Qua câu chuyện với ông Mào Văn Chỉnh, chúng tôi được biết, ông cũng làm lồng nuôi cá trên hồ thủy điện Lai Châu. Bốn chú cháu nhà ông Mào Văn Chỉnh đã lập thành một nhóm cùng sở thích nuôi cá lồng tham gia dự án và được vay 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng.
“Nuôi cá lồng khá nhàn mà hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Vì thức ăn cho cá chủ yếu là cám ngô và cá con bắt ở ngay tại hồ thủy điện, nên ăn cá ở đây ai cũng khen ngon. Tuy nhiên do giao thông đi lại ở địa phương còn rất khó khăn nên ít có thương lái vào thu mua cá. Chúng tôi chủ yếu bán lẻ cá ở các chợ trong xã, trong huyện…” – ông Chỉnh trăn trở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Hội ND huyện Nậm Nhùn cho biết: Dự án vay vốn Quỹ HTND nuôi cá lồng ở xã Mường Mô bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Trừ chi phí mua giống, thức ăn, các hộ dân nuôi cá lồng cũng thu lãi từ 10 – 15 triệu đồng/lồng/năm.
“Nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của Quỹ HTND, Ban điều hành Quỹ HTND huyên đã tiến hành khảo sát địa bàn, đối tượng để đầu tư vốn đúng mục đích và khai thác được tiềm năng, lợi thế, sức lao động ở từng địa phương. Công tác thẩm định hồ sơ, giải ngân, theo dõi, thu phí, lưu trữ hồ sơ đều được tiến hành một cách chặt chẽ, đúng quy trình, đúng đối tượng. Hầu hết các dự án đều đã phát huy được hiệu quả. Nhiều gia đình hội viên nông dân đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ nguồn vốn” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Danviet
Xuống sông Gâm nuôi toàn cá đặc sản, ngon nức tiếng, dân khá giả
Từ xa xưa, dòng Gâm được biết đến là nơi cư ngụ của 5 loài cá: Dầm xanh, anh vũ, bỗng, chiên và lăng. Tận dụng chiều dài hơn 50 km sông chạy qua địa bàn, những năm qua, UBND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã quy hoạch phát triển vùng chuyên nuôi cá lồng trên sông Gâm, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Xã Yên Lập có 5 km sông Gâm chảy qua địa bàn, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng trên sông phát triển mạnh. Chị Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, hiện nay, xã đang vận động nhân dân tăng số lượng đàn cá, phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa.
Toàn xã Yên Lập có 100 lồng cá các loại, trong đó có 50 lồng nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá chiên. Mỗi năm sản lượng cá đều đạt trên 80 tấn, doanh thu trên 4 tỷ đồng. Nhờ nghề cá mà xã đã có 40 hộ dân thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên thành hộ khá, tiêu biểu là hộ anh Đào Việt Thế, thôn Đầu Cầu hiện có 25 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá lăng và cá chiên, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng.
Lồng cá lăng của gia đình anh Đào Việt Thế thôn Đầu Cầu, xã Yên Lập.
Xã Ngọc Hội hiện có 48 lồng cá của 30 hộ dân nuôi cá trong lồng trên sông Gâm. Anh Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, UBND xã tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn của các tổ chức tín dụng với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng để phát triển nghề cá.
Ông Phạm Văn Tình, thôn Nà Tè hiện có 3 lồng cá gồm cá chiên, cá trắm đen. Ông Tình cho biết, thôn đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá do ông làm tổ trưởng với 10 thành viên. Từ nuôi cá, mỗi tổ viên đều có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Vũ Văn Mão, thôn Đồng Tân, xã Bình Nhân hiện có 6 lồng gồm cá chiên, cá trắm. Ông Mão cho biết, sông Gâm có nguồn nước sạch, rất hợp nuôi cá lồng quy mô hộ gia đình. Chi phí làm một lồng cá chỉ khoảng 3 triệu đồng, thức ăn cho cá có thể tận dụng cá con do người dân đánh bắt quanh vùng, nghề này đầu tư đầu vào không lớn, cá lồng lại ít dịch bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả cao.
Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa hiện có 6 xã được hưởng lợi từ dòng sông Gâm để phát triển nghề cá, gồm: Yên Lập, Ngọc Hội, Bình Nhân, Vinh Quang, Hùng Mỹ, Nhân Lý với tổng số trên 200 lồng cá các loại.
Nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước để phát triển thủy sản, Phòng Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa đã chủ động phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thực hiện nhân giống các loài cá đặc sản và quy hoạch vùng nuôi, ương cá giống tại các xã Minh Quang, Hòa An, Ngọc Hội...
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã phát triển chăn nuôi cá lồng trên sông thường xuyên tổ chức tập huấn cho nhân dân nắm vững khoa học kỹ thuật, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển nghề cá.
Theo Lê Duy (Báo Tuyên Quang)
Từ núi xuống sông Đà nuôi cá đặc sản mà khấm khá hẳn lên Một lồng cá nuôi dưới sông Đà có thể cho thu nhập bằng 2.000 - 3.000 m2 đất trồng ngô, trồng sắn. Vì thế ông Quàng Văn Sọi, dân tộc Kháng, bản Pá Mồng (xã Nậm Giôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã từ núi chuyển xuống sông Đà nuôi cá lồng, từ đó thu nhập cao hơn nhiều lần so với...