Lai Châu siết chặt kiểm tra hàng hóa dịp Tết tại cửa khẩu biên giới
Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết.
Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc với nhiều cửa ngõ ra vào tỉnh. Vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng các mặt hàng của người dân tăng cao. Lợi dụng việc tiêu thụ hàng hóa của người dân, các đối tượng đã vận chuyển nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng qua đường tiểu ngạch, khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ và nhiều tuyến đường dẫn vào tỉnh để tiêu thụ. Các loại mặt hàng chủ yếu là trái cây, bánh, mứt, kẹo, đồ ăn chín, rượu, bia… và tập trung đưa vào tiêu thụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, dân tộc thiểu số.
Do vậy, Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã xây dựng kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại mặt hàng được bày bán tại những cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh; rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa để thuận lợi quản lý; chỉ đạo 5 Đội Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chú trọng kiểm tra các mặt hàng như: bánh, kẹo, mứt, bia, nước ngọt, hoa quả, đồ ăn chín…
Đặc biệt, ở khu vực biên giới, cửa khẩu, các Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển hàng hóa ra vào đường tiểu ngạch, khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng, khu vực tập kết hàng hoá ở chợ trung tâm cụm xã biên giới.
Còn ở những khu vực khác, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra tại các chợ trung tâm, siêu thị, cửa hàng buôn bán lớn nhỏ thuộc trung tâm huyện, thành phố, xã; chú ý đến các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh lân cận Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La… vào địa bàn tỉnh Lai Châu.
Video đang HOT
Thành phố Lai Châu có 3 siêu thị và hàng trăm cửa hàng lớn, nhỏ chuyên cung cấp thực phẩm, đồ dùng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, siêu thị Vinmax đã bày bán rất nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng trên quầy. Những mặt hàng này đều được cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng in trên bao bì.
Anh Lê Huy Dương, giám sát quầy hàng của siêu thị Vinmax cho hay, nhằm tạo địa chỉ tin cậy đối với khách hàng, đối với mặt hàng bánh kẹo, mứt, siêu thị luôn yêu cầu các nhân viên hàng ngày kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm để loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo sức khỏe. Còn mặt các loại mặt hàng khác, trước khi nhập hàng sẽ được check in mã vạch để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thu Hồng, ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu chia sẻ, là người nội trợ trong gia đình, chị luôn lựa chọn đến mua hàng tại siêu thị Vinmax. Hàng hóa ở đây chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn hơn ở chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ.
Cùng đó, lực lượng chức năng còn thường xuyên kiểm tra các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực chợ dân sinh nhằm đảm bảo thực phẩm, hạn chế xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, Đội đã tổ chức hàng chục lượt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng hóa. Đội cũng chú ý sau Tết sẽ tăng cường kiểm soát để kịp thời thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng; nếu phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Năm 2021, Đội đã tiến hành kiểm tra 231 vụ, trong đó xử lý 99 vụ giảm 40 vụ so với năm 2020.
Năm 2021, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản được kiểm soát. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện việc niêm yết giá tại nơi bán hàng, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả nhãn hiệu; vi phạm trong lĩnh vực thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thú y, an toàn thực phẩm… Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã tiến hành kiểm tra 812 vụ; trong đó xử lý 319 vụ vi phạm, giảm 38% với 196 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 2,5 tỷ đồng (phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng).
Siết chặt quản lý thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Nhằm bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022; đồng thời, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra các mặt hàng Tết tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, Mai Mạnh Toàn cho biết, thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, thị trường biến động và diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm các đội tượng lợi dụng để thu lợi bất chính từ việc bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để đấu tranh với các hành vi vi phạm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk tăng cường quản lý địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các tuyến trọng điểm; chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, quy chuẩn chất lượng, việc niêm yết giá bán... đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, như: quần áo, bánh kẹo, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, các mặt hàng vật tư y tế...
Cùng với đó, Cục quản lý thị trường tỉnh không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho người dân. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện các hành vi lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp nhằm trục lợi.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những diễn biến phi truyền thống của thị trường, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng mua sắm hàng hóa Tết trên các nền tảng thương mại điện tử như: facebook, Zalo, Tik tok..., nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của hàng hóa, giả nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng, nhất là các mặt hàng rượu, thực phẩm ngoại nhập ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
"Do đó, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cũng chỉ đạo Tổ công tác Thương mại - Điện tử và truyền thông của đơn vị theo dõi sát hoạt động thương mại điện tử và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật trên nền tảng thương mại điện tử", ông Mai Mạnh Toàn cho hay.
Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý 2.886 vụ vi phạm; trong đó, xử lý hình sự 24 vụ, tổng số tiền qua xử lý hơn 105 tỷ đồng.
Tại tỉnh Tuyên Quang, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản: đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử, các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo và các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Thống kê cho thấy, trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra 559 vụ; trong đó, có 312 vụ vi phạm, tổng số tiền thu phạt và giá trị hàng hóa gần 4,85 tỷ đồng; số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 3,2 tỷ đồng.
Riêng trong đợt cao điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kiểm tra 93 vụ; trong đó 60 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính hơn gần 514 triệu đồng.
Cách nào giảm rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch? Tình trạng ùn ứ hàng xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh việc Trung Quốc siết thông quan vì COVID-19, thì tình trạng sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch) tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt...