Lai Châu nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị cơ sở
Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về “ Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2016 – 2020″, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên.
Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tính đến đầu năm 2019 Lai Châu có 108 đảng bộ xã, phường, thị trấn với 17.852 đảng viên, 1.716 chi bộ trực thuộc, 1.421 cấp ủy viên, 2.193 cán bộ, công chức. Tỉnh có 24,07% đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, 44,09% chi bộ trực thuộc đảng ủy đạt trong sạch vững mạnh; trên 91% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, hơn 67% chính quyền cơ sở đạt khá và tốt, trên 86% cán bộ, công chức được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Văn Hoàn cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy có hiệu lực, các huyện ủy, thành ủy, các cấp, các ngành đã nghiêm túc, kịp thời quán triệt triển khai; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết gắn với lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Bên cạnh việc các cấp ủy, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân thì các đảng ủy cấp xã đã kiện toàn cấp ủy và duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng định kỳ; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ đến cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp xã và cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ.
Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND ở cơ sở, chất lượng các kỳ họp, tiếp xúc cử tri, giám sát luôn được nâng cao. UBND cấp cơ sở đã nhạy bén hơn trong việc ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cơ sở cơ bản duy trì tốt chế độ sinh hoạt, dần khắc phục tình trạng hình thức, hành chính trong hoạt động. Ngoài ra, các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp cán bộ, công chức xã gắn thực hiện tinh giản biên chế và điều động, luân chuyển cán bộ. Đến nay, tỉnh đã tinh giản đối với 67 cán bộ, công chức cấp xã, điều động 119 công chức từ xã này sang xã khác bố trí phù hợp vị trí việc làm.
Tỉnh ủy Lai Châu quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ công chức giai đoạn 2016-2020 (trong đó có cán bộ, công chức xã). Nhờ đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên cả về học vấn, chuyên môn và lý luận chính trị. Hiện nay, về đội ngũ cán bộ cơ sở có 85,1% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 81,05% có trình độ lý luận chính trị trung cấp…
Tại xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), vận dụng Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lai Châu, xã đã giải thể Chi bộ Văn phòng Đảng ủy xã Trung Chải, phân công cán bộ chủ chốt xuống các chi bộ bản tham gia sinh hoạt. Từ 30 đảng viên với 6 chi bộ đầu năm 2017, đến nay Đảng bộ xã Trung Chải đã có 73 đảng viên, 10 chi bộ.
Đánh giá mô hình đưa cán bộ đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) Trần Văn Nam khẳng định: Việc đưa cán bộ đảng viên xuống sinh hoạt ở chi bộ nhằm gắn trách nhiệm tham mưu với việc giúp đỡ tổ chức bộ máy chính quyền ở các bản hoạt động hiệu quả. Cán bộ, đảng viên thuận tiện, có trách nhiệm hơn trong việc trực tiếp giúp đồng bào phát triển kinh tế. Trước đây ba bản là Nậm Sảo 1, Nậm Nó 1, Nậm Nó 2 chỉ có một chi bộ sinh hoạt ghép trong đó cán bộ biên phòng, giáo viên, công chức xã cùng sinh hoạt Đảng. Hiện nay Đảng bộ xã có 3/3 chi bộ độc lập, chất lượng đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả, nhiều đảng viên đã học hết lớp 12, học sơ cấp lý luận chính trị. Các đảng viên trong chi bộ thường xuyên tuyên truyền đến người dân về chủ trương định canh định cư, thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Video đang HOT
Ông Phạm Văn Huỳnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu, cho biết: Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống thống trị, nhất là vai trò chủ thể của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở. Tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đặc biệt, Lai Châu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực, từ đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, toàn diện.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Văn Hoàn, để chất lượng đảng viên được tốt, đảm bảo chất lượng và có nguồn lực cán bộ người dân tộc địa phương kế cận, Tỉnh ủy Lai Châu chủ trương phải tiếp tục phát triển giáo dục. Tỉnh Lai Châu triển khai Đề án phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn (62 xã khó khăn) nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, huy động học sinh, duy trì tỷ lệ chuyên cần các cấp học; nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Tại các xã vùng khó khăn thì phải huy động hệ thống chính trị cùng nhà trường vào cuộc vận động duy trì con em đến trường, thực hiện tốt chính sách cho giáo dục vùng khó khăn.
Việc thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lai Châu đã góp phần xây dựng đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cơ sở trong sạch, vững mạnh; từ đó thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh Lai Châu, xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh trung bình ở khu vực miền núi phía Bắc./.
Theo Việt Hoàng/TTXVN
Giải bài toán nhất thể hóa nhiều người "mê" ở Quảng Ninh
Với người dân, việc thực hiện đề án sắp xếp bộ máy, tinh gọn, hợp nhất các cơ quan, nhất thể hoá các chức danh lãnh đạo tại Quảng Ninh 3 năm qua mang lại nhiều thuận lợi, thiết thực vì tiết kiệm được tiền "nuôi" bộ máy. Còn với chính hệ thống, kết quả đề án có thể "đo đếm" thế nào?
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong tổ chức trung tâm hành chính công trên cả nước (ảnh: Hải Sâm)
3 năm giảm 107 đầu mối cơ quan
Trước khi Nghị quyết 18 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập được Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành (tháng 10/2017), tỉnh uỷ Quảng Ninh đã chủ động rà soát về tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tại địa phương. Phát hiện thấy nhiều yếu kém, bất cập, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn đổi mới và quyết tâm xây dựng đề án đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế (Đề án 25).
Theo đánh giá tổng kết, sau gần 3 năm triển khai đề án, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ máy giảm được 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể...
Mô hình đổi mới Quảng Ninh đã mạnh dạn áp dụng là thực hiện mô hình bộ phận tài vụ phục vụ dùng chung với các ban đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh. Sáp nhập phòng Dân tộc vào Văn phòng HĐND-UBND ở 4 huyện, thị. Tại 12 huyện, tỉnh sáp nhập đài phát thanh, truyền hình vào Trung tâm Văn hoá,Thông tin & Truyền thông.
Ngành giáo dục cũng giảm được 9 trường, 122 điểm trường với 463 lớp học. Ngành y tế cũng gọn nhẹ hơn nhiều với 7/14 Trung tâm y tế được sáp nhập vào bệnh viện đa khoa huyện, nhiều trạm y tế chỉ còn giữ chức năng phòng dịch...
Về việc nhất thế hoá các chức danh, Quảng Ninh đã thực hiện mô hình Bí thư Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, thị (bằng 50% số đơn vị cấp huyện), 76/186 xã (tương đương 40,3%). Thực hiện phương án nhất thể người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp uỷ (các ban đảng - PV) với cơ quan chuyên môn (các phòng thuộc UBND) ở cấp huyện.
Việc hợp nhất cơ quan UB Kiểm tra - Thanh tra đã thực hiện tại 11/14 huyện (tương đương 78,6%); Ban Tổ chức - Phòng Nội vụ; Ban Tuyên giáo - Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 100% số huyện, thị; Ban Dân vận - MTTQ tại 13/14 huyện (tương đương 92,8%).
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã tổ chức mô hình Chánh văn phòng 3 bên: Văn phòng cấp uỷ - HĐND - UBND ở 2/14 huyện.
Số Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu dân phố hiện cũng chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối (98,15%). Tỉnh cũng thí điểm thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể cính trị - xã hội tại 12/14 đơn vị cấp huyện.
Giải quyết hết số cấp phó "dôi dư"
Sau khi có Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, địa phương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để tiếp tục triển khai các nội dung.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, Quảng Ninh đã xây dựng phương án cụ thể bộ máy huyện Vân Đồn để phù hợp với mô hình đặc khu kinh tế.
Tỉnh này cũng phê duyệt đề án thí điểm hợp nhất cơ quan tổ chức - nội vụ tại 13/14 địa phương trực thuộc, phê duyệt đề án tổ chức mô hình và quyết định thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh. Mô hình này giúp Quảng Ninh giảm được 27 đầu mối, 69 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương. Đến nay, mô hình này đã thực hiện liên thông ở 3 cấp.
Ông Cao Tường Huy - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ giới thiệu kết quả đưa Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo và Văn phòng cấp uỷ ở 8/14 địa phương.
Quảng Ninh cũng khá thành công với dự án mô hình thành phố thông minh tại Hạ Long, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh bằng tàu tuyền trên Vịnh Hạ Long, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch của tỉnh...
Những biện pháp đổi mới áp dụng mang lại kết quả tích cực về tinh giản biên chế. Năm 2018 dù mới qua một nửa chặng đường, Quảng Ninh đã giảm được 519 biên chế công chức (30 công chức khối đảng, đoàn thể, 489 công chức khối chính quyền) và 1.314 biên chế viên chức. Con số này đảm bảo lộ trình, tỷ lệ (giảm 10%) so với số Trung ương giao cho tỉnh năm 2015, đạt mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Số viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên cũng tiếp tục giảm. Thực tế, năm 2018, Quảng Ninh có trên 1000 viên chức không hưởng lương từ ngân sách.
Từ thực tế đã áp dụng, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, cùng với việc sắp xếp, thay đổi về bộ máy cũng cần thì điểm áp dụng chính sách tiền lương thoả đáng với người làm việc. Theo đó, tỉnh đã từng bước thay đổi phương thức cấp phát, phân bổ ngân sách nhà nước theo biên chế "đầu vào" trước đây sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo sản phẩm "đầu ra".
Cũng theo ông Thành, vấn đề phát sinh do việc nhất thể hoá, hợp nhất các cơ quan là "lạm phát" cấp phó ở các đơn vị mới, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm được 7 cấp phó của các sở, ngành, UBND huyện. Đồng thời, để đảm bảo số lượng cấp phó các sở, ngành theo đúng quy định, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã tổ chức bố trí, sắp xếp để đảm bảo đến ngày 30/6/2018 không còn cơ quan, đơn vị vượt cấp phó theo quy định của Trung ương và hết năm 2019 không có cơ quan, đơn vị, địa phương vượt cấp phó theo quy định của tỉnh.
Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ Đỗ Thị Hoàng phân tích thêm: "Khi hợp nhất các cơ quan, số lượng cấp phó sẽ dôi ra. Vì thế, Quảng Ninh đã đề nghị giai đoạn đầu chấp nhận số lượng cấp phó tại các đơn vị tăng lên do hợp nhất tổ chức nhưng có lộ trình sắp xếp để không quá 3 năm thì bảo đảm định mức Trung ương giao. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh vẫn phải có một số vị trí tăng thêm cấp phó".
P.Thảo - H.Sâm
Theo Dantri
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Huy động đa dạng nguồn lực xây dựng nông thôn mới Sáng 14/2, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đi kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020" tại huyện Phú Xuyên. Cùng dự có Phó Chủ tịch...