Lai Châu: Du lịch Tam Đường trên đà phát triển
Nằm dọc quốc lộ 4D, tiếp giáp với thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), huyện Tam Đường có núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, nhiều cảnh quan tuyệt đẹp, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hiện, du lịch huyện đang trên đà phát triển với các loại hình như: cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng và mạo hiểm.
Khai thác tiềm năng
Nhớ lại những năm 2015 trở về trước, du lịch huyện Tam Đường mới chỉ dừng lại ở tiềm năng, chưa hình thành được các điểm du lịch. Du khách đến với Tam Đường tự phát, chưa theo tour cụ thể. Huyện ủy ban hành Quyết định số 446-QĐ/HU ngày 8/3/2016 về việc ban hành Đề án Phát triển dịch vụ du lịch huyện Tam Đường giai đoạn 2015 – 2020. Cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu về tầm quan trọng của phát triển du lịch. Huyện huy động toàn dân chung tay, góp sức tham gia phát triển du lịch thông qua những việc làm cụ thể như: đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan tạo không gian xanh, sạch, đẹp; di dời chuồng trại gia súc ra xa khu nhà ở và xây dựng công trình vệ sinh. Một số loại hình du lịch mới được huyện đưa vào hoạt động như: dù lượn, leo núi, thám hiểm.
Nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống được huyện khôi phục, phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện đa dạng, tạo ra nhiều sự lựa chọn thu hút, hấp dẫn du khách. Anh Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cho biết: “Du lịch Tam Đường đang trên đà phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là khách du lịch đến huyện tham quan, nghỉ dưỡng tăng nhanh theo từng năm. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện thu hút 477.438 lượt du khách tham quan, du lịch với doanh thu 171,43 tỷ đồng. Huyện đã và đang đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc”.
Khách du lịch thăm quan bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu).
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Vừa qua, chúng tôi được trải nghiệm, khám phá những khu du lịch sinh thái mới cùng những điểm du lịch cộng đồng giàu bản sắc văn hóa dân tộc: Mông, Dao, Lự trên địa bàn huyện Tam Đường. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng mây của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn (tại xã Sơn Bình). Anh Nguyễn Văn Huân – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn cho biết: “Khu du lịch Cầu kính Rồng mây chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/11/2019, đến nay, thu hút gần 100 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan. Du khách đến Cầu kính Rồng mây được tận hưởng không khí trong lành, mát dịu hòa quyện vào làn sương trắng bồng bềnh như lạc vào tiên cảnh.
Video đang HOT
Hiện nay, công ty tiếp tục triển khai giai đoạn 2 gồm hệ thống khách sạn 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng, trò chơi gây cảm giác mạnh, cầu kính bám quanh vách núi dài 500m, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021″. Khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng mây được du khách mệnh danh là “Đường lên thiên đỉnh” với kỳ quan thiên nhiên, kiệt tác do tạo hóa ban tặng. Đến Khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng mây, du khách thỏa sức ngắm nhìn núi đồi trùng điệp, mây vờn quanh núi tạo cảm giác bồng bềnh, thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang, nương chè xanh ngút ngàn.
Khu du lịch sinh thái có hệ thống thang máy lồng kính với tổng chiều cao 300m, thiết kế 3 bề mặt kính trong suốt vươn lên độ cao 2.200m so với mực nước biển. Du khách Nguyễn Thị Vân Anh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) thích thú chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được khám phá Khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng mây đẹp, độc đáo với dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đứng trên cầu kính, tôi ngắm nhìn triền núi trải dài trùng điệp hòa quyện vào sắc mầu hoa đỗ quyên nở đỏ rực.Với cảnh mây, trời tuyệt đẹp, tôi quên hết mệt mỏi của cuộc sống thường nhật nơi đô thị”.
Đối với du khách muốn mạo hiểm, chắc hẳn loại hình du lịch thể thao dù lượn tại huyện Tam Đường là điểm đến tuyệt vời. Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện phối hợp với Câu lạc bộ Dù lượn Vietwings Hà Nội thường xuyên tổ chức môn thể thao mạo hiểm dù lượn. Mỗi năm, huyện thu hút hàng trăm lượt du khách (trong nước và quốc tế) tham gia thi đấu dù lượn, trong đó, điểm cất cánh tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) và hạ cánh tại Sân vận động huyện. Du khách tham gia cuộc thi được bay luyện tập và bay biểu diễn môn thể thao mạo hiểm dù lượn men theo triền núi, vượt qua đỉnh núi bốn mùa sương mù bao phủ như: đỉnh Pu Ta Leng cao trên 3.049m và đỉnh Tả Liên Sơn cao 2.993m.
Hiện nay, huyện Tam Đường có 12 điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh được quốc gia và tỉnh công nhận như: thác Tác Tình, động Tiên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng, hang Đông Pao, động Hủm Xanh, đèo Hoàng Liên Sơn; các bản: Sì Thâu Chải, Nà Luồng, Nà Khương, Lao Chải 1, Bản Thẳm và Bản Hon. Huyện xác định, du lịch cộng đồng là bước đệm vững chắc để phát triển toàn diện các dịch vụ du lịch. Để du lịch cộng đồng phát triển, người dân có vai trò quan trọng trong vệ sinh môi trường; chỉnh trang nội bản; lưu giữ, bảo tồn nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, ghế mây, thêu váy, áo.
Ông Cao Trang Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian qua, huyệnTam Đường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đoàn chuyên gia, Famtrip Hà Nội tham gia khảo sát các sản phẩm du lịch tại địa phương. Thông qua trải nghiệm, Đoàn Famtrip Hà Nội đánh giá sản phẩm du lịch Tam Đường đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Đây là nguồn tài nguyên, thiên nhiên tuyệt đẹp gắn với đời sống văn hóa của người dân. Đoàn Famtrip Hà Nội sẽ tạo các gói tour kích cầu thu hút khách du lịch đến với Tam Đường hiệu quả, xứng tầm với tiềm năng du lịch địa phương”.
Lai Châu: Sì Thâu Chải vươn mình
Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) có 62 hộ, 188 nhân khẩu, với 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống.
Những năm gần đây, cuộc sống của người dân trong bản đã thay đổi rõ nét, kinh tế gia đình từng bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Người dân bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu cắt tỉa hoa để phát triển du lịch cộng đồng
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại Sì Thâu Chải, một bản nhỏ của người dân tộc Dao thuộc xã Hồ Thầu. Hiện ra trước mắt chúng tôi thật thơ mộng với những đám mây lững lờ trôi, những thung lũng hoa hồng đua nhau khoe sắc dưới hiên nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian, càng làm cho Sì Thâu Chải mang vẻ đẹp cổ kính. Đặt chân tới đây, chúng tôi cảm nhận thấy cuộc sống thanh bình, không khí trong lành, mát mẻ cùng với những nụ cười hiền hòa, mến khách của người dân.
Đưa chúng tôi đi tham quan quanh bản, anh Lù A Nghi - Trưởng bản Sì Thâu Chải cho biết: "Những năm trước đây, đời sống của người dân trong bản còn nhiều thiếu thốn. Nằm ở độ cao hơn 1.400m, đường từ trung tâm thị trấn Tam Đường lên bản Sì Thâu Chải quanh co, uốn lượn qua các sườn núi khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, con đường vào bản nay đã được bê tông hóa giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản thuận tiện hơn. Từ khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi rõ nét, ánh sáng văn hóa đã giúp cho bà con được tiếp cận với nhiều những thông tin thời sự, các kiến thức khoa học kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào sản xuất. Bản tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng cây ăn quả ôn đới, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng... Đến nay, cuộc sống của người dân đã từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn 8% (năm 2019)".
Với phương châm "gần dân, bám dân", cán bộ bản thường xuyên đi tới từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, giúp người dân hiểu và nhận thức rõ hơn về các chính sách. Nhờ đó, người dân trong bản nhiệt tình hưởng ứng dự án trồng cây ăn quả ôn đới.
Đến nay, bản có 4ha lê, 9ha đào, 1ha mận, 2ha sơn tra đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Vào những ngày đầu xuân, du khách đến với Sì Thâu Chải sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn đào đỏ rực, màu trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận, màu vàng của những chậu địa lan chi chít bông đua nhau nở rộ càng làm cho bức tranh thiên nhiên nơi đây thêm thơ mộng, lôi cuốn khách du lịch.
Thời điểm này, đi dạo trên những con đường xung quanh bản, du khách còn được thưởng thức những trái đào chín mọng do chính tay người dân địa phương trồng. Cùng với đó, bản còn tập trung trồng và chăm sóc 40ha cây thảo quả, bản xác định thảo quả là cây trồng mũi nhọn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc phát triển chăn nuôi cũng được bản Sì Thâu Chải hết sức chú trọng. Người dân trong bản chịu khó tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm trong chăn nuôi, làm chuồng trại gắn với trồng cỏ, dự trữ thức ăn, biết áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh hợp lý...
Nhờ đó, đàn vật nuôi của bản sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay bản có 92 con trâu, 240 con lợn, hơn 1.000 con gia cầm. Anh Tẩn A Diêu (bản Sì Thâu Chải) cho biết: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi còn nhiều khó khăn, gia đình chỉ trồng lúa, ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Được cán bộ xã, bản tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn trồng hơn 100 cây đào chín sớm, 5ha thảo quả.
Ngoài ra, gia đình tôi còn đầu tư nuôi gần 100 con gà đen - giống gà cho giá trị kinh tế cao, đến nay kinh tế gia đình tôi đã khá hơn, thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/năm. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, tôi với các hộ trong bản thường xuyên dọn vệ sinh bản sạch sẽ, trồng và chăm sóc hoa, địa lan để thu hút khách du lịch".
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, bản thường xuyên tổ chức cho bà con quét dọn đường chăm sóc hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, bản xây dựng cổng chào mang những nét riêng biệt của từng hộ gia đình để tạo điểm nhấn, đầu tư những homestay đầy đủ tiện nghi để hấp dẫn du khách. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền bản cũng thường xuyên tổ chức các buổi họp bản để chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch, cho bà con xem những video về cách làm du lịch ở địa phương khác để người dân trong bản học hỏi kinh nghiệm, từ đó áp dụng phát triển du lịch tại địa phương.
Kinh tế từng bước phát triển, cuộc sống của người dân bản Sì Thâu Chải ngày một ấm no, các hộ gia đình trong bản có xe máy đi lại thuận tiện; có tivi cập nhật thông tin thời sự; có máy cày, máy bừa giải phóng sức lao động; trẻ nhỏ được tiêm đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần cho người dân. Nhiều năm nay, bản Sì Thâu Chải đều đạt danh hiệu bản văn hóa, không có gia đình sinh con thứ 3; 100% trẻ em trong độ tuổi được cắp sách đến trường...
Chia tay Sì Thâu Chải khi cái nắng cuối ngày dần buông nhưng những ấn tượng về bản vẫn im đậm trong tâm trí tôi. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với sự cần mẫn, chăm chỉ của người dân nơi dây, tin rằng, bản Sì Thâu Chải sẽ ngày một no ấm, cuộc sống của người dân sẽ ngày một đủ đầy, hạnh phúc.
Lai Châu: Du lịch nông thôn - hướng phát triển đầy tiềm năng Phát triển du lịch nông thôn không chỉ góp phần bảo tồn các di sản thiên nhiên, văn hóa, giữ gìn môi trường, mà còn tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Là tỉnh miền núi biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, Lai Châu đang sở...