Lạc vào xứ sở bí đao “siêu to khổng lồ” ở bàu Chánh Trạch
Bao đời nay, người dân sống ở bàu Chánh Trạch (thuộc thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nổi tiếng là xứ sở của những trái bí đao “khổng lồ” mà không vùng đất nào trồng được. Đến kỳ thu hoạch, mỗi trái bí đao đạt trọng lượng từ 50 – 60kg, thậm chí có trái đạt 80kg.
Một vựa bí khổng lồ ở bàu Chánh Trạch
Thăm vựa bí đao “khổng lồ”
Bàu Chánh Trạch là vùng trũng thấp, mỗi mùa lũ, phù sa tiếp tục vun đắp thêm màu mỡ nên trồng cây gì cũng tốt. Đặc biệt, người dân ở đây luôn tự hào về giống bí đao “khổng lồ” được trồng từ bàu. Hiện tại, thôn Chánh Trạch 1 có hơn 50 hộ trồng bí đao.
Bà Nguyễn Thị Én (62 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1) cho biết, người dân địa phương không ai biết nghề trồng bí đao có từ khi nào, chỉ biết thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Gia đình bà ít nhất đã 4 đời trồng bí đao nên gọi giống bí này là bí truyền thống, nghề này là nghề truyền thống. Vụ vừa qua, vườn bí đao với 100 gốc của gia đình bà nặng trĩu trái. Trái nào cũng xanh mướt, da mượt mà, nặng từ 50 – 60kg, thậm chí có trái đạt 80kg. Điều kì lạ là bí trồng hoàn toàn tự nhiên chứ nhà vườn không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích tăng trưởng nào.
Bà Nguyễn Thị Én bên trái bí đao to bự do tự tay mình trồng
Theo ông Trương Xuân Ngôn (70 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1), bí đao thường được xuống giống từ giữa tháng 11 đến đầu tháng Chạp âm lịch. Sau Tết Nguyên đán, dây bí bắt đầu ra hoa, kết trái. Thời điểm này, người trồng phải canh để lựa những trái đẹp mà giữ lại, mỗi dây bí chỉ giữ lại một trái. Khi bí bắt đầu được vài kg thì dùng dây để giữ bí không bị rớt khỏi giàn. Dây buộc bí thường là rơm quấn lại hoặc đoạn lưới chắc chắc dùng để đánh bắt trên biển. Đến cuối tháng 4 âm lịch, người trồng bắt đầu thu hoạch.
Video đang HOT
“Lúc thu hoạch phải có nhiều người để tránh cho bí khỏi bị rơi. Thường là một người cắt dây, 2 người giữ bí. Phải cẩn thận như vậy, bởi nếu rơi thì ruột bí sẽ bị động, không bảo quản được lâu. Cái hay là giống bí đao này có thể để cả năm mà không bị hư hỏng. Vì vậy bà con luôn giữ trong nhà một lượng bí để bán cho các sơ sở hoặc hộ gia đình sản xuất mứt bí trong dịp Tết Nguyên đán năm sau. Năm nay, giá bí đao ổn định, dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg nên người trồng cũng phấn khởi”, ông Ngôn cho biết.
Ông Ngôn dùng võng tự chế để giữ chặt bí đao trên giàn vì trọng lượng quá nặng
Ngoài thu hoạch trái, người dân còn thu hoạch nước hứng từ dây bí đao. Mỗi dây có thể lấy lên đến vài lít nước, giá mỗi lít dao động từ 70.000 – 100.000 đồng. Nước bí sẽ được đem cất vào can nhựa để trên 2 ngày cho nước lóng lại là có thể uống. Nước từ thân bí dùng để thanh nhiệt, mát gan, trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị hỏng.
Sản phẩm bí đao siêu khủng của bàu Chánh Trạch trưng bày tại triển lãm
“Sau khi thu hoạch trái, cắt dây bí đao cách mặt đất khoảng 1m rồi dùng chai, lọ hứng lấy nước. Trong vòng 1 – 3 ngày, nước từ thân dây có màu trắng đục sẽ tự chảy vào chai, lọ. Mỗi dây có thể cho từ 1 – 2 lít nước, tùy theo mức độ xanh tốt của dây. Điều đặc biệt, nước hứng từ các dây bí để càng lâu thì càng trong và thơm”, bà Én cho biết.
Liên kết phát triển du lịch cộng đồng
Điều kỳ lạ là giống bí đao này chỉ khi trồng trên đất bàu Chánh Trạch thì mới cho ra trái to “khổng lồ”, nếu đưa hạt giống đến ươm trồng ở nơi khác thì trái không to được như vậy. “Nhiều người dân vùng khác đến xin hạt giống, chúng tôi mang đúng loại giống đang trồng ra cho. Tuy nhiên, họ đem về gieo trồng thì cho trái rất nhỏ, giống bí đao bình thường”, ông Ngôn cười vui.
Sau khi thu hoạch trái, người dân sẽ thu hoạch nước hứng từ dây bí đao
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyên – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, tuy nằm sát biển nhưng phần lớn người dân sống ở bàu Chánh Trạch làm nghề nông. Từ bao đời này, vùng đất này có một sản vật bí đao đặc trưng. Bí đao “khổng lồ” chỉ vùng này mới có, đó là nhờ nguồn đất có mạch nước ngầm đặc biệt, giúp gốc bí luôn có độ ẩm tự nhiên để trái bí to kỳ lạ. Sản vật bí đao Chánh Trạch khá nổi tiếng vì thời gian qua nhiều nơi đã chọn trưng bày ở các dịp lễ hội phục vụ khách tham quan.
“Thời gian qua, chính quyền cấp trên thường xuyên hỗ trợ để chính quyền xã liên tục quảng bá sản phẩm bí đao “khổng lồ” ở bàu Chánh Trạch, tìm đầu ra và vị thế vững chắc cho sản phẩm. Trên cơ sở lợi thế đã đạt được, sắp tới chính quyền địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích. Hy vọng trong tương lai, đây sẽ là một sản phẩm đặc biệt của Mỹ Thọ và là nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân”, ông Tuyên cho biết.
Được biết, 3 năm trở lại đây, khi sản phẩm bí đao “khổng lồ” ở Chánh Trạch 1 dần nổi tiếng trên truyền thông, một công ty du lịch đã liên kết với các hộ dân trồng bí đao để triển khai tour du lịch cộng đồng đến đây. Khi đến mùa thu hoạch, họ đã đưa khách du lịch đến đây tham quan, chụp ảnh với những trái bí nặng bằng người lớn. Ngoài ra, du khách đến đây còn được thưởng thức các món làm từ bí đao như: canh bí đao hầm xương, trà bí đao sao trên than hồng… Đặc biệt là được uống nước bí đao nguyên chất. Nhiều du khách cũng không quên mua bí đao “khổng lồ” mang về để cả nhà dùng và biếu cho người thân./.
Theo Baophapluat.vn
Món súp bò hầm "siêu to khổng lồ" có nồi nước dùng đun sôi liên tục suốt 45 năm
Quán ăn này rất nổi tiếng ở Bangkok, mỗi ngày có hàng trăm người chờ đợi để được thưởng thức món súp bò hầm. Thế nhưng, bí mật hương vị của món ăn này khiến ai cùng rùng mình và phân vân không biết có nên ăn tiếp không.
Wattana Panich là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất ở khu phố Ekkamai của Bangkok, Thái Lan. Một trong những món ăn phổ biến nhất tại đây là món súp bò đậm đà, được chế biến từ xương bò, nội tạng cùng nhiều loại gia vị khác. Thế nhưng thành phần quan trọng nhất là nước dùng, dù tin hay không thì nó đã được đun sôi liên tục trong suốt 45 năm. Nghe có vẻ lạ nhưng đó lại là sự thật.
Theo chủ quán, nước dùng còn sót lại của ngày hôm qua thay vì vứt bỏ sẽ được lọc và bảo quản trong tủ lạnh, sao đó được cho vào mẻ súp cho ngày hôm sau. Họ đã làm điều này mỗi ngày trong hơn 4 thập kỷ và coi đó là bí quyết để có được nồi súp bò hầm ngon.
Wattana Panich dựa vào một phương pháp nấu ăn cũ được gọi là hầm vĩnh viễn. Cách hầm này về cơ bản liên quan tới việc nước dùng được đun sôi liên tục trong khi thêm các thành phần mới vào. Điều này đảm bảo nước dùng hấp thụ được nhiều hương vị khác từ các thành phần. Nguyên tắc đơn giản là nước dùng càng để lâu thì càng ngon.
Theo trang BK, chủ quản Wattana Panich làm mát nước dùng còn sót lại mỗi đêm và bảo quản trong tủ lạnh để tránh làm hỏng. Nó được sử dụng làm cơ sở cho món hầm ngày hôm sau. Đầu bếp thêm khoảng 25kg thịt bò nồi nước dùng cũ, hương vị của nước dùng sau hàng chục năm không ngừng tăng thêm hương vị.
Nattapong Kaweenuntawong là thế hệ thứ 3 của gia đình và ông đang điều hành cửa hàng Wattana Panich. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, một điều chắc chắn là họ sẽ sử dụng nước dùng theo cách mà ông bà và cha của mình đã làm từ trước đến giờ.
Trong trường hợp nhiều người thắc mắc rằng lớp vỏ cứng màu nâu xung quanh nồi hầm này, thì đây là bằng chứng cho thấy nước dùng tràn ra ngoài trong nhiều năm và khô lại. Chủ quán cho rằng họ không muốn làm sạch vì đây là bằng chứng của loại nước dùng 45 năm tuổi. Mặc dù trông không hợp vệ sinh nhưng nó lại là một phần trong lịch sử của món súp bò hầm siêu ngon tại đây.
Theo OD
Chơi lớn bằng nồi cua trứng "siêu to khổng lồ" và cái kết bất ngờ Cua nấu cùng với trứng nhưng với số lượng khổng lồ thế này thì thành phẩm sẽ như thế nào nhỉ? Một chàng trai Ấn Độ quyết định "chơi lớn" khi sử dụng 40 con cua cùng với 100 quả trứng vịt để làm ra một món "siêu to khổng lồ", thu hút rất đông người dân đến xem và nhận được sự...