Lạc trong tiếng trống xòe
Đến vùng Tây Bắc mộng mơ mà bỏ qua điệu múa xoè của người dân tộc Thái thì quả là một thiệt thòi. Có ai đó đã nói nếu không được “thực mục sở thị” chiếc trống xoè linh thiêng thì chưa thực sự hiểu được Tây Bắc.
Với tất cả sự yêu mến, hiếu kỳ bản sắc người Thái, chúng tôi đặt chân tới Mường Lò (Nghĩa Lộ – Yên Bái), nơi được mệnh danh là cái nôi, cái gốc của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Vừa đến đây, nét văn hoá đậm chất dân tộc đã hiển hiện ngay từ những mái nhà sàn đặc trưng và mái tóc “tằng cẩu” của những phụ nữ đã có chồng.
Mỗi bản làng của người Thái đều có chung một điệu múa xoè đẹp đến mê dụ. Trong mỗi bản làng ấy lại có những chiếc trống xoè linh thiêng nhưng cũng không kém lạ lùng. Để làm ra được những chiếc trống ấy là cả một kỳ công truyền từ đời này qua đời khác. Chiếc trống xoè dài đến 1,5m bọc bằng da trâu đực với những kỹ thuật căng, bọc tuyệt đỉnh. Một nghệ nhân già của Mường Lò bảo rằng, chỉ những người có uy tín và giỏi nghề mới được chọn để làm trống xoè, vì với người Thái đó là báu vật linh thiêng, là thứ tích âm thanh của trời đất.
Video đang HOT
“Không xoè không tốt lúa/Không xoè thóc cạn bồ/Không xoè trai gái không thành đôi”, câu hát ấy của người Thái vang lên theo điệu trống xoè và não bạt xập xình trên nhà sàn mỗi dịp tết đến xuân về, hay trong cả những dịp đám cưới, mừng tân gia… với những cô gái dịu dàng, xinh xắn, da trắng như bông hoa ban khiến không ít văn nhân tài tử mê đắm, gửi hồn mình theo những điệu múa vừa duyên vừa đằm thắm, hoang dại.
Mỗi bài hát, mỗi nhịp xoè đều mang một ý nghĩa nhân văn nhất định. Như điệu xoè “Nhôm Khăn” cảm ơn trời đất đã ban cho vụ mùa bội thu. Điệu xoè này sôi nổi, tung khăn lên cùng nhịp trống vang. Và ngoài kia, điệu xoè “Đổn Hôn” lại xác tín dù trời đất đổi thay thì lòng người không hề nghiêng ngả. Điệu xoè này hoà cùng ánh lửa bập bùng, trai gái cầm tay theo điệu trống sát vai nhau quay mãi, quay mãi cho đến lúc thành một vòng tròn rộng lớn và trở thành điệu đại xòe lớn cực đẹp.
Dù đã bao lần đến với Tây Bắc, nhưng chẳng thể nào quên đêm xòe bản Thái với những cô gái thắt đáy lưng ong, áo cóm khăn piêu. Và tôi nhớ mãi bài dân ca trữ tình: Kinh khửu huôm bó cựa/Khí hưa huôm ta bải/Ải cánh Noọng huôm nén liêu/ Panh xương nghịa păn pi nhá liêu (Ăn cơm chung nguồn muối/ Xuống suối chung thuyền chèo/Anh với em chung thủy đừng phai/Yêu thương ngàn năm đừng quên…).
Theo ANTD
Ăn tết Thái đen ở Mường Lò
Mờ sáng, bước chân trên con đường quanh co vào bản của người Thái đen nằm lọt thỏm trong thung lũng Mường Lò.
Gia đình người Thái quây quần bên mâm cơm
Khi màn sương còn phủ dầy không gian sớm, tôi đã nghe xung quanh rộn lên tiếng người cười nói, tiếng lợn hộc eng éc, và đây đó thoảng trong sương sớm, hương khói bếp đang ấm lên những rộn ràng. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi bước chân vào Bản Cại, xã Thạch Lương, thị trấn Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, một bản của người dân tộc Thái đen vào sáng sớm ngày 29 tết.
Đối với người Thái ở nhiều vùng trong cả nước, thường 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm, sau đó là thời gian nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng 27 hoặc 28, ông trưởng bản chủ trì tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29 thì các nhà bắt đầu gói bánh chưng và chuẩn bị đồ tết trong từng nhà. Cùng đến chung vui ngày tết với người dân tộc Thái đen ở Mường Lò mới thấy hết những nét độc đáo trong phong tục đón tết truyền thống của người dân tộc Thái đen nơi vùng cao Tây Bắc.
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Bánh trắng giống của người Kinh. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Người Thái quan niệm hương vị Tết trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong. Bánh chưng cũng là món chính để dâng lên tổ tiên khi làm lễ cúng giao thừa.
Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 là bữa cơm tất niên, có sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu chờ đón giao thừa, hương không bao giờ tắt. Thời khắc giao thừa, sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh chưng, các đồ thổ cẩm, bạc nén... nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra cùng đánh tại nhà.
Luộc bánh chưng vào sáng ngày 30 tết tại bản Cại
Tối 30 tết, trên bàn thờ đặt tại một góc trang trọng và riêng biệt ở góc gia phòng chính. Tấm rèm che được vén sang một bên và dọn sạch sẽ. Mâm cơm có gạo, muối, gà và thịt lợn được bầy lên để cúng giao thừa. Cả gia đình thay quần áo mới, phụ nữ mặc trang phục truyền thống của người Thái. Người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ làm lễ cúng thần linh mừng năm mới. Sau lễ cúng giao thừa, cả gia đình cùng ngồi bên mâm rượu, uống bát rượu đầu tiên trong năm và chúc mừng những điều may mắn, sung túc cho cả gia đình. Từ ngày hôm sau, ngày mùng một tết, mọi người sẽ đi chơi và chúc tết họ hàng và các gia đình trong bản, đi chúc ở đâu thì uống rượu, ăn cơm ở đó. Chiều mùng một sẽ làm lễ tạ, sau đó thì thanh niên nam nữ sẽ đi chơi xuân, người Thái sẽ chơi tết cho đến hết ngày mùng mười âm lịch mới thôi.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng tổ tiên (ma nhà). Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ như vậy mỗi ngày mùng Một Tết (hàng ngày, phụ nữ thường ăn sau hoặc ăn cùng đàn ông).
Từ ngày mùng 2 tết, tất cả các nhà trong bản sẽ đi chúc tết nhau, thanh niên nam nữ thì tổ chức vui chơi, những trò chơi dân gian như tung còn, xòe, lượn giao duyên... sẽ diễn ra khắp đầu thôn, cuối bản. Đây là dịp để thanh niên nam nữ người dân tộc Thái cùng vui chơi, tìm hiểu, yêu đương.
Theo ANTD
Người giữ "hồn" tiếng Thái bằng đa phương tiện Trăn trở với nguy cơ tiếng Thái bị lãng quên, ông Cà Văn Chung, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào việc học và đọc tiếng Thái. Sợ chim quên tiếng hót Ở Sơn La người dân tộc Thái chiếm đa số. Bản làng người Thái xưa kia cứ tết đến người già, trẻ con quây quần...