Lạ với tục 10 năm mới được động phòng
Trong 8 đến 12 năm ở rể, chàng trai người dân tộc Xinh Mun (Sơn La) tuyệt đối không được động phòng hoa chúc với người vợ trẻ, mà phải ngủ cách ly.
Nhiều người Xinh Mun xăm họ tên và năm sinh của mình lên tay để nhớ
10 năm mới được động phòng
Bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, bản của người Xinh Mun, nằm trên một dải đất có địa thế đặc biệt. Án ngữ ở phía tây là đỉnh Pha Lanh cao ngút ngát, nơi một giọt nước trời rơi xuống bị chẻ làm đôi, một nửa chảy về Việt Nam, một nửa ngấm vào đất Lào; phía đối diện là dòng Mã giang hung dữ, cục cằn, đêm ngày gầm gào như muốn phá nát vùng trời yên ả.
Cây cầu tre ọp ẹp bắc qua sông Mã dẫn vào bản Puông.
Muốn đến được bản Puông phải luồn qua những con đường mòn rậm rạp dẫn lối ra bờ sông Mã, sau đó “nghênh chiến” với tử thần khi đi qua chiếc cầu tre èo ọt, nổi lềnh phềnh trên mặt nước nhờ những chiếc thùng phuy sắt gắn phía dưới.
Mặc dù đã quen thuộc với tục hôn nhân ở rể của nhiều dân tộc vùng cao Tây Bắc như Thái, Dao, Tày…, nhưng sự hà khắc và những quy định “trần đời có một” trong tục ở rể truyền thống của người dân tộc Xinh Mun vẫn khiến nhiều người lấy làm lạ lùng.
Khi cái bụng của chàng trai và cô gái đã ưng nhau bố mẹ chàng trai sẽ mang một chai rượu đến nhà gái hỏi vợ cho con. Nếu được nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ rót rượu chung vui và bàn ngày cưới hỏi.
Lễ cưới hỏi của người Xinh Mun đơn giản đến bất ngờ. Nhà trai chỉ cần mang một con lợn hoặc một đôi gà (miễn là phải có đủ 1 chân) cùng hai vò rượu cần sang nhà gái, sau đó tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên và làm tằng cẩu cho cô dâu (tằng cẩu là mái tóc dài búi ngược, mang một thông điệp ý nghĩa, rằng từ nay cô gái đã có chồng, bông hoa rừng đã có chủ. Bất cứ chàng trai nào cũng không được tăm tia, chọc ghẹo).
Lễ cưới đơn sơ ấy phản ánh cái nghèo đến xơ xác của người Xinh Mun. Nhà gái chịu thiệt về vật chất, nhưng bù lại, họ được sở hữu một chàng rể sức vóc, đảm đương những việc nặng nhọc nhất, từ phát nương trồng ngô đến chăn trâu cắt cỏ, đan lát các vật dụng trong gia đình… từ 8 đến 12 năm.
Trong suốt thời gian ở rể, chàng trai phải ngủ cách ly trong một căn phòng bé xíu ở đầu hồi, tuyệt đối không được nằm cùng giường với vợ vì chưa trả đủ công ơn của bố mẹ nàng dâu.
Khi con gà rừng mới cất tiếng thứ tư, trời vẫn mờ tối, chàng rể lại lục tục dậy mài dao, cắt cỏ cho trâu ăn rồi cuốc bộ lên nương cầm gậy chọc lỗ tra hạt ngô, gánh nước tưới. Thời điểm bắp ngô bắt đầu phun những sợi râu đỏ tia tía đến khi thu hoạch, chàng trai không được về nhà mà phải khuân nồi, niêu và gạo lên lán nương tự nấu ăn và canh giữ.
Video đang HOT
Sau 12 năm trả xong nợ công nhà vợ và rước nàng dâu về nhà, bố vợ sẽ trả ơn chàng rể 2 con lợn giống, 2 cái chăn, 2 cái gối và một cái đệm. Về sau, thời gian ở rể rút ngắn xuống còn 6 năm, 2 năm còn lại phải trả bằng 6 đồng bạc trắng.
Có cặp vợ chồng không kiêng được chuyện giường chiếu, xé rào luật tục bị dân bản tẩy chay, gia đình từ mặt, phải bỏ bản đi nơi khác sinh sống. May thay, tục lệ hôn nhân hà khắc này dần dần được giảm bớt.
Khổ như làm lễ cúng lúa mới
Ngày trước, đất bản Puông tháng ngày không có lịch, thế nên chẳng ai quan tâm khi nào đến rằm, bao giờ đến Tết, ngày nào phải làm giỗ tổ tiên. Đối với người Xinh Mun, “Tết” chính là ngày cúng ma bản nhằm xua đuổi mọi tai ương, đến bây giờ vẫn được duy trì thường niên.
Người Xinh Mun mỗi năm chỉ dọn nhà 1 lần để đón mùa ban nở. Ảnh: cinet
Mỗi gia đình phải đóng góp rượu, gạo và tiền để mua một con lợn làm lễ cúng, sau đó hát hò nhảy múa linh đình. Theo một số cao niên trong bản kể lại, từ xa xưa, vào đúng ngày cúng ma bản, thầy mo sẽ làm bùa ngải để giết chết một người đi theo hầu hạ ma bản. Nhưng hành vi tàn nhẫn này đã bị xoá bỏ rất lâu.
Khi những bông lúa chín nhuộm vàng nương ruộng cũng là lúc các gia đình người Xinh Mun cúng hồn lúa. Nếu chưa làm nghi lễ này thì lúa chín rụng cũng không được thu hoạch, đói đến mấy cũng không được phép cầm liềm gặt, phải ăn củ nâu, củ mài sống qua ngày đoạn tháng.
Bởi, tổ tiên chưa được ăn thì con cháu chưa đến lượt. Lễ cúng phải có ít nhất 7 con vật sống trên rừng (như chuột dúi, gà rừng, chim, sâu măng – cây măng nhú cao đến đầu gối có sâu đục bên trong, lợn rừng, rắn, thằn lằn); ít nhất 7 con vật sống dưới nước (tôm, cua, cá, ốc, lươn, hến, trai); tất cả các loại dưa trồng trên nương; 4-5 ống cơm lam và một quả dừa.
Theo Xahoi
Đi tìm lời giải về những bí ẩn tục ngủ ngồi trong hang đá của người Rục (Kỳ cuối)
Cố công tìm hiểu những thuật đi ngủ ngồi đầy bí hiểm của người Rục ở Quảng Bình, nhưng điều chúng tôi nhận được luôn là những cái lắc đầu.
Mẹ con bà Cao Thị Mom (bản Ón) đang nghỉ trưa tại hang Khô
Hiện nay, những thuật bí hiểm như ngủ ngồi, thuật thổi thắt, thổi mở, thuật hấp hơi... chỉ có những thầy Ràng cao tuổi như thầy Cao Ống, Cao Lao ở xã Thượng Hóa là còn biết, nhưng họ nhất quyết "sống để bụng, chết mang theo".
Một xã hội "nguyên thủy" thu nhỏ?
Kể từ năm 1959, sau khi được tổ tuần tra biên giới Quảng Bình phát hiện và thuyết phục, người Rục đã "miễn cưỡng" về xuôi. Họ rời hang đá về thung lũng Trục Làn dựng lều và bắt đầu làm rẫy, trồng ngô... Họ cũng trồng lúa nhưng diện tích rất ít. Dù đã tiếp xúc dần với cuộc sống hiện đại, thế nhưng đến nay cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Chúng tôi đến bản Mò O (bản sâu nhất, nơi đóng đồn biên phòng Cà Xèng), dọc đường đi thỉnh thoảng lại thấy tốp người gùi gánh lên rẫy dù trời đang mưa tầm tã. Rẫy của họ nằm trên những dãy núi đá vôi sừng sững, có khi phải đi bộ và leo trèo hơn 3 giờ đồng hồ mới tới nơi. Ngoài mấy công rẫy gần nhà, mỗi lần lên rẫy họ phải đi bộ ít nhất 6-10 km đường rừng.
Anh Trần Xuân Tư (trưởng bản Ón) chỉ cho chúng tôi xem nỏ của người Rục
Dân trí thấp, cộng với việc ít giao lưu buôn bán bên ngoài, người Rục chủ yếu tự sản tự tiêu. Khi được hỏi dân bản ở đây trồng ngô, trồng sắn rồi tiêu thụ như thế nào, chị Hồ Thị Mai cho biết: "Ở đây ăn ngô ăn sắn là chủ yếu, mình làm mình ăn rứa thôi chứ không bán". Còn chị Hồ Thị Vinh thì chia sẻ: "Tui về đây bán hàng gần 10 năm rồi mà thấy cuộc sống của họ cực quá, họ thèm cơm lắm nhưng không có gạo ăn vì không có đất trồng lúa. Ở đây, họ thèm mì tôm lắm, người dưới xuôi lên cho gì, họ cũng mừng và nhận ngay không từ chối".
Đặc biệt, dân ở đây rất thích uống rượu, bất cứ thứ gì cũng có thể đem đổi thành rượu uống. Tiến sĩ Lê Đức Luận - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên bộ môn cơ sở văn hóa Việt Nam, từng tiếp xúc với người Rục cho hay: "Hiện nay, dù được Nhà nước quan tâm nhưng đời sống của họ còn khá nhiều khó khăn. Họ thèm cơm như người Kinh thèm xôi, tuy nhiên họ có thể lấy gạo Nhà nước cấp để nấu rượu uống hoặc đổi lấy rượu".
Sống quanh các dãy núi đá vôi, người Rục còn phải đối mặt thường xuyên với hiện tượng nước nhiễm vôi. Anh Trần Quang Trung, cán bộ trực đồn biên phòng 585 hãi hùng khi nhắc đến nguồn nước: "Tôi về đây đã hơn 1 năm, vẫn thường xuyên mua nước bình ngoài xã về, nhưng nước bình giá cao nên chủ yếu hứng nước mưa để dùng. Đồn đầu tư mua bạt về hứng nước để nấu ăn, chứ nước ở đây nấu cơm đen sì không ai dám ăn".
Tiếp xúc với cán bộ đồn biên phòng Cà Xèng, thiếu tá Trần Xuân Hường cho biết: "Người Rục ở đây có tổng cộng 364 khẩu, được sự giúp đỡ, chu cấp đầy đủ của Nhà nước, đến nay họ đã dần hòa nhập với cuộc sống hiện đại".
Chị Cao Thị Hậu (bản Mò O) đang làm hàng rào
Kỳ lạ tập tục ngủ ngồi trong hang đá
Ông Đinh Thanh Văn - Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thượng Hóa, cho hay người Rục trước đây thường sống du canh du cư, không ở 1 chỗ cố định. Dù được Nhà nước quan tâm xây nhà cho ở nhưng vẫn có nhiều người do đi làm rẫy khá xa nên thường ngủ lại ở các hang. Từ đó, họ có tục ngủ ngồi.
Người Rục xưa thường sống trong hang. Chị Cao Thị Bích Cứ (48 tuổi), bán hàng ở bản Mò O cho biết: "Năm tôi mười mấy tuổi, nhiều lần lên rừng kiếm củi cứ thấy các đống lá chuối khô trong các hang đá, thấy có đốt củi, đốt lửa, có chỗ nằm, hỏi ra mới biết ông Xoài ở bản Ón ở đây. Ông Xoài ở trong hang suốt, đến bây giờ vẫn còn ở. Vợ chết, ông lấy vợ khác, họ có căn nhà Nhà nước cho gần 40 triệu, lại bán rẻ 2 triệu ăn tiêu, sau đó tiếp tục lên hang ở". Khi chúng tôi hỏi đường đi tới hang thì chị lắc đầu "đường xa lắm, các chú đi không nổi đâu".
Thượng tá Bùi Văn Tiến - trực chỉ huy đồn biên phòng Cà Xèng cho biết: "Hiện nay người Rục đã có nhà nên còn rất ít trường hợp sống trong hang. Bản Mò O, bản Yên Hợp không còn. Riêng bản Ón thì còn một số người vẫn ở trong hang. Đến giờ, người trẻ không có ai ở hang, những người già còn sức khỏe thì thỉnh thoảng họ vẫn lên hang".
Ông Cao Tâm và hộp đựng đồ trang sức
Khi Nhà nước có chủ trương làm nhà cho người Rục ở, ban đầu họ cũng rất khó chịu khi nằm giường, nhất là những người già họ không quen. Một số người già lại vào hang đá ngủ ngồi, nhà để không. Anh Hoàng Văn Quý, người từng mang hàng cho bộ đội biên phòng đi mốc 536 (được xem là mốc cuối cùng thuộc biên giới Việt - Lào ở miền Tây Quảng Bình) cho biết: "Tục ngủ ngồi của dân tộc Rục là có thật. Tôi đi mốc vẫn thấy hoài, có lẽ do họ thường xuyên sống trong hang đá và săn bắt hái lượm nên phải ngủ ngồi để dễ bề tránh thú dữ".
Trưởng bản Ón - anh Trần Xuân Tư cho hay: "Hiện nay chỉ có bản Ón là còn vài người ngủ ngồi. Ở bản có Ông Cao Xuân Viêng, Cao Tâm (trên 70 tuổi) là hay lên hang, ông Cao Mền (gần 90 tuổi) giờ già yếu lắm nên không còn lên hang được nữa". Cho đến tận bây giờ người Rục vẫn còn giữ tục làm "cà xư". Theo chu kì cứ mỗi 3 năm cả đại gia đình sẽ vô rừng 1 lần và ở lại trong đó cả tuần, họ đưa gà, đưa ngô, lúa vào sinh sống như để hồi tưởng lại quá khứ đã qua.
Người Rục có thuật hấp hơi để tránh thú dữ. Mỗi khi vào rừng, họ chỉ cần đọc câu thần chú thì hổ, báo, voi rừng không dám tấn công. Tìm hiểu về thuật hấp hơi của người Rục, anh Tư nhiệt tình "bật mí" chúng tôi bí kíp khi tiếp xúc với người già ở Rục, nhất là những người có "hơi". Khi muốn vỗ vai, sờ lưng người già ở bản, trước đó chỉ cần nói câu "buổi buổi bắc cà giỏ" (ma quỷ hãy đi chỗ khác đi) như thế sẽ không bị gì, bằng không, tức thì bị "ám hơi" hộc máu hoặc quay ra ốm. Những ai yếu vía rất dễ dính hơi, họ đọc bùa chú mới đỡ được.
Tục ngủ ngồi nay không còn phố biến nhưng thi thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh này bên các vách đá
Ngoài ra, người Rục còn có thuật thổi thắt, thổi mở. "Thổi thắt" là thuật dùng bùa chú thổi hơi vào bát nước có sợi tóc hoặc sợi chỉ. Sau 30 phút đem cho người phụ nữ uống thì sinh hoạt vợ chồng sẽ không bị mang thai. Còn "thổi mở" thì ngược lại, dùng câu chú khác thổi vào bát nước, rồi đem người phụ nữ uống, sinh hoạt vợ chồng thì sẽ có con. Nó giống như người ta áp dụng phương pháp kế hoạch hóa gia đình hiện nay.
Thầy Ràng Cao Lao (ở bản Ón) cho biết hiện nay còn rất ít người có thể làm được thuật thổi thắt, thổi mở và thuật hấp hơi. Ông cũng thường thổi để chữa một số bệnh thông thường như đứt tay, bị rắn cắn, ăn cơm bị hóc xương... chỉ cần thổi vào nước rồi cho uống hoặc đắp lá rừng là khỏi.
Anh Cao Văn Đàn trưởng bản Mò O kể: "Thầy Ràng cũng giống thầy Mo. Mình đau ốm thì thường đi bệnh viện còn họ đem rượu đến cho ông Ràng nhờ thổi là khỏi ngay".
Tộc người Rục còn có cây cỏ máu (lã máu) cho phụ nữ sinh để uống rất tốt. Cây cỏ máu được mệnh danh là cây "thần". Những ai ốm yếu uống loại cây này vào da dẻ hồng hào, sức khỏe cải thiện. Anh Tư tự hào chia sẻ với chúng tôi: "Đất ở đây trồng khó sống, lã máu thường sinh sôi phát triển ở những chỗ rừng rậm, đất sạch. Người dân phải lên rừng sâu mới có, khai thác đem về bỏ trên bếp lửa hoặc xắt ra phơi nắng nấu nước uống. Phụ nữ mới sinh 3, 4 đêm uống vào là đi lại bình thường, không chóng mặt, đau đầu".
Về cây cỏ máu còn một điều bí ẩn, không biết là ngẫu nhiên hay có mối liên hệ tâm linh bí ẩn nào mà mỗi lần nhổ cây đưa về là có thể biết người thân mình sinh con trai hoặc gái ngay. Anh Tư hào hứng:"Kể cả sinh con trai hay giá, chỉ cẩn nhổ cây là biết liền. Có lần cha tui nhổ cây đưa về liền nói tôi đẻ con trai, tôi không tin nhưng đúng cả 2 lần vợ đều sinh con trai. Cứ rễ thẳng là con trai, rễ có nhánh thì là con gái. Người quanh đây thường "siêu âm" đoán giới tính của con bằng cách đó. Đúng đến 90%".
Những thuật bí hiểm của người Rục đến nay vẫn luôn là điều bí ẩn với Việt Nam và nhân loại. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi tìm lời giải đáp, tuy có điều, những người biết các thuật này đa phần "thất thập cổ lai hy", và họ không dễ dàng cởi mở cho các dân tộc khác biết. Tuổi già sức yếu, có thể một mai họ sẽ vui chơi tiên cảnh, vậy thì, nguy cơ những thuật này sẽ sớm mai một là rất cao trong tương lai.
Theo Xahoi
Những hủ tục ma chay "rùng rợn" chỉ có ở Việt Nam Đó là những hủ tục lạ lùng của người Việt trong chuyện ma chay, ví như tục đút cơm cho xác chết và đem tử thi ra "ngắm" mặt trời... Hủ tục rùng rợn của người Mông đã tồn tại hàng thế kỷ Hủ tục mẹ chết, con bị chôn sống "Dọ-tơm-amí" là hủ tục của tộc người Bana và Jrai ở Tây...