Là tiểu thư, thiếu gia nhà con một, chúng tôi đang chịu áp lực nặng nề
Làm con một không sung sướng như nhiều người nghĩ. Những tiểu thư, thiếu gia này luôn phải chịu đựng nỗi cô đơn khi không có anh chị em hoặc phải gánh vác trách nhiệm gấp nhiều lần những đứa trẻ có nhiều anh chị em.
Làm con một không sung sướng như mọi người tưởng
Hoàng Phúc là con một trong gia đình giàu có và nhận được trọn vẹn tình yêu thương của bố mẹ. Bất kể một món đồ nào dù đắt tiền đến mấy, chỉ cần Phúc muốn thì sẽ được bố mẹ mua cho.
Cũng vì là con một nên gánh nặng thừa kế công ty của gia đình đè lên vai thiếu gia này. Ngay từ nhỏ, Phúc đã được bố mẹ đưa đi học các lớp năng khiếu nghệ thuật để thể hiện tố chất của người thừa kế, đi học văn hóa thì môn nào cũng phải học tốt.
Phúc biết mình là đứa con duy nhất được bố mẹ đặt toàn bộ hi vọng và sự tự hào nên cảm thấy rất áp lực. Nhiều lúc anh cảm thấy rất cô đơn, mong ước có được một người anh hay em để cùng nhau chia sẻ áp lực trong cuộc sống.
Những đứa con một luôn thiệt thòi khi không có anh chị em sẻ chia khó khăn, áp lực cuộc sống. Ảnh minh họa.
Khác với Hoàng Phúc, Diệu Anh sinh ra là con một của một gia đình cơ bản, nề nếp. Dù là tiểu thư duy nhất nhưng Diệu Anh không được chiều chuộng yêu thương như những đứa con một khác. Cô luôn nhận được sự chăm sóc có phần khắt khe của gia đình.
Bởi bố mẹ Diệu Anh cho rằng “đã là con một thì càng phải nghiêm khắc dạy dỗ, chiều chuộng quá sẽ khiến bản thân tưởng là cái rốn của vũ trụ, sẽ sinh hư”. Khi nhìn bạn bè cùng trang lứa có chị, có em đi đâu cũng có nhau, Diệu Anh lại cảm thấy tủi thân khi mình là con một.
Niềm mong muốn càng lên đến đỉnh điểm khi Diệu Anh bị gia đình nhà người yêu từ chối khi biết cô là con một. Họ nói rằng kể cả khi cưới về thì cô vẫn phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi già yếu. Cô sẽ không thể toàn tâm toàn ý để lo lắng cho chồng con và nhà chồng được.
Nỗi cô đơn không chỉ đến với những đứa con mà đến với ngay cả những ông bố bà mẹ có con một. Như gia đình bác Điệp (Đà Nẵng) chỉ có duy nhất một đứa con trai, cả nhà dồn hết niềm yêu thương vào đứa con này.
Video đang HOT
Khi đến tuổi trưởng thành, cậu con trai sang Pháp làm việc và cưới vợ, định cư luôn ở nước ngoài. Không có con cháu trong nhà nên bác Điệp cảm thấy rất hiu quạnh, trống trải. Lúc đó, bác Điệp mới ước có thêm đứa con gái để ở gần, chăm sóc mình lúc tuổi già.
Cũng giống như gia đình bác Điệp, cô Hằng (Hà Nội) cũng chỉ có một đứa con trai duy nhất, thế nhưng đứa con trai này lại nhất quyết vào Nam lập nghiệp, sống tự lập và không ở chung cùng bố mẹ. Chiều con nên cô đồng ý để con ra ở riêng nhưng trong lòng cảm thấy rất buồn rầu vì không được ở gần con, luôn lo lắng cho sức khỏe của con.
Kết giao bạn bè, đi du lịch thường xuyên để giải quyết nỗi cơ đơn
TS. Phương Hoa (Khoa Tâm Lý – Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) cho biết: “Cảm giác cô đơn của những đứa con một trong gia đình xuất phát từ sự bao bọc kỹ càng của bố mẹ. Vì là con một nên đứa con phải gánh lấy sự kỳ vọng duy nhất từ bố mẹ, sẽ chỉ chăm chăm lo lắng làm sao để không làm bố mẹ thất vọng tạo nên áp lực trong suy nghĩ. Thường thì những đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy muốn được chia sẻ gánh vác này cùng ai đó nhưng không có anh chị em nên chắc chắn sẽ cảm thấy cô đơn”.
TS Phương Hoa cho biết thêm, để thoát khỏi sự cô đơn, có thể thử rất nhiều cách như kết giao bạn bè nhiều hơn, mở lòng hơn, tận hưởng các niềm vui trong cuộc sống, đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội, nuôi thú cưng…
Trong trường hợp của Hoàng Phúc, anh đã quyết định vượt qua nỗi cô đơn bằng cách kết giao nhiều bạn bè, tìm đến những người bạn tâm giao để tâm sự, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Phúc tham gia những cộng đồng khởi nghiệp trẻ tuổi để vừa giao lưu với những người cùng trang lứa, vừa học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, chuẩn bị tốt cho việc thừa kế công ty của bố mẹ.
Về phần Diệu Anh, sau khi trải qua cú sốc khi bị gia đình người yêu từ chối, cô nhận ra bố mẹ mới là nơi đón nhận, yêu thương cô. Vì muốn cô được chăm sóc tốt nên đã không sinh thêm con, để dành tiền bạc và công sức cho đứa con gái duy nhất.
Khi không cảm thấy mình thiệt thòi vì là con một nữa, Diệu Anh đã quyết định mở lòng hơn với bố mẹ, trò chuyện nhiều hơn và thường xuyên đưa bố mẹ đến nhà họ hàng thăm các anh chị em họ.
Không thể ngồi yên để chịu đựng nỗi cô đơn khi con cháu không ở bên, vợ chồng bác Điệp cũng đã quyết định đi du lịch nước ngoài trong những ngày tháng về già. Mỗi tháng, cậu con trai ở Pháp lại gửi tiền về để bố mẹ đi du lịch. Thăm thú hết các cảnh quan trong nước và các nước trong khu vực, vợ chồng bác Điệp lại đến châu Âu chơi rồi tranh thủ tạt vào nhà con trai ở Pháp để thăm các cháu.
Bác Điệp tâm sự: “Hai vợ chồng tôi đã đi gần 15 nước rồi, chủ yếu là các nước ở châu Âu để có thể vào thăm con. Con cháu thành đạt nhưng ở xa nên chỉ có thể đi du lịch để khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng, thi thoảng sang thăm và gặp được con thì tốt”.
Riêng cô Hằng thì không lựa chọn đi du lịch xa, dù đã về hưu nhưng vẫn còn rất khỏe nên cô tham gia vào các hội nhóm tại phường, thường xuyên đi làm các hoạt động tình nguyện cùng hội phụ nữ.
Đặc biệt, cô còn mua một con chó ngoại về nuôi dưỡng, vừa để giữ nhà vừa để khuây khỏa cho đỡ buồn. Có những lúc, cậu con trai từ miền Nam về thăm cô cũng phải tỏ ra giận dỗi khi cô… chăm chó còn hơn chăm con.
Theo Emdep
Em đã dành cả thanh xuân chỉ để yêu một người...
Hãy lựa chọn một cái kết tốt đẹp cho nó để có thể bắt đầu một câu chuyện về sau. Để rất lâu sau này, em có thể mỉm cười và nói rằng, em đã từng dành cả thanh xuân để yêu một người.
Ngày hôm qua, chị thấy em nức nở, như một đứa trẻ òa khóc. Từng giọt nước mắt cứ thi nhau rớt xuống tấm thiệp hồng em đang cầm. Đó là thiệp cưới của chàng trai em đã dành hơn 7 năm thanh xuân để yêu thương.
Lần đầu tiên trong đời, chị không đủ tự tin để an ủi cho em gái bé nhỏ của mình. Vì nỗi đau của em quá lớn, lớn đến mức tới cả việc ôm lấy em, chị cũng thấy mình thật bất lực.
Chị đã chứng kiến em lớn lên bên chị, từng hồn nhiên và tràn đầy hạnh phúc. Nhìn thấy em vui, em cười, em đau lòng... và cả thấy em yêu một chàng trai.
Em biết không, mỗi ngày, ngoài kia có hàng ngàn hàng vạn những lời chia tay được thốt ra. Đau lòng có, nhẹ nhàng cũng không thiếu. Và chị biết lời chia tay em từng nghe tổn thương và xót xa ra sao.
7 năm tuổi trẻ, em như dành cả thanh xuân để dành cho một người, thì sao lại không đau, không bật khóc cho được? Đã vậy thì cứ khóc cho cạn hết mớ tàn tro trong lòng, đau cho dứt những vụn vỡ hôm qua. Nhưng rồi ngày mai, em vẫn phải sống cuộc đời còn lại của mình, em có hiểu không?
Chị biết sẽ khó đấy vì mấy ai có thể quên được chàng trai trong quãng ngày dài đẹp đẽ của đời mình chứ. Cũng chẳng dễ để cho bản thân niềm tin một lần nữa khi đã cạn hết những năm tháng yêu đương một người.
Nhưng em à, người ta có thể yêu nhau đến gần nửa cuộc đời vẫn còn ra đi như chưa khi nào ở lại thiết tha kia mà. Tình yêu còn mỏng manh hơn hôn nhân gấp bội, đổ vỡ cũng dễ dàng quá đỗi. Không gì có thể chắc chắn ai sẽ bên ai cả đời, huống chi là 7 năm, hay là 10 năm, 20 năm.
Chị không đánh giá thấp tình yêu, nhưng cuộc sống thực tế phũ phàng chính là như vậy. Sẽ luôn có lúc tình yêu bất lực hết thảy trước tổn thương và bội bạc. Như việc người em nhớ thương cho đến lúc này, thật sự cũng đã không còn là chàng trai trẻ khi xưa.
Chị cũng hiểu tình yêu ngày hôm qua của em có thể khắc cốt ghi tâm nhưng nó không thể là cả cuộc đời của em. Nhân duyên trong cuộc đời này cũng có thời hạn rất rõ ràng. Tình yêu có duyên không phận thì thời hạn cũng chẳng nề hà bất cứ ai.
Thay vì cảm thấy tiếc nuối tháng năm, tình cảm em bỏ ra, hãy nghĩ mình đã từng biết yêu một người chân thành thế nào trong những năm tháng tươi trẻ nhất cuộc đời. Người ở bên em ngày đó có thể không phải là người theo em đến cuối đời.
Nhưng những trải nghiệm, ký ức, sự trưởng thành đã qua sẽ khiến em trưởng thành và mạnh mẽ hơn vào ngày mai. Ký ức có thể khiến người ta ám ảnh, cũng dễ dàng mang đến hạnh phúc. Quan trọng vẫn là cách em lựa chọn lưu giữ nó thế nào.
Và hơn hết mọi điều, đừng hành hạ mình bởi một tình yêu đã cũ. Cái gì đã cũ rồi thì chỉ nên nhìn lại, không thể là hiện tại hay tương lai của em. Tình yêu cũng như thế.
Ngay cả khi nó đã từng đẹp, từng gắn bó dài lâu với em thế nào, em cũng chỉ nên xếp nó vào một ngăn ký ức nào đó. Đừng quên, em còn phải sống, còn phải hạnh phúc. Và chị mong em, đừng bao giờ mất lòng tin vào tình yêu, dù có thế nào đi chăng nữa.
Tình yêu là điều đẹp đẽ nhất trên thế gian này. Một lời chia tay em phải nghe không thể là dấu chấm hết cho bất cứ điều gì. Đôi khi, người ta sẽ phải trải qua không ít đau lòng để có thể gặp một người xứng đáng.
Từ giờ đến lúc đó, em hãy cố gắng sống thật tích cực và ý nghĩa. Vì đến khi gặp được người ấy, tin chị đi, em sẽ thấy mọi khổ đau đã qua đều xứng đáng. Xứng đáng để được bên người đó cả đời.
Vì vậy, em gái nhỏ của chị, đoạn thanh xuân ấy hãy để nó vào nơi tận sâu trái tim của mình. Hãy nhớ về nó như một ký ức đẹp đẽ, không hơn không kém.
Hãy lựa chọn một cái kết tốt đẹp cho nó để có thể bắt đầu một câu chuyện về sau. Để rất lâu sau này, em có thể mỉm cười và nói rằng, em đã từng dành cả thanh xuân để yêu một người. Là tự hào vì mình đã có thể yêu thương đủ đầy, chứ đừng đau lòng vì mọi điều đã qua, em gái nhé...
Theo Emdep
28 tuổi tôi vẫn chưa biết làm gì ngoài đi làm công nhân Tôi không muốn làm công nhân, buồn chán, tẻ nhạt nhưng sợ cứ lông bông mãi không ổn định được công việc khi đã 28 tuổi. Tôi 28 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng một trường dân lập. Ở nơi tôi sống thì với tấm bằng này không thể xin được việc như mình mong muốn, vì thế tôi đã đi làm công nhân...