Lạ thật sự ở An Giang: Độc đáo khô cá sấu có một không hai!
Khô cá sấu – cái tên khiến không ít người e ngại. Thế nhưng, gần 2 năm nay, việc chế biến khô cá sấu là nguồn thu nhập chính của vợ chồng anh Phạm Chí Thiện (sinh năm 1992, ngụ ấp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn, An Giang).
Lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định với nghề làm khô cá sấu
Tìm hiểu nghề làm khô với nguyên liệu độc đáo là cá sấu, chúng tôi không khỏi háo hức, đợi chờ. Tiếp phóng viên là anh Chí Thiện, một thanh niên với nụ cười niềm nở, thân thiện. Anh Thiện cho biết, mình là người mang nghề làm khô cá sấu về quê nhà Thoại Sơn.
Lúc đầu, không tránh khỏi những ánh mắt dè dặt, lo sợ vì với bà con xung quanh, cá sấu là loài động vật hung hãn, thịt của nó khó mà ăn được? Kiên trì với suy nghĩ và quyết tâm của mình, anh Thiện đã thành lập Công ty TNHH MTV Thiện Phạm chuyên chế biến, sản xuất khô cá sấu.
Với sự giúp sức của anh em trong gia đình, đến thời điểm hiện tại, anh là người duy nhất thành công với ý tưởng khởi nghiệp khác lạ – làm khô cá sấu. Hiện, đơn hàng của anh Thiện có thường xuyên, chủ yếu là khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh.
“Trước đây, tôi sản xuất da cá sấu, còn thịt nghĩ là không có giá trị nên không quan tâm. Nhiều lần khách hàng hỏi sao không sản xuất khô cá sấu để tận dụng nguồn thịt thừa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Được một vài người bạn tư vấn, tôi thử mang ít thịt cá sấu làm khô rồi tặng anh em, người thân dùng thử. Tất cả đều chung ý kiến là khô rất ngon, thịt ngọt, không dai, thơm.
Thấy vậy, tôi mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh doanh thêm lĩnh vực khô cá sấu. Bạn hàng của tôi tập trung ở các tỉnh bạn, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh. Trung bình 3-5 ngày, tôi nhập về gần 1 tấn thịt cá sấu làm khô. Cuộc sống gia đình nhờ vậy khấm khá hơn” – anh Chí Thiện chia sẻ.
Với nguồn nguyên liệu nhập từ Bạc Liêu, khô cá sấu thành phẩm, anh Thiện bán với giá 300.000 – 330.000 đồng/kg nhưng còn phụ thuộc nhiều vào thời điểm. Tức, những khi hiếm hàng giá khô sẽ tăng, còn ngược lại giá sẽ thấp hơn. Để bảo quản tốt, thịt cá sấu trước khi chế biến phải được ướp trong nước đá lạnh.
Video đang HOT
Thịt thô mang về, người chế biến phải lóc hết phần mỡ thừa bỏ đi. Thịt sau khi được rửa sạch được cho vào khuôn ép thành hình chữ nhật. Tiếp theo, miếng thịt được cho vào lò sấy ở nhiệt độ cao, khoảng 7-8 tiếng sẽ cho ra thành phẩm khô cá sấu thơm ngon. Tuy nhiên, những miếng quá dày, chưa khô hẳn được phơi thêm một đợt nắng là có thể đóng gói chuyển cho bạn hàng.
Theo anh Thiện, công đoạn chế biến khô cá sấu không cầu kỳ, hay đòi hỏi kỹ thuật công phu, quan trọng là phải đảm bảo được miếng khô không bị sót mỡ và thịt phải tươi ngon. Phần mỡ thừa được cắt bỏ, anh Thiện bán lại cho những người nuôi cá làm thức ăn với giá rẻ, vừa tăng thêm nguồn thu, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cao điểm mùa Tết, số lượng thịt cá sấu được nhập về nhiều hơn, trên 1,5 tấn/đợt. Vậy là, với sự nghiên cứu, tìm hiểu, anh Thiện đã tạo nên thương hiệu khô cá sấu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Thiện đã tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1989, ngụ ấp Mỹ Giang, xã Thoại Giang) bày tỏ: “Tôi làm ở đây đã hơn 1 năm. Mỗi tháng được trả lương 4,2 triệu đồng, trung bình tiền công là 140.000 đồng/ngày. Lúc trước, tôi kiếm sống bằng nghề cấy lúa mướn nhưng bấp bênh, thu nhập không cao. Có ngày cấy quần quật từ sáng đến chiều được hơn 100.000 đồng. Từ khi vào đây làm, giờ giấc thoải mái, thu nhập có thể đảm bảo cuộc sống”.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú Đông Nguyễn Văn Song cho biết: “Nghề làm khô cá sấu tuy mới nhưng khá hiệu quả, mang đến thu nhập ổn định cho gia đình anh Phạm Chí Thiện.
Anh Thiện đảm bảo rất tốt khâu chế biến và xử lý chất thải nên không gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Nhờ có cơ sở của anh Thiện, hàng chục lao động nhàn rỗi của địa phương và các xã lân cận có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
Theo PV (TTMT)
An Giang: Lênh đênh theo con "cá chạy", trúng cá lớn kiếm tiền triệu
Lũ rút. Trên những khúc sông soi bóng những phận đời mưu sinh bằng nghề đặt lú ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Quanh năm, họ lấy xuồng làm nhà, lênh đênh theo con "cá chạy"...
Chầu chực trên sông
Ông Năm Cang (Trần Văn Cang, 55 tuổi, ngụ xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, An Giang) mới ở cái tuổi "ngũ thập" nhưng nhìn quá hom hem, già trước tuổi. Nhà không "cục đất chọi chim", từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, Năm Cang phải làm đủ thứ nghề, từ cắt lúa mướn đến giăng câu, thả lưới, rồi đặt lú ven sông, rạch. Chiếc ghe bầu của Năm Cang nay đã quá cũ kỹ, lỉnh kỉnh với đủ thứ đồ dùng và vật dụng gia đình. Chiếc ghe không chỉ là chỗ ở, mà còn là phương tiện sinh nhai của Năm Cang.
Bảy Lèo xuất bến đặt lú.
Cắm sào dưới chân cầu Tôn Đức Thắng, bên dòng Long Xuyên đã 6 năm, vợ, chồng Năm Cang xem đây là bến đỗ thứ 2 của gia đình. Ông ngậm ngùi chia sẻ: "Trong chuyến đi đặt lú, cực nhất là phải ngồi canh giữ ngư cụ suốt ngày lẫn đêm".
Ngồi chờ con nước "cá chạy", Năm Cang bồi hồi nhớ lại: "Ngày trước, gia đình tui sống bằng nghề làm thuê, cắt lúa mướn đủ đắp đổi qua ngày. Về sau, công nghệ phát triển, máy gặt đập liên hợp thịnh hành, tui xuống sông mưu sinh bằng nghề khai thác cá, tôm. Năm nào lũ lớn, cá, tôm bắt được nhiều, cuộc sống đỡ vất vả hơn".
Nhiều năm trong nghề "bà cậu", ông rất am hiểu về cách đặt, cách bố trí lú dưới sông sâu như thế nào để bắt được nhiều cá, tôm. Nhìn màu nước tháng 10 nhạt dần, Năm Cang quả quyết: "Nước rút rơi ngay vào mùng 6, mùng 9, mùng 10 (âm lịch), cá đồng ra sông lai rai, đặt lú thời điểm này sẽ thu hoạch khá nhiều".
Dỡ lú.
Mùa lũ năm nay, Năm Cang đầu tư 80 cái lú, với số tiền gần 20 triệu đồng để khai thác cá, tôm. Nhờ lũ lớn, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch cá, tôm nhiều hơn trước. "Lú chạy dính các loại cá như: cá trê, cá lóc, cá mè vinh, cá linh, tôm, tép... thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Hôm nào trúng mánh dính cá lớn, kiếm tiền triệu như không".
Năm Cang cho biết, nghề đặt lú thấy vậy không dễ ăn chút nào. Có người đầu tư cả trăm chiếc lú đem về đặt mãn mùa mà vẫn không lấy được vốn. Còn những người biết cách đặt, chỉ vài con nước kiếm được cả vốn lẫn lời. Đặt lú hơn nhau ở chỗ phải am hiểu được thời gian nào cá đi, cá ở và con nước nào "chạy" mạnh...
Thức thâu đêm
Màn đêm buông dài trên sông! Không gian càng cô liêu tĩnh mịch. Vậy mà, vợ, chồng Bảy Lèo (Nguyễn Văn Lèo, 71 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) phải gồng mình lặn ngụp dưới sông để thăm, giữ lú. Nhiều lúc buồn ngủ díu cả mắt nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi thu hoạch những "chiến lợi phẩm". Những người đặt lú bảo rằng, nghề "bà cậu" ráng đeo, một năm chỉ kiếm sống được trong mùa lũ. Nếu không cố gắng thức trông từng chiếc lú thì bị trộm "rinh", xem như trắng tay.
Niềm vui của bà con thu hoạch dính nhiều cá trong đêm.
Càng về đêm, mặt sông càng quạnh quẽ trăng treo. Lâu lâu, Bảy Lèo dỡ lú chạy đầy cá, tôm, ông nói với giọng đầy lạc quan: "Nghề đặt lú đã ăn vào máu của tụi tui. Mưu sinh về đêm riết cũng quen. Đặt lú mê nhất là thời điểm "cá chạy", kiếm được nhiều tiền, cảm thấy vui hơn". Những năm gần đây, nghề đặt lú dưới sông sâu đã trở nên quen thuộc và phổ biến trong mùa lũ. Bởi, loại ngư cụ này khai thác được cá, tôm dưới những chỗ sông sâu và nước chảy xiết.
Hôm gặp anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Vĩnh Trạch) đang lặn ngụp đặt những luồng lú gần bờ kè Nguyễn Du tại khúc sông Hậu thì mới biết, anh Đoàn là con trai lớn của Bảy Lèo. Mặc cho dòng nước chảy như "cắt cổ", anh Đoàn vẫn lặn xuống sông sâu để dỡ lú. Chiếc xuồng composite là nơi chất chứa ngư cụ, đồng thời cũng là căn nhà di động của gia đình anh Đoàn, gồm 4-5 nhân khẩu.
Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, anh Đoàn hì hục nói rằng, sống chung với lũ quen rồi. Dân trong nghề bảo với nhau, đây là nghề đặt "12 cửa ngục". Bởi, chiếc lú này có kích thước nhỏ hơn chiếc lú đặt trên đồng, trong quá trình đặt, khỏi làm đường ven rất tốn kém. Mặt lưới thưa và to hơn lưới cước nên chỉ khai thác cá to và ngon.
"Một đêm, tôi thu hoạch khoảng 4-5kg tôm, cá các loại, trừ chi phí cũng được 200.000 đồng"- anh Đoàn phấn khởi rồi tặc lưỡi than: "Đặt lú trên sông rất bấp bênh, khi bắt dính cá, tôm mang ra chợ bán còn khó khăn hơn. Bởi, không có nơi bán ổn định, phải ngồi chồm hổm tạm bợ ven đường".
Muốn đặt lú được nhiều cá, tôm, ngư dân phải chọn những dòng sông sâu, nước chảy cuồn cuộn, rày đây mai đó phiêu bạt khắp nơi. Lúc thì đặt ở quê nhà, khi nguồn cá dưới sông cạn kiệt thì họ di chuyển sang Đồng Tháp hoặc xuống tận Vĩnh Long, Tiền Giang đặt lú. Cuộc đời mưu sinh của họ gắn chặt với chiếc ghe bầu và sóng nước. Cận Tết, họ tạm gác công việc lên bờ sum vầy cùng gia đình, bè bạn được ít ngày, rồi quay lại cuộc sống mưu sinh với nghề hạ bạc.
Theo Thành Chinh (TTMT)
Giáo viên chủ nhiệm đánh nữ sinh lớp 7 hàng chục cây roi? Hiệu trưởng trường THCS Long Hòa ở huyện Phú Tân (An Giang) cho biết, giáo viên của trường mình đánh nữ sinh lớp 7 hàng chục cây roi. Liên quan đến thông tin thầy Lê Trường Thọ - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đánh học sinh nữ hàng chục...