Là nông dân vất vả, 5 lần 7 lượt thất bại sao anh này vẫn đam mê?
Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Duy Dự, xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã biến vùng đất 4ha ngoài đê ven sông Diêm Hộ cấy lúa kém hiệu quả thành trang trại bốn mùa xanh tươi, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Bại không nản
Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cái nghèo vẫn đeo bám, không thể để vợ con thiếu ăn, thiếu mặc, năm 2005, anh Dự đã mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trên 250 đầu lợn. Vào thời điểm đó, trang trại của anh đã lớn nhất, nhì huyện Thái Thụy.
Bưởi da xanh – cây ăn quả chủ lực trong trang trại của anh Nguyễn Duy Dự.
Song khởi đầu của anh không được như mong đợi bởi đàn lợn sắp đến ngày xuất chuồng thì bị dịch tai xanh khiến anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Khoác ba lô lên vai, anh Dự đi tìm vận may đổi đời nơi trời Nam. Rong ruổi qua 27 tỉnh, thành để tìm kiếm cơ hội làm giàu, cuối cùng anh quyết định dừng chân lập nghiệp tại Đắk Lắk.
Tại đây anh mua 30ha đất đầu tư trồng cao su, cà phê, điều, cây ăn quả. Đất đai nơi đây màu mỡ nên cây trồng phát triển tốt, cho nhiều trái ngọt.
Anh Dự chia sẻ: Thấy cây nào trong vườn cũng trĩu quả mừng lắm nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” bởi giao thông không thuận tiện, thị trường tiêu thụ khó khăn khiến nông sản làm ra không bán được hoặc bán như cho. Thêm một lần thất bại, thêm kinh nghiệm làm giàu, anh Dự chuyển nhượng lại vườn cây rồi trở về quê hương.
Lần trở về này của anh đúng thời điểm địa phương cho phép chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây, con giống có giá trị kinh tế cao nên anh Dự đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu 4ha trong vùng chuyển đổi ven sông Diêm Hộ đầu tư trên 2,5 tỷ đồng trồng cây ăn quả.
Ban đầu anh chọn trồng 1ha cây Phật thủ nhưng lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá” nên kết quả vẫn giống như 2 lần trước là thất bại.
Thành công nhờ đam mê
Video đang HOT
Liên tiếp thất bại nhưng anh không nản, vẫn đam mê với cây ăn quả. Lần này, anh nghiên cứu rất kỹ chất đất, nhu cầu thị trường rồi mới lựa chọn mua 3 giống cây độc, lạ, chất lượng cao, đang có sức tiêu thụ lớn là mít Thái, táo đào vàng, bưởi da xanh ở những nơi có uy tín cả trong nước và nước ngoài đưa về trồng.
Khách đến mua cây giống tại nông trại của anh Dự.
Hiện trong trang trại anh trồng trên 1.000 gốc táo đào vàng, gần 600 gốc mít Thái, 300 gốc bưởi da xanh. Sau 2 năm trồng, đến năm 2017, cây trong vườn bắt đầu cho trái ngọt, giờ đã cho thu hoạch ổn định. Táo thu khoảng 20 tấn/năm, được 300 – 350 triệu đồng. Mít một năm thu 4 lứa quả, 1 cây thu 1 – 1,5 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đến giờ gia đình đã thu hồi gần đủ vốn đầu tư.
Để cây sai quả, chất lượng cao, ít sâu bệnh, anh Dự rất chú trọng đến thời điểm chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh… Với cây mít còn thêm kỹ thuật chọn quả. Mỗi cây mít ra khoảng 100 – 200 quả, để quả to, múi dày, ngọt, giòn phải chọn quả nào để lại, quả nào bỏ đi.
Mít trồng đến năm thứ 3 thì bắt đầu lấy quả, năm đầu lấy quả để lại 1 – 2 quả, năm thứ 2 lấy quả để lại 3 – 4 quả… cứ thế tăng lên theo số năm. Đối với cây bưởi, nhiều sâu bệnh hơn các loại cây khác nên phải phun thuốc sinh học định kỳ từ khi cây bắt đầu ra chồi non, tiến hành cắt tỉa tán, kích thích bưởi ra hoa, đậu quả.
Anh gọi đây là công nghệ rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cao. Điều đáng mừng là cây trái được anh trồng, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ như chăm con mọn nên bốn mùa cho hoa thơm, quả ngọt, được khách hàng biết tiếng tới tận vườn mua, nhiều thời điểm không đủ quả bán.
Trong trang trại, anh Dự dành hẳn một khu để nghiên cứu, trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả độc, lạ như bưởi Phúc Kiến, bưởi Rubi, na Đài Loan, na Thái, mít Thái… Thử nghiệm thành công anh mới bán cho bà con về trồng. Khách mua cây giống của anh ở nhiều địa phương nên anh đã lập kênh youtube hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây, ai nhắn hỏi vấn đề gì anh trả lời, hướng dẫn tỉ mỉ.
Ông Nguyễn Văn Thảnh, thôn Khúc Mai, xã Thụy Thanh cho biết: Tôi thấy anh Dự có nhiều giống cây ăn quả độc, lạ, chất lượng cao nên nhiều năm nay đều mua cây giống ở đây để trồng cho các nông trại, nhà vườn có nhu cầu. Sau một thời gian, các chủ vườn chăm sóc theo đúng hướng dẫn của anh Dự cây nào cũng sai quả, quả ngon nên ngày càng tin tưởng chọn lựa cây giống của anh Dự.
Bà Hà Thị Thiềm, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) phấn khởi cho biết: Trước tôi đến mua 20 cây mít Thái của anh Dự về trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn đã cho quả, quả to, múi giòn, ngọt nên tôi với con gái lại tới mua thêm về trồng. Tôi mong anh Dự có thêm nhiều giống cây ăn quả chất lượng nữa cho bà con nông dân chúng tôi trồng để tăng thu nhập.
Không phải là người đầu tiên ra vùng chuyển đổi này nhưng anh Dự lại là người sở hữu trang trại rộng nhất và đạt được thành công nhất. Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX DVNN xã Thụy Thanh cho biết: Tại vùng đồng Hộn, xã chuyển đổi 30ha cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, có gần 40 hộ tham gia, trong đó có hộ anh Nguyễn Duy Dự. Các hộ chủ yếu phát triển chăn nuôi còn anh Dự lại chọn trồng cây ăn quả và ươm cây giống. Mô hình của anh Dự hiệu quả cao nhất xã.
Thời gian tới, anh Dự dự định sẽ đầu tư làm thêm cây ăn trái bon sai và làm nhà vườn sinh thái để thu hút khách đến vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh, ghi hình làm kỷ niệm vừa thưởng thức hoa quả ngay tại trang trại. Đây là một hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững mong anh sớm thực hiện và thành công.
Nhóm phóng viên
Trồng bưởi da xanh phải như ông Mót, lời 20 triệu mỗi tháng
Ông Nguyễn Văn Mót, ấp Bình Hòa B, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nhờ trồng bưởi da xanh mà trở nên khấm khá, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Ít ai biết rằng, trước khi trồng bưởi da xanh, gia đình ông Mót thuộc dạng nghèo "rớt mồng tơi".
Ấp Bình Hòa B, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có 231 hội viên nông dân. Thời gian qua nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, nhiều hội viên đã khấm khá hơn.
Thoát nghèo, vươn lên khấm khá
Nhờ trồng bưởi da xanh, nhiều hộ trong ấp Bình Hòa B không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình là nông dân Nguyễn Văn Mót, chính cây bưởi da xanh đã giúp ông đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh nhiều năm liền.
Ông Nguyễn Văn Mót đang chăm sóc vườn bưởi da xanh của gia đình. (ảnh: An Khương)
Gia đình ông Mót có 4 công đất ruộng nhưng giá cả, thị trường lúa hàng hóa bấp bênh nên gia đình thường "thiếu trước hụt sau", lại phải chăm lo cho 5 người con ăn học. Năm 2007 ông có dịp tìm hiểu và biết đến cây bưởi da xanh từ một người bạn, vậy là ông quyết định cải tạo đất lúa chuyển sang trồng bưởi da xanh.
Lúc đầu ông cũng hơi e dè vì vào thời điểm đó, trên địa bàn ấp cũng ít có ai trồng bưởi da xanh, có chăng chỉ vài cây trồng để ăn trong gia đình chứ không mang giá trị kinh tế. Ông Mót cho biết: "Ban đầu, tôi lên liếp 4 công đất ruộng gần nhà để trồng 200 gốc bưởi da xanh, sau 3 năm, vườn bưởi da xanh bắt đầu cho trái. Trong quá trình trồng tôi luôn tìm hiểu và chịu khó xin đi theo các thương lái quen biết tham quan các vườn bưởi da xanh ở nhiều nơi để tìm hiểu về cách chăm sóc, kỹ thuật bón phân, tỉa cành, giữ trái".
Đến nay, mỗi tháng trung bình vườn bưởi da xanh của ông Mót cho thu hoạch khoảng 400 đến 450kg trái, thương lái đến tận vườn mua với giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí phân, thuốc, ông thu lời trên 20 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ông Mót đang tập trung chăm sóc trái và hứa hẹn sẽ cho năng suất và lợi nhuận cao hơn trong dịp tết.
Ông Mót vui vẻ cho biết: "Đến nay, cây bưởi da xanh đã hoàn toàn cho thấy có khả năng thích ứng với vùng đất nơi đây, gia đình tôi cũng khá lên trong những năm gần đây là nhờ cây cây trồng này".
Là người gắn bó với cây bưởi da xanh lâu năm, ông Mót trở thành người có nhiều kinh nghiệm trồng bưởi tại ấp Bình Hòa B. Ông chia sẻ: "Muốn trồng được cây bưởi da xanh rất cần sự chịu khó, đây cũng không phải là loại cây trồng quá kén đất. Tuy nhiên, loại cây này có nhiều loại sâu bệnh như xơ mủ và sâu đục trái. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, phải chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh".
Những tấm gương sáng
Bên cạnh lợi nhuận từ cây bưởi da xanh, ông Mót còn có thêm thu nhập từ 5 công dừa Mã Lai. Hàng tháng nguồn thu từ loại cây trồng này cũng trên dưới 5 triệu đồng. Không chỉ dừng lại đó, ông Mót còn đầu tư nuôi 10 con bò sinh sản, cứ 3 năm cho 2 bê con, sau 6 tháng, bê con được bán với giá trung bình 15 triệu/con...
Như vậy mỗi năm, 10 con bò sinh sản cho gia đình ông Mót 6 đến 7 con bê, khoản thu nhập này cũng 100 triệu đồng. Lợi nhuận cao từ vườn bưởi da xanh và các mô hình nuôi, trồng hiệu quả khác đã giúp đời sống kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Mót thay đổi rõ rệt.
Không chỉ lo làm giàu cho gia đình, ông Mót còn là người hội viên nông dân nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động.
Ông và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào làm đường, sửa chữa đường lộ hư hỏng, hỗ trợ, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Vì người nghèo; hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh cho người dân địa phương, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn
Bằng ý chí, nghị lực, chịu khó, làm giàu từ chính đôi tay, hội viên nông dân Nguyễn Văn Mót thật sự là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua san xuất kinh doanh gioi để nhiều hội viên, nông dân trong ấp, ngoài xã học tập và làm theo.
Theo Danviet
Cà Mau: Đất phèn mặn trồng bưởi da xanh trái to hơn mặt người Khi đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Út Nam (Nguyễn Văn Nam, 52 tuổi, ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ai cũng mê. Trái bưởi to hơn mặt người, rất đều, mỗi trái gần 2 kg. Bên cạnh cây lúa, con tôm, nhiều vùng trong tỉnh xuất hiện các mô hình trồng cây ăn...