Lạ miệng món nộm da trâu của người Thái
Có dịp ghé thăm mảnh đất Sơn La, du khách đừng quên thưởng thức những món ẩm thực độc lạ của người dân địa phương, đặc biệt là nộm da trâu của đồng bào người Thái.
Mảnh đất Tây Bắc dễ níu chân du khách nhờ vẻ đẹp còn nguyên sơ, tình người nồng hậu, và hơn hết là nét ẩm thực độc đáo rất riêng của vùng cao. Nhờ sự sáng tạo cùng chút khéo léo của đôi tay người phụ nữ, từ nguyên liệu tưởng như rất đỗi bình thường nhưng vẫn tạo nên món ngon lạ miệng. Nộm da trâu của người Thái là một trong những món như vậy.
Da trâu sau khi nướng được cạo sạch lớp vỏ ngoài đen, tiếp tục luộc chín cho mềm
Người Kinh ở miền xuôi thường lấy da trâu làm mặt trống, thì dân tộc Thái lại tạo ra đặc sản của riêng mình. Nộm da trâu không quá khó khăn khi chế biến, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Ngoài nguyên liệu chính là da trâu, người Thái sử dụng rất nhiều gia vị khác nhau, khiến món ăn đậm cả sắc lẫn vị, tạo ra trải nghiệm ấn tượng khi lần đầu thưởng thức.
Công đoạn để có một miếng da trâu chế biến thành món ăn rất lâu công. Người nấu bếp phải tỉ mỉ hơ da lên bếp lửa cho sạch phần lông dày cứng. Vỏ ngoài cứng, đen của da được cạo sạch, chỉ để lại phần vàng trong. Tiếp đó, da được luộc trong nước sôi cho sạch bẩn, hết lông và tạo độ mềm.
Chuẩn bị các nguyên liệu gia vị để trộn nộm
Món ăn có vừa miệng hay không là nhờ công đoạn thái mỏng. Để thái được miếng da trâu cần nhiều công, từ dao thái bén ngọt, thớt gỗ nghiến dày. Miếng da to bản ban đầu dưới đôi tay khéo léo thái thành vát chéo, mỏng và đều tay. Mỗi miếng da lại có độ mỏng vừa phải, trong như hổ phách, giòn lật sật khi nhai, rất sướng miệng.
Gia vị cho món nộm được người Thái dùng rất nhiều, tạo nên nét đặc trưng không đâu có được. Ngoài những thứ thường thấy từ lạc, ớt, rau mùi, gừng, không thể thiếu mắc khén tạo nên độ cay nồng.
Người Thái không dùng dấm hay chanh tạo độ chua cho món nộm, thay vào đó là nước măng chua. Thứ nước ngâm măng tưởng chừng chẳng tác dụng gì, lại khiến da trâu mềm mượt hơn, nhưng vẫn giữ độ giòn lật sật, hòa quyện cùng các gia vị khác giúp giải ngấy.
Đĩa nộm da trâu của người Thái ở Sơn La thể hiện nét đẹp tinh túy trong nghệ thuật ẩm thực vùng Tây Bắc
Video đang HOT
Đĩa nộm như một bản tổng hòa của vị chua dịu thanh mát từ nước măng chua với cái giòn dai từ da trâu, bùi ngậy của lạc quyện trong hương rau thơm tươi mát với chút cay tê của mắc khén. Chẳng ai ngờ được, từ miếng da trâu cứng đanh lại biến hóa thành món ngon đặc sản hấp dẫn tới vậy.
Thực khách một lần đến với Sơn La thưởng thức nộm da trâu, nhấp cùng li rượu cay nồng do chính người bản địa tự nấu, mới thấy hết được những nét tinh túy trong nghệ thuật ẩm thực vùng Tây Bắc.
Đến Sơn La nhất định phải thử những món ăn này
Ngoài thưởng thức vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, ẩm thực Sơn La mang đến cho thực khách những nhớ thương khó lòng mà quên được. Khi đến Sơn La, bạn nhất định phải thử những món ăn này nhé!
Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp nghe có vẻ lạ tai nhưng thực chất là cá gập nướng. Nói đến cá nướng thì có ở nhiều vùng đất, nhưng pa pỉnh tộp có một đặc trưng riêng mà chỉ có người vùng cao mới chế biến được ra hương vị riêng biệt này. Bởi ngoài các gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng... thì đặc biệt không thể thiếu được mắc khén. Đây là gia vị đặc trưng riêng có của núi rừng Tây Bắc, giúp món cá ăn tăng vị đậm đà mà lại khử được mùi tanh.
Cá trước khi nướng được ướp với rất nhiều gia vị riêng của người vùng cao
Thường người Thái ở Sơn La hay chọn các loại cá như cá chép, trắm hay trôi. Cá không cần quá to mà chỉ cần vài lạng, sau khi làm sạch cá được mổ dọc sống lưng, bỏ mật và cho các loại gia vị nói trên vào. Người ta gập đôi cá rồi dùng que tre kẹp chặt và nướng cá trên than hồng. Khi cá chín toả mùi thơm nức. Ăn miếng cá nướng, cảm nhận cả mùi vị của núi rừng Tây Bắc đang lan toả trong khoang miệng.
Để món Pa pỉnh tộp thơm ngon không thể thiếu hạt mắc kén
Canh mọ
Canh mọ, nghe tên có thể đoán đây là món ngon đặc trưng của người dân tộc vùng cao. Món ăn này thường xuất hiện trong những ngày lễ Tết của người Khơ Mú. Nguyên liệu chính từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ. Để không đơn điệu, thịt được trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre rồi nấu như cơm lam.
Canh mọ có nguyên liệu chính từ thịt chuột, chim, sóc
Thịt trâu gác bếp
Món ngon đặc trưng này vốn là đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến thịt trâu gác bếp Sơn La. Thịt trâu được róc thành miếng, tẩm ướp gia vị rồi hun bằng khói của than củi đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu.
Nộm da trâu
Da trâu vốn là một loại nguyên liệu được dùng để làm trống vì có đặc điểm rất dày, cứng và dai. Ấy thế nhưng, ở mảnh đất Sơn La, thứ da trâu ấy lại trở thành một đặc sản ẩm thực vô cùng lạ miệng và độc đáo - thấu da trâu hay nộm da trâu của người Thái.
Để giảm độ dai, người dân ở đây phải sơ chế da trâu qua những giai đoạn như hơ lửa, ngâm nước lã, lọc và đập da nhiều lần. Người vùng cao không dùng chanh hay dấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị vô cùng khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị.
Món nộm da trâu độc đáo của Sơn La
Cá hồi
Từ nhiều năm qua, cá hồi đã được nuôi tại nhiều địa điểm có nguồn nước lạnh, sạch như Sapa, Lai Châu, Sơn La... để phục vụ nhu cầu thực khách trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Đến Sơn La, du khách sẽ được thưởng thức 6 món được chế biến từ cá hồi: gỏi cá hồi ăn kèm với rau cải, gừng, tỏi, xoài, dứa, tía tô, lá chua, lá ổi; da cá hồi chiên; thịt cá hồi chiên (tẩm bột), cá hồi xông khói rất đặc trưng; lẩu cá hồi và cháo cá hồi. Nếu du khách mua cá tươi mang về, giá khoảng 350.000 đồng/kg.
Đến Sơn La bạn nhất định phải thưởng thức món cá hồi
Nậm pịa
Nếu người Mông ở Yên Bái có món thắng cố thì người Thái ở Sơn La có món nậm pịa. Nậm pịa được làm từ ruột non của trâu, bò hoặc dê. Ruột non làm sạch, nhồi thêm thịt, tiết tươi, đuôi dạ dày, cuống tim... kèm theo là gừng, sả, mắc khén, ớt, lá chanh băm. Sau đó, cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút để tạo món ăn sền sệt.
Trong tiếng Thái, "nậm" có nghĩa là canh, "pịa" là chất sền sệt ở trong ruột non của bò. Món có tên đơn giản là nậm pịa, tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nậm pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La, đây là món ăn truyền thống có từ rất lâu đời và được đồng bào dân tộc Thái rất yêu thích.
Món nậm pịa tuy rất ngon nhưng không dành cho những ai bị yếu bụng
Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng. Vừa ăn nậm pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm, ta lại thấy miếng nậm pịa đắng nơi đầu lưỡi và ngọt nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa tuy vậy nhưng lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.
Cháo mắc nhung
Cứ sau mỗi mùa gặt, những quả mắc nhung được gieo trồng ở trên nương bắt đầu chín. Người dân vùng Sơn La bắt đầu hái về rồi rửa sạch, sau đó chế biến thành nhiều món ăn, nổi tiếng trong đó là món cháo mắc nhung.
Quả mắc nhung có màu xanh, cùng họ với cà chua nhưng lại chỉ bé bằng hạt đu đủ chín. Vị xen lẫn giữa đắng pha trộn với ngọt và cay the. Tuy nhiên, để có được một nồi cháo mắc nhung ngon thì cũng phải tốn khá nhiều công đoạn thực hiện.
Để có món cháo mắc nhung chuẩn vị, người Sơn La thường chọn tấm đầu vụ gặt non, nấu cùng sườn lợn hun khói. Khi cháo chín tới, cho quả mắc nhung vào, đập dập thêm củ gừng, ớt nướng và sả. Ở một số nơi, người ta trộn quả mắc nhung với tấm, túm vào lá chuối buộc chặt, vùi trong tro bếp hoặc đồ xôi là đã có ngay một món mắc nhung sền sệt, đắng nhẹ, thơm cay ăn rất lạ miệng.
Món cháo mắc nhung thơm ngon bổ dưỡng
Ngày nay, cháo mắc nhung dần đã trở thành một món ăn được nhiều người ưa chuộng. Nhiều người thích món cháo này không chỉ bởi giá trị ẩm thực độc đáo mà còn nhờ bàn tay khéo léo, cẩn thận của người chế biến. Vào những ngày mùa đông giá rét, người dân Sơn La chỉ cần nấu một nồi cháo mắc nhung, ngồi quây quần bên bếp than đỏ lửa, múc ra từng bát cháo, xì xụp với gia đình, vừa thổi vừa ăn. Chỉ nghĩ thôi cũng chẳng còn cảm giác buốt giá, khắc nghiệt của mùa đông nữa.
Ốc đá Suối Bàng
Ốc đá Suối Bàng chỉ xuất hiện vào tầm tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, cũng chính là mùa mưa của vùng đất này. Người dân kể rằng vào mùa này nếu chăm chỉ bắt thì có khi bắt được cả chục kg ốc mang về.
Ốc ở Suối Bàng chỉ thường có vào mùa mưa, khi tiết trời ẩm ướt. Ốc ở đây chẳng cần lá chanh hay sả, cứ thế luộc suông là đủ giữ vị. Thậm chí, nước chấm cũng không cầu kỳ, rót từ chai, cho thêm vài lát ớt là ổn. Ốc đổ ra, mọi người quây quần ngồi vừa khêu vừa nói chuyện là đủ ấm cho ngày mưa.
Ốc đá Suối Bàng chỉ xuất hiện vào tầm tháng 4 đến tháng 8 hàng năm
Nếu muốn thưởng thức kiểu khác thì luộc ốc chín tới rồi đổ ra khêu, thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua... đều ngon. Cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Bạn sẽ có một bữa ăn đáng nhớ, một buổi tối thú vị khi ngủ nhà sàn để sáng hôm sau ra về lòng vẫn lâng lâng.
'Nhai mỏi miệng' nộm da trâu của người Thái ở Sơn La Đủ hương vị núi rừng Tây Bắc gói gọn trong đĩa nộm da trâu đơn giản mà bạn không thể tìm thấy ở nơi khác. Khó có thể tưởng tượng miếng da trâu thường dùng làm mặt trống cũng có thể ăn được. Thế nhưng ở Sơn La, đây là món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ khi có dịp đến...