Lạ mà hay: Nuôi loài cá kêu éc éc trong lồng, bán 300 ngàn đồng/ký
Ông Hồ Văn Nhiều, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã chuyển từ nuôi cá thác lác cườm sang nuôi cá heo đuôi đỏ-loài cá đuôi đỏ và kêu éc éc rất dễ thương. Ông Nhiều và 2 người anh, em ruột khác nuôi 9 bè cá heo đuôi đỏ, tới thời kỳ xuất bán, có ngày thương lái xuống cân cả 100 ký cá với giá từ 280.000-300.000 đồng/ký.
Mấy năm trước, nông dân ở xã Hòa Lạc (Phú Tân, tỉnh An Giang) phất lên nhờ mô hình nuôi cá nàng hai (thác lác cườm) thương phẩm. Xu hướng nuôi ngày càng nhiều khiến giá cả đầu ra bấp bênh, ông Hồ Văn Nhiều (ngụ ấp Hòa Bình 3) quyết định đổi hướng sang nuôi cá heo đuôi đỏ. Loài cá được ông Nhiều đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong số cá nuôi nước ngọt đang tạo sức hút mới với những bạn nghề.
Kiểm tra cá heo đuôi đỏ nuôi trong lồng tại gia đình ông Hồ Văn Nhiều, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Ông Nhiều cho biết, ngày trước nuôi cá nàng hai rất hiệu quả, song có thời điểm giá xuống thấp bất ngờ. Theo dõi qua mạng xã hội và trao đổi với người dân trong nghề ở huyện đầu nguồn An Phú, thấy nuôi cá heo đuôi đỏ hiệu quả kinh tế cao hơn nên ông Nhiều chuyển đổi để thử sức.
“Nhà có 3 anh em, từ năm 2017 đến nay thả nuôi tổng cộng 9 lồng bè. Sau 2 năm nuôi cho thấy, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Cá heo thương phẩm có giá 280.000-300.000 đồng/kg, cứ 2-3 ngày có bạn hàng đến nhà đặt mua từ vài chục đến 100kg, thu hoạch liên tục trong 2 tháng mới hết bè” – ông Nhiều thông tin.
Ông Nhiều nhận định, so với các loại cá nước ngọt, cá heo đuôi đỏ đang cho hiệu quả kinh tế cao. Chúng là loài cá tự nhiên, được xem là đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, chế biến thành nhiều món ngon, trong khi số hộ nuôi hiện nay không nhiều, nên đầu ra được khách hàng chủ động tìm kiếm.
Vì vậy, thấy hiệu quả từ những người tiên phong nuôi cá heo đuôi đỏ ở xã Hòa Lạc như hộ ông Hồ Văn Nhiều, dân nuôi cá khác đang muốn học hỏi để chuyển đổi.
Video đang HOT
Cá heo đuôi đỏ nuôi tại lồng bè nuôi của gia đình ông Hồ Văn Nhiều đang được xuất bán cho thương lái với giá từ 280.000-300.000 đồng/kg.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi các loại cá, nhưng ông Nhiều vẫn thừa nhận nuôi cá heo đuôi đỏ không hề dễ, phải chấp nhận tỷ lệ hao hụt cao, bù lại nhờ giá bán lý tưởng nên người nuôi vẫn có đồng lời hấp dẫn.
Cá heo có mình bóng, đuôi màu đỏ cam, đầu có 2 ngạnh, thức ăn của chúng là cá tạp xay nhuyễn trộn cám hoặc thức ăn công nghiệp.
Cá heo đuôi đỏ giống được ông Nhiều chọn mua chủ yếu ngoài tự nhiên do dân đặt đú ở An Phú cung cấp. Trong lồng bè đặt nhiều ống tre hoặc ống nhựa kết lại để cá trú ẩn, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Cá heo thường bị bệnh nấm ký sinh, tỷ lệ hao hụt cao (5-5 hoặc 6-4).
Theo ông Nhiều, quan trọng là chọn con giống mạnh khỏe, nhận biết sức khỏe của cá để định kỳ tạt thuốc diệt ký sinh trùng. Đến vụ thu hoạch, dù bị hao hụt tỷ lệ cao nhất người nuôi vẫn có thể bỏ túi từ 100-150 triệu đồng/bè. Cá heo sinh trưởng từ 5 – 7 tháng là đủ chuẩn bán ra nên 1 năm ông có thể nuôi đến 2 vụ, đảm bảo nguồn vốn tái đàn và thu nhập cho gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lạc Hồ Ngọc Lợi cho biết, theo chủ trương của địa phương, ngoài làm lúa, Hội Nông dân còn vận động bà con làm thêm nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập. Hộ dân nào có đất thì đào hầm nuôi cá, đem lại thu nhập hàng đầu là các mô hình nuôi cá tra, cá nàng hai, các loại cá giống, cá heo đuôi đỏ.
Đặc biệt, theo ông Lợi, xã Hòa Lạc có lợi thế nằm cặp sông Hậu dài 8km, hiện có nhiều hộ nuôi cá heo đuôi đỏ bằng lồng bè. Qua 2 năm, mô hình này đem lại hiệu quả cao, phát triển từ vài bè thử nghiệm ban đầu nay có hơn chục bè chuyên nuôi cá heo đuôi đỏ thương phẩm, mỗi bè bình quân thả nuôi 1 tấn.
“Đối với những hộ nuôi thành công, địa phương khuyến khích mở rộng và sẵn sàng hỗ trợ về vốn. Còn những hộ đang muốn học theo, Hội Nông dân sẽ khảo sát nhu cầu, điều kiện và giúp đỡ bà con tiếp cận các nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, địa phương sẽ phối hợp ngành chức năng mở lớp đào tạo kỹ thuật nuôi cá heo đuôi đỏ cho nông dân để vận dụng kiến thức nuôi hiệu quả hơn…”, ông Hồ Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lạc.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
An Giang: Đón vụ trầu Tết, cả làng sống khỏe re bởi đếm lá ra tiền
Được mệnh danh là xứ trồng trầu của huyện Phú Tân (An Giang), "làng trầu" ở xã Long Hòa còn tự hào là nghề sống bền của người dân nơi đây. Cũng như nhiều ngành, nghề khác, trầu được tiêu thụ khá mạnh vào dịp cuối năm, kéo dài đến sau Tết. Năm nay, người dân xã Long Hòa đón vụ trầu Tết với tinh thần phấn khởi bởi giá bán cho thương lái cao hơn nhiều so năm trước.
Vụ thu hoạch trầu rộ đã bắt đầu khoảng 1 tháng nay. Nhiều năm gắn bó với những nọc trầu xanh mướt, nông dân có lúc "khắc khoải" với thăng trầm của nghề, nhưng ít ai từ bỏ cái nghiệp được ông bà trao lại. Bà con ở đây cho biết, hiện nay giá trầu ổn định khoảng 3 triệu đồng/1 muôn, sau khi trừ chi phí, còn lãi 2,5 triệu đồng...
Việc liễn trầu đem lại nguồn thu nhập cho phụ nữ và người cao tuổi ở "làng trầu" xã Long Hòa, huyện Tân Phú, tỉnh An Giang.
Thông thường vào vụ Tết, giá trầu tăng từ 7-8 triệu đồng/1 muôn. Với mức giá này, người dân yên tâm có nguồn thu khá để đón năm mới ấm cúng. Ông Lê Bảo Tự (81 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 1) bộc bạch: "Tôi nối ngôi theo cha gắn bó cho tới bây giờ và tiếp tục truyền lại cho con, cháu. Theo thói quen, đất trồng trầu thì chỉ phát triển trầu mà thôi, không hợp các loại cây trồng khác".
Ngụ cùng ấp Long Hòa 1, ông Lê Văn De là thế hệ thứ 4 trong gia đình nối tiếp nghề trồng trầu. Tuổi đời 75 năm thì ông De đã có thâm niên hơn 60 năm kinh nghiệm chăm sóc trầu.
Ông De chia sẻ: "So với trước đây, diện tích trầu đã thu hẹp. Riêng tôi không nỡ bỏ vì quá yêu nghề. Trước hết là hiệu quả thực tế, cứ 15 - 20 ngày trầu lại cho 1 đợt hái, thương lái đến tận nhà thu mua, gia đình có thu nhập, tạm gọi là khấm khá. Một năm trầu có nhiều đợt bán rộ, những lúc thất bát cũng được bù trừ đắp đổi, tính ra mình không lỗ. Trầu không bao giờ phụ lòng người!".
Gia đình ông De trồng 800 gốc trầu/1.000m2, xen kẽ trầu tốt lẫn trầu tơ để có thu hoạch liên tục. Ông De cho biết, dây trầu chỉ "chịu" phân chuồng mới sống bền, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc. Giá trầu rất ít khi bị "rớt", chăm sóc trầu cũng khỏe, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ. Từ người trồng trầu đến liễn trầu (đếm lá), từ người già đến trẻ em, ai cũng có việc làm và thu nhập.
Theo thống kê, xã Long Hòa hiện có khoảng 5.000m2 diện tích đất trồng trầu, với hơn 40 hộ tham gia. Dây trầu từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 4 tháng. Sau 1 năm dây bò lên phủ nọc cũng là thời điểm trầu cho sản lượng lá cao nhất và duy trì trong 3 năm. Với mỗi nhánh trầu mới, khi thu hoạch bao giờ người hái cũng chừa lại lá nhỏ kế tiếp lá to để nuôi trong nửa tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Nguyễn Minh Hiền cho biết, trồng trầu là nghề truyền thống lâu đời. Trước năm 1975, trầu đã là kinh tế chính của hàng chục hộ, cũng là nơi thuận lợi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Vì truyền thống đó và hiệu quả kinh tế, nhiều hộ quyết tâm giữ nghề đến nay.
Hàng tháng, trầu cho thu hoạch 2 cử, cao điểm vào Tết cổ truyền của người Việt phục vụ nhu cầu cúng, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và vía Bà Chúa xứ núi Sam... giá trầu sẽ tăng vọt mang lại lợi nhuận cao hơn.
Theo nhận định của bà con, do thời tiết bất lợi, năng suất trầu năm nay không cao bằng năm ngoái. Tuy nhiên, bù lại giá trầu sẽ tiếp tục tăng, nếu ngày thường trầu có giá 3-5 triệu đồng, hiện nay tăng lên 7-8 triệu đồng và chưa dừng lại.
Nhờ đó, người dân vẫn đảm bảo nguồn sống, trang trải cho gia đình xoay trở liên tục. Cũng theo ông Hiền, diện tích trầu đang bị thu hẹp do nhiều hộ không có con, cháu nối nghề, một phần do trầu bị lão theo cách nhân giống truyền thống, đất đai giảm độ phì nhiêu...
Theo Mỹ Hạnh (TTMT)
"Thầy giáo" dạy tiếng Hàn "bất đắc dĩ" ở thôn Đồi Lánh" Đến thôn Đồi Lánh xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang) nói đến gia đình anh Phạm Văn Yên, Chi hội trưởng chi Hội Nông dân thôn và chị Quản Thị Chuyên - vợ anh thì từ các cháu học sinh đến người già, ai cũng biết. Bởi anh chị không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn luôn gần gũi và...