Lạ mà hay: Ghép mắt cam non lên gốc bưởi già, 1 cây cho 4 tạ quả
Một cây cam cho thu 2-3 tạ quả, thậm chí 4 tạ quả không còn là chuyện lạ ở đất Mường. Cách làm đầy sáng tạo của ông Hoàng Văn Sơn – lão nông xứ Mường là tận dụng gốc bưởi già để ghép mắt cam. Cây có mắt ghép vừa khỏe lại chống chọi tốt với sâu bệnh, cho năng suất từ 2-4 tạ quả…
Ông Hoàng Văn Sơn, ở khu 1 thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là người chuyên nung vôi bán cho người trồng cam. Quê ông ở Thái Bình, nhưng sau nhiều năm ở thủ phủ cam, nên ông cũng dần đam mê nghiệp trồng cây có múi. Từ mảnh vườn nhỏ ban đầu, giờ ông cũng có trên 1ha cam. Điều đáng nói là tuy đi sau, nhưng ông Sơn lại luôn tìm tòi ra cách làm mới để nâng cao năng suất và chất lượng của cây cam.
Ông Sơn Hoàng Văn Sơn đang kiểm tra vườn cam.
“Cây có múi dễ tính. Từ gốc bưởi, mình có thể ghép cam Canh, cam lòng vàng và cam Velencia. Nhà tôi có mấy gốc cây bưởi Mỹ, tôi đã cắt hết các cành, đợi cây nảy mầm thì ghép cam Valencia vào…”, ông Sơn chia sẻ.
Ý định ban đầu của ông Sơn là tiếc gốc bưởi to bằng cái phích, không ngờ cách làm đó lại mang lại hiệu quả kép. Mắt ghép cam trên gốc bưởi phát triển tốt. Sau 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. Đến năm thứ 3, cây cam ghép trên gốc bưởi lại cho năng suất cao gấp đôi so với cây cam khác không được ghép. Quả cam trên cây ghép cũng cho chất lượng và mẫu mã đẹp hơn. Đặc biệt là nhờ sống trên gốc bưởi già, cây cam gần như không mắc bệnh.
Video đang HOT
Cam ghép trên thân bưởi già luôn cho năng suất cao.
Vườn cam của ông Sơn rộng khoảng 1ha, cây khỏe đều, lá xanh, cây nào quả đầu vụ cũng sai chi chít. Từ ngày trồng cam, chưa khi nào ông bị mất mùa. Một trong những nguyên nhân vườn cam luôn được mùa là ông có những biện pháp kỹ thuật, chăm sóc tốt, biết khoanh gốc để cây cam ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Trung bình mỗi cây cho thu 3 – 4 tạ quả, tính giá hiện tại cũng có 6-7 triệu đồng /cây.
Năm nay, cam ghép trên thân bưởi năng suất không thua mọi năm. ông Sơn chia sẻ: “Khi cây bưởi đã già, sâu bệnh nhiều, khả năng cho quả thấp, hiệu quả kinh tế không cao, bà con không nên chặt bỏ để trồng cây khác mà nên tận dụng gốc bưởi làm gốc ghép để cải tạo bằng các giống cây có múi khác như cam chẳng hạn…”.
Theo Danviet
LẠ MÀ HAY: Trồng tre tàu "3 trong 1", bán từ lá, măng, tới gốc già
Bà Đỗ Thị Bắc, khu phố 8, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (Bình Phước) trồng 265 cây tre tàu, vụ thu hoạch đầu tiên đã lời tới 325 triệu đồng. Nhiều hộ dân thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng măng tre khu phố 8 cho hay, tre tàu là cây trồng "3 trong 1" bởi có thể bán lá, măng và gốc già...
Năm 2014, giá mủ cao su giảm sâu, nhiều hộ nông dân ở khu phố 8, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành, Bình Phước) loay hoay tìm đáp án cho bài toán kinh tế gia đình. Sau 3 năm chọn và gắn bó với cây tre tàu, đến nay nhiều hộ dân nơi đây đã có cuộc sống sung túc.
Thu nhập cao từ cây tre tàu "3 trong 1"
"Sau khi phân tích kỹ ưu, nhược điểm, gia đình tôi quyết định chọn tre tàu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bởi chi phí đầu tư thấp (khoảng 53 triệu đồng/1,3 ha) gồm: Giống 2,8 triệu đồng; phân bón 2 đợt/năm khoảng 50 triệu đồng. Sau 10 tháng trồng tre cho thu với lợi nhuận 200 triệu đồng/năm" - ông Trần Văn Năm, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng măng tre khu phố 8 cho biết.
Ông Trần Văn Năm (phải)-Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng măng tre khu phố 8, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (Bình Phước) chăm sóc những gốc tre tàu đang trong thời kỳ cho khai thác măng.
"Trồng tre tàu rất nhanh thu hồi vốn. Lúc cây còn nhỏ thì bán lá cho tiểu thương làm bánh 3 đợt/năm, được 30 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch cao điểm thường phải dọn vườn, chặt bớt cây già để gốc phát triển. Những cây tre già được các vựa làm hàng thủ công, xây dựng thu mua với giá 10.000 đồng/cây. Sau vụ thu hoạch măng cao điểm vào tháng 2 và 6 thì cây tre còn cho thu lai rai cả năm. So với cây cao su 6 năm mới cho thu hoạch thì trong thời gian đó cây tre tàu đã cho thu trên 1 tỷ đồng. Vì hiệu quả kinh tế cao nên nông dân gọi tre tàu là cây "3 trong 1" - ông Năm hào hứng nói.
Là một trong những người tiên phong chọn cây tre tàu phát triển kinh tế, chị Đỗ Thị Bắc, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng măng tre khu phố 8, cho biết: "Nhờ tìm đúng đáp án cho bài toán kinh tế nên cuộc sống gia đình tôi đã khởi sắc hơn. Chỉ với 265 cây tre tàu, vụ thu hoạch đầu tiên sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lợi 325 triệu đồng. Đây là khoản thu cao hơn rất nhiều so với trồng cây nông sản, trong khi chi phí chăm sóc thấp và tiết kiệm công thu hoạch".
Liên kết để trồng tre tàu bền vững
Hiệu quả từ việc trồng cây tre tàu của những người đi trước như chị Bắc đã giúp các hộ trong khu phố 8 mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó số hộ trồng tre tàu ngày càng nhiều, sản lượng măng tăng. Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ trồng măng tre, Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành vận động và đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng măng tre khu phố 8 vào tháng 4-2017.
Tuy mới thành lập nhưng tổ đã thu hút 17 thành viên tham gia, ông Trần Văn Năm làm Tổ trưởng. Tổ có tổng diện tích trồng tre tàu đạt 11,05 ha và đang cho thu hoạch. Tổ chọn điểm thu mua măng tập trung tại nhà ông Năm, do chị Bắc phụ trách. Theo đó, chị Bắc thu gom và giao các vựa bán sỉ ở chợ đầu mối thành phố Hồ Chí Minh. "Trước đây, khi chưa thành lập tổ hội nghề nghiệp, chúng tôi thường bị thương lái ép giá, nhất là vào thu hoạch chính vụ sản lượng măng nhiều. Hiện nay, số măng của các thành viên trong tổ được thu gom và giao hàng cho thương lái ở chợ đầu mối thành phố Hồ Chí Minh nên giá ổn định. Hiện măng tre tàu có giá 24.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày thu khoảng 2 tấn/17 hộ thành viên..." - chị Bắc nói.
Ông Đoàn Văn Hải, Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành cho biết: "Thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng cây măng tre ở khu phố 8 đã giúp các thành viên có cơ hội trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây tre. Khi nông dân liên kết sản xuất sẽ đảm bảo quyền lợi về đầu ra sản phẩm, ổn định giá thị trường. Đồng thời, được sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách, vốn, kỹ thuật... nông dân như được "chắp thêm cánh" để phát triển mạnh mẽ hơn".
Trong 17 thành viên của tổ hội thì có 2 hộ hoàn cảnh rất khó khăn, đã được Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành hỗ trợ 65 triệu đồng/hộ để lắp hệ thống tưới tự động cho 5 sào măng tre/hộ. Tổ hội đang hoàn thành thủ tục hỗ trợ vay vốn với 10 triệu đồng/hộ để phục vụ sản xuất măng tre tàu...
Theo Nguyệt Cát (Báo Bình Phước)
LẠ MÀ HAY: Trồng nha đam trong thùng xốp, tôi ham vì có tiền triệu/ngày "Trồng nha đam trong thùng xốp lạ mà hay, tôi ham vì có tiền triệu mỗi ngày", anh Nguyễn Hồng Hiếu, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thổ lộ.Anh Hiếu cho biết, ban đầu anh trồng nha đam trong thùng xốp kiểu chơi chơi làm kiểng, ai dè từ đó lại có tiền... Ban đầu, được người bạn giới thiệu,...