Lạ lùng: Vùng đất đi tuốt lúa lê thê cả tháng, chẳng dám cắt, không dám đập
Trọn ngày, người nhanh tay cũng chỉ tuốt được chừng 3 gùi (khoảng 40kg). Mùa tuốt lúa bởi vậy có thể kéo dài tới cả tháng. Thế nhưng chẳng ai sốt ruột, chẳng ai nghĩ tới cách làm khác.
Với đồng bào cắt ngang thân lúa như người Kinh là cắt rời hồn lúa; đập lúa là làm làm đau hồn lúa, thần lúa sẽ sợ hãi bỏ đi
Ở đâu chẳng có làng, thế nhưng khái niệm “đi làng” có vẻ chỉ dành cho dân làng báo Tây Nguyên. Nó gợi lên những chuyến đi xa xôi đầy vất vả.
Tuy nhiên, với tôi đi làng lại là một cái thú không đâu sánh được, đặc biệt là vào mùa rẫy chín – cái mùa bộc phát rỡ ràng của nền văn hóa – văn minh nương rẫy…
Lạc giữa mùa vàng…
Tôi về làng Dit Prông tìm Rơ Lan Bă. Ông là cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm và cũng là một nghệ nhân có tiếng. Đường vào Dít Prông sâu hoắm ngợp giữa hai bức tường dã quỳ rừng rực. Từng mảng lúa chín nhấp nhô giữa triền xanh ngăn ngắt.
Trong cái nắng rất mỏng của mùa khô mới chớm, cảm giác như là những dải vàng được ai dát ra giữa lưng chừng dốc. Tiếng mõ đuổi chim, tiếng suối đàn t’rưng lảnh lót như vờn thêm sắc vàng cho từng gié lúa. Thỉnh thoảng một tiếng hú vọng đến để liền sau đó là những tiếng hú đáp trả, dài như níu cả hai bờ núi. Đại ngàn tĩnh mịch như chợt ấm lên…
Nhà Rơ Lan Bă ở ngay đầu làng. Đó là một ngôi nhà dài mái tranh đã mòn vì mưa nắng, lưng võng xuống vì sức nặng thời gian. Đã quen với phong tục, tôi cứ tự nhiên mở tấm liếp cửa khép hờ để ba lô vào rồi đi một vòng quanh làng.
Video đang HOT
Đang mùa tuốt lúa, giờ này trẻ con, người lớn đã lên rẫy hết, chỉ còn mấy cụ già ngồi sưởi nắng trước hiên nhà. Từng đàn lợn sề nhởn nhơ quanh những vũng nước nhoét nhoe dưới gầm sàn. Cơm đổ trắng đất mà chúng chẳng buồn ăn… Đã thấy cái no đủ đến thừa mứa như một sự bù trừ cho những chuỗi ngày vất vả với rẫy nương…
Là nguồn sống chủ yếu của người Tây Nguyên nhưng lại rất mong manh trong điều kiện tự nhiên không kém phần khắc nghiệt, cây lúa rẫy bởi vậy với đồng bào cũng có hồn, có thần (Yang H’ri ) theo quan niệm “vạn vật hữu linh”.
Lễ cúng rẫy của đồng bào Ba Na. Ảnh N.T
Người Tây Nguyên có nhiều lễ hội nhưng tựu trung được phân thành hai hệ thống: Lễ hội dành cho cây lúa rẫy và lễ hội cho một đời người. Trong vòng đời 7 tháng, cây lúa rẫy được con người dành cho đến 9 lễ hội thì đủ chứng tỏ sự tôn vinh đến nhọc nhằn cái nguồn sống nuôi mình… Trừ một đôi lễ mang tính cộng đồng được tổ chức tại làng, phần lớn.
Tôi hãy còn nhớ một câu chuyện khá bi hài: Những năm đầu giải phóng có một vị chức sắc xuống làng công tác. Đi qua vùng đất rẫy mênh mông, đang mót và không biết đồng bào có tục kiêng, ông ta cứ điềm nhiên “xả nỗi buồn”. Không may là chủ rẫy đi ngang bắt gặp, thế là ông ta bị dẫn về gặp già làng.
Mức phạt cho tội này, dù đã châm chước sự vô tình vẫn là một con heo hai nắm gạo để cúng tạ lỗi Yang H’ri. Ông tức giận la lối “Tôi tập kết ra Bắc, đã từng theo người ta mót từng mẫu phân bắc mang về quấy ra để tưới rau. Thế mà các người ở đây thấy phân lại sợ bẩn. Lạc hậu thế thì biết khi nào mới khá nổi…”.
Mặc cái lý của ông, luật làng vẫn cứ luật làng. Cuối cùng thì ông ta phải bỏ tiền mua một con heo 20kg nộp phạt…
Từ tháng 5 dương lịch cho đến mùa suốt lúa, quãng này ai xuống làng thường chỉ gặp người già và trẻ nhỏ. Người lớn đã ở hết trong rẫy. Nhà rẫy lúc này mới là nơi ở chính. Toàn bộ nhu cầu cuộc sống đã được rẫy cung cấp. Không chỉ với các loại rau dưa, cây trái, rẫy mùa này cũng là nguồn cung cấp các loại muông thú, cải thiện bữa ăn thường ngày vốn đạm bạc của đồng bào…
Từ khi hạt giống mới gieo xuống đất, ở rẫy đã suốt ngày lảnh lót giàn đồng ca của các loại chim. Và không hiếm khi sau một cơn mưa trút xuống, các chú nai, mang lại lò dò ra rẫy tìm lộc non… Tuyệt vời nhất là vào kỳ lúa trổ bông ngậm sữa. Hương thơm ngọt ngào của lúa không chỉ quyến rũ các loài chim mà còn dẫn dụ các loài gặm nhấm mò về.
Trong đó có, thỏ rừng và nhiều nhất là chuột. Cứ mỗi sáng thăm bẫy, ít nhất cũng được dăm bảy chú. Những chú chuột rừng béo múp, lông vàng khé. Làm sạch lông rồi đặt lên bếp than hồng, mỡ nhểu tong tả, mùi thơm nưng nức cả gian chòi. Thêm một ché rượu gạo sẽ được mở nắp. Thứ rượu đặc sản của người Ba Na ủ bằng hạt cỏ gạo với men thảo mộc tự chế cứ sánh như mật…
Hồn của lúa…
Loanh quanh giữa ngôi làng vắng mãi cũng chán, tôi quyết định ra rẫy tìm Rơ Lan Bă. Hỏi đường đi, một cụ già chỉ vào những sợi dây giăng từ đầu làng ra hướng rẫy ra dấu đi theo nó. Đó là dây đồng bào chăng để hồn lúa biết mà theo về nhà.
Men theo những sợi dây dẫn hồn lúa non cả cây số, những ô lúa vàng như chiếu trải, rưng rức chín đã hiện ra trước mắt tôi. Mỗi ô có khoảng bốn, năm người đang cặm cụi tuốt lúa.
Thu hoạch lúa rẫy. Ảnh N.T
Tôi đi tới ô rẫy gần nhất để mục sở thị cái kiểu thu thoạch lần đầu được thấy trong đời. Họ đeo mỗi người một chiếc gùi nhỏ trước bụng, tay trái nắm chặt đầu bông, tay phải tuốt hạt vào gùi, thong thả nâng từng bông, cứ như là nhẩn nha niềm sung sướng của mình…
Trọn ngày, người nhanh tay cũng chỉ tuốt được chừng 3 gùi (khoảng 40kg). Mùa tuốt lúa bởi vậy có thể kéo dài tới cả tháng. Thế nhưng chẳng ai sốt ruột, chẳng ai nghĩ tới cách làm khác. Với đồng bào cắt ngang thân lúa như người Kinh là cắt rời hồn lúa; đập lúa là làm làm đau hồn lúa, thần lúa sẽ sợ hãi bỏ đi – và như thế sẽ mất mùa đói khát. Còn việc làm rơi rụng lúa trong khi tuốt – ấy cũng là để trả ơn đất đã có công nuôi dưỡng cây lúa sinh thành…
Đồng bào dân tộc vốn không biết chế biến bất kỳ một thứ bánh kẹo gì, bởi vậy kẹo, bánh đa, bánh rán… toàn những thứ không chỉ hấp dẫn trẻ con mà cả người lớn nữa. Không một đồng tiền mặt nào, tất cả đều “hàng đổi hàng”…
Rẫy nhà Rơ Lan Bă bên kia suối. Thấy còn phải đi thêm non cây số nữa, tôi đành quay về… Nắng mỏng dần từng lớp, hoàng hôn chớm thoa son trên những dãy núi xa mờ cũng là lúc một ngày mùa sắp kết thúc.
Người lớn đã về! Như mọc lên từ đất, lũ trẻ con túa ra. Những bánh xe đạp, những chiếc ôtô làm bằng vỏ can nhựa… tất cả gia tài tuổi thơ được chúng bưng ra hết. Đứa cởi truồng, đứa chỉ khoác hờ chiếc áo đã đứt hết cúc, chúng đuổi nhau chạy à à. Cái làng thiếp ngủ ban trưa như bỗng bừng thức dậy. Trên mỗi cầu thang nhà tiếng giã gạo đan nhau thình thịch. Hương gạo mới nồng nàn quánh vào khứu giác…
Đến nhà đã thấy ông Bă ngồi đợi bên tô thịt dúi luộc và ghè rượu nhỏ đã châm nước sẵn. Mấy người đàn ông đi qua ngõ nhìn vào. Thấy khách, chẳng đợi chủ mời, họ cứ tự nhiên nhập cuộc. Ai tới, ông Bă cũng giới thiệu “Đây là nhà báo” nhưng xem ra chẳng ai hiểu “nhà báo” là gì. Ông Bă nói: “Nhà báo là người làm ra tờ giấy có cái miệng nói cho nhiều người cùng biết chuyện hay, chuyện dở”. Một “định nghĩa” nhà báo quả thật là độc đáo lần đầu tiên tôi được nghe thấy trong đời!
Sáng hôm sau tôi thức dậy trên sàn nhà với tấm chăn chiên lấm lem bụi đất. Ngọ nguậy trong miệng chiếc lưỡi khô rát, tôi nhớ ra cuộc rượu hôm qua kéo dài đến quá nửa đêm. Rửa mặt mũi xong đã lại thấy ông Bă bê lên nồi cơm cùng một tô thịt dúi có ngọn. “Thịt dúi ở đâu mà nhiều thế?”. Ông cười: “Người làng nghe tin có khách nên gửi cho đấy mà”. Nói rồi ông đi xuống nhà dưới bê lên ghè rượu mới. Thấy tôi tỏ vẻ sợ hãi, ông cười: “Uống cho cái chân lên núi được khỏe, uống để mai mốt còn gặp nhau ăn cốm mới, mừng lúa mới rồi còn Pơ thi (bỏ mả) nữa chứ!”.
Đúng vậy, đây chỉ mới là khúc dạo đầu. Hãy còn chưa đến quãng thời gian sung mãn nhất mà bà con gọi là “năm ăn tháng uống”: Lá rừng như cũng nhuốm hơi men, ngõ làng đâu cũng những người chân nam đá chân chiêu rồi vạ vật với giấc ngủ hồn nhiên nơi gầm nhà hay gốc cây vệ đường…
Chợt bâng khuâng nhớ mùa lúa rẫy, nhớ cái màu vàng miên man trên thung đồi mà thuở ấy chưa ai nghĩ rằng đó là biểu tượng của lạc hậu, đói nghèo…