Lạ lùng: Làng “đu dây”
Cầu treo “ làng đu dây” (tiểu khu 154 thuộc xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) bị đứt chiều 16-12, kéo theo bảy người rơi xuống sông, trong đó có hai người bị trọng thương.
Anh A Khẩn, người vừa bị nạn, hoảng hốt thuật lại: “Lúc xảy ra tai nạn, trên cầu có bảy người đi bảy xe gắn máy vận chuyển lúa từ nương rẫy về nhà. Khi đến giữa cầu, gió thổi quá mạnh, vài xe máy chao đảo và bỗng nhiên nghe cái rầm, toàn bộ người và xe trên cầu rơi xuống sông”.
Tháng 9-2009, cầu treo tại tiểu khu 154 (xã Đắk Ang) đi qua làng Nông Nội (xã Đắk Nông) bị lũ cuốn đứt tan tành
Anh A Ớt ngồi ôm bụng kêu đau đớn cho biết thêm: “Trong số bảy xe đang đi trên cầu treo lúc đó chỉ có bốn xe chở bao lúa. Tôi bị rơi cả người và xe xuống sông Pô Kô, may chỗ đó nước cạn nên chỉ bị thương”.
Trong số bảy người rơi xuống sông, nặng nhất là anh A Súp và anh A Pren được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Ngọc Hồi. Theo các bác sĩ, khi rơi xuống, anh A Pren bị một cây gỗ dưới lòng sông đâm vào đùi, còn anh A Súp bị vật cứng đâm vào ngực.
Nhiều tháng sau đó, người dân tiểu khu 154 khi muốn qua sông đều phải đu dây như thế này
Đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông Pô Kô đục ngầu chảy xiết, anh A Dước đứng ngồi không yên khi chiếc xe máy – tài sản lớn nhất của gia đình – còn nằm dưới lòng sông. “Tôi và mọi người tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy, nước cuốn trôi xe rồi” – mắt A Dước đỏ hoe, nói.
Sau trận lũ lịch sử cuối năm 2009 đã cuốn trôi cầu treo qua tiểu khu 154 xã Đăk Ang. Gần 50 hộ gia đình bên kia sông Pô Kô đã có “sáng kiến” làm ròng rọc để đu dây qua sông. Khi các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện việc qua sông quá nguy hiểm này thì nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã quyên góp để xây dựng cầu.
Chỉ vài tháng sau đã có bốn cây cầu được khởi công xây dựng với số tiền trên 6 tỉ đồng. Cầu treo bị lật là cầu nối từ tiểu khu 154 (xã Đăk Ang đến làng Nông Nội (xã Đăk Nông) được đưa vào sử dụng từ tháng 7-2010.
Video đang HOT
Cầu treo được các nhà hảo tâm tài trợ mới khánh thành tháng 7-2010 nay đã bị lật. Có lẽ người dân tiểu khu 154 lại tiếp tục… đu dây
Cầu này do một nhà hảo tâm tài trợ trên 120 triệu đồng. Theo chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Nguyễn Thanh Hà, cầu treo chỉ dành cho người đi bộ nhưng người dân lại đi cả người và xe gắn máy để qua cầu, thậm chí không chỉ một xe mà có tới bảy xe chở theo hàng hóa nên xảy ra sự cố. Ông Nguyễn Thanh Hà còn nói việc thi công là do người dân tự làm, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ tiền.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Chín – một người dân – cho rằng: “Cầu treo này do huyện thiết kế, xây dựng chứ không phải người dân tự làm. Trong khi đang thi công người dân đã góp ý tại các điểm nối của dây cáp nên sử dụng hai chiếc khóa chữ u nhưng họ không nghe mà chỉ làm có một chiếc khóa nên không đảm bảo an toàn”. Nhiều người dân đều khẳng định sự cố cầu bị lật nghiêng là do kỹ thuật làm cầu không đảm bảo.
Chúng tôi gặp lại các em học sinh một thời phải đu dây thép đến trường, em nào cũng đầy lo lắng và hỏi: “Bây giờ chúng em lại phải tiếp tục đu dây để đến trường hả chú?”.
Theo Tuổi trẻ
Đắng lòng cảnh thiếu nữ lớp trưởng bỗng nhiên mất trí
Quỳnh suốt 10 năm liền là học sinh giỏi, lớp 10 em là lớp trưởng của lớp chọn giỏi nhất khối, thế nhưng giờ đây sinh mạng em đang bị đe dọa bởi bạo bệnh.
Bệnh tật tiếp nối tai ương
Cuối tháng 11, khi dư âm của trận lũ lịch sử đã không còn làm bận lòng người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, thì người dân ở xóm Phan Xá, xã Xuân Thủy lại xót xa khi nghe tin cô bé Lê Thị Thanh Quỳnh (sinh năm 1994) lại phải về nhà vì hết tiền chữa bệnh.
Trước đó, vào giữa tháng 8/2010, sau mùa hè đi học ở trường rất bình thường thì Thanh Quỳnh bỗng nhiên có thay đổi về sức khỏe, dù ở nhà hay đi học thì em đều cảm thấy uể oải, thường xuyên bị sốt, đau đầu.
Lo lắng cho con, mẹ Quỳnh là cô Nguyễn Thị Hương Lý đã đưa Quỳnh xuống bệnh viện Cuba - Đồng Hới để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Quỳnh bị bệnh viêm màng não. Trên cơ sở đó, bác sĩ cho thuốc uống, nhưng cũng từ đấy, Quỳnh mất dần nhận thức, thậm chí em còn không biết lúc nào cần đi tiểu tiện.
Lê Thanh Quỳnh bên anh trai và bố mẹ.
2 ngày sau, khi các bạn đang nô nức chuẩn bị khai giảng năm học mới thì người nhà thuê xe và y tá đưa Quỳnh đi vào bệnh viện Trung ương ở Huế. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà gia đình em đã rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính lẫn sức khỏe, khi trước đó mẹ Quỳnh vừa phẫu thuật u thanh quản. Mọi sinh hoạt trong gia đình dựa vào đồng lương ít ỏi của bố là 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng bố của Quỳnh là bác Lê Thanh Xuân đã phải nghỉ việc 4 tháng trời để chăm lo cho hai mẹ con.
Thiếu thốn nên gia đình em huy động họ hàng, làng xóm để có tiền cho con đi chữa bệnh. Đến thời điểm này, chú Xuân cho biết, không chỉ sổ đỏ của gia đình, mà của chú, bác ruột cũng đã được mang đi thế chấp để vay tiền ngân hàng chữa bệnh cho Quỳnh. Quỳnh cũng chính thức phải bảo lưu kết quả học tập lớp 10 để chữa bệnh.
Trong ánh mắt đầy bất an và xót xa, bố của Quỳnh kể: "Đợt điều trị đầu tiên ở bệnh viện Trung Ương Huế, em nó bị hôn mê tới 10 ngày, khi tỉnh dậy thì không nhận ra ai trong gia đình nữa. Mẹ gọi thì có nhìn mẹ nhưng không nhận biết gì hết cả. Nhà tôi như đứng tim".
Sau lần điều trị thứ 2, bệnh tình của Quỳnh càng trở nên rối loạn, khi em liên tục la hét, vùng vẫy, ăn vào là nôn. Phải một thời gian sau Quỳnh mới được trấn tĩnh lại. "Tôi nhớ là đó là thời điểm mà cả nhà như bừng tỉnh sau một thời gian dài bị hoảng loạn, khi con bé biết nói nhớ bạn, nhớ thầy cô, rồi nói chuyện bằng tiếng Anh với bác sĩ như trước đây nó vẫn nói với bạn bè"- bố Quỳnh nhớ lại.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Quỳnh lại phải nhập viện vì nhịp tim, thở bình thường nhưng cả ngày em chỉ nằm im thin thít không biết làm bất kỳ một việc gì kể cả ăn uống, vệ sinh cá nhân.Gia đình đã đưa em vào bệnh viện Trung Ương ở Huế, nhưng điều trị được hai tuần thì đành phải đưa về nhà vì hết tiền, hơn nữa, bác sĩ ở bệnh viện này cũng ngỏ ý nên đưa đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội hoặc TP HCM mới có điều kiện chữa trị tốt nhất cho Quỳnh.
Quỳnh và anh trai, hai anh em rất yêu thương nhau. Cậu bé gần như khóc khi kể sinh nhật năm nay của em gái đã không tặng được quà cho em.
Nỗi khát khao của cô bé học giỏi
Tại huyện Lệ Thủy, Quỳnh được nhiều người biết đến không phải vì bệnh tật mà bởi em là một cô bé thông minh, học giỏi. 10 năm liền, Quỳnh đạt danh hiệu học sinh giỏi, em nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học lớp 11, Quỳnh cũng từng giành huy chương vàng cờ vua U16 của tỉnh Quảng Bình.
Chính vì thế, khi tình trạng bệnh tình và khó khăn của gia đình lan đi thì nhiều người đã không hỏi rơi nước mắt vì thương xót em. Từ các hội, nhóm trong xã đến trường lớp, cơ quan của bố đều góp tiền để hỗ trợ gia đình đưa em đi chữa bệnh. Thậm chí, trong một lần vào Huế, vì thương em quá, một chủ cửa hàng bán tạp hóa ở chợ Đông Ba (TP Huế) đã 2 lần cho em tổng cộng 2,5 triệu đồng để mua thuốc men.
Thế nhưng, sự hỗ trợ đó vẫn còn quá nhỏ so với những giá cả đắt đỏ của thuốc men, chi phí chữa bệnh. Bao nhiêu tiền vay mượn, chắt bóp của gia đình cũng vì thế mà cạn kiệt.
"Tôi ôm con về mà lòng đau như cắt, ngoài trừ những lúc không biết gì, nó là con bé ngoan, thích học và còn có cả một tương lai phía trước, thế mà giờ đây... Các cháu không biết, chứ đêm nào nó cũng thức chong chong đến 5h sáng, rồi ngủ có 30 phút, thỉnh thoảng cứ la hét nên lúc nào cũng phải có người trông chừng"- bố Quỳnh rơm rớm nước mắt khi vừa đỡ Quỳnh dậy, vừa bảo mẹ em chuẩn bị nước cho em tắm.
Hiện tại, Quỳnh đang được điều trị tại nhà với tình trạng bệnh nặng, bác sĩ cho biết em khó có khả năng hồi phục hoàn toàn nếu không được tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Từ cân nặng 42kg, giờ đây em chỉ còn 32kg, cứ 10 ngày lại tái khám một lần ở bệnh viện huyện.
Bố em bảo: "Những lúc tỉnh, con bé lại đòi đi học, rồi kể chuyện bạn này thế nào, bạn kia ra sao. Gia đình tôi đang tính đến chuyện bán nhà, bán đất để mang Quỳnh vào bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM để chữa trị, nhưng chúng tôi là người ở quê, có bán cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ lo lại phải giữa đường mà mang con bệnh nặng về, về rồi lại phải đi ở nhờ nhà người khác vì hết chốn dung thân".
Hiện bệnh tình của em mỗi ngày một nặng, lâu lâu em mới tỉnh táo, còn lại gần như không biết gì.
Trong khoảng thời gian tỉnh táo khi trò chuyện với chúng tôi, những giọt nước mắt đã rơi trên má em khi mọi người nhắc đến tên thầy giáo, tên các bạn trong lớp. Rồi sau đó, Quỳnh lại chìm vào trạng thái mất kiểm soát, em nằm lờ đờ trên giường, với thân thể còm nhom da bọc xương, nhưng đôi mắt thì vẫn to tròn, trong sáng đến nao lòng.
Hiện gia đình em Quỳnh đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, độc giả có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ em Quỳnh chữa bệnh, có thể liên hệ theo địa chỉ của gia đình em: bố Lê Thanh Xuân (0979 819 515, 052 6505 715), Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Thủy Nguyên - Khánh Linh
Theo Bưu Điện Việt Nam
2 người đàn bà góa nổi tiếng vì... nghèo Sự nghèo đói, khổ sở của hai người đàn bà đã khiến cho họ trở nên nổi tiếng. Dù họ chẳng muốn vậy. Chồng chết, chẳng để lại gì ngoài đứa con thơ. Ngày giỗ, chị Hiền ở xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chỉ biết đưa con sang nhà bà nội để thắp hương, vì chị chẳng thể lập được...