Lạ lùng gia đình “Tây” giữa đại ngàn
Giữa miền cao nguyên bạt ngàn nắng gió, xung quanh là những chàng trai cô gái “da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa”, gia đình ấy lại thấy mình da trắng tóc vàng, cao to y như người phương Tây.
Vì hình dáng “khác loài” với đồng bào Cơ Tu nơi đây nên họ đã phải chịu không biết bao nhiêu điều tiếng thị phi. Thậm chí, gia đình này còn bị gạt khỏi cộng đồng như kẻ mang tội, là “thủ phạm” khiến dân làng phải chịu sự quở phạt của thần linh.
Gia đình ông Nghen có người vợ và 3 người con đều có ngoại hình da trắng, tóc vàng giống người Tây. Ảnh T.G
Lạc giữa cộng đồng
Chúng tôi chẳng mấy khó khăn để tìm đến “gia đình lạ lùng” như cách gọi của người dân nơi đây dành cho gia đình ông Lê Văn Nghen (59 tuổi, dân tộc Cơ Tu, thôn Dốc Kiền, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam). Trong thôn Dốc Kiền, gia đình ông Nghen sống gần như tách biệt, bởi bà con luôn bị ám ảnh về “con ma” trong người những thành viên của gia đình ông. Bao năm qua, mỗi lần nhắc đến nước da, màu mắt, màu tóc lạ thường của nhà ông Nghen, không ít người dân trong làng lại sợ hãi, thậm chí phân biệt.
Giữa trưa, thời điểm chúng tôi có mặt tại thôn Dốc Kiền cũng là lúc bà con đi làm rẫy vắng vẻ, chỉ có đám trẻ con làng đang tập trung chơi đùa dưới bóng cây, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem bùn đất và đôi mắt sáng tinh nghịch. Thấy có khách lạ, chúng lấm lét nhìn rồi thì thào với nhau khi thấy phóng viên đứng tần ngần gọi cửa nhà ông Nghen. Một lúc sau, chúng tôi mới nghe có người từ bên hông căn nhà sàn đơn sơ cất tiếng nói vọng ra: “Gia đình Nghen nó tội lắm! Suốt ngày cứ ru rú trong nhà thôi. Cứ ra khỏi nhà là không chịu được ánh nắng mặt trời đâu. Mà có ra được thì người dân trong làng cũng hắt hủi vì thấy chúng nó khác mọi người quá!”. Dứt câu rồi, người đàn ông quay sang nói vọng vào nhà mấy câu bằng tiếng Cơ Tu gọi gia đình ông Nghen ra gặp chúng tôi.
Video đang HOT
Cửa nhà sàn vừa mở, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh 3 người con và người vợ của ông đều mang đặc điểm chung: da trắng, tóc vàng, mắt xanh… đang ngồi trên bàn uống trà. Hỏi chuyện, ông Nghen cho biết, gia đình ông có tất cả 5 người con nhưng có đến 3 người sinh ra đều mang ngoại hình giống hệt người phương Tây: da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Đặc biệt hơn, người vợ của ông là bà Nguyễn Thị Ní, 54 tuổi, cũng mang ngoại hình như các con của mình. Ông Nghen còn cho biết thêm, sở dĩ các con của ông đều có ngoại hình giống người phương Tây như vậy là do di truyền từ vợ ông, bà Nguyễn Thị Ní, cũng là người dân tộc Cơ Tu. Chia sẻ cùng chúng tôi, bà Ní khẳng định mình là người Cơ Tu 100%, quê quán bà ở thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang. Trước đây, đời bà cố ngoại của bà Ní cũng đã có “gen” người Tây. “Khi bà còn sống, những người trong gia đình chúng tôi đã có hỏi chuyện vì sao bà lại mang ngoại hình giống người Tây nhưng bà bảo không biết. Khi bà cố ngoại sinh ra đã có như vậy rồi!”, bà Ní cho biết.
Cũng theo bà Ní, chuyện gia đình bà sinh ra mang ngoại hình giống Tây đã có từ bốn đời trước, di truyền qua những đời con gái. Bà Ní cho biết, trước đây mẹ bà sinh được 3 người con nhưng duy chỉ có mình bà mang ngoại hình da trắng, tóc vàng; còn 2 người em trai của bà đều bình thường như tất cả người Cơ Tu khác. Như vậy, chuyện di truyền kỳ lạ này chỉ xảy ra ở những người con gái. Nhưng qua đời bà Ní, thì 2 đứa con trai và một đứa con gái sinh ra đều có hình dáng giống hệt mẹ, tức là tóc vàng, da trắng. Thấy con mình khác quá so với mọi người, ông Nghen nói chữa bằng cách bảo ngày trước ông đi bộ đội bị thương mất nhiều máu quá nên phải lấy máu người Tây để truyền vào giữ mạng sống. Cuối cùng, ông có máu “Tây” trong người nên giờ sinh ra con cái như thế.
Nỗi niềm khó tỏ
Anh Lê Văn Nganh, con trai cả của ông Nghen có ngoại hình giống người da trắng. Ảnh T.G
Anh Lê Văn Nganh (34 tuổi, con trai cả của ông Nghen – PV) người dong dỏng cao, da và tóc trắng toát như hoa đót. Từ khi sinh ra đến giờ, vì khác biệt quá với chúng bạn, mấy anh em Nganh rất ít khi tiếp xúc với bà con trong làng. Cuộc sống cô độc, tách biệt như vậy, nên tiếng Kinh với họ cũng là thứ ngôn ngữ gì đó rất xa lạ. Ông Nghen bùi ngùi: “Cũng vì ngoại hình nên chúng nó chịu thiệt thòi. Chứ những đứa trẻ trong thôn, nhờ được học cái chữ ở trường, ở lớp, đứa nào cũng nói tiếng Kinh sõi lắm”.
Trò chuyện với chúng tôi trong lúc người mẹ già lụi cụi nấu cơm, đun nước, anh Nganh cho biết: “Lúc nhỏ, tui đi học, đến trường tất cả thầy cô, bạn bè đều ngạc nhiên và trêu chọc. Có lúc xuống thành phố đi mua sắm, du lịch, nhiều người bán hàng chèo kéo, mời tôi mua hàng bằng… tiếng Anh vì họ nghĩ tui là người nước ngoài! Lúc đầu chưa nhận thức đầy đủ, tôi còn thấy hay hay. Nhưng càng về sau này, tôi càng hiểu và thấy tủi thân ghê ghớm”.
Nỗi buồn tủi của gia đình anh Nganh không chỉ dừng ở đó. Vì ngoại hình quá khác người nên thuở nhỏ, mấy anh chị em luôn bị đám trẻ trong thôn tẩy chay. Có thời gian, mọi người còn đồn đại gia đình anh ngang là hậu duệ của thần nước Aur, nếu ai chơi chung có thể bị chết nước. Chính vì thế chỉ có 3 anh em thui thủi với nhau. Một người hàng xóm thật thà cho biết: “Là hàng xóm lâu năm của nhà ông Nghen, tôi đã nhiều bận chứng kiến khi cả làng đã ngủ, trong bóng đêm tĩnh lặng, hai anh em thằng Nganh vẫn say sưa chơi trò nặn tượng, nghịch đất. Có bận khi con gà rừng gáy lần thứ nhất, người ta còn thấy thằng Nganh trèo cây hái ổi sau vườn, hay xuống suối múc nước đổ đầy lu cho gia đình dùng. Có khi nửa đêm, Nganh nó chẻ củi xếp dưới sàn nhà, có lúc thì giã gạo, thái sắn cho cha mẹ nữa. Chúng nó không có ai chơi chung nên chỉ biết lấy công việc cho qua thời gian thôi. Thấy mà tội!”.
Rồi chuyện như cởi tấm lòng, bà Ní chậm rãi kể: “Lúc mới sinh thằng Nganh, thấy thân thể, đầu tóc nó trắng như bông gạo, không giống người bình thường mình cũng sợ. Trước đây, anh nó sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ Cơ tu khác trong làng chứ đâu có khác biệt gì. Mấy người già trong làng bảo nó bị Yàng quở phạt nên mới khiến nó phải mang ngoại hình dị biệt như vậy. Nhiều người còn đến nhà tôi, đòi bắt nó bỏ vào rừng để nó về với Yang. Nhưng phận làm cha mẹ, tôi làm sao đành lòng bỏ con tàn nhẫn như thế. Những ngày tháng sau đó, vợ chồng tôi đưa con đi khám bệnh, nghe cán bộ y tế xã bảo nó bình thường, không bệnh tật gì hết thì đỡ lo hơn. Nhưng bất chấp kết luận đó, người làng vẫn sợ, vẫn gán nó là vận rủi cho làng xóm nên tôi chẳng dám cho con ra ngoài đường. Mấy năm sau, tôi lại sinh thêm con nữa, cũng giống hệt anh chị nó, cũng buồn lắm nhưng có chị có em, cùng mắc bệnh sợ ánh sáng như nhau nên nó cũng đỡ buồn!”.
Vợ chồng ông Nghen buồn vì con mình sinh ra như thế. Nhưng bao năm qua, họ còn đau lòng khi chứng kiến người trong thôn sợ hãi và xa lánh gia đình mình. “Nhiều khi có hội làng, tôi cũng không dám cho các con đi vì sợ mọi người bảo mình mang đến vận xui. Con mình không được chơi chung với lũ trẻ trong làng, cũng không được đi học nữa. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, nhà lại đông người nên lo được cái ăn đã khó nói gì đến chuyện chữa bệnh. Biết là buồn khi thấy hai đứa con sinh ra khác thường như thế, nhưng không có thời giờ, tiền bạc để đưa nó đi bác sĩ xem chúng nó bệnh gì và phải làm sao để chữa. Thôi thì đành vậy, đến đâu thì đến!”, bà Ní ngậm ngùi.
Còn anh Nganh thì cười như mếu khi kể lại những lần anh đi xuống phố, thấy anh giống Tây nên mọi người cứ chèo kéo anh lại bằng tiếng Tây mời mua hàng, mặc anh thanh minh rằng mình không phải là người nước ngoài. Nhưng vì giọng Kinh lơ lớ, người ta lại càng không tin, quyết mời anh mua bằng được, và tất nhiên là với giá trên trời. Để mọi người không chèo kéo mình, những lần sau có xuống phố, anh đều nhờ một người đi cùng để nói chuyện với họ để tránh rắc rối!
Chia tay với gia đình ông Nghen, thấy ông cứ bần thần vì những đứa con của mình khác quá với mọi người trong làng, rồi sau này là những đứa cháu của ông nữa, liệu chúng có thể sống một cuộc sống bình thường, được học tập và vui chơi như bao đứa trẻ khác trong làng. Trẻ con nào có tội tình gì.
Già làng bó tay trước bí ẩn Già làng Y Kông, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiện đang sinh sống tại thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang) xác nhận gia đình của ông Lê Văn Nghen và bà Nguyễn Thị Ní đều là người Cơtu, sinh sống tại địa phương từ rất lâu đời. Chính già Y Kông cũng không thể lý giải được nguyên nhân vì sao các con của ông bà Nghen lại có màu da khác với những người dân địa phương. Ông chỉ khẳng định, họ được di truyền gen từ người mẹ (tức bà Nguyễn Thị Ní – PV), nhưng nguồn gốc vì sao các đời cố ngoại của bà Ní lại có ngoại hình giống Tây thì già Kông cũng bó tay.
Theo Tiêu Dao – Duy Khánh (Gia đình & Xã hội)
Thí điểm hỗ trợ sinh kế vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã
Khoản kinh phí dành cho vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã đã được cấp phát để hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, theo nguồn tin từ UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) ngày 20.12.
Người dân vùng cao Đông Giang (Quảng Nam) được hỗ trợ sinh kế từ chương trình rừng đặc dụng
Tin từ UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) ngày 20.12 cho biết 5 thôn vùng núi cao của 4 xã Sông Kôn, Tà Lu, A Ting, Tư đã được hỗ trợ mỗi năm 40 triệu đồng/thôn để phát triển sinh kế bền vững.
Ngoài địa bàn Quảng Nam, còn có một số thôn ở 2 huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) được hỗ trợ, cùng thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã. Đây là chương trình liên quan đến chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) thuộc hệ thống rừng đặc dụng đầu tiên thực hiện thí điểm.
Các địa phương được hỗ trợ sinh kế thuộc khu vực đồng quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng... của vùng đệm Vườn quốc giaBạch Mã.
Kinh phí hỗ trợ hằng năm được tập trung cho khuyến nông-khuyến lâm, giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình công cộng...
Theo TNO