Lạ lùng chợ chuột họp giữa thủ đô
4h chiều chợ chuột bắt đầu nhóm dọc theo hai bên đường làng. Chuột nhiều thật, tôi đếm dọc chợ được hơn 20 mẹt chuột đã làm sẵn, mẹt chưa thui, mẹt đã thui vàng, mẹt nhiều đến năm, sáu kg, mẹt ít cũng vài ba kg, trong khi cả chợ chỉ có vài quầy thịt lợn, thịt gà.
Quãng 2 giờ chiều, từ các ngõ xóm của Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã thấy các bà các chị mang chuột ra sơ chế. Vừa tóm từng con chuột trong lồng sắt ra, vật xuống đất cho chết để vợ nhúng vào nước sôi làm lông, anh Hòa vừa tiếp chuyện chúng tôi: Hôm nay, em lùng khắp 3 xã Thạch Hòa, Đại Đồng, Hương Ngải, mới được chừng này. Dạo mới gặt, có ngày bắt được gấp đôi.
Lồng chuột của anh Hòa ước chừng 4 kg, con to nhất cỡ 3 lạng, con nhỏ nhất không quá 1 lạng. Làm sạch lông, còn khoảng trên 3 kg, nếu bán hết thì được trên 300 ngàn đồng (100.000 đồng/kg), một thu nhập không tồi cho một ngày công lao động. Thu nhập thế, nên cứ chớm mùa gặt là đội quân săn chuột của Canh Nậu lên đường.
Dụng cụ săn chuột rất đơn giản: Một thuổng sắt, một tay lưới, một xô múc nước, một lồng sắt. Thuổng để đào, lưới để đón lõng từ ngách phụ của hang chuột. Giống này cực khôn, đào hang, ngoài lỗ chính, chúng đào thêm ba bốn ngách phụ để thoát thân khi gặp nguy.
Muốn bắt được chúng, sau khi phát hiện được hang, người săn chuột bao giờ cũng phải tìm các ngách phụ, bịt hết lại, chỉ để một ngách phụ, căng lưới ở đó rồi mới đào hang chính. Con nào vọt ra từ hang chính thì người đào tóm, chạy ra bằng ngách phụ là sa lưới. Hang chuột nào sâu quá thì lấy xô múc nước đổ vào hay vơ rơm rác cạnh đó đốt để hun cho chúng ngoi ra.
“Thợ săn chuột” Canh Nậu đi xa ba bốn chục cây số để lùng chuột là chuyện bình thường. Những tay săn lão luyện có ngày bắt được cả yến. Sáng đi, chiều về “đổ” chuột cho các quán nhậu, đút túi cả triệu bạc. Càng ngày càng có nhiều quán nhậu thịt chuột nên không bao giờ ế. Giải thích vì sao sau mùa gặt là chuột ít đi, anh Hòa bảo:
- Lúa uốn câu là chuột từ làng, từ các cống rãnh túa ra đồng, vì lúc này ở đồng sẵn thức ăn. Gặt xong, thức ăn khan, chúng lại kéo về làng, về cống rãnh. Vậy nên bảo con này chuột đồng, con kia chuột nhà hay chuột cống chuột rãnh là láo toét hết. Tất cả chỉ là một thôi.
- Eo ôi, thế thì ghê quá, chúng tôi cứ tưởng chuột đồng chỉ sống ở đồng, ăn lúa, ăn khoai ăn rau nên nó sạch. Chứ nó ăn cả đồ bẩn thỉu ở cống ở rãnh thì ai dám ăn.
- Các bác rõ nhiêu khê. Em hỏi bác nhá: Giống chuột có ăn bẩn bằng giống chó không? Đến phân người mà con chó nó còn xơi, thì là bẩn nhất hạng rồi còn gì. Thế mà chính loại chó ăn phân, tức là chó cỏ, chó ta ấy, thịt nó mới đậm đà, chứ giống chó nhà giầu nằm xa – lông, ăn thịt bò ấy, đố anh nào ăn nổi, vì thịt nó vừa nhạt toẹt lại vừa gây, ngửi miếng thịt đã muốn nôn mửa rồi.
- Sao không lột luôn da con chuột ra cho nó mau, vặt lông thế này lâu lắm? Tôi hỏi vợ anh Hòa.
- Rõ là các bác chưa ăn thịt chuột bao giờ có khác. “Mèo ăn ruột, chuột ăn da, ếch ăn tù và, gà ăn trứng non”. Con chuột mà bỏ da đi, thì coi như giảm giá trị một nửa.
Còn sớm, chúng tôi la cà vào mấy quán nhậu chuyên “mèo – chó – chuột” như Nguyên Bát, Hạnh Hoa… theo lời người làng mách, để thăm thú. Không biển hiệu, đường đi lại nhỏ, lòng vòng, phải đỗ ô tô khá xa, nhưng hơn mười năm nay, các quán lúc nào cũng đông khách. Bà chủ quán Nguyên Bát hỏi:
- Các bác muốn xơi mèo, chó hay chuột?
- Hôm nay không ăn, chúng tôi chỉ đi khảo sát thôi, để hôm nào kéo cả hội đến. Chó với mèo ăn mãi chán rồi. Chuột bọ thế nào?
- Quán em toàn chuột đồng, sạch tuyệt đối. Cái thứ chuột cống chuột rãnh bẩn thỉu, không bao giờ nhà em nhập. Có 5 món chuột luộc ép lá ré, chuột xào lăn, chuột bung, chuột rán, chuột băm.
- Vậy thôi à? Ở Vân Đình người ta còn có chuột giả chim, chuột giả chó. Bên Đình Bảng còn thêm chuột nấu đông nữa, tám món tất cả.
Video đang HOT
- Ít, nhưng mà ngon. Chả mấy hôm không có khách từ Hà Nội đánh ô tô về đây đâu các bác ạ. Cứ ăn rồi các bác sẽ biết.
- Chuột có to không?
- Đảm bảo con nào cũng từ hai lạng trở lên. Không tin, mời các bác ra xem hàng. Hôm nay có một đôi chuột cống, con to gần 7 lạng.
- Vừa nẫy chị bảo không bao giờ chị nhập chuột cống chuột rãnh cơ mà.
- Chuột đồng chính hiệu đấy, nhưng vì nó to nên người ta gọi tên nó là chuột cống, chứ không phải nó sống ở cống ở rãnh đâu bác ạ.
- Giá cả thế nào?
- Có hai mức, một mức mỗi đĩa 80 ngàn, một mức mỗi đĩa 100 ngàn, đặt mức nào chúng em làm mức đó. Rượu bia, bún bánh tính riêng.
4h chiều chợ chuột bắt đầu nhóm dọc theo hai bên đường làng. Chuột nhiều thật, tôi đếm dọc chợ được hơn 20 mẹt chuột đã làm sẵn, mẹt chưa thui, mẹt đã thui vàng, mẹt nhiều đến năm, sáu kg, mẹt ít cũng vài ba kg, trong khi cả chợ chỉ có vài quầy thịt lợn, thịt gà, ngoài ra còn mấy lồng chuột sống.
Người bán chuột sống để sẵn cái chậu, vài phích nước sôi bên cạnh, để khách mua xong, có nhu cầu là người bán dúng nước sôi làm lông, nổi lửa thui vàng và mổ cho luôn. Anh Thành, một người bán chuột sống, bảo :
- Đó là do khách sợ chuột ở những mẹt kia không tươi, có khi hôm qua bán không hết mang về để tủ lạnh, hôm nay lại mang ra.Để thế này, dù hôm nay không bán hết thì mang về ngày mai vẫn sống nguyên. Giống chuột dù đã bẻ răng nhưng để ba bốn ngày vẫn rất khỏe.
- Chuột bán có chạy không?
- Nhà em không hôm nào ế cả.
Quả là người mua chuột khá đông. Chỉ một lát, đã có mấy chị bán hết mẹt chuột, xách mẹt không ra về. Chị Hương, một người bán chuột cho biết, trước đây thường chỉ bà con trong xã bán chuột mua chuột với nhau.
Dân Canh Nậu có “truyền thống” ăn thịt chuột từ lâu. Nhưng mấy năm gần đây, người xã khác cũng ăn, cũng mua. Thấy một người đàn ông đang chọn chuột ở một hàng bên cạnh, tôi cũng sà xuống xem.
Chọn sáu con chuột đặt lên cân, được một cân với gần nửa lạng, ông ta bảo “thôi tính một cân cho nó tròn đi”, người bán đồng ý. Xỉa ra tờ một trăm ngàn trả xong, ông túm đuôi cả sáu con chuột buộc làm một, treo vào móc hàng trên xe máy, vẻ mãn nguyện:
- Rét thế này, về làm nồi chuột đông. Chuột nấu đông phải để đông tự nhiên mới ngon, chứ nấu mà phải để vào tủ lạnh nó mới đông thì không ngon.
Sáu giờ, chợ chuột đã vãn. Hơn sáu giờ một chút, cả chợ không một bóng người.
Theo Bưu Điện VN
Bản làng thờ cúng thần... chuột
Những người Dao Tiền ở bản Bương, Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình coi chuột như một vị thần cứu mạng, họ còn lập hẳn một ngôi miếu để thờ thần chuột.
Vốn được nghe kể về chuyện những người Dao Tiền có một ngôi miếu thờ thần chuột, tôi rất hiếu kỳ, không hiểu vì sao những người dân nơi đây lại có phong tục kỳ lạ đến vậy. Tôi đã tìm đến bản Bương thuộc xã Tân Pheo để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này.
Cả bản sống nhờ...chuột
Từ trung tâm huyện Đà Bắc phải đi gần 60 cây số mới đến bản Bương, nơi cư ngụ của người Dao Tiền ở Hòa Bình. Bản nằm biệt lập ở một bên của sườn núi, đường đi vào bản Bương rất dốc và khó đi, đầy rẫy những tảng đá to người ôm không xuể.
Giữa đường còn có nhiều dòng suối nhỏ cắt ngang đường mà theo những người dân ở đây cho biết, hiện đang là mùa cạn nên còn đi qua được chứ đến mùa lũ thì dòng suối bỗng hóa thành cả một con sông lớn chảy xiết khiến chẳng ai dám liều lĩnh để lội qua.
Qua sự hỏi thăm, tôi được người dân chỉ tới nhà ông Bùi Đình Nghệ năm nay đã gần 70 tuổi, ông là người am hiểu về lịch sử của bản Bương cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây.
Ông Nghệ cho biết, tục thờ thần chuột ở bản Bương đã có từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết xưa kia tổ tiên của người Dao Tiền khi mới di cư đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói vì thức ăn vô cùng khan hiếm. Do chưa có đủ lương thực cho mọi người nên nhiều người đã phải bỏ mạng, rồi bỗng một ngày những người bản Bương phát hiện ra ở khu rừng quanh bản chuột nhiều vô số kể. Chính vì vậy, họ đã nảy sinh ra việc bắt chuột làm thức ăn chống lại cái đói, cái rét để duy trì sự sống.
Thịt chuột là món ăn giúp người dân bản Bương vượt qua cái đói
Hằng ngày, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà làm rẫy để chờ mùa thu hoạch, còn các thanh niên trai tráng người dùng bẫy, người dùng nỏ cùng nhau đi săn chuột để làm thức ăn vượt qua cơn hoạn nạn. Ông Nghệ cho biết: "Giống chuột rừng ở bản Bương rất đặc biệt, hầu hết đều có trọng lượng to gấp đôi thậm chí gấp 3 lần chuột bình thường và chẳng hề mắc dịch bệnh gì cả. Làm thức ăn cũng ngon miệng và bổ dưỡng chẳng kém gì các loại thịt thú rừng khác".
Chuột rừng sau khi bị các thợ săn bắt được đem về, dùng nước sôi làm sạch lông, đốt rơm thui vàng rồi mổ bụng, moi lòng và treo nơi gác bếp cho thịt khô lại rồi chế biến thành món ăn dùng dần, có nhà còn treo thịt gác bếp suốt cả một mùa đông giống như món thịt trâu gác bếp của các dân tộc người vùng cao vậy.
Thịt chuột được treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ
Đến bữa có khách, chủ nhà chỉ cần gỡ xuống, thái miếng, rắc muối, ướp gừng cho thịt ngấm gia vị rồi băm nhỏ. Gạo nếp nương nấu sôi lên, cho thịt chuột vào, khuấy đều cho đến khi sánh lại thì bắc xuống, bỏ hành lá và rắc bột ngọt vừa phải.
Đặc biệt những khi vào thời điểm giáp hạt vào mùa khô (thời điểm cuối năm) dân bản phải vào rừng để săn thú sống qua ngày, dần dần thú rừng cạn kiệt, ở bản Bương chỉ còn loài chuột là nhiều và dễ bắt. Thế nên, thịt chuột càng trở thành "lộc trời" đối với người Dao Tiền.
Sau này, khi đời sống đã phát triển, người dân không còn phải ăn thịt chuột để sống nữa, nhưng để tỏ lòng thành kính trước sự "hi sinh" của con chuột để mọi người được sống sót, bản Bương đã tôn con chuột thành "thần" và tổ chức tế lễ thờ cúng thần chuột. Nghi lễ này cũng nhằm tưởng nhớ đến tổ tiên khai bản lập làng. Sau này người dân cúng các "ma làng, ma sông, ma suối", cũng dùng thịt chuột để tế lễ.
Hằng năm, người Dao Tiền có 3 ngày lễ lớn: lễ cầu mùa vào rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán. Trong Lễ cầu mùa và Lễ ăn cơm mới, người Dao vẫn thường dùng gà, lợn để tế lễ nhưng với Tết Nguyên đán thì ngoài gà, lợn, không thể thiếu món thịt chuột. Nhà nào không đi bắt được chuột rừng để về làm lễ thì phải đi mua không thì năm đó sẽ không được tổ tiên phù hộ, làm ăn thất bát.
Vào đêm giao thừa nhà nào cũng tự cúng thần chuột nhưng cứ sang ngày mồng hai tết thì thầy mo bản phải đến miếu cúng thần chuột, tỏ lòng thành kính cầu thần một năm mới tốt lành và đừng phá phách mùa màng của dân bản, lâu dần thành lệ, thành một tín ngưỡng đặc biệt của người dân xứ này.
Miếu thờ thần chuột
Sau khi ngồi nghe kể về nguồn gốc của tục lệ kỳ lạ của người Dao Tiền ở bản Bương, ông Nghệ dẫn tôi đi thăm ngôi đền thờ thần chuột. Đền được xây ở tận cuối bản, nằm cách biệt với các ngôi nhà sàn của người dân nơi đây.
Ông Nghệ cho biết: "Miếu làng phải được làm ở chỗ cao ráo, thoáng mát, ít người qua lại, không được chặt cây cối quanh miếu, như thế các "ma làng" mới có chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, không bị quấy nhiễu.
Miếu thờ thần chuột ở bản Bương
Ngày ông cha dựng miếu, ngôi miếu được dựng bằng đá, đến thời điểm hiện tại, người dân bản Bương vừa mới chung tiền để xây thành bê tông, rộng chừng 2m2 và được lợp mái xi măng".
Vào ngày mồng 2 và mồng 4 tết hằng năm, sau khi các gia đình đã nộp đủ lễ (mỗi gia đình tối thiểu là 3 con chuột) thì mỗi hộ cử ra 1 người đàn ông trong gia đình đến miếu để tế lễ.
Sau khi mọi người dân đã tế lễ xong, người chủ làng là chủ lễ sẽ cầu thần linh phù hộ cho làng xóm mạnh khoẻ, yên lành, làm ăn năm mới phát đạt hơn năm cũ. Cuối cùng thì hạ thịt chuột xuống, để cả làng cùng tập trung ăn uống vui vẻ.
Trước kia miếu được dựng lên bằng đá, hiện mới được người dân bản Bương chung tiền để xây cất lại
Không chỉ thờ thần chuột ở ngôi miếu này, các hộ dân trong bản Bương ở mỗi nhà cũng có một ban thờ thần chuột cùng với bàn thờ ông cha, tổ tiên. Theo tục lệ thì vào đêm giao thừa, đúng 8h, hai con chuột được sấy khô được các gia chủ trịnh trọng bày lên bàn thờ. Đúng thời khắc giao thừa năm cũ sang năm mới, người chủ gia đình (thường là đàn ông) sẽ cúng những người đó khuất và các ma làng, mời tất cả về cùng thưởng thức món thịt chuột trong những ngày Tết. Theo những người dân ở đây không có loài thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm giao thừa. Các ma làng và những người đó khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản "truyền thống" này của dân mình.
Hiện nay, dù đời sống ở bản Bương đã được cải thiện đáng kể, ít hộ đói nhưng tục lệ đi săn chuột và thờ cúng thần chuột vẫn không bị mai một.
Kinh Vân
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cháy xe khách ở bãi rửa xe Khoảng 12 giờ 20 phút ngày 2-8, xe khách mang biển kiểm soát 29LD-3454 của Công ty Liên doanh Vận tải quốc tế Hải Vân (Hà Nội) đang trong bãi rửa xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng (đối diện Nhà hàng Huy Hoàng) phường Đoàn Kết (thị xã Lai Châu) đột nhiên bốc cháy. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh...