“La La Land” và câu chuyện về Jazz
Ta tìm thấy nét tương đồng giữa triết lý ngẫu hứng, mặc kệ ưu phiền của jazz với triết lý hãy cứ khờ dại, hãy cứ mộng mơ của bộ phim “ La La Land”.
Jazz là một yếu tố nghệ thuật xuất hiện xuyên suốt trong La La Land. Ắt hẳn không phải ngẫu nhiên mà Damien Chazelle (đạo diễn kiêm biên kịch) lại chọn jazz chứ không phải một thể loại nào khác. Hãy cùng nhau thử lí giải điều thú vị này.
Đôi nét về Jazz
Jazz ra đời vào khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ XIX tại New Orleans, là sự kết hợp giữa ragtime (một kiểu chơi piano của người da đen, về sau trở thành nhánh đầu tiên của jazz) với nhạc blues (nguồn gốc từ dân ca Châu Phi và âm nhạc Châu Âu) và nhạc tôn giáo, nhạc lao động, nhạc diễu binh (có thể thấy sự phổ biến của nhạc cụ quân nhạc trong một jazz band)…
Jazz và blues là hai thể loại rất quan trọng đối với nền âm nhạc hiện đại thế giới. Về sau cụm từ blues/jazz thường đi chung, cả hai được xem như khởi nguyên của nhiều thể loại khác: R&B – thập niên 1940, Soul, Rock & Roll – thập niên 1950…
Jazz phân ra nhiều nhánh, phát triển qua một thời kỳ dài, từ lúc vừa xuất hiện cho đến tận ngày nay, không ngừng đổi mới: ragtime jazz, cool jazz, hot jazz, hard bop, bebop, bop, medal, free jazz…
Nhân vật nam chính trong phim – Sebastian (Ryan Gosling thủ vai) là một người cực kỳ đam mê nhạc jazz. Anh luôn luôn trăn trở về sự xuống dốc của jazz. Jazz qua rồi thời kỳ hoàng kim – xuất hiện phổ biến ở khắp các nơi, từ sân khấu đến phòng trà, quán rượu, với những tên tuổi nổi tiếng như Joe “King” Oliver, Fletcher Henderson, Duke Ellington, Thelonious Monk, Louis Armstrong… Seb cho rằng jazz đang chết, chết một cách tức tưởi. Anh muốn góp một phần công sức của mình để bảo tồn jazz truyền thống, bằng cách chơi nhạc cho những người lớn tuổi trong Lighthouse Coffee, và mong ước sẽ thành lập một câu lạc bộ jazz.
Jazz thực sự đang chết như Seb lo lắng?
Huyền thoại nhạc jazz Louis Armstrong và những người bạn
Không thể phủ nhận sự vắng bóng của jazz trong nền âm nhạc đương đại của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung so với thế kỷ trước. Jazz truyền thống bị mai một, kể từ thập niên 1970, fusion jazz ra đời, đánh dấu một cách tân lớn trong kỹ thuật hòa âm jazz, đó là dùng các thiết bị điện tử, nhạc cụ điện tử kết hợp trình diễn. Nhiều nhà phê bình, nghệ sĩ jazz kỳ cựu không công nhận nhánh jazz này là chính thống.
Phải lùi lại lâu hơn nữa, cuộc Đại suy thoái nửa đầu thập niên 1930 khiến cho các ban nhạc jazz (khi ấy đông đúc, nhưng nhỏ lẻ) gặp khó khăn trong việc kiếm sống, thu nhập eo hẹp. Từ đấy, các thủ lĩnh uy tín đứng ra để gây dựng những ban nhạc jazz quy mô, về sau gọi là thời kỳ big band. Từ Thế chiến thứ hai, nền kinh tế nước Mỹ bắt đầu phục hồi và phát triển thần kỳ, lúc này, thuế khóa tăng cao, duy trì big band không hề dễ dàng. Jazz dần tách khỏi các trung tâm giải trí – dịch vụ, các sàn nhảy… Tuy tính phổ thông bị thu hẹp, jazz được nâng lên tầm nghệ thuật điển hình, cũng vì vậy bắt đầu kén người nghe.
Các dòng nhạc “sinh sau đẻ muộn” học tập những thành tựu của jazz để tự hoàn thiện mình, có một quá trình hiện đại hóa mau chóng hơn, bắt kịp xu thế. Một phần, nhạc blues/jazz mang đậm dấu ấn của người da đen hơn những thể loại khác, tâm lí phân biệt chủng tộc chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn nên khi xuất hiện những trào lưu mới, một bộ phận người da trắng đã quay lưng.
Trong nhiều bản R&B, Rock and Roll, Rock, Soul, Pop… ta dễ dàng tìm thấy âm hưởng jazz. Jazz dần dần được tận dụng với vai trò là một chất liệu nhiều hơn vai trò là một thể loại riêng biệt trong nền âm nhạc đại chúng đương đại.
Video đang HOT
Vậy câu hỏi được đặt ra là, nên để mặc cho jazz tự diễn biến, nhất quyết giữ theo truyền thống hay làm cách mạng hiện đại hóa triệt để?
Nhân vật Keith (John Legend thủ vai), leader của nhóm jazz cách tân Messenger – người mời Sebastian cộng tác, trong một lần tranh luận đã đưa ra quan điểm thế này: jazz không chỉ thuộc về truyền thống mà còn hướng tới tương lai, khán giả của jazz đâu chỉ là người già, còn lớp trẻ nữa, chẳng thể nào bắt lớp trẻ hoài cổ mãi được, cho nên nếu jazz không thay đổi nó sẽ biến mất thực sự. Seb im lặng.
Quả thật như điều Keith nói. Biết bao nhiêu thứ đẹp đẽ thuộc về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vì không thể thay đổi, hoặc thay đổi không đủ mạnh, nên thời gian đã “bào mòn” và loại bỏ nó chẳng thương tiếc, nhường chỗ cho cái mới ra đời, phù hợp hơn, thích nghi hơn. Jazz cần phải làm cách mạng, hoặc chết. Nhưng, sau cuộc cách mạng đó jazz có thực sự là jazz nữa?
Cuối phim, Seb đã hoàn thành ước mơ bấy lâu. Tiếp theo sẽ ra sao, một club jazz nhỏ bé liệu có giúp được toàn bộ nền nhạc jazz đang kêu cứu?
Damien Chazelle bỏ dở vấn đề này. Những người trách nhiệm với jazz còn chưa giải quyết được, nên câu hỏi lớn từ bộ phim dành cho những người yêu âm nhạc: “Jazz rồi sẽ ra sao?” đủ gây ám ảnh và suy nghĩ.
Chắc hẳn, không ít khán giả xem La La Land trong tâm thế chưa hiểu jazz. Phải đính chính lại rằng trong phim không có nhiều ca khúc nhạc jazz, ngay cả bài hát chủ đề City of Stars là nhạc pop. Điều đó cũng dễ lí giải, vì jazz khó dùng ở vai trò tâm tình.
Ngoài chuyện “tồn vong” của jazz, Damien Chazelle còn tinh tế đối sánh ý nghĩa bộ phim với hình tượng nghệ thuật – jazz.
Không hề quá lời khi cho rằng jazz là dòng nhạc tự do nhất vì tinh thần cơ bản, chủ đạo chính là sự ngẫu hứng và sáng tạo (học tập điệu swing).
Nếu nhạc cổ điển đề cao vai trò nhạc sĩ, yêu cầu phải trình diễn đúng khuôn khổ được sáng tác thì jazz bỏ qua điều đó.
Nhạc sĩ J.R. Morton nhận định: “Jazz thuộc về phong cách thể hiện chứ không phải thuộc về phong cách sáng tác”. Quyền lực nằm trong tay người nghệ sĩ, với ngẫu hứng bất kỳ, anh ta có thể góp phần ứng tấu, ứng tác giai điệu, hay thêm lời scat làm bản nhạc luôn mới theo ý muốn.
Nghệ sĩ nhạc jazz chơi đùa cùng những nốt nhạc, họ say sưa nô giỡn, vì đấy là cuộc sống “tạm” hoàn thiện, là thế giới đầy mơ mộng, đam mê, nơi họ thực sự được tự do, thoải mái, bay bổng, yêu đương, tỉnh táo, khờ dại… Phần nhiều những bản jazz có giai điệu vui tươi và nghệ sĩ biểu diễn thường hay mỉm cười, gương mặt, điệu bộ, cử chỉ, thần thái toát lên vẻ tươi tắn, hài hước. Jazz liên kết mọi người lại trong một không gian rất riêng – hòa mình cùng cảm xúc, ngẫu hứng, mặc những ưu tư, phiền lo đời thường. Không gian biểu diễn jazz chẳng cần lộng lẫy, lãng mạn quan trọng nhất phải gần gũi.
Ta tìm thấy nét tương đồng giữa triết lý ngẫu hứng, mặc kệ ưu phiền của jazz với triết lý hãy cứ khờ dại, hãy cứ mộng mơ của bộ phim.
Có sự khờ dại, mộng mơ nào lại không xuất phát từ những ngẫu hứng. Người ta tưởng tượng ra trong đầu những hình ảnh lí tưởng mà bản thân muốn tham gia vào. Chính ngẫu hứng tiếp tục xui khiến người ta “làm điều đó đi” – điều đang thôi thúc con tim.
Những ngẫu hứng của tuổi trẻ mở đầu cho mối tình giữa Seb và Mia (Emma Stone thủ vai), họ gặp nhau, trò chuyện, hẹn hò rồi yêu nhau, hoàn toàn tự nhiên, trong lòng tràn ngập những mơ mộng về mối tình ấy, cho thật đẹp, thật trọn vẹn. Giúp nhau nuôi dưỡng đam mê.
Những ngẫu hứng của trái tim yêu âm nhạc đã mở đầu cho mối duyên giữa Seb với jazz. Jazz ám ảnh Seb mọi lúc mọi nơi. Ngẫu hứng luôn tràn ngập, Seb không giữ được bình tĩnh khi nghĩ về jazz. Những mộng mơ của Seb hướng theo jazz và những dự định cùng jazz.
Những ngẫu hứng của trái tim yêu nghề diễn đã mở đầu cho mối duyên giữa Mia với sân khấu – điện ảnh, cô theo đuổi nó không mệt mỏi, có lúc chán nản nhưng rồi cũng chẳng thể từ bỏ. Thậm chí, cô chấp nhận chi một số tiền lớn để được diễn. Cô mơ mộng về đam mê, về tương lai của mình.
Cuối cùng Seb và Mia chia tay, trả lại thời gian cho nhau thực hiện giấc mơ có phần khá viển vông với họ lúc đó. Thất bại thì đứng lên. Họ hiểu, viển vông đến đâu, nhưng, ai cấm mình mộng mơ, ai cấm mình khờ dại? Giết chết đam mê, giết chết những ngẫu hứng của tuổi trẻ mới tồi tệ. Dù đi con đường riêng, dù xa cách, ai cấm họ nghĩ về đối phương. Nếu tuổi trẻ khó lòng trọn vẹn giữa tình yêu và sự nghiệp, phải từ bỏ một thứ nào, ai cấm họ tiếp tục mộng mơ về điều đã mất?
Tất cả sẽ đưa Seb và Mia đến nơi mà họ không hề biết trước, quá đỗi thú vị. Người nghệ sĩ trình diễn jazz trong thế giới của giai điệu, phá vỡ mọi rào cản, tự do hoàn toàn, đứng trước những nốt nhạc họ khờ dại, mộng mơ, lúc thì giống một đứa trẻ, lúc thì giống một người say, quên những “bụi bặm” của đời sống, chỉ biết hướng đi, hướng thẳng, từ đó âm nhạc phát ra như bản năng. Tinh túy của jazz là ở đây.
Một bản jazz, nếu xuất hiện những giai điệu buồn thì nó cũng chỉ vừa đủ làm người ta se lòng, rồi quên đi, lại vui lên, không bao giờ gây bi lụy. Bộ phim cũng thế, có những đoạn khá buồn, như khi Seb và Mia cãi nhau, Mia diễn thất bại, Seb và Mia chia tay, hai người nhìn thấy nhau sau 5 năm, hay một phần kết thúc khác (tưởng tượng)… nhưng chỉ vừa đủ làm cho khán giả tư lự về sự đánh đổi.
Damien Chazelle đã tìm thấy điểm chung giữa cảm hứng của mình với jazz.
La La Land đích thực là một bản Jazz dành cho tuổi trẻ.
Theo TTT
Bí mật những chiếc váy của Emma Stone trong 'La La Land'
Những chiếc váy rực rỡ Emma Stone mặc trong phim hầu hết là thiết kế của Mary Zophres, lấy cảm hứng từ phong cách thời trang thập niên 1950, 1960.
La La Land, tác phẩm điện ảnh vừa lập kỷ lục tại Quả cầu vàng với 7 giải thưởng, thu hút không chỉ bởi cốt truyện, diễn xuất, mà còn bởi phong cách thời trang bay bổng, đẹp như mơ. Người đứng sau những chiếc váy cuốn hút đó là nhà thiết kế Mary Zophres. Để tái hiện phong cách thập niên 1950-1960, Zophres cho biết bà phải xem lại loạt bộ phim nổi tiếng như The Bandwagon (1953), Singin 'in the Rain (1952), Romeo and Juliet (1996), Strictly Ballroom (1993), Boogie Nights (1997) và Catch Me If You Can (2002) để lấy cảm hứng.
Mỗi chiếc váy đều có một bí mật và câu chuyện đặt để màu sắc trên trang phục rất thú vị. Ở đoạn đầu, khi Mia đi dự tiệc cùng bạn bè, cô khoác lên người tông xanh cobalt, thể hiện tâm trạng vui tươi, lạc quan. Trang phục của ba người bạn cũng phải đồng điệu nhưng không được nổi bật hơn nhân vật chính.
Ấn tượng nhất trong phim có lẽ là chiếc váy dáng chữ A màu vàng, in họa tiết hoa khi Mia khiêu vũ cùng Sebastian. Thực tế, bộ váy này được Mary Zophres lấy cảm hứng từ thiết kế của nhà mốt Versace mà Emma Stone mặc trên thảm đỏ hồi năm 2014. Nhưng nó lại là lựa chọn hoàn hảo cho bối cảnh đêm lãng mạn, ngọt ngào.
Mary Zophres chia sẻ Emma Stone sở hữu vóc dáng đẹp, yêu kiều nên trang phục dành cho cô càng đơn giản càng tốt.
Bộ đầm Versace là nguồn cảm hứng cho trang phục của nữ chính La La Land.
Dù là đồ thiết kế riêng, nhưng tiêu chí Mary đặt ra là không được quá sang trọng, lộng lẫy. Khi khán giả nhìn vào, họ phải cảm thấy có thể mua những chiếc váy này ở bất cứ cửa hàng vintage nào.
Trong lần hẹn hò đầu tiên với người yêu, Mia chọn chiếc váy màu xanh ngọc lục bảo quyến rũ nhưng vẫn kín đáo.
Mary Zophres bật mí thêm hầu hết đầm xòe sử dụng trong phim phải tự thiết kế bởi những món đồ ưng ý bà tìm được ở các cửa hàng lại toàn màu đen. Trong khi đó, La La Land là bộ phim tôn vinh kỷ nguyên phim màu nên họ cần "vũ điệu của những sắc màu" hơn bao giờ hết.
Trong phim, Mia còn diện shift dress - kiểu đầm suông, dài trên gối, lấy cảm hứng từ đầm flapper của những năm 1920. Bộ cánh vừa thanh lịch, lại vẫn hiện đại, trẻ trung.
Chiếc váy hai dây nhân vật nữ chính mặc ở cuối phim là một trong những trang phục màu tối hiếm hoi và là món đồ hiệu duy nhất của Mia (đến từ thương hiệu Jason Wu). Nó thể hiện cho bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô - khi đã thành công và là người nổi tiếng. Nhưng đó cũng là khi những mộng mơ, nồng nhiệt của tuổi trẻ qua đi, nhường chỗ cho sự trưởng thành, xen lẫn một chút tiếc nuối.
Minh Đức
Theo Zing
Hiệp hội Đạo diễn Mỹ trao đề cử cho kẻ dính bê bối hiếp dâm Bị chỉ trích và vắng mặt suốt từ đầu mùa giải thưởng điện ảnh 2016-17, Nate Parker bất ngờ có tên trong danh sách đề cử Đạo diễn mới xuất sắc của DGA với "The Birth of a Nation". Sau SAG (giải của Hiệp hội diễn viên), WGA (giải của Hiệp hội Biên kịch), PGA (giải của Hiệp hội Sản xuất), DGA -...