Lá chắn tên lửa Triều Tiên của Mỹ
Các động thái gần đây của CHDCND Triều Tiên khiến Mỹ vội triển khai hàng loạt biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng từ Bình Nhưỡng.
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ – Ảnh: Reuters
CHDCND Triều Tiên mới đây lại phóng thành công tên lửa đẩy mang vệ tinh lên không gian, một công nghệ tương tự dùng để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Điều này cho thấy chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng ngày càng đáng tin cậy.
Đô đốc Bill Gortney, Chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), hồi năm 2015 từng nhấn mạnh Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Ông Gortney cũng cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08, vốn có tầm bắn ít nhất 10.000 km. Đây là hệ thống vũ khí di động được đặt trên xe tải 16 bánh có thể phóng một hoặc nhiều tên lửa tại bất cứ địa điểm nào.
Hiểm họa trước mắt
Theo chuyên san The National Interest (Mỹ), các đánh giá sơ bộ cho thấy vệ tinh được Triều Tiên đưa lên không gian ngày 7.2 nặng 204 kg, gấp đôi tải trọng của vụ phóng vệ tinh hồi tháng 12.2012, và tên lửa đẩy dùng để phóng vệ tinh có thể có tầm bắn tới 13.000 km, tăng khá nhiều so với tầm bắn khoảng 10.000 km được ước tính trước đó.
Video đang HOT
Tầm bắn xa hơn như vậy sẽ đặt gần như toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ trong tầm ngắm. Đối với tầm bắn 10.000 km, khoảng 38% lãnh thổ Mỹ với 120 triệu dân cũng đã bị “khoanh vùng”, theo The National Interest. Rõ ràng, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là rất nghiêm trọng.
Mặc dù Triều Tiên luôn khẳng định vụ phóng trên là một phần trong chương trình không gian hòa bình song Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cáo buộc đây là vụ thử “tên lửa đạn đạo liên lục địa trá hình”.
Theo tờ The Daily Beast dẫn lời một chuyên gia về Triều Tiên, hệ thống vệ tinh được Bình Nhưỡng phóng lên vũ trụ ngày 7.2 có trọng lượng tương đương một đầu đạn hạt nhân. Hãng Yonhap dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc ngày 14.2 cho biết thêm Bình Nhưỡng cũng đã cho thành lập một đơn vị quân sự mới để triển khai tên lửa đạn đạo di động với tầm bắn vươn tới Mỹ. Giới quan sát nhận định Triều Tiên thực sự là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.
Tăng cường phòng thủ
Đối mặt với các thách thức trên, Mỹ quyết tâm tăng cường các hệ thống phòng thủ bất chấp sự phản đối từ Nga và Trung Quốc.
Theo Sputnik, Washington có thể bảo vệ đất nước khỏi một cuộc tấn công bằng ICBM từ Triều Tiên bằng hệ thống phòng thủ tên lửa đa nhiệm. Theo các chuyên gia quốc phòng, trong trường hợp này, Mỹ có thể chuyển sang hệ thống phòng không cố định đánh chặn tên lửa ở kỳ giữa (GMD), để tiêu diệt toàn bộ tên lửa tấn công trong không gian.
Hiện có 30 giàn phóng tên lửa đánh chặn như vậy được triển khai giữa các căn cứ quân sự ở Alaska và California. Cụ thể, có 26 giàn phóng tên lửa đánh chặn tại căn cứ Fort Greely thuộc bang Alaska và 4 giàn phóng tại căn cứ Vandenberg ở bang California. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có kế hoạch bổ sung thêm 14 giàn phóng trong thời gian sắp tới với tổng chi phí ước tính khoảng 1 tỉ USD. Reuters cho hay số giàn phóng tên lửa đánh chặn này sẽ được Mỹ bố trí tại căn cứ Fort Greely, bang Alaska. Lầu Năm Góc cũng trấn an rằng số giàn phóng nói trên không nhằm vào các tên lửa ICBM của Nga và Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc bố trí thêm hệ thống tại Alaska là nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, Washington đang xem xét chuyển đổi khu thử nghiệm tên lửa ở đảo Hawaii thành căn cứ chiến đấu nhằm tăng cường lá chắn cho bờ Tây trước nguy cơ bị đe dọa tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên và cả Trung Quốc. Reuters dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Mỹ cho hay đề nghị chuyển đổi công năng của khu thử tên lửa này được nói đến từ nhiều năm nay và vừa được giới quân sự nhắc lại sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên ngày 6.1 qua. Washington muốn nhanh chóng đưa ra quyết định đối với căn cứ này trong bối cảnh bị đe dọa tấn công hạt nhân.
Bên cạnh đó, Washington mới đây nhanh chóng cho triển khai thêm một khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot tới Hàn Quốc, đồng thời đã nhất trí đưa hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, theo trang tin Business Insider. Hệ thống này có thể tiêu diệt mọi tên lửa của đối phương ngay trên trời, cho phép khắc chế bất kỳ tên lửa tầm xa nào của Triều Tiên.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Triều Tiên lập đơn vị tên lửa liên lục địa di động
CHDCND Triều Tiên vừa thành lập một đơn vị quân sự mới để triển khai tên lửa đạn đạo di động với tầm bắn vươn tới Mỹ.
Hình ảnh được cho là của tên lửa KN-08 tại một đợt diễu binh - Ảnh: USNI
Thông tin trên do nhiều nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc tiết lộ với Yonhap ngày 14.2. Theo đó, đơn vị mới mang tên Lữ đoàn KN-08 thuộc Lực lượng chiến lược, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tất cả đơn vị tên lửa ở Triều Tiên.
KN-08 cũng là tên của hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn ít nhất 10.000 km được Bình Nhưỡng trình làng lần đầu tiên trong cuộc diễu binh hồi tháng 4.2012. Đây là hệ thống vũ khí di động được đặt trên xe tải 16 bánh có thể phóng một hoặc nhiều tên lửa từ bất cứ địa điểm nào.
Tuần trước, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng tuyên bố Triều Tiên đã thực hiện những bước đầu tiên tiến tới triển khai KN-08 dù hệ thống này chưa được thử nghiệm. Sau đó, trong báo cáo thường niên trình lên quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo nếu được triển khai, KN-08 sẽ rất khó bị phát hiện nhờ vào khả năng di chuyển cơ động. Triều Tiên còn bị cho là đang phát triển khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để có thể gắn trên KN-08 và đây sẽ là "mối đe dọa trực tiếp" đối với lãnh thổ trên đất liền của Mỹ.
Những thông tin trên xuất hiện một tuần sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh lên không gian nhưng bị Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cáo buộc là "thử ICBM trá hình". Để đáp trả, Mỹ vừa triển khai thêm một khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot tới Hàn Quốc, đồng thời hai bên quyết định chính thức tiến hành thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc.
Báo Korea JoongAng Daily dẫn lời một quan chức quốc phòng Seoul cho hay cuộc thảo luận về kế hoạch chi tiết triển khai THAAD sẽ diễn ra trong tuần này. Đến nay, Trung Quốc và Nga vẫn ra sức phản đối Mỹ đặt THAAD ở Hàn Quốc với lập luận động thái này "không đóng góp gì cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên" nhưng lại "đe dọa an ninh" của hai nước này.
Triều Tiên "phát triển vũ khí bằng lương công nhân"
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo hôm qua 14.2 tuyên bố 70% tiền lương mà các công ty nước này trả cho công nhân CHDCND Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong bị miền Bắc đổ vào chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Yonhap dẫn lời ông Hong nói các khoản lương công nhân và chi phí thu được từ Kaesong do Văn phòng 39 của đảng Lao động Triều Tiên quản lý, đây cũng là một trong những nguồn tài chính cho chương trình tên lửa và hạt nhân. Triều Tiên chưa có phản ứng về các tuyên bố trên.
Hiện Seoul đã rút mọi doanh nghiệp làm ăn ở Kaesong về nước nhằm phản đối cuộc phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh của Bình Nhưỡng hôm 7.2. Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố động thái trên đã "khơi mào chiến tranh", đồng thời tịch thu tài sản của các công ty miền Nam ở Kaesong và cắt toàn bộ đường dây liên lạc trong khu vực này.
Minh Trung
Theo Thanhnien
Ông Kim Jong Un thăng tướng một loạt sĩ quan Triều Tiên Để chào đón lễ sinh nhật của cố chủ tịch Kim Jong Il (16.2), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã quyết định thăng quân hàm cho một loạt tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của quân đội, theo Tass ngày 13.2. Lãnh đạo Kim Jong Un vừa thăng tướng cho nhiều sĩ quan cao cấp - Ảnh: Reuters Trước thềm...