Lá chắn chống Covid-19 nhiều lỗ hổng của Anh
Cách ly không triệt để, chậm trễ phong tỏa hay không kịp thời đóng cửa biên giới được cho là những lỗ hổng trong chiến lược chống Covid-19 của Anh.
Một tuần sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson vạch lộ trình đưa đất nước thoát khỏi cảnh phong tỏa, dựa trên thành công từ chiến dịch tiêm chủng Covid-19, nhiều hạn chế lớn đã bị phơi bày trong chiến lược của chính quyền nước này nhằm ngăn chặn các biến chủng nCoV lây lan.
Chính phủ Anh hôm 28/2 kêu gọi truy vết một người bị nhiễm biến chủng nCoV được phát hiện đầu tiên ở thành phố Manaus, Brazil. Người này đã không điền thông tin chính xác vào phiếu đăng ký xét nghiệm, đồng nghĩa nhà chức trách Anh không biết ca nhiễm này là ai, ở đâu.
Tấm bảng ghi tông điệp “hành động ngay để không bị phong tỏa” trên đường phố Manchester, Anh, hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Đây là một trong 6 trường hợp nhiễm biến chủng P1 từ Brazil mà các nghiên cứu cho thấy nó có những đột biến giúp dễ lây truyền hơn và không bị tác động bởi những loại vaccine hiện hành.
Các chuyến bay thẳng Brazil – Anh bị cấm từ tháng một nhưng hai ca nhiễm biến chủng P1 đã được truy vết tới một gia đình trở về từ Brazil vào ngày 10/2. Họ dường như đi trên chuyến bay của Swiss Air từ Sao Paulo, quá cảnh ở Zurich rồi mới tới London.
Ba ca nhiễm biến chủng P1 khác từ Brazil trở về Scotland, quá cảnh ở Paris và London. Chính quyền Scotland không cung cấp thông tin về thời điểm chuyến bay của họ hạ cánh.
Video đang HOT
Những trường hợp này càng khẳng định lời cảnh báo từ giới chuyên gia trước đây rằng việc chính phủ Anh không cấm các chuyến bay gián tiếp trở về từ những quốc gia có nguy cơ cao như Brazil sẽ khiến các biến chủng dễ xâm nhập đất nước hơn.
“Nó cho thấy sự chậm chạp của chính phủ khi ra quyết định đóng cửa ngay các tuyến giao thông chính, đồng thời cho thấy thái độ không sẵn sàng đối diện với thực tế là virus không chỉ xâm nhập từ những chuyến bay thẳng”, lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer nói trong một cuộc họp trực tuyến hôm 1/3.
Nhằm ngăn chặn các biến chủng mới xuất hiện và kiểm soát số ca nhiễm, chính phủ Anh hồi tháng một thông báo kế hoạch cách ly người về từ vùng nguy cơ cao trong khách sạn 10 ngày, nhưng nó chỉ được áp dụng từ 15/2, nhiều tháng sau khi giới chuyên gia y tế khuyến nghị thực hiện biện pháp này.
Thủ tướng Johnson đã bảo vệ các quyết sách của chính quyền, khẳng định Anh đã thực hiện “một trong những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm ngăn người nhập cảnh đất nước, những người có nguy cơ mang các biến chủng đáng lo ngại”.
Tại một cuộc họp báo ngày 1/3, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết tất cả bằng chứng đều cho thấy 5 ca nhiễm biến chủng P1 đã được xác định đều tuân thủ các quy tắc cách ly do nhà chức trách yêu cầu.
Nhưng theo tiến sĩ Gabriel Scally, chủ tịch dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng tại Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Anh, các biện pháp cách ly tại khách sạn khá “nửa vời”.
Quy định cách ly trong khách sạn của Anh áp dụng cho người trở về từ 33 nước trong “danh sách đỏ”, nơi các biến chủng từ Brazil và Nam Phi đã lan tới. Nhưng Scally khẳng định như vậy vẫn là chưa đủ. “Họ nên áp dụng cho tất cả các nước”, ông nói.
Scally chỉ ra rằng Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, không nằm trong danh sách trên. “Nếu xây dựng phương án cách ly, bạn nên làm một cách triệt để hoặc đừng làm”, ông cho hay.
Theo tiến sĩ Catherine Bennett, chủ tịch dịch tễ học tại Đại học Deakin, Australia, biện pháp cách ly tại khách sạn của chính phủ Anh thực sự chưa triệt để. Nó vẫn cho phép người cách ly rời khỏi phòng để đi tập thể dục, thăm người thân sắp mất hay dự tang lễ. Thời gian cách ly cũng chỉ 10 ngày, trái với tiêu chuẩn quốc tế.
Chính phủ Anh được cho là đã chậm chân ngày từ lúc bắt đầu đại dịch. Khi các nước trên thế giới bắt đầu đóng cửa, hạn chế đi lại, biên giới Anh vẫn mở cho tất cả mọi người.
Thủ tướng Anh cầm một lọ vaccine Oxford-AstraZeneca khi thăm trung tâm tiêm chủng ở Wales hồi giữa tháng trước. Ảnh: Reuters .
Phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 4/2020 cho thấy 91% dân số thế giới lúc bấy giờ phải sống dưới lệnh phong tỏa, nhưng Anh không nằm trong số đó.
Chính phủ Anh không ra lệnh hạn chế đi lại trong nước cho tới tháng 6/2020 và người nước ngoài lúc này được yêu cầu tự cách ly hai tuần, tại địa điểm mà họ lựa chọn.
Nhưng một tháng sau, Anh bãi bỏ yêu cầu tự cách ly đối với người đến từ hơn 50 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp.
Mùa du lịch hè đến, dẫn tới việc biến chủng Covid-19 từ Tây Ban Nha xâm nhập đất nước, trở thành biến chủng thống trị ở Anh vào mùa thu năm 2020, Scally cho hay.
Và vào tháng 12, vài tuần trước khi sóng lây nhiễm tồi tệ nhất của đất nước bùng lên, thời gian tự cách ly 14 ngày đối với khách quốc tế được rút ngắn xuống còn 10 ngày.
Kế hoạch cách ly trong khách sạn mất quá nhiều thời gian để thực hiện và biến chủng từ Brazil đã xuất hiện không lâu trước khi nó được triển khai.
Scally cho rằng Anh đã không học hỏi kinh nghiệm từ những nước khống chế dịch thành công như New Zealand hay Australia mà tự tạo ra một hệ thống đầy những lỗ hổng cần vá lại.
Rất nhiều quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương vẫn duy trì lệnh cấm nhập cảnh, ngoại trừ với công dân và cư dân từ nước ngoài trở về. Australia giới hạn lượng khách quốc tế và cư dân trở về ở mức khoảng 4.000 người/tuần.
Trái lại, Anh cho khoảng 15.000 người nhập cảnh mỗi ngày và chỉ 150 người, chiếm 1% con số trên, được cách ly tại khách sạn, Yvette Cooper, nghị sĩ Công đảng, chủ tịch Ủy ban Nội vụ Anh, tuần trước viết trên Twitter. “Đa số vẫn có thể đi thẳng lên phương tiện giao thông công cộng trở về nhà mà không được xét nghiệm”, bà lưu ý.
Australia cũng cấm công dân rời khỏi đất nước và những người trong diện cách ly không được phép rời khỏi khách sạn trong hai tuần.
Tại Singapore, nơi áp dụng các quy định cách ly tương tự, một người đàn ông Anh đã bị phạt tù 6 tháng và nộp phạt hơn 7.500 USD vì rời phòng cách ly để đến gặp hôn thê cũng lưu trú cùng khách sạn.
“Tôi ước gì Anh có thể tham khảo rồi học theo cách làm của những quốc gia thành công hơn và tôi ước họ làm như vậy từ tháng 2/2020″, tiến sĩ Tim Colbourn, phó giáo sư dịch tễ học và y tế toàn cầu tại Đại học London, chia sẻ với CNN.