Lá chắn bí mật của Nga trước pháo phản lực HIMARS Ukraine
Tên lửa HIMARS của Ukraine đã phá huỷ nhiều cây cầu tiếp tế của lực lượng Nga, buộc lực lượng này phải dùng đến loại “lá chắn” bí mật, giấu trong nước.
Mỹ đã chuyển giao nhiều hệ thống HIMARS cho Ukraine, giúp lực lượng Kiev tăng cường sức mạnh. Ảnh: Newsweek
Tờ Newsweek dẫn nguồn quan chức Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Nga đang sử dụng thiết bị phản xạ radar trong nước, đặt bên dưới hai cây cầu hiện đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Ukraine, để đối phó với các cuộc tấn công của tên lửa HIMARS.
Tuần trước, quân đội Nga đã hứng chịu tổn thất sau khi lực lượng Ukraine tấn công cây cầu quan trọng Antonivskiy, và chỉ vài ngày sau là một cầu đường sắt gần đó bắc qua sông Dnipro ở vùng Kherson, miền nam Ukraine, nơi phía Ukraine đang thực hiện một cuộc phản công chiến lược.
Ngày 1/8, Ukraine đã ca ngợi Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, được sử dụng để nhắm vào các cây cầu bắc qua sông Dnipro, cắt đứt đường tiếp tế quân lương của quân đội Nga. Ukraine đang sở hữu 16 hệ thống HIMARS, độ chính xác cao và tầm hoạt động xa, giúp tăng cường sức mạnh cho lực lượng chiến đấu của Kiev.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 4/8 cho biết, để đối phó với các cuộc tấn công nhằm vào những cây cầu ở miền nam Ukraine, Nga “gần như chắc chắn đã đặt các thiết bị phản xạ radar hình chóp trong nước” gần các cấu trúc mục tiêu.
Bộ trên đánh giá: “Các thiết bị phản xạ radar có thể được sử dụng để che giấu cây cầu khỏi hình ảnh radar và thiết bị nhắm mục tiêu tên lửa. Điều này nhấn mạnh mối đe dọa mà Nga cảm thấy từ việc gia tăng phạm vi và độ chính xác của các hệ thống [vũ khí] do phương Tây cung cấp.”
Đánh giá cũng cho biết các đơn vị tên lửa và pháo binh của Ukraine đang nhắm vào các thành trì, cụm quân, căn cứ hỗ trợ hậu cần và kho đạn của Nga. “Điều này rất có thể sẽ tác động đến hoạt động tiếp tế hậu cần quân sự của Nga và gây áp lực lên các đơn vị hỗ trợ chiến đấu của quân đội Nga”, bản đánh giá cho hay.
Tờ Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để tìm hiểu phản ứng trước đánh giá hàng ngày của Bộ Quốc phòng Anh, vốn có xu hướng tập trung vào lợi ích của Ukraine.
Video đang HOT
Kể từ tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã viện trợ nhiều đợt các hệ thống tên lửa HIMARS cho Ukraine. Lợi thế lớn nhất của HIMARS so với các hệ thống vũ khí khác là tầm bắn của nó. Tầm bắn xa giúp cho quân đội Ukraine có thể sử dụng HIMARS từ những địa điểm ở xa mà không trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công đáp trả từ Nga.
Các hệ thống HIMARS sử dụng đạn tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh để tấn công 12 kho vũ khí của Nga từ cuối tháng 6. Theo Tờ New York Times, thậm chí chính Nga cũng đã “thừa nhận về sức mạnh và độ chính xác của hệ thống vũ khí này”. HIMARS hiện là trung tâm trong tuyến phòng thủ của Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh kho đạn dược của Ukraine có từ thời Liên Xô đang cạn kiệt.
Đây là hệ thống pháo phản lực tầm trung do Lockheed Martin sản xuất, có khả năng phóng loạt đạn tên lửa dẫn đường chính xác. Theo Lockheed Martin, HIMARS được trang bị để phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống HIMARS M142. Mỗi HIMARS được trang bị 6 tên lửa dẫn đường bằng định vị GPS cỡ nòng 227 mm và mỗi tên lửa có tầm bắn là 84 km.
M142 hiện đại hơn, nhẹ hơn và dễ vận chuyển hơn so với pháo phản lực M270 được phát triển vào những năm 1970 ở Mỹ. Pháo phản lực HIMARS M142 điển hình có chiều dài 7 mét, chiều rộng 2,4 mét và chiều cao 3 mét. HIMARS chỉ cần một số lượng nhỏ những người vận hành và duy trì hệ thống.
Binh sĩ Mỹ đứng nhìn một vụ tấn công của tên lửa HIMARS tại Afghanistan năm 2003. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, Kiev đã cảnh báo rằng các lực lượng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới ở miền nam Ukraine. Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga tiến hành không kích vào các khu định cư ở khu vực Mykolaiv và phía đông Kharkiv gần biên giới với Nga vào sáng 4/8.
Các lực lượng Ukraine cũng khẳng định họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở Slovyansk, Kramatorsk, Bakhmut và Avdiivka trong vùng Donetsk. Trong khi đó, ông Dmytro Zhyvytsky, thống đốc vùng Sumy gần biên giới Nga cho biết lực lượng của Moskva đã nã pháo vào 3 thị trấn. Thị trưởng Nikopol, ở phía Zaporizhzhia, miền trung Ukraine, Yevhen Yevtushenko, cũng cho hay trên kênh Telegram rằng thành phố của ông đã bị pháo kích trong đêm 4/8.
Phía Nga chưa phản hồi về các cáo buộc nói trên.
Các vụ pháo kích xảy ra khi Liên hợp quốc đang điều tra về vụ nổ tại một doanh trại ở Olenivka do lực lượng đòi độc lập kiểm soát, nằm trong khu vực Donetsk, khiến 53 tù nhân chiến tranh Ukraine thiệt mạng. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau thực hiện vụ tấn công này.
Quân đội Belarus kiểm tra sẵn sàng chiến đấu gần biên giới Ukraine
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các lực lượng hoạt động đặc biệt của Belarus đã tổ chức kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu ở khu vực giáp biên giới với Ukraine.
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko gặp gỡ binh sĩ tham gia tập trận ở Brest ngày 12/9/2021. Ảnh: AFP/Getty Images
Quân đội Belarus đã kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu gần biên giới với Ukraine vào ngày 4/8, ngay sau khi Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Belarus nếu quân đội của họ can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Tờ Newsweek dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine trên Facebook rằng một số đơn vị thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt của Belarus đã tổ chức kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Tuyên bố cho biết một số đơn vị Belarus ở Volhynia và Polesia cũng được giao nhiệm vụ tăng cường bảo vệ một phần biên giới Belarus-Ukraine ở khu vực Brest và Gomel.
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus đưa tin rằng Belarus sẽ cử hơn 250 quân nhân đến Nga để tham gia tập trận từ ngày 30/8 đến 5/9. Cuộc tập trận sẽ do Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov chỉ huy.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhắc lại rằng Kiev sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Belarus nếu quân đội của họ can dự vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Nga, đã cho phép Moskva đóng quân ở Belarus và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở nước này. Tuy nhiên Belarus không đưa quân vào Ukraine.
Ngoại trưởng Kuleba nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 3/8: "Chúng tôi không ảo tưởng về Belarus. Chúng tôi có một phân tích tỉnh táo về những gì đang xảy ra và làm thế nào để không cho ông Lukashenko thêm lý do để ra quyết định [can dự cùng với Nga].
"Tôi đã nói công khai điều này và lập trường của tôi không thay đổi. Nếu các lực lượng vũ trang Belarus can thiệp vào Ukraine, tôi sẽ ngay lập tức đề xuất chấm dứt quan hệ ngoại giao với họ", quan chức Ukraine nhấn mạnh.
Kuleba nói thêm rằng ông tin Belarus là một "đồng minh" cho những gì xảy ra ở Ukraine và rằng "không có lời bào chữa nào và sẽ không có bất kỳ lý do nào cho điều đó".
Hồi tháng 7, ông Denys Monastyrskyi, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cũng là phụ tá của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói với một bản tin địa phương rằng Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiềm tàng từ Belarus.
Theo thông tin của tờ Ukrinform vào ngày 13/7, các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng gần biên giới Belarus và gần chiến tuyến. Ông Monastyrskyi khi đó cho biết: "Chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động ở các khu vực biên giới với Cộng hòa Belarus. Chúng tôi đang nghe thấy những tín hiệu về khả năng xảy ra cuộc tấn công của một nhóm do thám và lật đổ từ vùng lãnh thổ này."
Bộ trưởng Monastyrskyi cho biết cảnh sát quốc gia Ukraine, lực lượng vũ trang và các cơ quan khác chịu trách nhiệm an ninh đã "tăng cường công việc của họ" gần biên giới Ukraine với Belarus. "Tại các khu vực giáp ranh với những nơi đang diễn ra chiến sự, công việc của các nhân viên thực thi pháp luật cũng đã được tăng cường để xác định những nhóm do thám và lật đổ", ông Monastyrskyi nói thêm vào thời điểm đó.
Binh sĩ Nga trên xe quân sự gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Enerhodar, vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine. Ảnh: AP
Trong khi đó, theo trang Al Jazeera, Ukraine bắt đầu cuộc phản công ở tỉnh Kherson bằng cách cắt đứt các đường tiếp tế của Nga tới các vị trí tiền phương.
Từ trước ngày 2/8, Ukraine đã tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát với 46 khu định cư ở tỉnh Kherson ở miền nam đất nước và họ cho biết con số cộng đồng dân cư được kiểm soát đã tăng trở lại trong tuần qua.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết cuộc phản công Kherson đang "lấy được đà" sau khi hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Ukraine vận hành tấn công ba cây cầu tiếp tế do Nga kiểm soát trên sông Dnepr từ ngày 20 đến 27/7.
Vào ngày 30/7, Ukraine tiếp tục tấn công, làm hỏng một cầu đường sắt bắc qua sông Dnepr, khiến việc vận chuyển hàng hóa không thể thực hiện được. Các cuộc tấn công này đã gây nguy hiểm tới khả năng tiếp tế của Nga cho các vị trí tiền phương ở miền nam Ukraine.
Ukraine phóng nhiều tên lửa HIMARS tấn công cây cầu then chốt ở miền nam Các lực lượng Ukraine đã phóng nhiều tên lửa HIMARS, làm hư hại nghiêm trọng một cây cầu quan trọng với lực lượng quân đội Nga ở miền nam Ukraine. Cầu Antonovskiy bị hư hại do trúng tên lửa của lực lượng Ukraine. Ảnh: Telegram/CNN Hãng tin AP dẫn lời ông Kirill Stremousov, Phó lãnh đạo chính quyền lâm thời ở khu vực...