Kỳ vọng nâng chất thị trường chứng khoán
Tuần qua, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021. Luật sửa đổi lần này có nhiều quy định chặt chẽ trong giám sát giao dịch, phát hành riêng lẻ, chất lượng công bố thông tin… Các tiêu chuẩn cao hơn được nhìn nhận sẽ giúp chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường nâng lên, từ đó nâng cao chất lượng thị trường, tiến tới nâng hạng. ĐTTC giới thiệu một số điểm mới đáng chú ý của luật.
1. Điều kiện chào bán CP lần đầu ra công chúng (IPO) của CTCP: Mức vốn điều lệ (VĐL) đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; cổ đông lớn trước thời điểm IPO của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% VĐL của tổ chức phát hành tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán…
Đáng chú ý trong đó có quy định tối thiểu 15% CP có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 NĐT không phải là cổ đông lớn (trường hợp VĐL của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu 10%).
Trước đó, giải trình về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết với quy định trên tất cả trường hợp IPO thành công sẽ luôn đáp ứng được quy định là công ty đại chúng (CTĐC); đồng thời, việc quy định về IPO thành công đối với công ty có mức VĐL thấp hơn 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ tối thiểu 15% sẽ đáp ứng được tính đại chúng cao hơn, hướng tới việc gắn liền hoạt động chào bán CK ra công chúng với niêm yết CP.
Theo quy định về điều kiện chào bán thêm CP ra công chúng của CTĐC: “Giá trị CP phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị CP đang lưu hành tính theo mệnh giá…”.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp tăng vốn quá nhanh, trong khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp nhằm bảo đảm việc huy động vốn của doanh nghiệp phải gắn với việc sử dụng vốn. Bên cạnh đó, các cổ đông thiểu số sẽ được bảo vệ trong trường hợp không có đủ khả năng tài chính để thực hiện quyền mua CP.
Đối với trường hợp cần nguồn vốn lớn để thực hiện dự án, doanh nghiệp vẫn có thể thông qua các kênh huy động vốn khác như: bảo lãnh phát hành, chào bán CP riêng lẻ, phát hành trái phiếu…
Cũng liên quan đến phát hành CP, theo luật, tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch CP/trái phiếu trên hệ thống giao dịch CK sau khi kết thúc đợt chào bán (quy định này nhằm khắc phục tình trạng nhiều CTĐC không thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch sau khi kết thúc chào bán); chào bán CK riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là CTĐC thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan (Luật CK điều chỉnh phát hành CK của CTĐC); đối tượng tham gia đợt chào bán riêng lẻ của CTĐC, CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư CK chỉ bao gồm NĐT chiến lược, NĐT CK chuyên nghiệp (để bảo vệ NĐT, tránh việc thực hiện chào bán riêng lẻ thay vì thực hiện thủ tục chào bán ra công chúng với các quy định chặt chẽ hơn…).
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật, quy định khác liên quan đến hoạt động CK và TTCK, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật… Mức phạt tiền tối đa với tổ chức trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK 3 tỷ đồng, cá nhân 1,5 tỷ đồng.
Các hình thức xử phạt bổ sung với hành vi vi phạm thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, bao gồm: đình chỉ có thời hạn các hoạt động về CK và TTCK; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề CK có thời hạn từ 1-3 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hành chính.
Đồng thời, Điều 7 của luật đã bổ sung các biện pháp mạnh, như cấm đảm nhiệm chức vụ tại CTCK, công ty quản lý quỹ… có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện các hoạt động về CK và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
3. Báo cáo tài chính năm của tổ chức phát hành phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thuộc lĩnh vực CK. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần. Trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.
Việc xử lý vi phạm của tổ chức kiểm toán trong việc để xảy ra tình trạng báo cáo của các công ty không chính xác hoặc có những thông tin sai lệch sẽ được quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK.
4. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật CK (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Sở Giao dịch CK Việt Nam, Tổng công ty lưu ký và bù trừ CK Việt Nam phải hoạt động theo quy định của luật này. Các sở giao dịch CK và Trung tâm Lưu ký CK đã thành lập và hoạt động trước ngày Luật CK (sửa đổi) có hiệu lực, tiếp tục tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật CK số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12.
Cũng sau 2 năm, CTCK không đáp ứng điều kiện của Luật CK (sửa đổi), căn cứ vào tình hình thực tế của CTCK đó và các điều kiện của luật, yêu cầu CTCK thực hiện điều chỉnh giấy phép theo hướng rút bớt nghiệp vụ (vì điều kiện về VĐL và nhân sự của CTCK được quy định theo từng nghiệp vụ kinh doanh của CTCK), không thực hiện thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK đó ngay.
Video đang HOT
Quang Minh
Theo saigondautu.com.vn
Kỳ vọng thị trường chứng khoán cải thiện niềm tin khi có luật mới
Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi được các thành viên thị trường kỳ vọng sẽ cải thiện niềm tin trong giới đầu tư, mang lại dư địa mới cho thị trường chứng khoán phát triển trong gian đoạn tới.
Trông đợi 1 năm sẽ hoàn tất văn bản hướng dẫn Luật
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM.
Việc Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi mang lại một số tác động tích cực đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Trong đó, phải kể đến định hướng hình thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, còn toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được tổ chức qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Đây là sự phân tách hợp lý và cần thiết cho sự phát triển chuyên nghiệp của thị trường, tạo thuận lợi cho các công ty chứng khoán, nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ, giao dịch trên thị trường.
Mặt khác, các quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, tăng chế tài xử phạt... được trông đợi sẽ tạo ra nét mới cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới.
Hiện không ít nội dung tại Luật Chứng khoán sửa đổi quy định nguyên tắc, nên chỉ có thể được áp dụng khi có văn bản hướng dẫn rõ ràng.
Bởi vậy, chúng tôi đang rất mong chờ cơ quan quản lý khẩn trương bắt tay hoàn tất soạn thảo hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật, để làm sao hoàn tất việc này trong vòng 1 năm tới, đảm bảo khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 thì các văn bản hướng dẫn đã đáp ứng được yêu cầu đưa vào áp dụng đồng bộ. Có như vậy mới phát huy được những quy định mới trong hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.
Kỳ vọng mang lại dư địa mới cho công ty chứng khoán phát triển...
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam.
Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có một số điểm mới về nâng cao chất lượng hàng hóa, minh bạch thông tin, gia tăng chế tài xử phạt... Chúng tôi kỳ vọng, khi được áp dụng, Luật sẽ góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, tích cực hơn.
Đặc biệt, việc Luật Chứng khoán sửa đổi trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong làm rõ các vi phạm, cũng như tăng nặng chế tài xử phạt đang được kỳ vọng sẽ gia tăng tính răn đe với các vi phạm, từ đó, giúp cải thiện tính công bằng, minh bạch trên thị trường. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Với một số quy định mới tại Luật Chứng khoán sửa đổi, các công ty chứng khoán đang chờ đợi sẽ có thêm dư địa phát triển mới trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành dịch vụ chứng khoán ngày một gay gắt.
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.
Điểm mới tích cực của Luật Chứng khoán sửa đổi là giúp cho cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế. Đó là toàn bộ hoạt động giao dịch cổ phiếu được tổ chức tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Còn giao dịch trái phiếu, sản phẩm phái sinh được tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Mục tiêu cuối cùng Việt Nam cần tiến đến như thông lệ quốc tế là có một sở giao dịch chứng khoán tập trung cho toàn bộ các hoạt động giao dịch, vừa thuận lợi cho hoạt động của các công ty cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, vừa hạn chế bớt chi phí vận hành bộ máy có nhiều ban bệ như hiện nay.
Với các quy định mới về nâng điều kiện phát hành chứng khoán để huy động vốn của các công ty, một mặt chất lượng hàng hóa sẽ được nâng lên, nhưng kèm đó việc huy động vốn của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.
Các hoạt động phát hành trái phiếu trên cơ sở lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của nhà đầu tư để huy động vốn sẽ được kiểm soát chặt hơn nhờ những quy định mới về phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng, nhà đầu tư chuyên nghiệp...
Do đó, cửa phát hành chứng khoán để huy động vốn qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp chỉ rộng mở với các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp, tạo dựng được uy tín và niềm tin trong nhà đầu tư.
Ngược lại, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cũng như động thái phát hành có biểu hiện kém minh bạch, trách nhiệm giải trình kém... sẽ khó huy động vốn. Điều này đang được kỳ vọng sẽ cải thiện tính minh bạch cho thị trường chứng khoán không phải trong ngắn hạn mà là trong dài hạn.
Một điểm mới tích cực nữa của Luật Chứng khoán sửa đổi là lần đầu tiên đặt ra khái niệm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Điều này đương nhiên sẽ hạn chế một lượng không nhỏ nhà đầu cá nhân không đáp ứng được tiêu chí của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia các đợt phát hành, nhất là phát hành trái phiếu.
Điều này sẽ khiến cho hoạt động phát hành chứng khoán huy động vốn của doanh nghiệp không còn dễ dãi như hiện tại, do đối tượng nhà đầu tư tham gia các đợt phát hành sẽ giảm. Nhưng đổi lại, chất lượng nhà đầu tư sẽ được cải thiện.
Trong mối tương quan như vậy, để phát hành được chứng khoán nhằm huy động vốn, nếu doanh nghiệp không đưa ra chào bán các sản phẩm đảm bảo chất lượng và uy tín sẽ khó huy động được vốn.
Nói cách khác, từ sức ép của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, tính minh bạch và chuyên nghiệp trong các hoạt động giao dịch trên thị trường trong giai đoạn phát triển tới.
Ngoài những điểm tích cực trên, điều tôi băn khoăn từ trước khi Luật được thông qua là vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa được nâng đúng tầm là một cơ quan có tính độc lập cao trực thuộc Chính phủ.
Việc cơ quan này vẫn thuộc Bộ Tài chính, trong khi lại được giao chủ động trong ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho hoạt động của thị trường sẽ tiềm ẩn một số rủi ro.
Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ có là văn bản quy phạm pháp luật không, hay na ná là văn bản quy phạm pháp luật. Nếu như vậy thì sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật, nên có nguy cơ nhà quản lý can thiệp hành chính "quá tay" vào hoạt động của thị trường.
Chế tài xử phạt hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng là một bước tiến
Ông Trần Tiến Dũng, Nhà đầu tư tại Hà Nội.
Là nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngay từ đầu, điều tôi đang chờ đợi là với quy định mới về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như gia tăng chế tài xử phạt, các vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ được nghiêm trị, để các nguyên tắc cốt lõi của thị trường là tính công bằng và minh bạch không bị xói mòn.
Đương nhiên, Luật đưa ra chế tài mới theo hướng tăng nặng là bước tiến, nhưng điều này có đi vào cuộc sống tốt hay không, qua đó phát huy tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm, còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan thực thi chính sách và xử phạt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tôi trông chờ các vi phạm trên thị trường chứng khoán tới đây sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhanh chóng làm rõ và xử lý đảm bảo công bằng. Cùng với đó, các hành vi vi phạm cần được công khai rộng rãi đến các thành viên thị trường.
Ngoài phạt tiền, cần áp dụng nhiều hơn các hình xử phạt bổ sung là tước giấy phép hành nghề, cấm giao dịch tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Chỉ khi các chế tài xử lý đủ nặng thì mới khiến đối tượng muốn vi phạm sợ. Có nghĩa là chế tài xử phạt phải phát đi tín hiệu kẻ vi phạm sẽ mất rất nhiều so với được, thì mới phát huy tính răn đe trong phòng ngừa và xử lý vi phạm.
Nhà đầu tư cá nhân đang bị xử ép, chịu thiệt, mất tiền nhưng chẳng biết kêu ai.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Bảy biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 26-11 quy định 4 nguyên tắc hoạt động, 7 hành vi bị nghiêm cấm và 7 biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều, quy...